Đậm đà hương vị bánh đúc Hải Hà
Bánh đúc nóng cùng thịt băm nhuyễn, hành phi thơm lừng và một chút nước mắm nóng đặc trưng sẽ là món ăn vặt vô cùng hấp dẫn mà khó ai có thể bỏ qua.
Đây là món ăn bình dân, giản dị ở huyện Hải Hà nhưng lại có sức hút đặc biệt.
Từ lâu, những người sành ăn hay những bạn trẻ hay săn tìm địa chỉ ăn ngon ở huyện Hải Hà không lạ gì quán bánh đúc nằm trên phố Ngô Quyền (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà). Buổi sáng hoặc xế chiều, thực khách lại tìm đến đây để được thưởng thức hương vị món bánh đúc cổ truyền mà chỉ khi đến với mảnh đất miền Đông này mới có.
Bà chủ quán Nguyễn Thị Hơn nhiệt tình, hiếu khách chia sẻ với chúng tôi: “Tôi biết làm bánh đúc và mở quán này đã hơn 20 năm rồi. Hồi đó, ở đây rất ít quán ăn sáng nhưng thực khách sành ăn khá khó tính. Thấy ngon, “hữu xạ tự nhiên hương”, dần dần khách ngày càng đông. Gia đình làm bánh đúc phục vụ thực khách từ đó”.
Bánh đúc với mắm ớt và thịt băm.
Câu chuyện của chúng tôi càng thú vị bên những đĩa bánh đúc nóng hổi, thơm ngậy. Bà Hơn cởi mở chia sẻ về bí quyết để làm những khay bánh đúc ngon, hấp dẫn: Thực ra, việc chế biến món bánh đúc không quá phức tạp nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn ở tất cả các khâu, từ chọn nguyên liệu tới hấp bánh. Đầu tiên, về nguyên liệu, yếu tố quan trọng nhất để làm được bánh đúc ngon và đậm nét riêng đó chính là bột gạo. Bột gạo được lựa chọn và xay từ thứ gạo bao thai đặc sản của vùng quê Hải Hà. Sau đó, bột được cho vào khuấy đều với nước theo tỉ lệ nhất định rồi đổ vào khay hấp. Khó nhất có lẽ chính là khâu hấp bánh, phải vô cùng tỉ mỉ và khéo léo, làm sao phải canh chuẩn thời gian để khi hấp, bánh được chín đều mà không quá nhão, không quá khô.
Nhân bánh là yếu tố tạo nên một phần hương vị của bánh. Nhân bánh là sự hoà quyện của thịt, nấm, mộc nhĩ, hành khô, tỏi băm nhỏ. Với các nguyên liệu trên, bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn rồi bỏ hành, tỏi vào phi thơm, thêm thịt vào xào, đến khi gần chín thì cho mộc nhĩ vào đảo đều tay và nêm nếm gia vị cho vừa đủ. Sau khi đã hoàn thành phần bánh và nhân bánh thì khâu cuối cùng đó là pha chế nước chấm bánh. Tỏi, ớt băm nhỏ pha với nước mắm, đường, chanh, sao cho vừa miệng.
Bánh đúc sau khi chín được sắt ra từng miếng độ bằng lòng bàn tay, xếp đều lên đĩa và trải nhân bánh lên trên, cùng với bát nước chấm chua, cay và một chút rau sống thái nhỏ. Thực khách sẽ cảm nhận được mùi thơm của rau, vị bùi bùi, ngậy ngậy của bánh đúc, vị đậm đà đặc biệt của nhân bánh và vị chua, cay thanh thoát của nước chấm.
Có thể nói, bánh đúc Hải Hà là món ăn vặt được người dân nơi đây và du khách hết sức ưa chuộng. Bánh đúc Hải Hà còn là dấu ấn, là kỷ niệm của những người con xa xứ, hễ đi đâu xa quay trở về là lại muốn tìm và thưởng thức món ngon quê nhà mang đậm hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được. Thế nên, nếu có dịp đến với Hải Hà, các bạn hãy tìm và thưởng thức món ăn này.
