‘Đám đông kiểu để Lệ Rơi thành hiện tượng thì phải xem lại’
Im lặng, tha thứ và lặng lẽ theo đuổi những công việc của riêng mình dường như đang là lẽ sống của Lê Minh Sơn.
“Gã nhà quê” xuất hiện trong quán cà phê chiều đầu hè với hình ảnh mới không tóc dài, không để râu, phát tướng thấy rõ và nụ cười hềnh hệch quen thuộc…
Có một dạo, Lê Minh Sơn mạnh mẽ như một cơn gió lốc. Anh ra album liên tục, làm liveshow 3 đêm liền tù tì với một tốc độ chóng mặt. Anh cũng được nhắc tới như một hiện tượng của nền âm nhạc nước nhà khi đưa những ca sĩ vô danh trở thành sao sáng (Ngọc Khuê, Tùng Dương) hay gây chú ý khi có sự kết hợp cùng Thanh Lam.
Sơn ngang tàng, ngông nghênh, gây sốc với những phát ngôn động chạm. Nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước còn Sơn của hai năm gần đây im ắng, gần như mất tích. Anh trốn chạy báo chí, cũng chẳng ham thích với thú đi câu cá.
Sơn giờ đây trầm ngâm hơn, biết quý giá sự im lặng, sống thứ tha và lặng lẽ với những chuyến đi của riêng mình.
Lê Minh Sơn. Ảnh: D. Linh – T. Tâm
“Cuộc đời lãi nhất là những chuyến đi”
- Dạo này gần như anh không có sáng tác mới nào, cũng không thấy anh xuất hiện trên các gameshow, vì anh bí, chán hay anh đã biết sợ dư luận?
- Ôi, bạn nhầm rồi, tôi vừa viết ca khúc Đi. Cuộc đời lãi nhất là những chuyến đi, kể cả là đi trong suy nghĩ. Đi để dâng hiến, đi để tìm tòi và và đi để tận hưởng – tận hưởng ngay cả sự mệt mỏi đấy. (cười). Rồi đến một lúc nào đấy già không đi được nữa thì mình sống bằng hoài niệm và nghĩ: “Ô, đã có một thời mình như thế!”.
- Anh mới trả lời vế một của tôi, còn vế thứ hai vẫn còn bỏ ngỏ…
- Tôi 40 tuổi rồi, còn trẻ gì nữa đâu. Đúng là có nhiều chương trình mời tôi tham gia nhưng tôi thấy mình không phù hợp nữa. Đã đến lúc tôi biết tiết kiệm sự xuất hiện, dành vào một thứ thôi. Ngày xưa tôi xuất hiện là khi chưa có Du ca Việt, còn giờ mình phải có trách nhiệm với cộng đồng.
Du ca Việt đi qua 63 tỉnh thành mang nhiều sự tâm huyết của tôi. Nó cũng chiếm thời gian của tôi một cách khủng khiếp. Nhưng tôi phải chấp nhận thôi vì đó là sứ mệnh tôi phải làm, không có sự lựa chọn khác, chỉ có một lựa chọn là tôi phải làm và làm cho tốt.
Chương trình chưa lên sóng nhưng tôi tin khi mỗi số được phát lên, mỗi nhân vật sẽ là một câu chuyện thú vị. Mỗi tỉnh chúng tôi chọn ra một người, không phải là “trai xinh gái đẹp” mà là những thân phận nhân vật, có thể là một bà già bị mù, một cậu bé có hoàn cảnh đặc biệt… thông qua âm nhạc biến giấc mơ của họ thành sự thật.
Video đang HOT
- Chưa bao giờ “thực đơn” các chương trình truyền hình lại phong phú như hiện nay, game show nối tiếp game show. Hào hứng nhưng khán giả cũng bị bội thực bởi những “món Tây”. Khán giả đang mong mỏi những “món thuần Việt cho người Việt” và đó có phải là lý do anh và ê kíp dồn tâm huyết cho chương trình “made in Việt Nam” rất đỗi nhân văn này?
- Trước hết tôi xin nói rằng nhân văn gì thì nhân văn điều quan trọng nhất vẫn là tài năng. Chương trình này không phải là những thứ nhạc thị trường đang nhũng loạn trên tivi hiện nay mà đó là âm nhạc của ông bà họ, tổ tiên chúng ta sinh ra.
