Đắm say Bản Giốc, Ngườm Ngao
Đến với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, bắt gặp một Cao Bằng khác lạ. Một Cao Bằng thấp thoáng, e ấp nép mình trong làn nước mờ bụi sương.
Một Cao Bằng mờ ảo, ẩn hiện trong làn khói nước đầy hùng vĩ, đầy tráng lệ. Một Cao Bằng vô cùng lộng lẫy, kiêu sa với những lớp thạch nhũ rực rỡ,… khiến người lữ thứ dừng chân chẳng muốn rời.
Thác Bản Giốc quyến rũ lòng người
Cách Hà Nội khoảng 335km, Bản Giốc – Cao Bằng là một trong những thác nước nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế biết đến là một trong những thác nước lớn nhất, đẹp nhất thế giới.
Chúng tôi ghé thăm thác Bản Giốc vào một chiều cuối đông, khi cái lạnh đã bớt phần băng giá, bởi len lỏi trong giá lạnh đã phảng phất hơi ấm của mùa xuân. Những vệt nắng nhạt cuối đông như nét chấm phá tạo nên vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Vừa bước xuống xe, quanh tôi đã tràn ngập âm thanh reo vui của tiếng nước chảy, thác đổ… Từ xa, thác nước với độ cao trên 30m đổ xuống tung bọt nước trắng xóa, tạo nên cảm giác hoang sơ đầy tráng lệ. Nhìn từ trên cao xuống, thác nước thẳng đứng với những dòng nước trắng xoá, len lỏi qua từng kẽ đá, từng tán cây xanh buông mình xuống dòng sông bên dưới. Phần giữa thác, một mô đá nhô lên, xẻ dòng nước thành ba luồng như những dải lụa trắng vắt ngang núi rừng.
Video đang HOT
Đến gần hơn, một không gian hùng vĩ, thơ mộng chợt mở ra đầy kỳ ảo với ngọn thác nhiều tầng, được bao quanh bởi những tán cây lớn và núi đá vôi cao như một bức tranh sơn thủy. Những khối nước lớn trắng xóa đổ xuống các bậc đá, xen lẫn màu xanh của núi rừng. Hơi nước bốc lên tạo thành sương mù huyền ảo, khiến ta như lạc vào xứ sở thần tiên. Nắng cuối đông chiếu vào dòng thác xuyên qua làn bụi nước mờ mịt tạo nên những chiếc cầu vồng sắc màu, lung linh huyền ảo. Trái ngược với vẻ hùng vĩ nơi ngọn thác, dưới chân thác là một dòng sông rộng, hiền hòa, mặt nước trong xanh, phẳng lặng in bóng mây trời. Có lẽ chính sự đối nghịch giữa sự dữ dội của thác nước phía trên và sự hiền hòa của mặt sông bên dưới khiến thác Bản Giốc càng trở nên độc đáo và quyến rũ. Nhìn từ trên cao, thác Bản Giốc như tấm lụa trắng, mềm mại uốn lượn giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Tất cả tạo ra một khung cảnh kỳ vĩ khiến người xem ngẩn ngơ, choáng ngợp bởi vẻ đẹp hùng vĩ và dữ dội của nó, để rồi chỉ biết lặng người chiêm ngưỡng, tận hưởng và cố ghi khắc thật lâu vẻ đẹp đó trong ký ức.
Động Ngườm Ngao, kiệt tác của thiên nhiên
Cách thác Bản Giốc khoảng 3km là động Ngườm Ngao nổi tiếng với vẻ đẹp huyền bí của hệ thống thạch nhũ kỳ thú. Đây là hang động xếp vào hàng đẹp nhất Việt Nam, được hình thành từ sự phong hóa lâu đời của đá vôi. Động Ngườm Ngao nằm ở bản Gun, xã Đàm Thủy, có vẻ đẹp lộng lẫy với những nhũ đá muôn sắc màu đan xen nhau từ dưới lên và từ trên cao rủ xuống nhiều hình thù khác nhau, tạo nên hang động thiên nhiên vô cùng độc đáo, mới lạ và đẹp mắt.
Theo người dân nơi đây, Ngườm Ngao có nghĩa là động Hổ. Theo truyền thuyết, tiếng suối chảy trong động phát ra nghe như tiếng gầm rú của hổ dữ nên người dân địa phương đặt tên động là Ngườm Ngao. Động Ngườm Ngao được người dân địa phương phát hiện năm 1921 nhưng mãi tới năm 1995 mới chính thức được khảo sát bởi Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh. Động có tổng chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn.
Nhũ đá trong động Ngườm Ngao. Nguồn: Công ty CP du lịch Cao Bằng
Vào động Ngườm Ngao, chúng tôi như đang lạc vào một thế giới khác và choáng ngợp trước vẻ đẹp của những lớp thạch nhũ vàng rực, lấp lánh như được dát vàng với muôn vàn hình thù khác nhau. Cùng với thời gian, những nhũ đá và măng đá được phong hóa đã tạo nên những khung cảnh sinh động.
