Đắm tàu thảm khốc: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phản hồi
Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn nói gì về việc dư luận cho rằng lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã vào cuộc chậm trễ trong vụ đắm tàu Cần Giờ.
Liên quan tới vụ đắm tàu thảm khốc khiến 9 người thiệt mạng ở vùng biển Cần Giờ hôm 2/8 vừa qua, dư luận cho rằng các cơ quan chức năng, cụ thể là lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã vào cuộc quá chậm trễ và khâu quản lý tàu, thuyền còn khá lỏng lẻo.
Ông Phạm Hoài Giang, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Ảnh: TNO)
Để rộng đường dư luận, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoài Giang- Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Hoài Giang cho hay: “Tôi khẳng định công tác cứu hộ, cứu nạn trong vụ đắm tàu ở vùng biển Cần Giờ vừa qua rất tốt, chúng tôi đã biểu dương các lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn.
Một số báo đăng không đúng sự thật. Họ nói điểm xảy ra tai nạn cách bờ 20km, 10 km, nếu đi ca nô chỉ mất chừng 10 – 20 phút là không đúng. Mưa to gió lớn như thế, làm sao đi được 1 km trong 1 phút được? Đến máy bay còn không đi được nữa là…”
Cũng theo ông Giang, nguyên nhân sâu xa dẫn đến 9 người tử vong là do thông tin chậm, còn công tác cứu hộ, cứu nạn rất tốt.
“Giữa sóng to, gió lớn, người ta vẫn lao ra biển cứu người, điều đó thật đáng biểu dương và ghi nhận. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đang yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc này từ chuyện thông tin chậm tới chuyện đưa chiếc tàu đó ra biển”, ông Giang khẳng định.
Video đang HOT
Trước câu hỏi có hay không chuyện phải làm đơn mới được cứu hộ, ông Giang bật cười nói: “Không có ai phải làm đơn thời nay nữa. Những người phát biểu như thế là thiếu ý thức và không có hiểu biết gì”.
Công tác cứu hộ, cứu nạn rất tốt chúng ta mới cứu được 21 người, còn không thì sẽ mất nhiều người hơn nữa
Ông Phạm Hoài Giang
Tuy vậy, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng bức xúc chia sẻ: “Vừa qua các anh em cứu hộ, cứu nạn rất bức xúc khi đọc một số báo cho rằng họ làm chưa tốt công việc của mình. Trên thực tế, trong sóng to, gió lớn như vậy, ở đất liền đi họp có thể còn bị chậm chứ chưa nói trên biển, nơi xảy ra tai nạn cách bờ hàng chục cây số.
Tàu không phải cứ bấm nút là chạy được ngay, chưa kể còn mất một vài phút mới rời được cảng. Sóng to gió lớn như thế, tốc độ tàu chỉ đi được mấy hải lý/giờ, làm sao đi nhanh hơn được?!”.
Trước thắc mắc của nhiều người về việc tại sao không dùng trực thăng cứu nạn, ông Giang cho hay: “Trong sóng to, gió lớn, trực thăng làm sao bay được? Chưa kể trời tối, trực thăng làm sao tìm thấy người được?”.
Vị lãnh đạo này đồng thời nhấn mạnh: “Công tác cứu hộ, cứu nạn rất tốt chúng ta mới cứu được 21 người, còn không thì sẽ mất nhiều người hơn nữa”.
Như chúng tôi đã đưa tin, được sự vào cuộc quyết liệt của những cơ quan có liên quan của TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, tính tới sáng 5/8, 9 nạn nhân bị mất tích đã được tìm thấy, 21 người khác cùng đi trên chuyến tàu định mệnh H29 – BP đã được cứu sống.
Chiều 9/8, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM xác nhận, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công an đã chính thức vào cuộc, điều tra độc lập vụ tàu H29 – BP bị chìm ở vùng biển sông Soài Rạp, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Đây là tổ công tác trực thuộc Văn phòng Bộ Công an sẽ có nhiệm vụ thu thập chứng cứ, điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến vụ tai nạn này.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả về vụ việc trên.
