Dân bản Pú Chứn “khát nước”: UBND huyện Thuận Châu nói gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt về việc cuộc sống của 15 hộ dân ở bản Pú Chứn (xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đang bị đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thuận Châu khẳng định sẽ xây cho mỗi hộ dân ở đây một bể chứa nước mưa.
Trước đó, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt có đăng tải 2 bài: “Sơn La: Nắng nóng kéo dài, dân Pú Chứn gạn từng giọt nước nhiễm bùn”; “Clip: Vì sao Pú Chứn phải chắt chiu từng giọt nước, kể cả nước đục?” phản ánh về tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại bản Pú Chứn, xã Long Hẹ đang khiến đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.
Phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt làm việc với ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: “Sau khi Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt có bài phản ánh về tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại bản Pú Chứn, UBND huyện đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện trực tiếp xuống cơ sở khảo sát và lập phương án”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu: Ngày 10/3, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng đã phối hợp với UBND xã Long Hẹ lên bản Pú Chứn khảo sát để lập chủ trương đầu tư dự án xây bể chứa nước cho các hộ dân.
Huyện Thuận Châu sẽ xây dựng 15 bể nước cho 15 hộ dân ở nhóm I, bản Pú Chứn.
Theo biên bản làm việc ngày 10/3, giữa đại diện Ban quản lý dự án huyện với UBND xã Long Hẹ và chính quyền bản Pú Chứn về việc khảo sát lập chủ trương đầu tư xây dựng công trình bể chứa nước tại bản Pú Chứn, xã Long Hẹ. Hiện nay, bản Pú Chứn gồm có 34 hộ dân, chia thành 3 nhóm: Nhóm I có 15 hộ dân đang dùng 100% nước mưa; nhóm II có 14 hộ và nhóm III có 5 hộ đang sử dụng mó nước nhưng chưa đảm bảo.
“Hiện nay, Ban quản lý dự án huyện đã phối hợp với UBND xã Long Hẹ xây dựng được phương án và lập dự toán đưa vào đầu tư trong giai đoạn năm 2020. Đối với nhóm I dùng nước mưa 100% mà báo phản ánh, sẽ đầu tư xây dựng 15 bể chứa nước 5m3 cho 15 hộ dân; nhóm II xây dựng 1 bể nước 10m3 tập trung; nhóm III xây dựng 1 bể tập trung 5m3 cho bà con”, ông Hoàng thông tin.
Video đang HOT
Do nắng nóng kéo dài, những hố tích nước mưa của bà con đã cạn trơ đáy khiến cuộc sống của 15 hộ dân ở bản Pú Chứn gặp nhiều khó khăn.
Như Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã phản ánh về tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài nhiều tháng qua tại bản Pú Chứn (xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đang khiến đời sống sinh hoạt của hàng chục hộ dân lâm vào cảnh khốn đốn. Người dân nơi đây đang phải dành dụm, chắt chiu từng giọt nước, kể cả nước không đảm bảo vệ sinh để tái sử dụng nhiều lần cho những công việc đòi hỏi cần đến nước dùng.
Bản Pú Chứn có 34 hộ dân sinh sống với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 90% (31/34 hộ). Hàng chục năm qua, bản Pú Chứn không có lấy một mó nước để uống. Để có nước sử dụng đảm bảo đời sống sinh hoạt, các hộ dân sinh sống tại đây cùng hợp sức lại đào nên những hố tích nước mưa “khổng lồ”.
Để đảm bảo nước sinh hoạt, người dân Pú Chứn phải chắt chiu từng giọt nước và tái sử dụng cho nhiều công việc khác nhau.
Ông Mua Nỏ Thào – Trưởng bản Pú Chứn, bảo: “Gia súc, gia cầm đều đã bị rơi xuống những chiếc hố này. Con nào may mắn được người dân phát hiện và cứu được thì sống. Còn việc chuột, dúi, rắn chết trong hố là chuyện hết sức bình thường. Người dân cũng nhận thức được rằng uống thứ nước có động vật chết là mất vệ sinh và không an toàn nhưng không còn cách nào khác nên bà con đành chấp nhận”.
“Nguyện vọng của người dân chúng tôi không có gì khác ngoài mong muốn được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng các bể chứa nước để khắc phục được những khó khăn trên. Không có cái khổ nào bằng thiếu nước sinh hoạt. Vừa rồi thấy có cán bộ về khảo sát các địa điểm để xây dựng bể cho bà con trong bản, chúng tôi vui lắm” – anh Thào bày tỏ.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, bà Giàng Thị Súa, bảo: “Các con, các cháu phải vất vả đi hàng chục cây số để chở nước. Bởi vậy, để tiết kiệm nước cho gia đình, một chậu nước đổ ra những người già như chúng tôi phải dùng đi dùng lại nước nhiều lần cho nhiều công việc khác nhau. Với lượng nước ít ỏi đó, sau một ngày đi làm nương về ngứa ngáy khắp người, tôi phải tận dụng cho 3 công việc khác nhau. Đầu tiên rửa tay, rửa mặt, rửa chân và cuối cùng đổ vào nồi cám để nấu cho lợn ăn”.
Như vậy, sau khi tiếp nhận được thông tin phản ánh của Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, huyện Thuận Châu đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khảo sát, nắm tình hình để triển khai đầu tư xây dựng bể chứa nước cho các hộ dân ở Pú Chứn, đảm bảo cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào nơi đây bớt đi những khó khăn. Qua đó, góp phần thiết thực trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Pú Chứn.
