Đậm đà ẩm thực nướng của người Tây Bắc
Đồ nướng của Tây Bắc khá phong phú. Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất mà bạn đặt chân đến sẽ có một vốn ẩm thực nướng riêng không ai giống ai.
Tây Bắc là vùng đất sinh sống từ bao đời của đồng bào các dân tộc. Nơi đây cũng là những địa điểm du lịch nổi tiếng. Đến với Tây Bắc vào tiết trời mùa thu, du khách được thả hồn mình với cảnh sắc như thể chốn thần tiên và không quên ngồi thư thái bên bếp lửa để thưởng thức những món nướng do đồng bào chế biến.
Đồ nướng của Tây Bắc khá phong phú. Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất mà bạn đặt chân đến sẽ có một vốn ẩm thực nướng riêng không ai giống ai. Vì thế, dư vị riêng của mỗi món dễ làm say lòng người thưởng thức. Người Thái nổi tiếng với món cá nướng, cơm lam, người Tày nức tiếng với cá suối nướng, thịt lợn cắp nách nướng, các món lam trong ống nứa, thịt trâu hun khói…
Món cá suối nướng của đồng bào Thái vừa giòn vừa thơm.
Để có những món nướng ngon và đậm đà dư vị, đồng bào Tây Bắc đã khéo lựa chọn cho mình những nguyên liệu tươi ngon và đảm bảo chất lượng. Thực phẩm dùng để chế biến món nướng không hề mua hay nhập từ nơi khác về mà được làm ra từ chính bàn tay của con người nơi đây. Lợn cắp nách, cá suối, lạp xưởng, thịt hun khói, gà đen…đều hấp dẫn ngay từ khi chưa chế biến.
Lợn cắp nách món ngon của đồng bào Tây Bắc xa xôi.
Khâu chế biến vừa cầu kỳ vừa khéo léo của món nướng Tây Bắc quyết định phần lớn vị ngon và nét độc đáo của từng món. Từ khâu sơ chế, tẩm ướp gia vị và kẹp món vào kẹp tre đưa lên bếp than hồng đều phải rất khéo léo và tinh tế.
Video đang HOT
Để các món nướng dậy mùi, đồng bào Tây Bắc thường sử dụng bí quyết “gia truyền” vốn có ở vùng cao đó là khéo lựa chọn những loại gia vị trên rừng già hay trong vườn nhà để tẩm ướp. Các loại gia vị như củ giềng, hạt dổi, hạt mắc khén, lá nhội…được góp mặt làm nên vị thơm ngon và đậm đà của các món nướng ở vùng cao Tây Bắc.
Món chả lợn xiên làm nức lòng người thưởng thức.
Trên bếp than hồng, sự khéo léo của đôi bàn tay của những người phụ nữ Thái, Mông, Tày đã tạo ra những món nướng thơm phức. Đối với đồng bào vùng cao, điều quan trọng khi nướng là than củi phải rực hồng, tay phải xoay đều đồ nướng, nướng không cháy quá và đặc biệt là người nướng đã dốc hết tài năng, tâm huyết và lòng mến khách vào món ăn để thết đãi khách quí.
Món nướng Tây Bắc thường được thưởng thức với xôi nếp thơm.
Du lịch ở vùng cao Tây Bắc, giữa những bản nhà sàn, du khách muốn thay đổi khẩu vị, muốn tìm dư vị lạ từ những món nướng sẽ là điều không hề khó. Đồng bào nơi đây sẵn lòng chế biến để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức của du khách.
Không gian để thưởng thức món nướng ở Tây Bắc khá thơ mộng khi bạn biết chọn cho mình địa điểm. Có thể ở ngoài trời, bên quán nhỏ, cạnh bếp lửa nhỏ, tự tay bạn cời than, xoay xoay xiên thịt nướng hay quả trứng gà nướng rồi thưởng thức giữa tiết trời se sắt lạnh mà thấy tâm hồn mình thêm thư thái.
Nếu muốn có không gian ấm cúng hơn, bạn có thể chọn nhà sàn của đồng bào vùng cao, bên bếp than rực hồng, được đồng bào nướng rồi làm những món ăn mà dường như chưa bao giờ được thưởng thức.
Mâm cơm với món nướng vừa đơn giản vừa đậm đà dư vị.
Thêm nữa, vừa thưởng thức đồ nướng, du khách còn được nghe hát then, múa xòe, hát lượn. Hoặc muốn hòa mình vào không gian tấp nập, đông vui, bạn có thể dạo bước vào những khu chợ ẩm thực, chọn những đồ ăn hợp khẩu vị rồi đưa cho chủ bếp nướng và thưởng thức tại chỗ.
Mùa nào cũng vậy, tiết trời Tây Bắc mát mẻ, khá hợp cho những chuyến du lịch ẩm thực ở vùng cao. Tiết trời se se lạnh, màn sương chùng chình lưng núi, bếp lửa bập bùng, hương rượu ngô, rượu thóc thơm nồng làm cho tâm hồn vừa nhẹ nhõm vừa sảng khoái đến lạ.