Theo VTC News
'Tôi ân hận vì tổ chức chuyến đi cho anh em'
Được giới thiệu về loại ca nô hiện đại, nếu bị chìm cũng vẫn nổi như phao nên ông Phước yên tâm tổ chức cho anh em đi chơi, không ngờ đó lại là chuyến đi định mệnh. Những ngày qua, ông sống trong "dày vò, ân hận".
Đôi mắt thâm quầng mệt mỏi, ông Hà Ngọc Phước - Giám đốc Nhà máy sản xuất ống thép dầu khí PV PIPE cho biết, hơn một tuần kể từ khi tàu chìm ở Cần Giờ làm 9 người thiệt mạng khiến ông không thể nào chợp mắt.
"Chuyến đi đó là một nỗi ám ảnh không thể nào quên trong cuộc đời tôi" ông nói. Nó làm ông gần như rơi vào trạng thái trầm cảm, không còn muốn nói chuyện cả với những người thân. Nhưng với trách nhiệm là trưởng đoàn của chuyến đi và là người đứng đầu nhà máy nên ông đã cố gắng cùng với ban lãnh đạo công ty giải quyết công việc, lo tang sự cho những người tử nạn.
Chiếc tàu H29 được tìm thấy trên vùng biển Cần Giờ (TP HCM). 9/30 người đi trên chuyển tàu định mệnh đã tử nạn. Ảnh: Duy Công.
"Đó là một nỗi đau, một mất mát quá lớn đối với chúng tôi và các gia đình nạn nhân mà không gì có thể bù đắp nổi. Thật khó để vượt qua nỗi đau này. Chắc chắn phải mất một thời gian dài nữa mọi thứ mới nguôi ngoai", ông Phước nói rồi lặng người trên chiếc ghế rất lâu trước khi tiếp tục câu chuyện.
Ông bảo, sau tất cả những gì đã diễn ra, ông thực sự ân hận vì đã tổ chức chuyến đi này và chắc chắn phải chịu trách nhiệm. "Đúng ra tôi phải xin ý kiến lãnh đạo về chuyến đi đó. Tôi cứ nghĩ tổ chức sau giờ làm việc, đi đám cưới, đi chơi là việc cá nhân nên không báo cáo. Nhưng không ngờ nó đã để lại một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng", vị giám đốc bày tỏ.
Theo ông Phước, 2 ngày trước khi đi, ông có lấy ý kiến các anh em, mọi người giơ tay biểu quyết nhất trí và đều rất háo hức. Vì nhân tiện về Vũng Tàu dự đám cưới của một nhân viên trong nhà máy nên muốn tổ chức cho các anh em đến trước một ngày để đi chơi. Sau đó, ông giao cho một anh phụ trách công việc hành chính lập danh sách những người đăng ký để chuyển cho phía Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina (đơn vị cung cấp tàu) mua bảo hiểm.
"Trong lần ngồi với các anh bên công ty Việt Séc tôi nghe quảng cáo về loại ca nô và có xem trong cuốn catalog. Theo giới thiệu thì đây là loại ca nô công nghệ hiện đại, trong trường hợp bị chìm thì cũng nổi như một chiếc phao nên cũng yên tâm. Không ai nghĩ là lại có một chuyến đi hãi hùng như vậy", ông Phước kể.
Vị giám đốc cho biết thêm, hôm đó, tất cả các anh em được bố trí đi trên 3 chiếc canô. Khoảng 17h40 chiếc H29 xuất phát đầu tiên, 2 chiếc còn lại đi sau khoảng một tiếng. Khoảng 20h10 ông Phước nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ (mà sau này biết là số của anh Cương) báo về việc tàu gặp nạn. Nhưng do điều kiện thời tiết xấu, mưa to kèm theo gió và sóng lớn mịt mù nên không nghe rõ nên ông đã nhắn tin lại hỏi "anh em đã về đến nơi chưa?". Sau một hồi không nhận được trả lời nên ông gọi lại và biết tin tàu H29 gặp nạn.
