Đàm phán bế tắc, Arsenal sẵn sàng bán Aubameyang
Theo Daily Mail, Arsenal và Pierre-Emerick Aubameyang đã không đạt được thỏa thuận tiền lương. Vậy nên, đội chủ sân Emirates chỉ còn cách bán tiền đạo người Gabon trong mùa Hè này.
Trong đại dịch Covid-19, các cầu thủ Arsenal đã chấp nhận giảm lương 12,5%. Tuy nhiên thiệt hại tài chính của đội bóng thành London vẫn không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình đàm phán gia hạn với các trụ cột.
Aubameyang hiện lĩnh mức lương 200.000 bảng/tuần, đứng thứ hai tại Emirates sau Mesut Oezil (350.000 bảng/tuần). Chân sút 30 tuổi người Gabon yêu cầu tăng lương đáng kể mới ký tiếp hợp đồng. Song phía Arsenal không thể đáp ứng đòi hỏi của Aubameyang trong bối cảnh tài chính lao đao vì Covid-19.
Các bên đã dùng dằng từ vài tháng nay nhưng mọi thứ đang đi vào ngõ cụt. Tình trạng bế tắc sẽ buộc Arsenal phải bán Aubameyang ngay trong mùa Hè này. Cần biết, hợp đồng hiện tại của cựu cầu thủ Dortmund chỉ còn tới tháng 6/2021. Bây giờ là thời điểm được giá nhất để Arsenal đẩy đi Aubameyang, dự kiến có giá 60 triệu euro. Nếu để muộn hơn, Pháo thủ có thể mất trắng chân sút tầm cỡ thế giới này.
Bất đồng tiền lương không phải nguyên do duy nhất đẩy Aubameyang ra xa Arsenal. Trên thực tế, tiền đạo người Gabon không còn nhiều động lực cống hiến sau 3 mùa giải trắng tay danh hiệu tại đội bóng thành London. Từ khi tới Emirates vào mùa Hè 2017, Aubameyang rất nỗ lực cống hiến với 61 bàn thắng sau 97 lần ra sân. Dù vậy, thành tích lớn nhất mà anh có được chỉ là vị trí á quân Europa League mùa giải trước.
Aubameyang đòi nâng lương mới ký hợp đồng mới, nhưng Arsenal không đồng ý
Ở đẳng cấp của Aubameyang, anh xứng đáng khoác áo một đội bóng cạnh tranh chức vô địch Champions League. Barcelona, Real Madrid, Inter và Man City vẫn thèm khát sự phục vụ của tiền đạo đã có 17 bàn thắng tại Premier League mùa này. Aubameyang hiểu rõ điều đó nên luôn giữ tư thế “cửa trên” khi đàm phán với Pháo thủ. Nếu không đạt thỏa thuận, ngoài kia đã có khối ông lớn trải thảm đỏ.
Việc Arsenal hiện đứng thứ 9 trên BXH Premier League mùa này cũng làm Aubameyang thất vọng. Mục tiêu tham dự Champions League mùa tới của tiền đạo người Gabon rất khó thành hiện thực. Nhìn chung, Arsenal chẳng có gì để giữ chân Aubameyang. Họ không đủ khả năng cạnh tranh danh hiệu, không có vé tới Champions League mùa sau và cũng không đủ khả năng tài chính đáp ứng đòi hỏi lương bổng của cựu cầu thủ Dortmund.
Bán Aubameyang vào lúc này có lẽ lại là lựa chọn khôn ngoan của Arsenal. 60 triệu euro để đổi lấy một tiền đạo chỉ còn vài ba năm chinh chiến đỉnh cao, Pháo thủ lại có một khoản tiền không nhỏ để tu bổ đội hình.
Berbatov khuyên Aubameyang ra đi
Cựu tiền đạo M.U, Dimitar Berbatov, hiểu rõ tại sao Aubemeyang chưa muốn gia hạn hợp đồng với Arsenal. “Hãy hỏi Aubameyang xem anh ta có hạnh phúc ở Arsenal hay không. Nếu câu trả lời là không, tôi rất hiểu lý do. Là cầu thủ, ai cũng muốn có danh hiệu. Arsenal có lối chơi đẹp mắt nhưng thiếu bản lĩnh để đua tranh danh hiệu. Điều đó gây ra sự thất vọng lớn cho một cầu thủ. Aubameyang đã 30 tuổi, cậu ấy không thể chờ lâu hơn”, cựu danh thủ người Bulgaria nói trên Daily Mail.
Việt Hà
Wenger ra đi, để lại một Arsenal lạc lối
Cách đây hai năm, lời chia tay sau 22 năm gắn bó Arsenal của Arsene Wenger được chính thức đưa ra.
Arsenal thời hậu Wenger đang có nguy cơ mắc vào vòng luẩn quẩn như những gì MU đang trải qua thời hậu Sir Alex Ferguson.
Chính xác là 10h00 sáng (giờ địa phương) ngày 20/4 năm 2018, trang Twitter chính thức của Arsenal chia sẻ thông tin chính thức về cuộc chia tay của Giáo sư Wenger kèm hashtag ngắn gọn bằng tiếng Pháp: #MerciArsene (cảm ơn ông Wenger).
22 năm của Wenger, từ vinh quang đến thất vọng
Đó là một thời khắc làm rung chuyển lịch sử Arsenal, nhưng không phải một cú sốc hay bí mật gây bất ngờ như lời giã từ của Sir Alex ở Old Trafford. Thực tế, Wenger đáng ra nên kết thúc cuộc tình với đội chủ sân Emirates trước đó 3-4 năm, khi Arsenal đã bắt đầu có những dấu hiệu suy thoái rõ ràng.
