Đàm Vĩnh Hưng và Trấn Thành: Có thể chẳng sai nhưng lố!
Có thể Trấn Thành hay Đàm Vĩnh Hưng vẫn đang ấm ức vì sự phản đối tưởng như vô cớ của công chúng. “Dù sao thì chúng tôi cũng không vi phạm pháp luật”, kiểu vậy.
Tôi nghĩ Trấn Thành không sai khi nói rằng, bốn chữ hào-quang-rực-rỡ thật sự rất khó nuốt.
Từng nói chuyện với rất nhiều những nghệ sĩ nổi tiếng, kết bạn với không ít người, tôi biết đằng sau hào quang rực rỡ ấy là một áp lực khổng lồ. Những đêm dài mất ngủ, những lịch trình không một ngày trống, và nỗi lo sợ phập phồng để tìm cách duy trì thứ tình yêu vốn khó nắm bắt của khán giả. Để có được sự “rực rỡ”, họ phải chấp nhận đánh đổi đời sống riêng tư và sẵn sàng lao mình vào một guồng quay khắc nghiệt bào mòn sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Tôi cũng nghĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng không sai khi đồng ý đưa danh hiệu The King vào bộ phim tiểu sử về mình. Với những người bước lên từ con số 0, nhìn lại những thành tựu mình đạt được là một niềm tự hào khó nói nên lời. Có nhẽ nhiều người sẽ muốn ăn mừng điều đó. Ừ đúng, chẳng sai.
Cuộc sống là vậy. Mọi khái niệm đúng – sai đều chỉ là tương đối. Nếu không thuộc về phạm trù đạo đức, thật khó để phán xét rằng câu nói này liệu có sai ở đâu, hay hành động này hình như chưa đúng. Rất có lẽ Trấn Thành hay Đàm Vĩnh Hưng vẫn đang ôm trong lòng một nỗi hàm oan và ấm ức vì sự phản đối tưởng như vô cớ của công chúng. Dù sao thì chúng tôi cũng không vi phạm pháp luật, kiểu vậy.
Nhưng cái lối suy nghĩ “chúng tôi không làm gì sai” vốn dĩ là một cái bẫy chết người với giới nghệ sĩ. Một cái bẫy thật sự có thể đánh bay sự nghiệp của họ chỉ trong vài đêm.
Một nghệ sĩ giải trí nổi tiếng – về cơ bản – là không thể nói: “Tôi không làm gì sai để bạn lên án và nhạo báng tôi”. Đó là thứ lập luận một chiều khi đặt trong hệ quy chiếu của một ngành nghề tồn tại bằng tình yêu thương của công chúng. Làm nghệ sĩ, đừng nói là chỉ làm nghệ thuật, mà còn là sống trên lằn ranh yêu – ghét của khán giả. Ngay từ khi bắt đầu, một nghệ sĩ giải trí phải chấp nhận sự thật rằng: Từ nay, họ sẽ sống và lao động để có được sự cảm mến từ khán giả. Điều đó không chỉ đến từ việc họ làm những sản phẩm hay để khán giả đón nhận, mà còn đến từ cá tính, ứng xử và nhân cách mỗi người. Khán giả không chỉ yêu sản phẩm, họ còn có nhu cầu yêu cả những người làm ra nó. Ai muốn phản biện thì tùy, nhưng đó là cách mà ngành công nghiệp giải trí này vận hành.
Quay trở lại với câu chuyện, thật ra Trấn Thành và Đàm Vĩnh Hưng chẳng làm gì sai.Họ: Một người tỏ ra bất mãn với nghề nghiệp và ấm ức trước thái độ khắt khe của khán giả. Một người lại phô trương về thành tựu cá nhân. Rất dễ để nhận ra vấn đề ở đây là gì: Thái độ tự mãn và ích kỷ của họ có thể là thứ khiến khán giả quay lưng.
