Dặm trường săn lùng những kẻ trốn trại
Gây án, bị bắt, bị đi thi hành án là sự trả giá đối với bất kỳ đối tượng tội phạm nào, nhưng nhiều tên vẫn không chịu tu tỉnh, chúng luôn nghĩ trăm phương nghìn kế để trốn trại từ đào tường khoét gạch đến giả vờ chăm ngoan lao động để tạo lòng tin cho cán bộ.
Đặc biệt, chúng đã tạo cho mình một vỏ bọc chắc chắn, tưởng rằng không ai phát hiện ra.
Chúng không ngờ, dù lặn sâu, trốn kỹ đến đâu, cuối cùng cũng sa lưới pháp luật. Trong quá trình công tác của mình, các trinh sát Cục Quản lí phạm nhân, trại viên (C85), Bộ Công an và các trại giam đã dày công lật tẩy…
Giả làm công quả, phật tử trong đền, chùa để trốn truy nã
Đó là Trần Thị Lệ, 56 tuổi, quê ở ấp 2, Tân Bình, Cai Lậy, Tiền Giang. Đàn bà như Lệ quả thật hiếm gặp trên đời bởi dám cả gan giết người, cướp tài sản mà không ghê tay. Năm 1983, mới 25 tuổi, Lệ bị bắt bởi hai tội trên, bị tuyên án chung thân, thi hành án ở Trại giam Thủ Đức. Tại đây, cô ta luôn nuôi ý định trốn trại. Chính vì vậy, vào một ngày cuối năm 1992, Lệ đã trốn khỏi nơi giam.
Để che giấu tung tích, Lệ thường chọn nơi lẩn trốn nhạy cảm là các cơ sở tôn giáo như đền, chùa, nhà thờ và liên tục thay đổi địa điểm lẩn trốn tại nhiều địa phương như: Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, An Giang… Tại mỗi nơi, cô ta đều thay đổi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: Hà, Hương, Phương… Ngay sau khi phát hiện Lệ trốn, Trại giam Thủ Đức đã nhiều lần tổ chức xác minh, truy bắt nhưng chưa có kết quả.
Lực lượng Công an phối hợp bắt đối tượng truy nã trốn trại.
Xác định đây là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, phải quyết tâm truy bắt bằng được, Trại giam Thủ Đức tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng xác minh, truy bắt. Lực lượng chức năng đã đánh giá lại toàn bộ thông tin đã thu thập được, rút kinh nghiệm từ những lần truy bắt trước, lực lượng chức năng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp xác minh, phát hiện được Lệ thường xuyên đến công quả tại Tòa thánh Cao Đài, tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, do Lệ thường thay tên, đổi họ nên việc xác minh tên của cô ta gặp nhiều khó khăn. Đây lại là địa bàn đặc biệt nhạy cảm về an ninh tôn giáo, hàng ngày có hàng nghìn tín đồ đến làm công quả và thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, nếu công tác truy bắt không được tiến hành thận trọng, truy bắt không đúng đối tượng sẽ rất dễ nảy sinh các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo.
Chính vì vậy, Trại giam Thủ Đức và Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Tây Ninh đã dày công nghiên cứu, nắm bắt thông tin, vận động nhân dân tố giác tội phạm, nhận dạng đối tượng. Qua đó, phát hiện Lệ đang cùng các tín đồ khác chuẩn bị các nghi thức cúng lễ tín ngưỡng tại Cửu Trùng Đài (khu vực thực hiện lễ chính của Tòa thánh). Lúc này, khu vực Cửu Trùng Đài đang tập trung hàng nghìn tín đồ và khách thập phương nên lực lượng chức năng xác định nếu không bắt giữ ngay thì rất có thể mất dấu đối tượng. Chính vì vậy, một tổ công tác đã bí mật tiếp cận đối tượng, khống chế, đưa nhanh ra khỏi Tòa thánh về thị trấn Hòa Thành, Tây Ninh để đấu tranh, làm rõ.