Càng vào sâu trong động, quang cảnh càng hấp dẫn, lôi cuốn, thôi thúc sự tìm hiểu, khám phá. Nhiều khối nhũ đá, măng đá mọc từ trên xuống hay nhô từ mặt đất lên, kích thước to nhỏ khác nhau, muôn hình muôn vẻ như hình cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, cóc thần, cây đàn đá, cây san hô và con tàu, thác vàng, thác bạc, đài sen,… đua nhau khoe sắc, tạo nên không gian huyền ảo, đan xen như mê cung kỳ diệu. Đặc biệt, do lượng canxi vôi hóa bị pha nhiều tạp chất nên nhũ đá của động Ngườm Ngao có màu sắc biến hóa khôn lường, chỗ này xanh, tím chỗ kia vàng, nâu… Nhờ đó, du khách có thể thỏa sức tưởng tượng ra tòa sen, tòa tháp nguy nga tráng lệ như trong cung điện hoặc thân thuộc hơn như hình ảnh quây quần bên bếp lửa bập bùng…
Theo lời của hướng dẫn viên du lịch, động Ngườm Ngao được chia thành nhiều khu như khu “tứ trụ thiên đình”, khu trung tâm, khu châu báu… Sở dĩ được đặt tên là “tứ trụ thiên đình” bởi khu vực này có 4 cột đá trông như 4 cột chống trời vươn cao đỡ lấy vòm động. Với sự sắp xếp khéo léo của thiên nhiên, những nhũ đá trong hang có hình dáng đức Phật, tượng ông, tượng bà, cô tiên, thuyền rồng của nhà vua,… giống như bức tranh “thiên đình” thu nhỏ. Đặc biệt, nhũ đá có hình bông sen vàng úp ngược là một kiệt tác của thiên nhiên, được nhiều người yêu thích. Những cánh hoa sen được gọt giũa công phu, phủ ánh sáng vàng lóng lánh. Với vẻ đẹp kỳ vĩ và nên thơ này, động Ngườm Ngao được xem như kiệt tác mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Cao Bằng.
Đến với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao như bắt gặp một Cao Bằng khác lạ, với thác nước hùng vĩ, hang động kỳ thú và những bản làng ẩn hiện trong sương khói. Đứng trước Bản Giốc, Ngườm Ngao, mọi vướng bận của cuộc sống thường nhật như bị xua tan, những xúc cảm đẹp đẽ bừng tỉnh.
Vẻ đẹp động Ngườm Ngao, Cao Bằng
Từ thị xã Cao Bằng - tỉnh Cao Bằng, theo con đường dài hơn 60km, vượt qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu để đến thị trấn Trùng Khánh, đi thêm 26 cây số nữa đến Bản Giốc, cách Bản Giốc 3km là động Ngườm Ngao (bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh - Cao Bằng).
"Ngườm Ngao" theo tiếng Tày có nghĩa là động hổ (Ngườm: động, Ngao: hổ), vì tương truyền ngày xưa trong động này có nhiều hổ dữ sinh sống. Nhưng cũng có người cho rằng động hổ bắt nguồn từ tiếng suối chảy trong động tạo ra tiếng kêu, gầm như con hổ dữ. Động cũng có tên gọi là động Gió bởi trong động có dòng suối ngầm chảy mạnh tạo ra luồng gió và tiếng ầm ầm dội vào các vách núi. Năm 1921, một số viên quan người Pháp và Việt Nam khi đến thăm thác Bản Giốc đã phát hiện ra động này
Nhiệt độ trong động từ 18 đến 25 độ C, mùa hè cho cảm giác mát mẻ, còn mùa đông ấm áp. Động có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm (hang gió) và Ngườm Bản Thuôn. Hiện nay, lối ra vào chính đi qua cửa Ngườm Ngao gần bản Gun. Từ đây, khách tham quan có thể vào sâu bên trong động đến gần 1km.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Ngườm Ngao là động đá vôi được hình thành cách đây 300 triệu năm trước Công nguyên. Cùng với thời gian, những nhũ đá và măng đá đã tạo nên những khung cảnh thật sinh động, kì thú khiến con người phải thán phục, kinh ngạc. Trải qua nhiều năm, người dân nơi đây cùng các du khách đến tham quan với trí tưởng tượng phong phú của mình đã đặt ra những tên gọi cho các nhũ, cột đá bằng những tên gọi mang đậm tâm thức tín ngưỡng của người Việt.
Động được chia thành nhiều khu, ví dụ như khu "tứ trụ thiên đình" với những cột đá trông như cột chống trời; khu trung tâm với không gian rộng; khu châu báu là những núi nhũ lấp lánh ánh vàng, ánh bạc.
Nhũ đá trong động Ngườm Ngao có màu khác hẳn với những động khác bởi có lượng canxi bị pha nhiều tạp chất. Đưa mắt nhìn bốn phía lên trên vách đá vôi, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh kì thú giống như cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con cóc thần, cây đàn đá...
Và càng không thể bỏ qua những "điểm nhấn" nổi bật nhất của Ngườm Ngao là cây san hô và con tàu, thác vàng, thác bạc, đài sen úp ngược, cột đá cô đơn... Tất cả những cảnh vật trên đều do thiên nhiên tạo ra từ nhũ và măng đá vôi, không hề có sự can thiệp sắp đặt của con người nhưng chúng hiện lên vô cùng sinh động, quyến rũ. Ngườm Ngao đúng là một món quà thiên nhiên vô giá mà tạo hóa ban cho người dân nơi đây.
Động Thiên Cung - Cung điện nhà trời dưới hạ thế với hệ thống 3 ngăn bí ẩn Động Thiên Cung sở hữu cấu trúc phân cấp với nhiều cấp, nhiều ngăn với các trần, bờ vách cao và rộng cùng hệ thống thạch nhũ đá vôi, măng đá muôn hình vạn trạng thú vị. Động có diện tích rộng cùng hệ thống nhũ đá vôi ấn tượng. (Ảnh: Vietnam ) Tọa lạc ở phía Tây Nam Vịnh Hạ Long, ở...