Tự mãn ở đâu? Ở chính cái danh hiệu nhà vua xuất hiện trong bộ phim tiểu sử của Mr. Đàm. Ai cũng có quyền tự hào về những gì mình đã trải qua và đạt được. Nhưng để làm riêng một bộ phim về mình, chấp nhận việc được gọi là nhà vua và đứng trên tất cả thì có thể nói đó là một sự tự mãn đến mức… ngạo mạn. Đúng là Đàm Vĩnh Hưng có nổi tiếng tột độ trong một giai đoạn, nhưng đó là một giai đoạn Vpop mới manh nha phát triển và người ta không có nhiều lựa chọn. Đóng góp cho nhạc Việt của Đàm Vĩnh Hưng không phải là không có. Nhưng sự đóng góp theo kiểu nền tảng, tiên phong, hay là một bản lề quan trọng tạo ra những dấu mốc cho Vpop, thì câu trả lời là không. Đó là chưa kể vô số scandal lớn nhỏ, những vạ miệng của Đàm đã khiến khán giả nhắc về anh bằng một cảm giác tiêu cực. Bộ phim The King có lẽ sự huyễn hoặc về bản thân và tin rằng khán giả cũng sẽ tặc lưỡi cho qua.
Ích kỷ ở đâu? Ở chính những giọt nước mắt Trấn Thành tuôn rơi trong buổi họp báo của Mr. Đàm. Thời điểm hiện tại, Trấn Thành là bàn tay Midas của showbiz Việt. Bất cứ thứ gì, Trấn Thành chạm vào đều trở thành tiền hoặc rất nhiều tiền. Bộ phim Nhà Bà Nữ đạt doanh thu kỷ lục, là một trong những MC ăn khách nhất hiện tại, và là gương mặt đại diện của vô số nhãn hàng. Tất cả những điều Trấn Thành có đến từ tài năng của anh, nhưng không thể phủ nhận cộng hưởng với đó là rất nhiều sự yêu thương của khán giả. Hào quang rực rỡ mang đến cho Trấn Thành không chỉ danh tiếng, mà còn là một cuộc sống xa hoa còn hơn rất nhiều nghệ sĩ ngoài kia.
Vậy mà ở trên sân khấu ấy, Trấn Thành bật khóc một cách chua chát khi nói về đời nghệ sĩ. Như thể anh bị tước đoạt đi rất nhiều thứ trong cuộc đời mình, để rồi chỉ nhận về sự ghét bỏ, chê bai và khinh miệt, chứ không phải là những đặc quyền và vật chất đủ đầy. Để có được những hào quang rực rỡ đúng là không hề dễ nuốt, nhưng chẳng người nghệ sĩ chân chính nào sau khi nhận cho đã những rực rỡ đó lại quay lại nói rằng thật ra nó chẳng sung sướng lắm đâu. Bất cứ thứ gì đều đến cùng cái giá của nó. Để vươn đến đỉnh cao của nghề nghiệp nào cũng là những đánh đổi. Và với “nghề nghệ sĩ”, đây là cái giá mà bất cứ ai trước khi bước chân vào đều đã biết trước. Nếu không học cách sống với những phản biện, những chỉ trích, những khắt khe của khán giả, vậy ngay từ đầu, hãy đừng chọn trở thành một người nghệ sĩ.
Video đang HOT
Trấn Thành hay Đàm Vĩnh Hưng đều là những nghệ sĩ giải trí thuộc hạng già rơ của showbiz. Họ đã có đủ tiền tài, danh vọng, đủ những sự tưởng thưởng và ghi nhận của khán giả, hay cũng có thể nói là họ đã đạt được đến đỉnh cao trong lĩnh vực của mình. Khi có trong tay tất cả, con người ta thường dễ rơi vào trạng thái đặt bản thân mình lên trước mọi thứ. Họ bỗng thấy khi mình đã đủ đầy vật chất và tiếng tăm thì tình yêu thương và sự chú ý của người khác trở thành cái gì đó như một gánh nặng. Họ mất đi sự khiêm tốn và tin vào bản thân hơn là tin vào điều khán giả góp ý. Họ không còn khát khao tìm kiếm sự đồng cảm của khán giả nữa mà tìm cách để bắt khán giả phải hiểu mình, phải chấp nhận mình, phải đi theo ý kiến của mình.