Với bản chất lưu manh, đối tượng kiên quyết không nhận mình là Trần Thị Lệ mà khai tên là Nguyễn Thị Phương, quê ở Vĩnh Long. Lực lượng truy bắt đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành giám định dấu vân tay của đối tượng với danh bản của Trần Thị Lệ và tiếp tục đấu tranh khai thác. Kết quả khoa học chứng minh đối tượng chính là Trần Thị Lệ khiến cô ta không còn chối cãi được nữa đành khai nhận tên họ thật và theo các cán bộ về trại giam.
Trốn hơn 25 năm, thay tên đổi họ cũng không thoát
Đó là trường hợp phạm nhân Phan Thanh Liêm, SN 1957, quê ở Thuận Hưng, Thốt Nốt, Cần Thơ, bị bắt năm 1979, án phạt 13 năm, thi hành án ở trại giam Cồn Cát. Trong quá trình chấp hành án, Liêm luôn tỏ ra là người tử tế, chấp hành nghiêm mọi quy định của Trại, tích cực lao động cải tạo, tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ của phạm nhân nên được cán bộ tin tưởng.
Ngày 21/12/1988, Liêm được cán bộ tin tưởng cho tham gia biểu diễn múa lân tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, lợi dụng địa bàn phức tạp, đông người khó quản lí, Liêm đã trốn trại. Ngay sau khi trốn thoát, Liêm đã nhiều lần thay đổi tên tuổi, nơi cư trú, sinh sống nên Trại giam Cồn Cát nhiều lần tổ chức lực lượng xác minh, truy bắt nhưng chưa đạt kết quả. Với quyết tâm truybắt bằng được, Trại giam Kênh 5 sau khi nhận hồ sơ truy nã của Trại giam Cồn Cát bàn giao đã đánh giá lại toàn bộ thông tin thu thập được, tra cứu thông tin, tổ chức lực lượng, phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương.
Qua đó, đã xác định được phạm nhân Liêm từ khi trốn trại đến 1995 làm nghề đốn củi, lấy tên là Năm Chuối, sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Hiếu ở ấp Rạch Muối, xã Lương Thế Tân (nay là xã Phú Hưng), Cái Nước, Cà Mau. Sau đó chuyển về tạm trú tại ấp 7, xã Khánh Hội, U Minh, Cà Mau sống bằng nghề đánh cá và bán chuối nướng. Tháng 12/1995, Liêm bị cơ quan CSĐT Công an huyện U Minh khởi tố, bắt tạm giam về tội trộm cắp tài sản. Để tránh bị phát hiện là đối tượng truy nã, Liêm giả danh là Phạm Hoàng Trung, SN 1957, trú ở Lương Thế Tân, Cái Nước, Cà Mau. Năm 2006, Liêm bị TAND huyện U Minh xử phạt 18 tháng tù, cho hưởng án treo.
Video đang HOT
Từ thông tin trên, Trại đã lập kế hoạch, phân công các tổ truy bắt, xác minh từ các mối quan hệ. Qua đó, biết Liêm cùng vợ, con lên TP Hồ Chí Minh sinh sống, dịp Tết Nguyên đán, bà Hiếu có về Cà Mau thăm gia đình. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng truy bắt đã nắm tình hình, phát hiện Liêm cùng vợ con đang sống ở khu phố 2, Linh Trung, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh nên đã phối hợp với Công an địa phương bắt giữ tên này ngay sau Tết Nguyên đán, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trốn sang Campuchia hành nghề bốc thuốc nam
Phạm nhân Võ Văn Đắng cũng là trường hợp khá đặc biệt. Hắn sinh năm 1946, quê ở An Phú, An Long, Tam Nông, Đồng Tháp, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với án phạt 3 năm, 6 tháng. Bị bắt tháng 3/1985 đến tháng 1/1986, Đắng trốn khỏi nơi giam. Qua nhiều lần xác minh, lực lượng truy nã Trại giam Cây Cầy đã phát hiện được sau khi trốn, Đắng đưa vợ con sang xóm Việt kiều ở ấp 6, Preveng, Campuchia.