Quà vặt tại nhà: Cách làm bánh đúc nóng đơn giản của mẹ đảm
Bát bánh đúc nóng thơm ngon tưởng như chỉ có trong các hàng quà vặt thì nay bạn đã có thể tự làm ở nhà theo cách rất đơn giản dưới đây.
Video đang HOT
NGUYÊN LIỆU
A/ Nguyên liệu phần bột bánh đúc
- 150 gr bột gạo;
- 90gr bột năng;
- 60 gr bột bắp
- 90ml dầu hành phi
- 1500 ml nước
- 1 thìa cà phê (loại thìa 5ml) hạt nêm,1 thìa cà phê muối
B/ Nguyên liệu phần nhân
- 100g thịt nạc vai (nạc dăm) heo
- 3-4 cánh nấm đông cô hoặc nấm hương khô
- 10 g mộc nhĩ (nấm mèo) khô
- 3-4 củ hành khô
- Ăn kèm: rau mùi, hành phi, nước mắm chua ngọt, ớt tươi.
CÁCH LÀM MÓN BÁNH ĐÚC NÓNG
Bước 1: Nấu bánh đúc
Tất cả nguyên liệu phần A trộn lại đem đi khuấy trên lửa vừa, khuấy liên tục đều tay để tránh bột bị bén đáy nồi đến khi bột trong lại đạt độ sánh dẻo là được. Nếu thấy bột đặc thì cứ cho thêm chút nước nóng vào đến khi bột đạt độ sánh dẻo vừa ý.
Lưu ý: Nếu trộn bột xong mà chưa có thời gian quậy bột thì chỉ trộn 3 loại bột với nhau, hòa với nước (chưa cho vào bột dầu ăn, bột nêm và muối) để bột ở chỗ thoáng mát hoặc trong ngăn mát tủ lạnh (để qua đêm hoặc tối đa 6-8h), khi dùng chắt bỏ phần nước trong bên trên, chắt đi bao nhiêu thì cho vào bù lại lượng nước lã mới tương ứng lượng nước đã bỏ đi, sau đó cho thêm vào bột nêm, muối và dầu ăn rồi tiến hành quậy bột bình thường. Bột làm cách này chóng chín hơn, dẻo hơn 1 chút so với bột chưa được ngâm.
Bước 2: Xào nhân
- Thịt heo bằm hoặc xay nhỏ.
- Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở cắt nhỏ; Hành khô bóc vỏ bằm nhỏ
- Cho 1/2 số hành khô cùng 1 thìa canh dầu ăn vào nồi, bật bếp phi thơm hành, cho thịt băm và 2 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê bột nêm hoặc gia vị vào đảo đều rồi cho vào nốt nấm hương, mộc nhĩ cùng 1/2 số hành khô còn lại, xào chín nhân. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị.
TRÌNH BÀY
Pha nước mắm chua ngọt với tỷ lệ mắm: đường: nước lọc là 1:1:5 và 1 thìa cà phê nước cốt chanh hoặc quất (tắc), thêm vài lát ớt tươi.
Múc bột bánh vào bát, xúc nhân thịt băm đã xào chín lên trên, thêm ít rau mùi, hành phi, chan nước mắm chua ngọt và thưởng thức.
Chúc các bạn làm món bánh đúc nóng tại nhà thành công!
Bánh đúc nóng: Quà vặt Hà thành khi vào đông Bánh đúc sánh dẻo, muốt mịn kết hợp với mộc nhĩ, thịt lợn rất 'hợp tình, hợp cảnh' xua tan cái lạnh mùa đông. Nếu như bánh đúc truyền thống để nguội, ăn chấm cùng nước tương thì bánh đúc nóng lại mềm hơn và ăn ngay khi còn nóng hổi, chan thêm nước mắm ngọt, hành phi, thịt băm, rau mùi... tạo...