Thật ra nếu Thành có khóc lóc và kể khổ thêm vài lần nữa về “đời nghệ sĩ” của mình thì cũng chẳng sai. Đàm Vĩnh Hưng có làm thêm một phần pre-quel và sequel nữa của The King – cũng chẳng sai. Chẳng hề có đúng – sai ở chuyện này. Họ muốn làm gì chẳng được, bởi đến cuối ngày, điều đó đâu thể làm tổn hại đến ai.
Sau tất cả những ồn ào, Đàm Vĩnh Hưng buộc phải đổi tên dự án phim và phân trần rằng mình chưa từng tự nhận là nhà vua, đó là ý tưởng và góc nhìn của bên phía nhà sản xuất. Đó là một bước đi kịp thời để xoa dịu sự quay lưng của công chúng. Khi sống trong những bong bóng của sự tung hô quá lâu, người nghệ sĩ bây giờ phải chấp nhận rằng, tình yêu thương của công chúng cũng có những ranh giới. Họ phải hiểu rằng không phải mình đã bước lên quá cao là không thể ngã xuống, và buộc phải học cách tiết chế bản thân để giữ gìn tình yêu đó. Ra những sản phẩm tốt thôi chưa đủ, hãy sống với một phẩm cách tốt đẹp. Bởi đó là điều công chúng muốn nhìn thấy ở nghệ sĩ: Một hình mẫu mang đến cho họ niềm vui trong tâm hồn, nhưng cũng là cả cảm hứng về cách sống. Bởi, cũng giống như Trấn Thành từng nói trong một talkshow: “Để đứng ở ngọn núi cao hơn, bạn sẽ được ngắm cảnh đẹp hơn, nhưng cũng sẽ cô đơn hơn và ngã… đau hơn”.
Nghệ sĩ – suy cho cùng – cũng chỉ là con người. Và khán giả – suy cho cùng- cũng chỉ là con người. Mà phàm là con người với nhau, chẳng ai lại thích những người khoa trương và ngạo mạn. Phải không?
Háo danh và ảo tưởng quyền lực ở showbiz Việt: Đừng đánh mất khán giả bằng sự vô ơn
Nhờ có lượng fan đông đảo, nhiều nghệ sĩ Việt tự đặt mình ở vị trí cao hơn mọi người, phát ngôn và hành động phản cảm.
"Đen nhận được thông tin vào lúc 21h. Chúng tôi cảm thấy rụng rời tay chân và lập tức báo với bên vận hành kênh phải khóa MV. Chúng tôi không muốn tăng lượt xem theo cách buồn bã thế này. Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn", đó là chia sẻ của Đen Vâu về việc ẩn MV Trời Hôm Nay Nhiều Mây Cực sau khi biết tin chiếc trực thăng Bell 505 chở 4 người ngắm Vịnh Hạ Long bị rơi.
Hành động nhẹ nhàng, tử tế và ấm áp của Đen thể hiện tấm lòng trắc ẩn của một nghệ sĩ chân chính. Hành động đó dường như hạt mầm tích cực hiếm hoi giữa thời điểm hàng loạt nghệ sĩ Vbiz bị phản ứng vì thói háo danh, phát ngôn phản cảm, văn hóa ứng xử trên mạng đáng báo động. Hành động tử tế của Đen Vâu được ca ngợi bao nhiêu, càng cho thấy phần nào việc khán giả ngày càng mất lòng tin với nghệ sĩ Việt bấy nhiêu.
Không phải ngẫu nhiên niềm tin của công chúng bị xói mòn, nó được bồi bởi vô số scandal của nghệ sĩ. Scandal đó không chỉ đến từ những người mới chập chững vào nghề, mà lại được tạo nên từ hàng loạt ngôi sao hạng A. Họ đã có những phát ngôn, hành động đề cao bản thân, đặt vị trí của mình hơn tất cả.