Đến năm 2010, lực lượng chức năng phát hiện Tết Nguyên đán 2010, Đắng có đưa vợ về Việt Nam chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp. Do vợ bị bệnh nặng nên Đắng cho vợ xuất viện về ấp An Thịnh, An Long, Tam Nông, Đồng Tháp rồi nhờ người mượn xe ôtô của Hội Chữ thập đỏ xã An Long đưa hai vợ chồng đến biên giới Campuchia. Lực lượng chức năng đã trực tiếp gặp gỡ đối tượng mượn xe chở vợ chồng Đắng về biên giới, cho tiến hành nhận dạng, xác định chính xác đối tượng.
Từ đó, tổ công tác tiếp tục phối hợp với Công an huyện Bến Cầu, Tây Ninh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ xác minh nơi ở của Đắng, phát hiện hắn làm nghề bốc thuốc nam ở Preveng, Campuchia. Do đối tượng đang sinh sống, cư trú ở nước ngoài nên công tác xác minh, bắt giữ vượt quá khả năng của Trại, đơn vị đã báo cáo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có công văn đề nghị Văn phòng Interpol Việt Nam phối hợp xác minh, truy bắt nhưng chưa có kết quả.
Với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, quyết tâm bắt bằng được Võ Văn Đắng, lực lượng bắt truy nã trại giam Cây Cầy phối hợp với CBCS Cục C85 tổ chức nắm tình hình, bắt giữ Võ Văn Đắng khi hắn vừa từ Campuchia về đến biên giới Việt Nam. Lúc đó, Đắng mới giật mình không ngờ đã trốn kỹ như vậy vẫn còn bị bắt
Theo P. Thủy
Công an nhân dân
Chuyện đời tự kể của ông lão ăn xin bị cướp gần 1kg vàng
Ngồi trước mặt tôi là ông Nguyễn Văn Cưng (SN 1927, tạm trú thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) - người vừa trình báo bị cướp gần 1kg vàng - là toàn bộ tài sản ông tích cóp được trong 40 năm ăn xin.
Tại một quán nước nhỏ cạnh nơi bị cướp, không có vẻ gì hoảng loạn, ông bình thản kể về chuyện đời của mình và chuyện bị cướp.
Nơi ông Sáu Cưng nằm ngủ hằng đêm.
Một thời trai trẻ
Người viết đã tìm gặp được ông khi ông lang thang ăn xin ở bến xe Tam Nông. Mời ông vào quán uống nước, tôi hỏi ông thích uống gì, ông thều thào trả lời: "Tui thích nhứt càphê sữa đá". Bên ly càphê sữa đá, ông đã kể về cuộc đời 86 năm của mình, trong đó có tới một nửa là đi ăn xin.
Ông sinh ra bên dòng kênh Đường Nước A, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Là con thứ sáu trong gia đình nghèo có gần 10 người con, ông lớn lên lam lũ, không được học hành, ngay từ nhỏ đã phải cùng cha mẹ ra đồng làm lụng kiếm sống. Quê ông thuộc vùng Đồng Tháp Mười hoang vu "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh", mỗi năm ngập trong nước lũ 3 - 4 tháng.
Lúa mọc không nổi, nhưng bù lại đồng ruộng nơi đây lại dồi dào các loại cá đồng, rùa, rắn... Ngay từ năm 6 - 7 tuổi, Sáu Cưng đã biết giăng lướt bắt cá về cho mẹ xẻ phơi khô đem bán đổi gạo. Và chuột! Ông Cưng nhớ lại, chuột ở quê ông rất nhiều, mùa khô chuột kéo thành từng đàn đi cắn phá lúa.
Sáu Cưng theo cha và các anh chị đi đào hang bắt chuột, chỉa chuột trên ngọn tràm... Chỉ lựa săn chuột "cống nhum", con nào con nấy to bằng con gà giò, bán rất có giá, nhờ vậy mà cha con Sáu Cưng cũng sống được bằng nghề bắt chuột.