Âm nhạc của mỗi tỉnh chúng tôi đi qua phải là âm nhạc của tỉnh đấy, phải là chất dân gian của tỉnh đấy được đặt vào không gian âm nhạc đương đại. Những đồi núi, những con đường, bông hoa, giọt sương, những ánh mắt,… tất cả như là du lịch qua màn ảnh nhỏ bằng văn hóa, âm nhạc.
Vẻ phong trần, nghệ sĩ của “gã nhà quê”. Ảnh: D.Linh – T. Tâm.
“Tôi thương Hoàng Quyên như con gái“
- Có vẻ như càng bận bịu anh càng phát tướng và thích thay đổi diện mạo. Mái tóc mới của anh ngắn lỡ cỡ, cái vểnh, cái cụp trông anh nghệ sĩ hơn đấy!
- Có lúc để tóc dài tôi thấy rất thích. Nhưng có lúc lại muốn cắt phéng nó đi. Mỗi lần cắt nó lại cho mình cái mới. Khi mình bị cùn mòn thì mình nên cắt đi một cái gì đó. Mà mình phải cắt hẳn cái cũ đi để cho mình có một cái mới, để cho mình lại tư duy về những cái mới.
- Với những mối quan hệ, khi không thích anh có sẵn sàng “cắt phéng” đi không? Lâu rồi không thấy anh kết hợp cùng Thanh Lam, phải chăng…?
- Lam là một giọng hát lúc nào tôi cũng trân trọng.Còn sự kết hợp, cái đó bạn phải hỏi Lam còn phía tôi – luôn sẵn sàng. Có một điều tôi buồn nhất là nghe nói dạo này “nàng” mở quán cà phê. Tôi có nhắn tin cho nàng rằng: “Thời gian nàng lo cà phê, cơm nước thì để mà đọc sách, tư duy”.
Không biết nàng có giận không nhưng không thấy nhắn lại. Không biết có cực đoan không nhưng tôi không ủng hộ, một nghệ sĩ nào đó mà phải đi làm tay ngang cả. Mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh, hãy làm tốt sứ mệnh của mình. Tôi nghĩ vậy!
- Tôi nghĩ anh là người cực đoan, bởi chỉ có người cực đoan mới bỗ bã tuyên bố trong họp báo của Hoàng Quyên rằng “tôi làm nhạc cho Quyên không phải dành cho đám đông”?
- Bạn ơi, nếu là số đông phải có những người xuất sắc và xuất chúng chứ đám đông kiểu như để Lệ Rơi thành hiện tượng thì phải xem lại. Khi làm album Cửa thơm mùi nắng hay sản phẩm mới ra mắt có tựa đề Về, tôi vẫn hướng Hoàng Quyên rằng đánh vào số ít, bởi vì số ít sẽ nuôi được đường đi của mình, sẽ nuôi dưỡng được sự nghiệp của mình.
Hoàng Quyên với hình ảnh mới trong album Về.
Hoàng Quyên không phải là ca sĩ để show hàng, để mà cởi hay khoe gì đó như 90% những nghệ sĩ còn lại xuất hiện nham nhảm trên các mặt báo hay mạng xã hội. Quyên chỉ có giọng hát thôi. Bạn cũng phải hiểu tôi thương Hoàng Quyên như con gái mình nên luôn lo lắng và làm tốt nhất những gì có thể. Tôi sẽ làm đến khi nào hết duyên thì thôi.
Có người bảo Hoàng Quyên sao mãi cứ đi loay hoay trong thị trường nhạc Việt. Không phải đâu. Như Tùng Dương là ca sĩ kết hợp đầu tiên với tôi và giờ cậu ấy như thế nào ai cũng biết. Bệ phóng và nền tảng của một ca sĩ sẽ mở ra cho người đó những con đường khác nhau. Làm âm nhạc tử tế không nên vội. Vội là hỏng đấy!
Theo Sơn Hà/VietNamNet
Lê Minh Sơn: 'Tôi phải cám ơn Lệ Rơi ghê gớm'
Chàng nhạc sĩ nổi tiếng cho rằng, Lệ Rơi đã khiến các học trò của anh biết đi vào chất lượng hơn là tìm đám đông tung hô mình.