Gần đây nhất, Trấn Thành khiến khán giả và nhiều đồng nghiệp phản ứng vì thái độ trịch thượng của anh khi phát biểu "Đời nghệ sĩ khó nuốt". Anh ấm ức, khóc nức nở như đang mang trong mình biết bao sự tức giận: "Ai thích tiền, muốn nếm hào quang thì hãy nếm nó đi để biết nó là cái gì".
Trấn Thành đăng ảnh ăn mừng Nhà Bà Nữ thu 475 tỷ nhưng tin tức tiêu cực về anh lại lên Xu hướng tìm kiếm của Google.
Trấn Thành đang ở vị trí hàng đầu showbiz. Hai bộ phim của anh đạo diễn, sản xuất đều lập kỷ lục doanh thu phòng vé: Bố Già - 400 tỷ, Nhà Bà Nữ gần 500 tỷ. Mỗi show diễn, hợp đồng của anh trị giá hàng tỷ đồng. Có thể nói Trấn Thành đã hốt hàng trăm tỷ, nhận biết bao vinh quang lẫn hào quang và tiền bạc từ nghề diễn. Đó là niềm mơ ước của tất cả những người theo đuổi con đường nghệ thuật.
Nhưng khi Trấn Thành nói "Đời nghệ sĩ khó nuốt", anh dường như đã quên mất người tạo nên vinh quang, tiền bạc lấp lánh cho mình - khán giả. Sẽ không thể có ngôi sao Trấn Thành chẳng thể có được những kỷ lục phòng vé nếu không có đông đảo khán giả ủng hộ, hâm mộ.
Chia sẻ với chúng tôi, nhà văn Hoài Hương đánh giá câu nói của Trấn Thành thể hiện sự không tôn trọng khán giả, người mang lại vinh quang cho mình. Nam MC nói như thể nghệ sĩ đang ban phát nghệ thuật và khán giả xem nghệ thuật phải biết ơn mình. Anh cũng đồng thời cho rằng được nổi tiếng, hào quang là do bản thân đã phải khổ sở, hy sinh, mang tài năng cho khán giả thưởng thức. Và vinh quang Trấn Thành có được là điều đương nhiên.
Ngay cả đồng nghiệp cũng không thể đồng tình với Trấn Thành. Ca sĩ Duy Mạnh cho rằng: "Làm nghệ sĩ nổi tiếng mặc dù có chút áp lực về công việc nhưng thực sự rất tự hào, hãnh diện và hạnh phúc. Đạt được vinh quang đó là mong ước của rất nhiều người. Nhưng một khi đạt vinh quang rồi lại than vãn kể khổ, khóc lóc với thiên hạ. Hành động đó bản chất là ích kỷ, coi thường khán giả".
NSƯT Thành Lộc nêu quan điểm rằng đã chọn nghề diễn thì không nên than khổ. "Đã chấp nhận là cái nghề, coi đó là lẽ sống, là công việc chuyên nghiệp và nói một cách khác là làm có tiền mà, bộ làm không hả, ký hợp đồng mấy trăm triệu thì ăn cái tát có sao đâu. Còn cái sự hy sinh, đó là bắt buộc, đừng có kể khổ với khán giả, vì cái đó chỉ làm cho mắc cười thôi", nghệ sĩ gạo cội nói.
Không phát biểu gây bức xúc như Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng lại làm khán giả phản ứng bởi dự án phim điện ảnh về cuộc đời được gắn chữ The King (nhà vua). Đa số các ý kiến cho rằng nam ca sĩ đang vỗ ngực, tự xưng mình là vua. Việc làm này của Đàm Vĩnh Hưng bị đánh giá ngạo mạn, ngông cuồng, thể hiện thói háo danh kệch cỡm.