Ông Nguyễn Văn Cưng.
Sáu Cưng cũng từng có vợ. Ông nhớ năm đó ông ngoài 20 tuổi. Sáng hôm ấy, khi đang mải mê gỡ cá mắc lưới, Sáu Cưng chợt nghe từ xa tiếng kêu la thất thanh, chèo xuồng tới nơi thì thấy một cô gái đang ôm lấy tay kêu la trên chiếc xuồng đầy bông điển điển. Thì ra cô vừa bị rắn cắn. Nhìn qua vết cắn, Sáu Cưng biết ngay là rắn hổ hành, tuy không quá nguy hiểm như hổ đất (hổ mang), nhưng nếu chậm can thiệp cũng chết như chơi. Sáu Cưng nhớ tới bài thuốc trị rắn hổ hành cắn gia truyền của cha.
Sáu Cưng lấy hơi thật sâu, nhảy tùm xuống nước, lặn đào một loại rễ cây, xong trèo lên xuồng nhai đắp vết cắn trên tay cô gái. Rồi Sáu Cưng chèo xuồng thật nhanh về xóm để cha mình chữa trị cho cô gái. Đến cuối năm ấy đã diễn ra đám cưới đơn sơ nhưng tràn đầy niềm vui giữa Sáu Cưng và người con gái từng được Sáu Cưng cứu chữa rắn cắn hôm mùa lũ.
Cuộc đời hành khất
Nhấp ngụm càphê, vẫn với giọng thều thào, ông Sáu Cưng kể: "Trời không thương vợ chồng tui, vợ tui không thể sinh con. Thời đó quan niệm "tam niên vô tử bất thành thê", nghĩa là ba năm mà không sinh con thì không còn là vợ, người đàn ông phải cưới vợ khác.
Cưới nhau 4 - 5 năm mà không có con, ba má biểu tui đi kiếm vợ khác. Phần vì thương vợ, phần vì nghèo, nên tui cãi lời, tiếp tục sống với vợ cho tới ngày bả chết". Vợ chồng Sáu Cưng không ruộng đất, cá mắm ngày càng ít, nên phải chuyển qua làm mướn, làm thuê. Ai mướn gì, nặng nhọc đến đâu vợ chồng Sáu Cưng cũng làm, kể cả là dùng sức người kéo cày thay trâu. Có lẽ do vậy mà vợ của Sáu Cưng lâm bệnh nặng và qua đời năm 1967, lúc mới 37 - 38 tuổi.
Đau buồn vì mất vợ, ông Sáu Cưng cũng lâm bệnh, yếu sức dần, không thể làm thuê làm mướn việc nặng nhọc được. Trong khi anh chị em của Sáu Cưng ai cũng nghèo, lại đông con, nên chẳng ai giúp được gì Sáu Cưng. Có một người quen trong xóm cũng già yếu, bệnh tật, đi ăn xin bên huyện Tháp Mười, thấy vậy Sáu Cưng cũng bắt chước đi ăn xin.
Ban đầu ông còn "đi đi về về", sau đó ông dạt qua tận xứ Tân Châu, An Phú (An Giang) để xin ăn, cách nhà cả trăm cây số, cả năm ông mới về thăm quê một lần. Vài chục năm trở lại đây, khi đã già yếu, ông trở về ăn xin ở các huyện gần như Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh... Ông chọn chợ thực phẩm huyện Tam Nông (thị trấn Tràm Chim) làm chốn đi về.
Ông kể, thời còn trẻ ông ăn xin cũng rất dẻo miệng, nên được nhiều tiền. Sau này già yếu, không còn sức để kể lể hoàn cảnh, ông chỉ im lặng chìa chiếc nón lá cũ về phía người cần xin. Ai cho thì ông cúi đầu cảm ơn, không cho thì thôi, ông không làm gì phiền hà mọi người. Càng về già, khi tóc đã bạc trắng, ông càng xin được nhiều tiền... Ai cho gì ông ăn uống nấy, rất ít khi ông dùng tiền xin được để mua thứ gì.