Không còn mái tóc đuôi gà, trang phục hầm hố, "gã nhà quê" lột xác thành anh trai phố thị với mái đầu và trang phục sành điệu như tài tử Hàn Quốc. Nhìn Lê Minh Sơn trẻ ra hàng chục tuổi. Nhưng khi vào chuyện, tay guitar lãng tử vẫn giữ nguyên cách nói chuyện bông phèng, tưng tửng mà không kém phần thật thà. Tác giả Ôi quê tôi cho biết, anh gặp báo chí việc chính là khoe tóc, việc phụ mới là nói về album vừa ra mắt mang tênÀ ơi.
- Anh từng có "Mình là đàn ông" để khuyên đàn ông cách yêu phụ nữ, rồi lại có "Cửa thơm mùi nắng" để nâng niu đàn bà, giờ là một sản phẩm dành cho trẻ em. Vì sao có sự thay đổi chóng mặt như vậy?
- Tôi làm xuất phát từ những điều quan sát thấy của đời sống. Các bà mẹ Việt Nam bây giờ hầu như không biết hát ru. Người ta mở nhạc trẻ ầm ĩ lên cho con nghe, vì thế điệu hát ru dần mất đi. À ơi không chỉ dành cho trẻ con. Người lớn khi nghe sẽ thấy những gì rất thân thuộc khiến cảm xúc trào lên không kiểm soát được. Album gồm đại diện cho các làn điệu ru mà tôi nghe và biên tập. Đồng bằng Bắc Bộ chiếm đa số rồi đến Nam Bộ, Trung Bộ. Tây Nguyên, Tây Bắc với Mèo vạc cũng rất xúc động. Đây là những làn điệu cổ nhất, đặc trưng nhất của từng vùng miền. Nếu những thứ đó mất đi, chúng ta sẽ trở thành những kẻ lai căng.
- Nói như vậy, tại sao anh lại làm một đĩa hát ru thuần Việt trên nền nhạc giao hưởng mà không phải đàn ca sáo nhị cho thật thuần Việt?
- Nếu những lời hát đi với tranh sáo nhị bầu thì không khác gì nhà có đám bởi lâm khốc của đám ma và lâm khốc của nhạc dân tộc cùng một điệu tính như nhau. Tôi chọn nhạc thính phòng để vừa du dương dễ ngủ vừa là cách để đưa trẻ đưa trẻ vào không gian sang trọng, văn minh để sau này chúng không bị choáng ngợp nếu ra thế giới. Những đứa con của tôi, chúng hay xem Tom và Jery, mà âm nhạc trong phim này toàn lấy từ Beethoven, Mozart... Đó là cách mà người Mỹ đã làm, nó quảng bá âm nhạc một cách ghê gớm. Con tôi khi nghe À ơi đều rất thích.
- Phải chăng anh làm "À ơi" xuất phát từ nhu cầu của chính mình, thay vợ ru con?
- Vì vợ ông hàng xóm không biết ru con (cười lớn). Vợ ông ấy toàn bật nhạc trẻ. Còn ở nhà tôi, trước đây tôi cũng ru con chứ. Tôi ru: "Thằng con buồn ngủ buồn nghê, buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà" thì nó ru lại: "Thằng bố buồn ngủ buồn nghê...". Đó là điều thú vị của một thằng bé 2 tuổi. Bây giờ có đĩa, tôi bật đĩa cho nó xem cũng đỡ mỏi mồm.
Đó là nói vui, còn nói thật thì tôi đang ấp ủ dự án làm nhạc cho trẻ con. Tại sao âm nhạc Việt Nam ngày càng xuống cấp? Đó là vì âm nhạc dành cho thiếu nhi của chúng ta chẳng có gì. Truyền thông đói khát đẩy những thứ ba lăng nhăng lên kiếm tiền còn những thứ tử tế lại bị hạ xuống. Đó không chỉ là bi kịch của riêng truyền thông mà của cả nền văn hóa mà quốc gia đang phát triển nào cũng gặp phải.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Ảnh: N.T.
- Thế còn bài toán bi kịch của chính anh khi đưa ra những sản phẩm tử tế nhưng bị xa lạ với người nghe?
- Đường đi của tôi từ trước đến nay vẫn thế. Số ít luôn là điều vĩ đại bởi chỉ có số ít mới nuôi được số đông. Mình làm về văn hóa thì hãy làm từ những điều nhỏ nhất. Tôi chưa bao giờ bi kịch vì không có đám đông bởi con đường của tôi là thế. Mỗi năm một sản phẩm, một liveshow và bán hết bay vé, được sống, được nuôi dưỡng. Thế là sướng lắm. Cứ thấy thiếu thì mình làm. Đó là cái thiếu theo góc nhìn của mình chứ không phải thiếu theo góc của thiên hạ.
