Đậm đà hương vị xứ núi cùng cháo bò Tri Tôn
Nhắc về các món cháo dân dã miền Tây, có thể mọi người đã thưởng thức qua cháo lòng heo, cháo cá hay cháo lươn. Thế nhưng có dịp về thăm tỉnh An Giang, du khách sẽ được người dân bản địa giới thiệu món cháo đặc sản của họ – cháo bò Tri Tôn.
Thông tin trên trang web Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), từ lâu, hai huyện miền núi của An Giang là Tịnh Biên và Tri Tôn có lượng lớn bò nuôi gốc bản địa. Loài bò này cho chất lượng thịt ngọt, mềm và dùng chế biến thành nhiều món ăn. Trong đó, có thể kể đến một số món như bò nướng lá trúc, bò xào lá giang, khô bò, lạp xưởng bò hay cháo bò Tri Tôn.
Theo đó, một tô cháo bò Tri Tôn ngon là phải được nấu từ loài bò bản địa nêu trên. Ngoài thịt, thợ nấu sẽ sơ chế, làm sạch thật kỹ bộ lòng. Khác với món cháo lòng bò ở TPHCM khi mà cháo nấu riêng rồi lòng cũng được để riêng, khi ăn dọn cùng cả hai lên. Món cháo bò Tri Tôn thường nấu lòng chung với cháo trong một nồi, phần lòng xắt sẵn sẽ cho thêm vào tô cháo khi có thực khách gọi món.
Video đang HOT
Gạo để nấu cháo bò phải dùng loại gạo lúa mùa “sóc Khmer” có hương thơm, độ dẻo đặc trưng. Để cháo dậy mùi hơn, nồi cháo nhất định phải nấu trên bếp than hồng. Khi thực khách gọi món, người bán sẽ dọn lên một tô cháo thập cẩm gồm thịt, gân hoặc lòng bò kèm một số loại gia vị, rau thơm như hành, ngò, gừng xắt nhỏ, giá sống, ngò gai và đặc biệt là trái trúc.
Được biết trái trúc là sản vật đặc trưng của vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Về mùi vị, trái trúc có vị chua như chanh nhưng nồng và the hơn. Nếu như thịt bò là linh hồn của món ăn thì trái trúc được ví như sợi dây mối nối hoàn hảo cho một tô cháo bò Tri Tôn chuẩn vị.
Nếu có dịp ghé thăm An Giang, vào giấc sáng sớm, sau cái vươn vai để đón ông mặt trời thì ngồi thưởng thức một tô cháo bò Tri Tôn ắt hẳn sẽ mang lại cho bạn những xúc cảm về nơi được xem là vùng đất “sơn kỳ thủy tú”.
Kẹo Cu Đơ Hà Tĩnh, món quà vặt giản dị
Nếu nhìn kỹ miếng kẹo Cu Đơ sản xuất tại Hà Tĩnh thì nhà sản xuất bánh kẹo nào cũng có thể "à" lên một tiếng: "Sản xuất như thế ai chả làm được?".
Thế nhưng, đằng sau suy nghĩ tưởng chừng đơn giản ấy lại là câu chuyện về việc tạo dựng một thương hiệu bánh kẹo của người Hà Tĩnh.
Trong quá trình hay dừng chân ở Hà Tĩnh để mua kẹo Cu Đơ, người viết đã cố công tìm hiểu về cái tên giống như tiếng Pháp. Chuyện được người Hà Tĩnh lớn bé phần nhiều đều biết là do ngày cưới của con trai ở một gia đình thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh không có gì để đãi cho hàng xóm, láng giềng. Trong khi trong nhà chỉ có hai thứ là mật đường mía và đậu phộng sống vừa thu hoạch.
Thế là, người cha nghĩ ra món kẹo đậu phộng bằng cách rang đậu trộn mật bỏ lên trên bánh tráng nướng. Ai ngờ, món bánh này được mọi người đón nhận và người cha làm ra nhiều hơn để đem bán. Mọi người yêu quý đặt cho tên là kẹo Cu Hai (lấy tên cậu con trai của người cha). Sau này khi người Pháp có mặt ở Việt Nam, họ đọc quen thành kẹo Cu Đơ (deux tiếng Pháp là hai).
Theo đó, kẹo Cu Đơ gồm hai chiếc tráng nhỏ nướng úp lên nhau, ở giữa là đậu phộng nguyên hạt giòn rụm được bao bọc bởi lớp mật đường. Những ai từng thưởng thức qua món kẹo này ắt hẳn sẽ có chung cảm giác về sự hòa quyện giữa độ giòn của bánh tráng, đậu phộng và vị bùi, ngọt của mật đường. Ở Hà Tĩnh cũng có nhiều nơi bán kẹo Cu Đơ, nhưng dọc con đường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) thì hàng quán bán mòn quà vặt này lại nhiều hơn.
Hay có lần, người viết vẫn ghé Hà Tĩnh nhưng xe chỉ dừng lại ở Ngã Ba Đồng Lộc rồi tiếp tục đi theo đường Trường Sơn, cô bán nước gần khu di tích chỉ có 20 gói kẹo Cu Đơ bán cho khách trong nháy mắt, nhiều người mua không được cứ tiếc hùi hụi.
Thật ra, kỹ thuật làm cho kẹo Cu Đơ để được lâu, mật mía mềm, đậu giòn là đã có thêm hương liệu như gừng, chanh chẳng hạn. Nhưng muốn ăn Cu Đơ thì chỉ có ở Hà Tĩnh, Cu Đơ chẳng trở thành hàng hóa đại trà bán khắp các địa phương khác như mứt Đà Lạt, bánh đậu xanh Hải Dương hay mè xửng Huế chẳng hạn. Sự phổ biến không sâu rộng có cái bất lợi là hàng hóa không tiêu thụ nhiều, nhưng cái lợi khác chính là giữ vững được thương hiệu của mình, tập cho khách có thói quen khi đến Hà Tĩnh nên mua kẹo Cu Đơ.
Ngoài ra, những nơi sản xuất kẹo Cu Đơ ở Hà Tĩnh đều rất tuân thủ việc sản xuất để bảo vệ loại đặc sản danh tiếng của mình, cho nên dọc đường Nam Bắc, dừng chân tới Hà Tĩnh, cứ ghé một nơi nào đó, ăn thử miếng kẹo, uống ly trà xanh nóng rồi mua vài gói kẹo Cu Đơ mang về làm quà thì thật thi vị biết bao.
Cá kho làng Vũ Đại, món ăn trứ danh tỉnh Hà Nam Được biết đến qua tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, làng Vũ Đại còn là cái tên bảo chứng cho món cá kho thấm đượm hồn quê nổi tiếng khắp cả nước - cá kho làng Vũ Đại. Làng Vũ Đại được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân,...