Từ lúc còn là anh thanh niên làm mướn, bốc vác, ông đã mê càphê sữa (sau này có thêm đá), đến khi đi ăn xin, hàng ngày la cà các quán nước, ông càng thèm loại thức uống này. Nhưng không bao giờ ông dám bỏ tiền ra kêu càphê sữa để uống. Biết chuyện đó, bà Tám chủ quán nước ở gần chợ Tam Nông thỉnh thoảng lại hào phóng cho ông uống càphê sữa miễn phí. Rồi ông Chín bán quán cơm đôi khi cho ông ăn cả đĩa cơm sườn...
Sắm vàng cho vui!
"Xin của bố thí từ thiên hạ, tui đâu dám ăn xài, xin được bao nhiêu tiền tui cứ để dành, rồi mua vàng xỏ xâu quấn quanh người", ông Sáu Cưng nói về việc mình tích cóp được 25 lượng vàng.
Ông cho biết, do không có nhà cửa, không tủ rương, ông chỉ biết giấu vàng miết trong người bằng cách xỏ dây các chiếc nhẫn vàng rồi quấn kỹ hai bên đùi để tránh người khác dòm ngó. Chỉ trừ những ngày bệnh nặng lắm ông mới ở "nhà", còn lại quanh năm ông đi xin khắp đó đây. Tuỳ theo "hên xui" mà ngày đó ông xin được ít hay nhiều tiền.
Ít thì cũng được 40 - 50 ngàn đồng, nhiều có khi lên đến 200 - 300 ngàn đồng, đó là khi có người tốt bụng nào đó cho ông cả trăm ngàn đồng. Xin được tiền lẻ, vài ba ngày ông đem đến chỗ bà Bảy bán quần áo nhờ bà đổi thành tiền chẵn, loại mệnh giá 100 - 200 ngàn đồng. Đôi tháng một lần, ông đem số tiền tích cóp được ra đếm, rồi đến tiệm vàng ở gần chợ Tam Nông để mua vàng - loại nhẫn trơn để ông dễ xỏ xâu quấn quanh người.
Nhiều lúc bà chủ tiệm vàng hỏi ông mua vàng làm gì, ông trả lời vui: "Mua để dành cưới vợ". Tính ra, trung bình mỗi ngày ông xin được khoảng trăm ngàn đồng, mỗi tháng ông xin được khoảng 3 triệu đồng, mỗi năm tích cóp ông sắm được cả lượng vàng. Suốt mấy chục năm đi xin, mà không tiêu xài gì, ông dành dụm được 25 cây vàng, nặng gần 1kg, suốt ngày đêm ông mang nó kè kè trong người.
Trả lời câu hỏi, ông già yếu, không con cái, vậy ông tích cóp sắm vàng để làm gì, ông Cưng thều thào nói: "Hồi đó sống khổ cực quá, thiếu thốn mọi bề, nên rất quý đồng tiền. Sau này đi xin được ít tiền, không dám tiêu xài, nêm đem đi sắm vàng. Mấy đứa cháu tui cũng biết tui có vàng, mỗi lần về thăm quê tôi hay đem vàng ra đếm rồi xỏ xâu vào sợi dây. Các cháu biết tui có vàng chứ hổng rõ bao nhiêu. Tui nghĩ, sống thì mua vàng cho vui vậy thôi, còn khi chết thì biết gì nữa, người sống muốn làm gì thì làm. Tui đâu có đem vàng đi theo ông theo bà được".
Bị cướp gần 1kg vàng
Hỏi về cái đêm ông bị kẻ xấu cướp sạch số vàng trong người, ông Sáu Cưng bồi hồi nhớ lại: "Ngày hôm đó (ngày 21.12), tui xin được ít tiền, chỉ có khoảng 40.000 đồng. Buổi chiều, tui gộp số tiền đó với số tiền dành dụm mấy tháng trước, đi ra tiệm vàng ở chợ Tam Nông mua được 1,5 chỉ vàng 24K. Tui về "nhà" (sạp bán bánh trong chợ thực phẩm Tam Nông) xỏ xâu quấn vào lưng quần rồi giăng mùng ngủ. Đến khoảng nửa đêm tui bị những kẻ xấu ập vào đè ra lột quần cướp hết.