Tất nhiên, lần này Đàm Vĩnh Hưng trước sự phản ứng gay gắt từ công chúng đã lập tức thanh minh, rằng là chiếc ghế như ngai vàng ở buổi họp báo thực ra chỉ là... ghế cắt tóc mà thôi. Đồng thời Đàm Vĩnh Hưng thông báo bỏ chữ "The King" khỏi tên phim.
Đàm Vĩnh Hưng bị phản đối liên tục thời gian qua
Là ca sĩ tai tiếng bậc nhất Vbiz, Đàm Vĩnh Hưng trước đó có nhiều phát ngôn dậy sóng dư luận. Năm 2019, nam ca sĩ nhận "gạch đá" vì tự xưng "Đàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm". Không ai có thể ở trên đỉnh cao mãi mãi, ngay cả vua cũng không thể mãi ngồi ngai vàng, trị vì đời đời, vì thế đây được cho là một trong những phát ngôn ảo tưởng quyền lực nặng nề của Đàm Vĩnh Hưng.
Trên VTV, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng ở Việt Nam, tính háo danh có ở nhiều người Việt, có từ lâu đời. Háo danh là từ mang ý nghĩa tiêu cực, thể hiện đó là người coi trọng danh tiếng, phô trương danh tiếng trên mức cần thiết và trên mức bản thân có.
"Ảo tưởng", "ngáo quyền lực" là cụm từ khán giả nhắc tới nhiều trong thời gian qua, nói về tình trạng nghệ sĩ tự đặt mình ở vị trí cao hơn tất cả. Căn bệnh này nở nộ hơn khi mạng xã hội phát triển, mỗi nghệ sĩ đều có trang cá nhân, fanpage, YouTube riêng. Mỗi trang cá nhân của họ thu hút hàng triệu, chục triệu người theo dõi. Với lượng người hâm mộ đông đảo đó, mỗi bài đăng của họ nhận hàng chục nghìn bình luận, triệu lượt like. Do đó, nghệ sĩ cho rằng tự họ đã là một kênh truyền thông, khán giả phải theo dõi, khen ngợi, tung hô.
Sự ảo tưởng ấy còn bắt nguồn từ chính tình cảm, sự hâm mộ của công chúng dành cho nghệ sĩ. Có thể nói khó có ngành nghề nào được thần tượng, tung hô như nghệ sĩ. Họ đến đâu cũng có người xin chụp ảnh, gọi tên, tặng quà, nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn... đều dành sự ưu ái cho người của công chúng. Nhiều nghệ sĩ vì thế mặc nhiên nghĩ rằng mình được quyền hơn người.
Từ suy nghĩ lệch lạc, cho mình ở địa vị cao sang hơn người, nghệ sĩ sẽ mắc bệnh ảo tưởng sức mạnh. Họ phát ngôn theo kiểu tự do chủ nghĩa, trịch thượng. Nhưng họ quên rằng chính phát ngôn, ứng xử đó lại bị khán giả đánh giá về tư duy, văn hóa, lối sống của mình.
Họ có thể có triệu, hàng chục triệu người theo dõi trang cá nhân nhưng đó chỉ là số lượng nhỏ so với dân số gần trăm triệu dân ở Việt Nam. Và cũng chỉ cần lượng nhỏ trong số trăm triệu dân đó phản ứng, tẩy chay họ thì sự khủng hoảng nghệ sĩ phải đón nhận sẽ rất khủng khiếp. Đó là chưa kể trong số triệu fan đó, ai cũng có nhận thức, đánh giá của riêng mình, đủ tỉnh táo nhận ra đúng và sai. Do đó, họ có thể hâm mộ nghệ sĩ nhưng sẽ không nhiều người u mê thần tượng, ủng hộ sự sai trái.
Đông Nhi đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ chính cộng đồng fan ruột, sự rời bỏ fanclub của rất nhiều người sau khi có phát ngôn coi thường người hâm mộ. Làn sóng rời bỏ thần tượng rầm rộ đến mức khiến nữ ca sĩ phải lên tiếng xin lỗi. Cô thừa nhận bản thân đã dùng lời nói gây tổn thương, và có những câu chữ chưa xác đáng.
