Đâm va trên biển, tàu chở 2.400 tấn gạo bị chìm
Một vụ đâm va nghiêm trọng đã xảy ra giữa 2 tàu vận tải biển Việt Nam lúc 3h30 rạng sáng nay (17/4), cách bờ biển Thanh Hóa khoảng 70 hải lý về phía Đông. Vụ tai nạn khiến 1 tàu bị chìm; rất may toàn bộ thuyền viên thoát chết.
Ông Nguyễn Anh Vũ – Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) đã xác nhận thông tin trên với PV Dân trí.
Theo ông Vũ, khoảng 4h14 rạng sáng nay, thông qua liên lạc với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Madrid (Madrid MRCC) và Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Trung Quốc (China MRCC), Việt Nam MRCC nhận được báo nạn DSC của tàu Quang Anh 54 tại vị trí có tọa độ 19-36N; 107-17E (cách bờ biển Thanh Hóa 70 hải lý về phía Đông). Tại thời điểm này, thông tin nhận được không nêu rõ tính chất tai nạn cụ thể.
Vụ đâm va khiến một tàu bị chìm (ảnh minh họa: Tiền Phong)
Diễn biến vụ việc được xác minh từ Trung tâm cứu nạn nước ngoài, chủ tàu, đài thông tin duyên hải và liên lạc trực tiếp trên hiện trường, qua đó Việt Nam MRCC đã xác định: lúc 3h30 tàu Quang Anh 54 thuộc Công ty Thương mại và Vận tải biển Quang Anh (Thanh Hóa), do ông Nguyễn Xuân Viên làm thuyền trưởng chở 900 tấn xi măng đang trên hành trình từ Hải Phòng đi Kỳ Hà (Quảng Nam) đã đâm va với tàu Duy Phương 36 thuộc Công ty TNHH Duy Phương (Thái Bình) do ông Phạm Hữu Tiến, sinh năm 1967 làm thuyền trưởng, tàu chở 2.400 tấn gạo đang trên hành trình từ An Giang đi Hải Phòng cùng 12 thuyền viên.
Vụ đâm va nghiêm trọng này khiến tàu Duy Phương 36 bị chìm ngay tại hiện trường, có độ sâu từ 34-55m. Rất may toàn bộ các thuyền viên trên tàu Duy Phương 36 đã được tàu Quang Anh 54 nhanh chóng cứu nạn an toàn.
Đối với tàu Tàu Quang Anh 54, ông Vũ cho biết tàu bị thủng két mũi nhưng đã khắc phục tạm thời để tiếp tục hành trình về bờ.
Hiện Việt Nam MRCC đang tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam hướng dẫn tàu Quang Anh 54 trên hành trình về Nghi Sơn, Tĩnh Gia, (Thanh Hóa) và theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ việc.
Video đang HOT
Về nguyên nhân ban đầu của vụ việc, ông Nguyễn Duy Dũng – Giám đốc Cảng vụ Thanh Hóa cho biết: “Theo báo cáo thì tai nạn xảy ra do thời tiết xấu và tầm nhìn bị hạn chế, nhưng nguyên nhân sâu xa và cụ thể dẫn tới vụ việc thì phải tiến hành điều tra mới có thể làm rõ”.
Ông Dũng cũng lưu ý tới số gạo được vận chuyển trên tàu Duy Phương 36, bởi theo số liệu đăng kiểm phương tiện thì tàu này có tải trọng là 2.470 tấn, về nguyên tắc thì với tải này tàu có thể chở số lượng hàng tối đa nhưng trường hợp này gạo là hàng cồng kềnh mà vận chuyển tới 2.400 tấn thì cần phải xem lại hồ sơ thiết kế tàu, xem việc bốc xếp như thế nào.
Cho đến nay, Cảng vụ Thanh Hóa chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ nào từ 2 tàu nói trên. Tuy vụ tai nạn xảy ra trên vùng biển quốc gia nhưng ông Dũng cho rằng việc điều tra về vụ tai nạn nhiều khả năng sẽ do Cảng vụ này thụ lý, vì 1 trong 2 tàu là của Thanh Hóa và hiện tàu Quang Anh 54 đang hành trình về Thanh Hóa.
Dự kiến 16h00 chiều nay, tàu Quang Anh 54 cùng với 12 thuyền viên của tàu Duy Phương 36 sẽ về đến cảng Nghi Sơn.
Liên quan đến vụ việc này, PV Dân trí đã nhiều lần liên hệ với chủ tàu Quang Anh 54 nhưng số điện thoại luôn báo bận. Còn chủ tàu Duy Phương 36 được nhân viên văn phòng công ty này cho biết là đang đi công tác, khi PV liên hệ thấy điện thoại đổ chuông nhưng không nghe máy.
Theo Dân Trí
'Tàu Thái Lan không nhận được tín hiệu từ Trường Hải Star'
Quá trình dẫn tàu Thái Lan trên đường ra biển, hoa tiêu Đào Văn Hải cho biết không nghe hay nhận thấy bất kỳ tín hiệu nào từ hoa tiêu của Trường Hải Star nên xảy ra tai nạn khiến tàu chở 66 container chìm xuống biển.
