Đậm đà bánh bèo xứ Huế
Bánh bèo là một món ăn bình dị, dân dã của người dân xứ Huế. Chiếc bánh bé xíu dẻo thơm hương bột gạo, vị ngọt của tôm cháy hòa trong chén nước mắm cay làm người ăn phải xuýt xoa khi thưởng thức.
Theo chân những người con đất cố đô vào Sài Gòn lập nghiệp, bánh bèo nhanh chóng trở thành món ăn được ưa thích, góp phần làm phong phú thêm bức tranh ẩm thực vốn đa sắc của thành phố mang tên Bác.
Không biết bánh bèo có từ bao giờ, cũng không ai giải thích được vì sao gọi là bánh bèo. Chỉ biết rằng chiếc bánh mỏng manh, bình dị đó là đặc sản nổi tiếng của đất kinh kỳ. Được làm từ bột gạo, khuôn bánh là những chiếc chén con nhỏ xíu, ăn kèm với nước mắm ngọt, đơn giản là vậy nhưng ẩn chứa bên trong là một quá trình chế biến đầy công phu của người dân ở đây.
Chiếc bánh bèo nhỏ xíu là món ăn dân dã trong đời sống của người xứ Huế. Ảnh: Khánh Hòa.
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo. Muốn chiếc bánh bèo dẻo, mềm và thơm ngon, người làm bánh phải chọn loại gạo còn thơm hương lúa mới. Gạo được vo sạch, ngâm nước trong nhiều giờ trước khi đem xay. Gạo sau khi xay thành bột mịn, người thợ pha vào một ít nước lọc để bột lỏng nhưng vẫn giữ được độ dẻo nhất định.
Sau khi đã chuẩn bị xong phần bột, người thợ đổ bánh sắp những chiếc chén con bằng nắm tay vào một chiếc vỉ hấp, chế bột vào từng chiếc chén và đem hấp. Để chiếc bánh không dính vào thành chén khi chín, người thợ thường thoa một lớp dầu lên thành chén trước khi đổ bột vào. Muốn bánh chín đều và có màu trắng sữa, trong quá trình hấp phải canh lửa thật lớn, nếu lửa nhỏ, nước không đủ độ sôi, chiếc bánh sẽ bị sượng, không chín hết bột.
Một thành phần quan trọng tăng thêm sự đẹp mắt, thơm ngon cho bánh bèo là phần nhị màu gạch được làm từ tôm cháy. Làm tôm cháy khá đơn giản nhưng tốn không ít thời gian. Tôm mua về được làm sạch, luộc chín, bóc bỏ vỏ, cho phần thịt vào giã thật nhuyễn. Làm nóng chảo trên bếp, cho tôm đã giã nhuyễn vào và cháy đều đến khi tôm mịn và khô rang là được.
Chiếc bánh bèo hấp dẫn với màu trắng của bột gạo, màu vàng rộm của tôm cháy sẽ tròn vị hơn với chén nước mắm ngọt cay xé lưỡi, là chất xúc tác làm cho món ăn dân dã này trở nên tròn vị. Nước mắm ngọt được nấu từ hỗn hợp nước mắm, nước lọc và đường, nấu sôi để các hỗn hợp đó hòa quyện vào nhau, không mặn có vị hơi ngọt cùng một vài lát ớt sừng cay đúng chất Huế.
Ăn bánh bèo Huế đúng cách là phải ăn trong khuôn bánh, chan vào một ít nước mắm ngọt và thưởng thức. Ngoài phần tôm cháy, có nhiều nơi còn cho vào một ít da lợn chiên vàng, giòn rụm khi ăn. Ảnh: Khánh Hòa.
Ngồi vào bàn, gọi một mâm bénh bèo và thưởng thức. Từng chén bánh bèo nhỏ xíu còn nóng hổi được sắp đầy ra mặt bàn cùng chén nước mắm ngọt thơm ngon. Chan một tí nước mắm vào từng chén bánh và thưởng thức. Ăn bánh bèo Huế phải ăn từ từ mới cảm nhận hết được cái thơm ngon của nó. Vị ngọt của tôm cháy, cái đậm đà cay nồng của nước mắm hòa quyện với những chiếc bánh bèo thơm ngon tạo nên một cảm giác không thể nào quên khi thưởng thức.
Ở Sài Gòn, bạn có thể ghé đến các quán ăn gốc Huế trên những tuyến đường Kỳ Đồng (quận 3); Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận); Huỳnh Tịnh Của (quận 3)…
Khánh Hòa
Video đang HOT
Theo VNE
[Chế biến] - Bánh bèo
Từng chiếc bánh bèo tròn và trắng, bên trên phủ lớp tôm chấy và bì lợn chiên giòn, chan ít nước mắm cay cay, chắc hẳn ai ăn một lần cũng sẽ nhớ mãi.