Theo Danviet
Sơn La: Nắng nóng kéo dài, dân Pú Chún gạn từng giọt nước nhiễm bùn
Do nắng nóng kéo dài, hiện nay, cuộc sống của hàng chục hộ dân tại bản Pú Chứn (xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đang bị đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt.
Hố tích nước cạn trơ đáy
Pú Chứn vốn là vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Cụm I, bản Pú Chứn có 15 hộ dân sinh sống thì duy nhất hộ ông Trưởng bản không phải là hộ nghèo. Từ lâu, nơi đây không có lấy một mó nước để uống. Để tồn tại được ở đây, hàng chục năm qua, các hộ dân cùng hợp sức lại đào nên những hố tích nước mưa "khổng lồ" để phục vụ sinh hoạt.
Nắng nóng kéo dài khiến cuộc sống người dân Pú Chứn bị đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: S.T.L
Chia sẻ với chúng tôi, ông Mua Sáu Chía (sinh năm 1948), ngao ngán bảo: "Tôi sống ở đây gần 70 năm nay, chưa có năm nào lại thiếu nước như năm nay. Nắng nóng kéo dài liên miên hàng tháng trời, không có lấy một giọt mưa. Những hố tích nước mưa của bà con cạn trơ đáy, đất nứt nẻ.".
Theo anh Mùa Khua Cá, do không có lấy một mó nước để sinh hoạt nên các cụ ngày xưa sinh sống tại đây chỉ biết đào những hố nước "khổng lồ" để tích nước mưa. Mùa mưa đến, những chiếc hố này tích đầy nước cũng đủ cho người dân dùng nửa năm. Nhưng từ trước tết đến giờ không có lấy một giọt mưa, hố tích nước của các hộ dân ở đây đều cạn kiệt.
"Chưa năm nào bà con lại thiếu nước trầm trọng như năm nay. Chúng tôi có thể thiếu điện, thiếu gạo ăn nhưng thiếu nước uống làm sao sống được đây" - anh Cá giãi bày.
Người dân chấp nhận sử dụng lượng nước vàng khè còn sót lại trong hố. Ảnh: S.T.L
Cùng ông Chía đi xem các hố nước tích nước mưa - nơi cung cấp nước uống hàng chục năm qua cho 15 hộ dân nơi đây. Chúng tôi không khỏi giật mình bởi đó là những chiếc hố tích nước "khổng lồ" sâu và rộng từ 3 - 4m. Tiềm ẩn nguy hiểm rình rập đến tính mạng người dân đi lấy nước, đặc biệt là người già và trẻ em.
Nói về sự nguy hiểm của những chiếc hố tích nước, anh Mua Nỏ Thào - Trưởng bản Pú Chứn, cho biết: "Biết những chiếc hố này tiềm ẩn nguy hiểm rình rập nên trong các cuộc họp bản, chúng tôi đã quán triệt tới các hộ dân không được cho người già, trẻ em đi lấy nước".
Anh Thào cho biết thêm: Gia súc, gia cầm đều đã bị rơi xuống những chiếc hố này. Con nào may mắn được người dân phát hiện và cứu được thì sống. Còn việc chuột, dúi, rắn chết trong hố là chuyện hết sức bình thường. Người dân cũng nhận thức được rằng uống thứ nước có động vật chết là mất vệ sinh và không an toàn nhưng không còn cách nào khác nên bà con đành chấp nhận.
Đi hàng chục cây số "xin" nước
Anh Mua Khua Cá bộc bạch: "Để có nước sinh hoạt, tôi và nhiều hộ dân nghèo tại đây phải bán con lợn, con gà lấy tiền mua xăng đi hàng chục cây số xin nước ở các bản khác. Nếu cứ tình trạng khát nước như này, mấy tháng nữa chắc lợn, gà người dân cũng đi hết. Nghèo lại hoàn nghèo".
Đang cặm cụi cúi múc từng gáo nước vàng khè còn sót lại dưới đáy từ cái hố nước sâu hun hút đổ vào can 20 lít, chị Vàng Thị Lúa nói: "Hơn 2 tháng nay, 2 hố tích nước của nhà tôi cạn trơ đáy. Còn nước này đục lắm. Để dùng được, tôi đổ ra chậu đợi bùn lắng xuống rồi múc lấy phần trên dùng thôi".
Những ngày này, cuộc sống của hàng chục hộ dân ở cụm I, bản Pú Chứn đang bị đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt. Theo Trưởng bản Pú Chứn: Để có nước đảm bảo nhu cầu ăn, uống chưa nói đến tắm, giặt, ông và bà con phải đi hàng chục cây số xuống xin nước ở các bản vùng thấp. Người nào quen biết thì xin được. Người nào không quen biết thì xuống chở nước suối Nặm Nhứ về dùng.
"Không có nước ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Đi làm nương cũng chẳng được ở nhà cũng chẳng xong. Chúng tôi ngày nào cũng phải bỏ ra vài chục nghìn mua xăng đi chở từ 3 - 4 chuyến nước mới đủ dùng. Nhà đã nghèo rồi lại càng nghèo thêm" - ông Thào lắc đầu nói.
"Nguyện vọng của người dân chúng tôi không có gì khác ngoài mong muốn được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng các bể chứa nước để khắc phục được những khó khăn trên. Không có cái khổ nào bằng thiếu nước sinh hoạt. Hàng chục năm qua, bà con đã đề nghị rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín" - anh Thào bày tỏ.
Theo Danviet
Gia Lai: Giúp hội viên cải thiện sinh kế, xóa nghèo Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hợp tác trung hạn giữa Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) với các tổ chức nông dân ở khu vực châu Á Thái Bình Dương (Chương trình MTCP 2). Đây là chương trình hướng đến mục tiêu cải thiện...