Sẽ là khó quên khi bạn được thưởng thức món chả lợn cắp nách ướp quả móc mật nướng vừa ngọt vừa giòn, hay món cá suối đuôi hồng tẩm ướp hạt mắc khén nướng giòn, món thịt trâu sấy vừa cay vừa ngọt lừ nơi đầu lưỡi hay món vịt lam, bắp chuối lam trong ống nứa vừa ngon vừa lạ miệng.
Món thịt trâu sấy hấp dẫn sau khi nướng trên than hồng.
Du khách có thể chọn những địa điểm du lịch trên non cao như Mường Lò Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình)… Những miền đất ấy là “ga đợi bến chờ” cho những tâm hồn ẩm thực. Đến đây, bạn sẽ được đón nhận lòng mến khách của đồng bào vùng cao, lắng nghe được dư vị khó quên từ những bếp lửa ấm áp của Tây Bắc và xuýt xoa trên đôi môi giữa tiết trời se lạnh.
Độc đáo món pa tỉnh tộp
Vị thơm của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị đậm đà của muối, vị thơm ngậy của cá nướng hòa với mùi thơm của rau rừng... tất cả tạo nên một hương vị rất riêng, rất hấp dẫn.
Nếu lên một số tỉnh vùng cao Tây Bắc bạn sẽ vô cùng ấn tượng trước các món ẩm thực của đồng bào Thái, trong đó có món cá nướng, còn gọi là "pa tỉnh tộp"'
Đây là một món ăn truyền thống, độc đáo, thơm ngon, bổ dưỡng lại rất lạ miệng với thực khách. Để chế biến được món ăn này, ngoài cá tươi bạn phải có đầy đủ gia vị đặc trưng như: Mắc khén (một loại hạt đặc trưng cho vùng Tây Bắc, giống như hạt tiêu ở vùng xuôi), gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng...
Cá sau khi làm sạch để nguyên nội tạng bỏ mật (nên mổ ở lưng cá vì như thế cá sẽ dẽ gập đôi khi nướng và gia vị sẽ thấm đều quanh bụng), nhồi vào bụng cá các loại gia vị rồi gập đôi lại. Cách ướp cá cũng là bí quyết riêng của người dân Tây Bắc để cá có mùi vị đặc biệt hơn. Món cá nướng này không dùng riềng mẻ hay nghệ nhiều vì chính những gia vị đó sẽ làm át đi vị tươi ngon của cá.
Sau khi ướp gia vị khoảng 5-10 phút, con cá sau đó được gập đôi lại theo chiều ngang, dùng que nướng bằng tre tươi hoặc vỉ nướng và nướng trên than hoa. Khi nhồi gia vị vào bụng cá nướng trên than hoa sẽ tỏa mùi thơm ngấm đều vào cá. Vị thơm của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị đậm đà của muối, vị thơm ngậy của cá nướng hòa với mùi thơm của rau rừng...tất cả tạo nên một hương vị rất riêng, rất hấp dẫn. Từng thớ thịt cá trắng ngà quện với gia vị dậy mùi thơm phức, nếm thử một miếng cũng cảm nhận được độ ngon, ngọt và đậm đà.
Trước kia, người ta dùng cây tre bương dày, tươi càng tốt, chẻ thành đôi hoặc ba, bốn chạc để kẹp con cá cho chắc chắn, sau đó nướng cá trên than hoa. Mùi thơm của cá quyện mùi thơm của gia vị tẩm ướp thơm nức.
Pa pỉnh tộp được người Thái dùng với xôi nếp, chẳm chéo. Ngoài ra từ cá, người Thái còn chế biến nhiều món ăn khác nhau, đặc trưng và ngon: Cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ. Món "pa giảng" là cá hun khói.
Gắn bó mật thiết với rừng núi, sông suối, đồng ruộng, người Thái thường tận dụng các sản vật tự nhiên sẵn có để cải thiện bữa ăn gia đình. Ngoài pa pỉnh tộp còn có món rêu đá cũng rất đặc biệt. Thường mọc ở các sông, suối, bám vào các hòn đá. Người Thái đi hái lúc rêu còn non, sau đó rửa sạch, phơi khô, đập ra để dành ăn dần. Có nhiều món nấu từ rêu đá nhưng người Thái thường ăn nhất là món "cay pho". Rêu đá khô đem rửa sạch cho hết sạn, sau đó thái ngắn rồi đựng trong lá chuối. Cho thêm hành, rau thơm, gừng, sả, ớt, muối, rưới chút mỡ nước trộn đều, sau đó gói lại và đem nướng chín.
Nếu lên vùng cao Tây Bắc, đừng quên thưởng thức các món ăn của đồng bào dân tộc Thái, chắc chắn bạn sẽ có những dư vị thật khó quên.
Đậm đà bản sắc các món ăn từ thịt trâu của đồng bào Thái Tây Bắc Văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái Tây Bắc rất phong phú, đa dạng, với nhiều món ăn đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, phải kể đến các món ăn được chế biến từ thịt trâu ăn một lần là nhớ mãi hương vị thơm ngon đặc trưng, riêng có. Từ nguyên liệu thịt trâu, đồng bào Thái đã chế...