Đậm vị bò một nắng
Thịt bò được nướng rám vàng tỏa mùi thơm hấp dẫn, ăn kèm là chén muối kiến vàng của đồng bào dân tộc có vị chua đặc trưng rất lạ miệng.
Thị trấn Củng Sơn (Phú Yên) là nơi sản sinh ra loại bò một nắng này. Ngày nay bò một nắng đã trở thành đặc sản phổ biến không chỉ ở Phú Yên mà còn ở các tỉnh Tây Nguyên. Tên gọi của bò một nắng bắt nguồn từ cách chế biến. Món ăn được làm từ thịt bò tươi, thái thành từng miếng mỏng, ướp sơ qua với các loại gia vị, đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên có tên gọi là bò một nắng. Sau đó đóng vào bao cất giữ, khi ăn chỉ cần lấy ra nướng chín trên bếp than hồng và thưởng thức với muối kiến vàng của người dân tộc.
Được tẩm gia vị và phơi trong một ngày nên được gọi là bò một nắng. Ảnh: K.H.
Chế biến bò một nắng rất đơn giản, chỉ cần chọn loại nguyên liệu ngon là được. Theo bí quyết của người dân ở đây, thịt bò nhất quyết phải là bò tơ, được chăn thả trong tự nhiên nên thớ thịt săn chắc, ít nước lại có vị ngọt tự nhiên đem lại cho người ăn cảm giác ngon miệng. Thịt được lóc bỏ da, rửa sạch và thái thành từng miếng mỏng, lớn cỡ bằng bàn tay là được. Thịt sau khi thái xong được ướp sơ qua với các loại gia vị như đường, muối, bột nêm, ớt trái giã nhỏ, vừng.
Video đang HOT
Khi nướng, nhớ trở đều tay để bò chín đều và không bị cháy. Ảnh: K.H.
Khâu ướp gia vị rất quan trọng, không nên ướp đậm quá vì khi nướng chín, thịt sẽ bị mặn không ngon, cũng không nên ướp nhạt quá, bò không thấm đủ gia vị, sẽ nhanh hư, không để lâu được. Sau đó đem phơi ngoài nắng, nếu trời nắng to, chỉ cần phơi trong một ngày, thịt bò khô lại, cầm lên tay không bị dính là được. Khi ăn, chỉ cần lấy từng miếng thịt, cho lên vỉ và nướng trên bếp than hồng. Thịt nướng chín rám vàng hai cạnh cùng mùi thơm tỏa ra rất quyến rũ. Khi nướng nhớ trở đều tay để thịt chín đều và không bị cháy.
Thịt sau khi nướng được dùng chày đập nhẹ cho mềm. Ảnh: K.H.
Bò sau khi nướng chín, được cho lên thớt, dùng chày đập nhẹ cho miếng bò mềm, xé thành từng miếng nhỏ. Bò một nắng được ăn kèm với dưa leo, chuối chát, các loại rau thơm và thức chấm. Thức chấm của món ăn này rất phong phú, có thể là tương ớt, muối ớt chanh… nhưng độc đáo và ngon miệng hơn cả phải là muối kiến vàng của người dân tộc.
Bò được ăn kèm với muối kiến vàng của người dân tộc. Ảnh: K.H.
Kiến vàng (hay còn gọi là kiến càng) là loại côn trùng chuyên sống trên cây trong rừng hay các vườn cây ăn trái. Kiến sau khi bắt về, cho lên chảo rang sơ kiến và trứng kiến. Sau đó cho thêm gia vị như muối, ớt vào cối và giã nhuyễn với một loại lá rừng đặc biệt có tên gọi là lá then len (tên gọi của người dân tộc). Xé một miếng thịt bò, chấm vào chén muối kiến vàng và thưởng thức cùng các loại rau để cảm nhận thịt bò mềm và ngọt hòa trong cái đậm đà nhưng chua chua của muối kiến rất ngon miệng.
Khánh Hòa
Theo VNE
Mực cơm ngày biển lặng
Cầm xiên mực chấm tí muối ớt, cắn cái "bụp", thấy miếng mực thơm dịu và ngọt lừ.
Dân chài bãi ngang Phổ Châu (Đức Phổ, Quảng Ngãi) tranh thủ những ngày biển lặng hiếm hoi để đánh bắt mực cơm, kiếm chút "lộc biển" đầu năm.
Thuyền về. Những con mực cơm vừa rời biển tươi rói, mình tròn lẳn, dài cỡ ngón tay trỏ người lớn. Vài nhóm bạn trẻ đang dạo biển cũng xắn quần lội ra sát mạn thuyền để mua "tận gốc" những con mực da còn nhấp nháy hàng trăm chấm tím.
Những con mực cơm vừa rời biển tươi rói, mình tròn lẳn, dài cỡ ngón tay trỏ người lớn. Ảnh: Trần Cao Duyên
Các quán trên bãi sẵn sàng nhóm lò, đưa que tre cho bạn tự xiên từng con mực. Ai cũng muốn tự nướng để mãn nhãn khi nhìn những con mực múp rụp, da bắt lửa ngả màu vàng sậm. Cầm xiên mực chấm tí muối ớt, cắn cái "bụp", thấy miếng mực thơm dịu và ngọt lừ - vị ngọt của biển quê hương đậm đà nắng gió. Nướng "hoang dã" kiểu này con mực còn nguyên túi.
Mực cơm không chỉ nổi tiếng ở món nướng mà còn "vang danh" với món hấp gừng. Mực được ướp với chút muối, tiêu, hạt nêm, chút đường, đem hấp cách thủy với vài lát gừng tươi. Vừa giở nắp vung ra bạn đã lâng lâng bởi mùi gừng nồng nàn lẫn mùi thơm dịu của mực. Món hấp làm con mực căng phồng, da chuyển màu hồng tím, mới nhìn đã muốn "động thủ" ngay.
Nhưng hãy từ từ, đợi chị chủ quán đưa ra đĩa hành tây, chuối chát, rau húng, rau răm, diếp cá, khế chua, đọt sả... và chén mắm ớt cái đã. Mực cơm của biển quấn quít với rau quả đất liền. Sự "giao thoa" ấy làm cho chuyến đi chơi Phổ Châu ngày biển lặng đọng lại nhiều dư vị.
Theo Trần Cao Duyên (ihay)
Đổi vị với bún thịt luộc mắm tép Bát mắm tép chưng thơm ngon, ăn kèm thịt luộc cùng bún lá thái khúc. Mắm tép là loại thực phẩm lên men, có màu đỏ tươi, không nặng mùi như mắm tôm hay mắm cá. Được dùng làm nguyên liệu thơm ngon cho bữa cơm gia đình, mắm có thể trộn với đu đủ thái sợi ăn kèm cơm trắng, hoặc pha...