- Số ít nuôi số đông còn cái gì nuôi số ít?
- Đó là trí tuệ, là phẩm cách, sự sắc sảo và tư duy hơn người. Tôi rất mê bóng đá, nói về bóng thì tại sao đội U19 lại thành công như vậy? Đó là sự âm thầm của bầu Đức, nếu ông ấy cũng chạy theo thành tích, mua những cầu thủ giỏi nhất về, có giải vô địch chẳng để làm gì cả. Khi bầu Đức mời huấn luyện viên của Arsenal sang, ông bị vị này mắng cho một trận và bảo phải đi đào tạo thế hệ trẻ. Âm nhạc cũng thế, phải giáo dục từ bé. Văn hóa nghệ thuật chẳng có gì cao sang cả, những đứa bé được tiếp xúc văn hóa nghệ thuật từ bé, tâm hồn nó sẽ khác hoàn toàn.
- Anh nghĩ sao về việc, các cô bé, cậu bé của The Voice Kids đang hát những bài người lớn?
- Tôi cũng đau xót chứ. Tôi xem quán quân The Voice Kids hát bài Đá trông chồng của tôi mà trào nước mắt. Không phải vì nó hay mà vì chát quá. Chúng ta đã bỏ quên hẳn một mảng nhạc thiếu nhi mà chỉ chìm đắm vào "anh yêu em triền miên khao khát ngất ngây đắm say", tự chúng ta đẩy mọi thứ lên thành vô lý rồi để nó vỡ. Văn hóa đang vỡ như bóng đá, vì có ai đào tạo giáo dục đâu.
- Và vì vậy nên mới có Lệ Rơi?
- Tôi nhìn trước vấn đề Lệ Rơi xảy ra từ cách đây khoảng 10 năm rồi, càng tránh được bao nhiêu càng tốt. Những người Việt đang tham gia văn hóa nghệ thuật đều nhầm lẫn rất lớn giữa sự quen mặt và sự nổi tiếng. Ông Beethoven chết hàng trăm năm nhưng chúng ta vẫn nhớ. Lệ Rơi ầm ầm trên các phương tiện truyền thông, ai cũng biết mặt nhưng để lại chút gì về nghệ thuật cũng không có.
Có một điều tôi phải cám ơn Lệ Rơi ghê gớm. Tôi bảo các học trò, các đồng nghiệp trẻ: Các em có hát, có bán đĩa các em cũng không bao giờ có lượng câu view khủng khiếp như anh Lệ Rơi. Các em có cần đám đông như đám đông của Lệ Rơi không? Tất cả các bạn trẻ sau khi có trường hợp Lệ Rơi thì nghe tôi hơn. Trước đây, tôi nói không ai nghe, ai cũng thích đám đông, không ai nghe Lê Minh Sơn là: "Hãy tập trung đánh số ít bởi số ít mới nuôi sống em". Một sản phẩm âm nhạc ra mắt, phải trên cả tình yêu người ta mới mua, nếu người ta không yêu mình thật sự, có cho người ta cũng chẳng thèm nghe.
- Nhưng không chỉ Việt Nam mới có Lệ Rơi. Anh chàng gốc Á hát thảm họa tại American Idol hay anh chàng Ấn Độ hát dở vẫn kiếm hàng chục nghìn đô, anh nghĩ sao?
- Đó là sự làm trò của nhà sản xuất với đám đông hiếu kỳ. Tôi cũng là nhà sản xuất nhưng tôi không suốt ngày nhăm nhăm xem có gì dị hợp quái đản để đưa lên.
Tôi làm tất cả mọi việc xuất phát từ nhu cầu chia sẻ. Tôi không kỳ vọng gì. Điều đó làm tôi thoải mái bởi tôi chẳng bao giờ thất vọng. Tình yêu cũng nên như thế.
Theo Zing
Hoàng Quyên khi e ấp lúc dữ dội bên Tùng Dương Giọng hát khi dịu dàng, lúc mạnh mẽ kết hợp cùng bè cao thấp hòa quyện của hai nghệ sĩ đem đến cho khán giả Thủ đô những trải nghiệm âm nhạc khó quên. Sau một thời gian dài lưu diễn châu Âu, tối qua (13/6), Hoàng Quyên đã có mặt ở Hà Nội trong đêm nhạc riêng Cửa thơm mùi nắng cùng...