Nếu cần đánh giá chính xác về Arsenal qua hơn hai thập kỷ dưới thời Wenger, chúng ta tạm chia làm hai thời kỳ. 10 năm đầu tiên từ 1996 đến 2006 đánh dấu thời điểm chiến lược gia người Pháp bước ra ánh sáng, xóa tan những nghi ngờ của một người đàn ông bị tờ London Evening Standard đặt một cái tít báo mỉa mai "Arsene Who (Wenger là ai thế nhỉ)?" ngay trong ngày ông chính thức dẫn dắt Pháo thủ. Ông đắp vào tập thể Arsenal không chỉ một thứ bóng đá quyến rũ, mà là cả một bảng thành tích hoành tráng: 2 lần giành cú đúp danh hiệu, bao gồm chiến tích bất bại cả mùa mùa 2003-2004, một lần vào chung kết Champions League mùa 2005-2006.
12 năm còn lại của Wenger chứng kiến sự suy thoái không thể tránh khỏi. Arsenal thiếu định hướng và mục tiêu rõ ràng, mua sắm kém tinh tường và trên tất cả là nạn nhân của không ít những trận thua đáng quên, tiêu biểu là các thất bại trước Barcelona hay Bayern Munich ở Champions League. Thi thoảng đội bóng của HLV Wenger mới mang về những chiếc Cúp để xua tan bầu không khí ảm đạm.
Vẫn loay hoay đi tìm hướng đi
Wenger ra đi như một lẽ tất yếu, nhưng Arsenal vẫn chẳng thể tiến lên khi ông rời đi. Họ đã rời khỏi vị thế của một ứng viên vô địch và chấp nhận hài lòng với giấc mơ nhỏ hơn là tấm vé dự Champions League từ hai mùa cuối của Wenger, và giờ giấc mơ nhỏ ấy thậm chí còn trở thành thách thức lớn cho những đời HLV kế nhiệm ông.
Hai năm kể từ ngày Wenger ra đi, Arsenal vẫn đang lạc lối trong quá trình đi tìm lại chính mình
Ban lãnh đạo Arsenal quyết định chọn Unai Emery, một chuyên gia ở đấu trường Europa League và từng gắn bó với PSG, làm người kế vị Wenger. Sau hai trận thua mở màn trước Man City và Chelsea, mọi thứ đã đi theo chiều hướng vị HLV người Tây Ban Nha mong muốn với chuỗi 22 trận bất bại, bao gồm 11 trận thắng liên tiếp.
Thật không may, thời gian của Emery với đội chủ sân Emirates đã không êm ả như mong đợi. Arsenal lộ rõ quá nhiều vấn đề ở cả ba tuyến: Một hàng thủ thiếu tốc độ và thiếu người chỉ huy, hàng tiền vệ hoàn toàn không tương thích, nỗi thất vọng mang tên Mesut Oezil, người hưởng lương lên tới 350 nghìn bảng/tuần và hội chứng phụ thuộc vào khả năng săn bàn của Pierre-Emerick Aubameyang trên hàng công. Mùa giải đầu tiên của HLV Emery ở Arsenal khép lại bằng trận thua Chelsea ở chung kết Europa League. Thất bại trên đất Baku hồi tháng 5 năm ngoái đã đóng sập con đường trở lại đấu trường Champions League.
Ban lãnh đạo Arsenal vẫn kiên nhẫn với vị HLV này, ít nhất nếu nhìn vào bốn tân binh được mang về trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm ngoái gồm Nicolas Pepe, William Saliba, Kieran Tierney và Dani Ceballos. Rốt cuộc, Pháo thủ bước đi nặng nề với vị thế vua hòa ở Premier League cùng một lối chơi thiếu sức sống. Đến ngày 29/11 năm ngoái, triều đại Emery đã chính thức nói lời cáo chung.
Mikel Arteta, một cựu cầu thủ của Arsenal và là cánh tay phải trong nhiều năm của Pep Guardiola ở Man City, được chọn để tái sinh đội chủ sân Emirates. Những bước đi đầu tiên của vị HLV trẻ tuổi này không đến nỗi quá tệ, khi Arsenal chỉ thua 2 trong 16 trận trên mọi đấu trường. Tuy vậy, khoảng thời gian Premier League tạm dừng vì dịch Covid-19 lại thật cần thiết, khi Arsenal vẫn thể hiện sự trồi sụt. Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ ở Premier League là nỗi đau bị Olimpiacos loại ở Europa League.
Nhìn lại tròn hai năm kể từ lời tạm biệt của Wenger, Arsenal giờ đã thấu hiểu những thách thức mà MU trải qua trong việc tìm lại vị thế vốn có sau một triều đại rực rỡ kéo dài hơn hai thập kỷ như Sir Alex Ferguson. Quá trình tái sinh Arsenal cũng chẳng dễ dàng hơn đội chủ sân Old Trafford, khi phía trước họ là một đội ngũ vừa mỏng vừa yếu, chưa kể vị thế giảm sút trông thấy vì đã vắng mặt liên tục ở các sân chơi lớn như Champions League.
Linh Sam
Real tính bỏ Mbappe, hớt tay trên Aubameyang trước MU và Barca Bất chấp việc tiếp cận Aubameyang sau MU và Barcelona, Real Madrid đang vượt lên là ứng cử viên số 1 cho việc giành chữ ký của "sát thủ" đáng gờm nhất của Arsenal trong mùa hè này. Theo tờ Sport (Tây Ban Nha), Real Madrid đang nổi lên là ứng cử viên sáng giá nhất sẽ giành được sự phục vụ của...