Ngoài những chiếc bánh bèo chén nhỏ xinh xinh, đến Huế chắc hẳn mọi người đã được thưởng thức những chiếc bánh bèo nhỏ xinh xinh được xếp ngay ngắn trong đĩa nhỏ, được các o các mệ gánh đi bán rong khắp các con phố.
Nguyên liệu:
- 1 bát con bột gạo tẻ
- 1 thìa canh bột năng (nếu muốn ăn bột dai nhiều bạn tăng lượng bột năng và giảm lượng bột gạo)
- 1 thìa nhỏ muối
- 1 bát con nước lọc (dùng bát đong bột gạo đong nước)
- 1 và 1/2 bát con nước sôi nóng già
- 300g tôm tươi
- Nước mắm, đường, ớt quả, tiêu và muối
- Hành lá, hành khô, dầu ăn, khuôn đổ bánh bèo (bạn có thể mua tại các siêu thị)
- Bì lợn chiên giòn hoặc bánh mỳ chiên ăn kèm.
Cách làm:
Bước 1:
- Hòa tan bột năng và bột gạo, thêm muối vào, trộn đều.
Bước 2:
- Chế từ từ bát con nước lọc, vừa chế vừa dùng muôi khuấy đều.
Bước 3:
- Tiếp theo đổ từ từ nước sôi nóng già, dùng muôi khuấy đều, dùng màng thực phẩm, đậy kín, để qua đêm hoặc để từ 10 đến 13 tiếng.
Bước 4:
- Hôm sau bạn sẽ thấy phía trên bề mặt bột có lớp bột chua màu trắng trong, bạn lọc đổ bỏ nước bột chua, đổ bao nhiêu nước bột chua thì bạn thay thế vào bấy nhiêu nước ấm. Khuấy nhẹ tay, để khoảng 15 phút trước khi đổ bánh.
Bước 5:
- Phần làm tôm chấy: tôm rửa sạch, dùng tăm nhọn rút chỉ đen trên lưng tôm cho sạch, đổ tôm vào nồi, đậy kín nắp để tôm chín, không thêm nước. Đến khi tôm chín hồng, đợi nguội, bóc vỏ tôm, giữ lại vỏ tôm để nấu với nước mắm, còn thân tôm bạn dùng cối giã nhuyễn.
Bước 6:
- Đun nóng dầu ăn, phi hành khô thơm, đổ tôm vào đảo đều, thêm gia vị muối, nước mắm, đường, tiêu, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn. Xào đến khi tôm khô, tơi ra, nhấc chảo ra khỏi bếp, để nguội.
Bước 7:
- Hành lá thái nhỏ, rửa sạch, thêm vào bát hành ít dầu ăn, cho vào lò vi sóng quay 30 giây cho hành chín.
Bước 8:
- Phần đổ bánh bèo: khuôn thoa dầu ăn, xếp khuôn vào xửng hấp, nước ở xửng sôi già bạn mới châm bột vào khuôn, đậy kín nắp, thỉnh thoảng dùng khăn sạch lau nước đọng trên thành nắp. Hấp từ 6 đến 8 phút, bánh nổi trong là chín.
Bước 9:
- Nhấc khuôn ra khỏi nồi, để nguội, dùng dao nhọn tách bánh, xếp vào đĩa. Lúc xếp bánh bạn nhớ dùng cọ quét ít hành và dầu ăn lên bề mặt bánh để bánh bèo không bị dính.
Bước 10:
- Phần nước mắm: vỏ tôm băm nhuyễn, đổ nước xâm xấp với mặt vỏ tôm, đun sôi, lọc lấy nước luộc vỏ tôm, bỏ xác. Pha nước mắm, đường, nước lọc theo tỷ lệ 1:1:1, nấu sôi đường và nước mắm, để nguội, chế từ từ nước mắm và nước luộc vỏ tôm vào, nêm hơi ngọt. Nước mắm dùng với bánh bèo không có tỏi và không thêm giấm, hay chanh. Ớt quả dùng thìa xắn hay kéo cắt chứ không giã.
Bước 11:
- Khi dùng, rắc ít tôm chấy lên bề mặt bánh bèo, thêm da heo chiên, chan nước mắm có pha ớt là bạn đã có đĩa bánh bèo dân dã nhưng rất ngon.
Cún Khang
Theo ngôi sao
Bánh Huế ngon trong hẻm ve chai Chỉ là quán nhỏ trong hẻm nhưng có bán đầy đủ các món bánh nổi tiếng xứ Huế từ bánh bèo, bánh ít trần cho tới bánh bột lọc, bánh nậm... Quán ăn bán các món Huế có rất nhiều ở Sài Gòn, từ những quán sang, có tên gọi như quán Ngự Bình, quán Hương Giang...cho đến những quán lề đường không...