Tụi nó bỏ đi, tui chỉ biết ngồi khóc mà hổng biết kêu ai. Tụi nó lột sạch quần áo, tôi chỉ có cái khăn quấn ngang người, nên cũng hổng dám đi đâu. Đến sáng có người thương tình cho cái quần thun để bận". Cũng theo lời ông Sáu Cưng, ông bị cướp nhưng không biết đi báo công an, may nhờ mấy bà con tiểu thương ở chợ Tam Nông nghe chuyện nên trình báo cho công an vào cuộc.
Với sự tích cực vào cuộc của Công an huyện Tam Nông, ngay ngày hôm sau các đối tượng tham gia cướp vàng của ông Cưng đã bị bắt. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Trần Quốc Việt (SN 1985), Cao Văn Sang (SN 1994), Lê Đức Duy (SN 1995), Trần Văn Thanh Dân (SN 1996) cùng ngụ thị trấn Tràm Chim và Nguyễn Thái Tài (SN 1996, ngụ phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM).
Công an huyện Tam Nông cho biết đã thu hồi được 56 chiếc nhẫn vàng (loại trơn) 24k. Trong đó, có 24 chiếc loại 1 chỉ, 30 chiếc loại 5 phân, 2 chiếc loại 2 chỉ, tổng cộng hơn 4,2 lượng vàng, cùng gần 30 triệu đồng tiền mặt, 1 dây chuyền kim loại màu vàng, 1 sợi lắc màu vàng, 1 chiếc nhẫn màu vàng.
Kết quả điều tra ban đầu cho biết, khoảng 22h đêm 21.12, Việt, Tài, Sang và Duy chạy xe máy đến chợ thực phẩm Tam Nông, thị trấn Tràm Chim để thực hiện vụ cướp. Theo phân công, Sang, Duy đứng canh đường, còn Tài và Việt vào chợ, đến chỗ ông Cưng đang ngủ để thực hiện hành vi trấn lột.
Lúc các đối tượng này đến, ông Cưng phát hiện và thức dậy, nhưng bị Tài chụp đầu, bịt miệng cho Việt lục túi. Chúng thấy túi quần ông Cưng gài nhiều kim tây nên Việt tụt luôn hai cái quần ông đang mặc rồi ôm chạy... Việt cùng đồng bọn sau đó lấy toàn bộ số vàng chia nhau.
Theo ông Sáu Cưng, ông cũng đau lòng khi toàn bộ số vàng ông chắt chiu dành dụm cả đời bỗng chốc bị cướp sạch, nhưng ông vẫn tiếp tục đi xin, vì như vậy ông mới thấy khuây khoả. Mới đây, Công an huyện Tam Nông đã đưa ông Cưng về tận nhà người thân ở kênh Đường Nước A (xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) để người thân chăm sóc.
Một người cháu của ông Cưng cho biết, hiện thời sức khỏe của ông hơi yếu, người thất thần, có vẻ buồn. Không biết ông buồn vì số vàng bị mất hay buồn vì không được hàng ngày rong ruổi khắp các nẻo đường để ăn xin.
Theo Thanh Thủy
Lao động
Kế hoạch "bài bản" của nhóm cướp cụ già ăn xin 25 lượng vàng Theo CQĐT, Nguyễn Quốc Việt là người lập kế hoạch cướp tài sản của cụ Nguyễn Văn Cưng. Với vai trò "đầu tàu", Việt phân công cho các nghi phạm khác gồm: Sang, Duy, Tài mỗi người một nhiệm vụ, rồi đợi đến 22h ngày 21/12 thì ra tay. Tại CQĐT, bước đầu các đối tượng khai nhận, Trần Quốc Việt (SN 1985,...