Cơ quan chức năng xác định, đêm 9/4, ông Nguyễn Văn Định, hoa tiêu hạng 2 của Công ty TNHH MTV hoa tiêu khu vực 1 được phân công dẫn dắt Trường Hải Star cập cảng. Trong khi đó, con tàu 42.000 tấn quốc tịch Thái Lan do hoa tiêu Đào Văn Hải (56 tuổi) của Xí nghiệp hoa tiêu Vũng Tàu lai dẫn và đang trên đường ra biển. Tại khu vực Bãi Trước, hai tàu va chạm khiến Trường Hải Star bị chìm kéo theo 66 container chứa 64 ôtô vừa mới xuất xưởng.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 12/4, ông Nguyễn Khắc Du, Giám đốc Xí nghiệp hoa tiêu Vũng Tàu cho biết, ông Hải là hoa tiêu ngoại hạng, có thâm niên rất lâu trong nghề. Tường trình bước đầu, ông Hải cho hay, quá trình dẫn tàu Thái Lan đã báo cáo đầy đủ thông tin về luồng và tình hình giao thông trên luồng chạy tàu cho thuyền trưởng.
"Sau cú va mạnh giữa hai tàu, ông Hải đã thông báo ngay cho cảng vụ. Hoa tiêu này bảo rằng không nghe hay nhận thấy bất kỳ tín hiệu nào từ hoa tiêu của tàu Trường Hải Star", ông Du thông tin về tường trình của ông Hải.
Giám đốc Xí nghiệp hoa tiêu Vũng Tàu đang chỉ dẫn hướng đi của tàu khi vào cảng Vũng Tàu. Ảnh: An Nhơn
Theo Giám đốc Du, ngay sau tai nạn, đơn vị này đã cho ông Đào Văn Hải tạm nghỉ việc để chờ kết luận điều tra của các cơ quan chức năng. Quyết định này được thi hành trước khi Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đình chỉ công tác ông Hải.
Trong khi đó, tường trình với Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Định, người được phân công dẫn dắt tàu Trường Hải Star cho rằng khi vừa lên tàu làm nhiệm vụ thì bất ngờ phát hiện một tàu rất lớn đâm vào mạn trái của Trường Hải Star. Lúc đó ông Định thấy mạn của hai tàu sát nhau nhưng không thấy rõ tên cũng như không liên lạc được với tàu lớn này.
"Hiện lời khai của hoa tiêu hay thuyền trưởng đều chưa được xác minh. Nếu người của tàu Trường Hải Star nói có thông báo với phía tàu Thái Lan thì hộp đen của tàu Thái Lan sẽ ghi lại. Nguyên nhân cụ thể ai đúng, ai sai thì khi giải mã hộp đen, cơ quan chức năng sẽ làm rõ", Giám đốc Du nhấn mạnh.
Ông Du cũng cho rằng, mọi quyết định, tốc độ của tàu đều do thuyền trưởng quyết định. "Hoa tiêu như một người giúp việc. Họ chỉ cố vấn cho thuyền trưởng điều khiển tàu phù hợp với điều kiện hàng hải của khu vực", ông Du nói.
Tàu 42.000 tấn của Thái Lan đang bị tạm giữ chờ điều tra. Ảnh: An Nhơn
Cũng theo ông Du, người trở thành hoa tiêu phải tốt nghiệp ĐH Hàng hải và thực tập hai năm, sau đó sẽ được cấp bằng hoa tiêu hạng ba. Cứ hai năm kinh nghiệm, hoa tiêu sẽ có bằng hạng 2 và ngoại hạng. Khi dẫn tàu ở luồng mới phải học thêm khoảng 6 tháng.
Theo quy định, đối với tàu nước ngoài có trọng tải từ 100 tấn trở lên phải xin hoa tiêu, còn với tàu Việt Nam từ 2.000 tấn. Hiện ở Vũng Tàu có 3 công ty hoa tiêu hoạt động là Hoa tiêu Vũng Tàu khu vực 1, Hoa tiêu Tân Cảng và Hoa tiêu Vũng Tàu. Mỗi đơn vị có địa bàn hoạt động riêng.
Trước đó rạng sáng 10/4, đang trên đường từ Vũng Tàu đến TP HCM, tàu Trường Hải Star (trọng tải gần 4.000 tấn) chở 66 container đã va vào tàu hàng 42.000 tấn của Thái Lan. Trường Hải Star chìm mang theo 64 ôtô vừa xuất xưởng.
Nhận được tin báo, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã yêu cầu thuyền trưởng Trường Hải Star điều khiển tàu rời khỏi luồng Vũng Tàu - Sài Gòn chạy vào Bãi Trước để cứu người và hàng hóa. Đến 2h40 ngày 10/4, tàu Trường Hải Star lật nghiêng và chìm tại vị trí neo đậu D5 khi chỉ cách Bãi Trước khoảng một km. 16 thuyền viên rời tàu an toàn.
Điều 171 Bộ luật hàng hải Việt Nam quy định:
1. Hoa tiêu hàng hải là người cố vấn cho thuyền trưởng điều khiển tàu phù hợp với điều kiện hàng hải ở khu vực dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải. Việc sử dụng hoa tiêu hàng hải không miễn trách nhiệm chỉ huy tàu của thuyền trưởng.
2. Trong thời gian dẫn tàu, hoa tiêu hàng hải thuộc quyền chỉ huy của thuyền trưởng tàu được dẫn.
3. Thuyền trưởng có quyền lựa chọn hoa tiêu hàng hải hoặc đình chỉ hoạt động của hoa tiêu hàng hải và yêu cầu thay thế hoa tiêu hàng hải khác.
Theo VNExpress
'Mong các thủy thủ may mắn như chồng tôi' Mừng đến phát khóc khi nhận điện thoại của chồng là Đậu Ngọc Hùng, thủy thủ tàu Vinalines Queen, chị Lại Thị Thoa chợt buồn khi nhắc tới gia đình của 22 thủy thủ trên con tàu bị chìm ở ngoài khơi Philipines. Chiều cuối năm, tiết trời giá lạnh, gió biển táp từng cơn, con đường về làng biển xã Sơn Hải...