NSƯT Xuân Bắc bị kêu gọi tẩy chay trong suốt dịp Tết Nguyên Đán 2023 vì kể câu chuyện mẹ - con, chiếc bánh chưng. Câu chuyện bị nghi ám chỉ nói về khán giả và nghệ sĩ diễn Táo Quân. Nghệ sĩ kỳ cựu khiến khán giả bức xúc khi tự cho mình ở địa vị trên - người mẹ, còn khán giả - con. Trước đây, Xuân Bắc luôn im lặng trước mỗi scandal liên quan đến bản thân, gia đình nhưng lần này anh đã phải lên tiếng xin lỗi vì "đã kể câu chuyện ngụ ngôn khiến khán giả hiểu nhầm".
Trấn Thành có hơn chục triệu follower trên fanpage, số lượng fan đông đảo nhưng ở thời điểm anh đăng tải con số tổng kết ấn tượng - gần 500 tỷ đồng từ phim Nhà Bà Nữ, thông tin ấy chìm nghỉm sau những phản ứng vì phát ngôn "Đời nghệ sĩ khó nuốt". Thay vào đó, tin tức tiêu cực về Trấn Thành lại xuất hiện trên Xu hướng tìm kiếm của Google.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy băn Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nêu quan điểm văn nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn đối với công chúng vì vậy họ nên là tấm gương tốt, truyền cảm hứng cho người dân. Nghệ sĩ nên hiểu rằng đó là vinh dự đồng thời là trách nhiệm của họ.
Ông đánh giá thời gian qua, kỳ vọng của khán giả với văn nghệ sĩ không được đáp ứng. Một số nghệ sĩ để lại tiếng xấu, hình ảnh không phù hợp cả trong lời nói hay chia sẻ trên mạng xã hội. Những lệch chuẩn không phù hợp này có thể ảnh hưởng tới công chúng, môi trường văn hóa, đặc biệt trong giới trẻ. Do đó, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho hay cần có quy định về luật pháp, chế tài nghiêm khắc để răn đe, xử lý mang tính làm gương để nghệ sĩ không có những chia sẻ hoặc có hành động lệch chuẩn.
Theo nhà văn Hoài Hương, nghệ sĩ là người của công chúng, hưởng đặc quyền của người nổi tiếng thì phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, giữ hình ảnh. Nếu lấy tính cách thẳng thắn, không kiểm soát được cảm xúc để có thể nói bất cứ điều gì mình muốn là ích kỷ. Theo bà, càng nghệ sĩ nổi tiếng càng phải biết giữ hình ảnh, cư xử, phát ngôn văn minh.
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, đánh giá ứng xử của nghệ sĩ trong thời gian qua có nhiều lệch chuẩn và đáng báo động. Theo ông, đã theo con đường nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ cần nâng cao ý thức trách nhiệm với nghề, xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mỗi nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, có ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội.
Là người trong cuộc, NSND Bạch Tuyết khẳng định nghệ sĩ, nghệ thuật là nghề đẹp, được khán giả ưu ái do đó cần phải biết ơn và có hành xử đúng đắn. Bà bày tỏ: "Nghệ sĩ được khán giả hâm mộ, có khi được tặng hoa, thậm chí tặng nhà, xe hơi. Người ta đối xử với nghề của mình như vậy, nếu không biết ơn thì tồn tại thế nào. Đối với tôi đó là nghề sang nhất, đẹp nhất, ít nghiệp nhất. Nếu được điều đó mình phải hành xử sao cho đúng".
Nghệ sĩ và bệnh "ngáo quyền lực" Tự cho mình cao hơn công chúng, không ít nghệ sĩ hở cái là lên mặt dạy đời khán giả. Họ coi mình là ngôi sao, hoạt động nghệ thuật là sự ban ơn để công chúng thụ hưởng chứ không phải là mối quan hệ hai chiều, tương trợ. Nước mắt Trấn Thành tại buổi họp báo dự án phim "Hào quang...