Ngay sau đó, ông đã báo tin cho những người có trách nhiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc, đồng thời liên lạc với ông Đinh Văn Quyết và ông Sơn (đều thuộc Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina) để họ gọi cứu hộ và được những người này xác nhận đã cho tàu ra ứng cứu.
"Đi cùng với tôi trên chiếc canô sau cùng còn có anh Đảo - Giám đốc công ty Cổ phần Việt Sec - đơn vị đóng và bảo trì các con tàu trên. Là người thông thuộc địa bàn Vũng Tàu nên khi nhận tin tàu H29 gặp nạn anh đã liên tục gọi điện vào bờ nhờ anh em cho tàu mang theo nhiên liệu và áo phao ra ứng cứu đồng thời gọi cả lực lượng Bộ đội biên phòng và nhờ người liên lạc với Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu" ông Phước tiếp tục kể.
Khoảng 21h34 ông nhận được tin nhắn của anh Cương với nội dung "chiếc canô thấy tụi em mà nó không cứu". Ông Phước cho rằng khả năng đây chính là chiếc canô cứu hộ đầu tiên ra sớm, vì theo như các anh em nói thì nhìn thấy đèn pha của chiếc tàu này chỉ cách khoảng mấy chục mét và mọi người đều giơ tay lên kêu cứu. Trong khi đó 3 chiếc ca nô trong đoàn của ông không có loại đèn pha này.
Cũng theo ông Phước, vào thời điểm khoảng 21h55, khi các anh em trên tàu đang say sóng nằm trong ca nô thì có nghe tiếng còi, tuy không nhìn thấy gì vì trời rất tối nhưng ông cho rằng tàu gặp nạn cũng nằm trong khu vực cách đó không xa. Ngay sau đó ông đã lệnh cho thuyền trưởng quay lại nhưng người này không thực hiện. Thời điểm này chiếc canô của ông cũng bị chết máy, các anh em trên tàu phải rất khó khăn mới đổ thêm được nhiên liệu nhưng vẫn không chạy được.
"Chiếc canô của chúng tôi quá nhỏ và bị chết máy, sóng thì quá lớn. Nếu lúc đó quay lại chắc chắn tàu của chúng tôi cũng chìm. Tôi chỉ còn biết nói với Cương động viên, trấn an tinh thần anh em bình tĩnh, bám vào thành tàu rồi sẽ có tàu ra ứng cứu. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, khi tàu của chúng tôi cập được bến thì cũng đã gần giữa đêm. Lúc đó tôi đã bị sốc và không còn khả năng làm gì nữa. Hàng loạt tàu cứu hộ cũng ra rồi nhưng đã quá muộn", ông Phước rơm rớm nước mắt khi nhắc đến giây phút trên biển.
Trước đó tối 2/8, tàu khách H29 chở 30 công nhân, chuyên gia của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu. Khi đi qua sông Soài Rạp (Cần Giờ, TP HCM) tàu được cho là gặp sóng lớn và bị chìm. Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 9 người, 21 người còn lại may mắn được cứu sống sau nhiều giờ lênh đênh trên biển.
Theo Dantri
Vụ chìm tàu: Đổ lỗi cho tài công tử nạn? Tiễn đưa ông Phạm Duy Phúc, người lái ca nô H29-BP bị chìm về nơi an nghỉ, nhiều cán bộ thuộc Vùng 2 Hải quân (Bộ Tư lệnh Hải quân) đã quyết định lên tiếng. Bởi họ thấy đồng đội xấu số của mình đang có dấu hiệu bị người khác đổ tội... Xử lý sự cố Y2K trên biển Thiếu tá Võ...