Đám cưới Jolie – Pitt sẽ mang phong cách Việt Nam?
Giới truyền thông Mỹ cho rằng, hôn lễ trọng đại của cặp ngôi sao danh tiếng Hollywood sẽ mang nét văn hóa Việt Nam, Campuchia, Ethiopia, Namibia và Pháp.
Sau khi thông tin đính hôn lan truyền rộng rãi, đám cưới trong tương lai gần của Angelina Jolie – Brad Pitt là một trong những chủ đề được dư luận quan tâm nhất. Trong khi cặp sao đang bận rộn với các dự án công việc, truyền thông và người hâm mộ là những người háo hức về đám cưới hơn cả. Họ tò mò không biết đám cưới của cặp đôi quyền lực nhất Hollywood này sẽ được tổ chức theo nghi lễ nào.
Theo một nguồn tin riêng của tờ tạp chí Closer, hiện tại, Brad Pitt và Angelina Jolieđang đứng giữa hai sự lựa chọn khác nhau về ý tưởng và cả hai chưa đi tới một quyết định chính thức nào.
“Cả hai người đều đồng ý về tính chất của đám cưới, đó là họ muốn nó trở thành một lễ kỷ niệm lớn với gia đình và bạn bè họ. Brad hình dung tới một lễ kỷ niệm truyền thống, tiếp theo là bữa ăn tối, bài phát biểu và một bữa tiệc ở tòa lâu đài. Trong khi đó, Angelina Jolie lại muốn một đám cưới với sự kết hợp của 5 dân tộc nơi các con của cô được sinh ra”, tạp chí Closer cho hay.
Video đang HOT
Vậy khởi nguồn ý tưởng khác thường của một ngôi sao vốn nổi tiếng với quá khứ đầy hoang dại này đến từ đâu? Nó cũng giống như cách Jolie đã xăm tọa độ nơi những đứa trẻ của cô sinh ra trên cánh tay, cô muốn kết hợp đám cưới truyền thống của những đất nước – quê hương những đứa trẻ của cô sinh ra, như Maddox đến từ Cambodia, Pax Thiên đến từ Việt Nam và Zahara là Ethiopia. Đây có thể coi là một ý tưởng hết sức lãng mạn và dễ thương của Angelina Jolie – một ý tưởng mang nhiều ý nghĩa đối với không chỉ cô và Brad Pitt mà còn có rất nhiều ý nghĩa đối với các con của cô.
Chia sẻ quan điểm này, tờ USA Today của Mỹ cũng khẳng định, nghi thức lễ cưới truyền thống của 5 nước nơi những người con của cô sinh ra sẽ được Angelina Joliekết hợp đưa vào đám cưới của mình. Thậm chí tờ báo này còn “vạch” rõ giúp ngôi sao này từng nét văn hóa cưới đặc trưng của 5 nước này.
Theo đó, USA Today cho hay, theo truyền thống của Việt Nam, nơi cậu con trai thứ 2 – Pax Thiên của Angelina Jolie và Brad Pitt chào đời, cô dâu không chỉ mặc váy cưới mà còn diện chiếc áo dài trắng truyền thống. Nhiều đám cưới còn có tiệc trà chính. Lúc ấy, cô dâu và chú rể phải rót trà mời cha mẹ và quan viên hai họ. Sau đó, cặp đôi sẽ được nhận những lời khuyên bổ ích cho cuộc sống hôn nhân sau này.
Còn ở Campuchia, đất nước cậu cả Maddox nhà Brad Pitt sinh ra thì một đám cưới truyền thống bao gồm rất nhiều nghi lễ và thường kéo dài tới 3 ngày, 3 đêm. Trước tiên, chú rể và gia đình đưa lễ vật tới gia đình cô dâu. Gia đình hai bên giới thiệu bà con họ hàng và bạn bè thân thiết. Cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới cho nhau. Hai gia đình cùng hát các ca khúc truyền thống và sau đó là tiệc trà. Cô dâu, chú rể cắt tóc và đây được coi là biểu tượng cho sự khởi đầu của cuộc sống mới. Sau đó, các khách mời đám cưới buộc những sợi “dây may mắn” vào cổ tay trái và phải của cô dâu, chú rể.
Trong khi đó, theo nghi lễ cưới truyền thống của Ethiopia, quê hương của cô con gái Zahara, cô dâu sẽ được xăm nhiều biểu tượng khác nhau. Jolie chẳng lạ lẫm với nghệ thuật xăm trổ khi trên người cô đã có một số hình xăm.
Với đất nước Namibia, nơi cô hạ sinh cô con gái đẻ Shiloh, trong đám cưới, cô dâu đeo một chiếc mạng che mặt làm bằng da dê được bôi hắc ín, mỡ súc vật và đất son. Tộc người Himba ở Namibia còn tham gia vào việc giả “bắt cóc” cô dâu trước khi diễn ra đám cưới. Sau lễ cưới, cô dâu được đưa vào một ngôi nhà và ở đây cô được nhắc nhở về những bổn phận của người vợ. Sau đó, cô được “chấp nhận” vào gia đình nhà chồng và lúc đó những người thân của chú rể bôi mỡ bò lên người cô dâu.
Tộc người Nama ở Namibia có truyền thống quen thuộc hơn. Vào ngày cưới, đồ ăn được đưa đến nhà cô dâu. Sau khi cử hành hôn lễ chính thức tại nhà thờ, lễ cưới còn kéo dài vài ngày. Đêm tân hôn, cô dâu và chú rể vẫn ngủ riêng.
Còn ở Pháp, đất nước mà cặp song sinh Knox và Vivienne chào đời, buổi sáng trước lúc đón dâu, chú rể sẽ đến sớm và đứng trước cửa nhà cô dâu để gọi vợ tương lai ra, sau đó hộ tống cô dâu đến tiệc cưới bằng một đám rước. Đi đầu đám rước là một nhạc sĩ, theo sau là cha mẹ và khách mời. Chú rể và mẹ chú rể sẽ là những người đi ở cuối hàng. Lũ trẻ sẽ chặn đường cô dâu chú rể bằng một dải băng trắng và cô dâu phải cắt nó ra, cho kẹo lũ trẻ để vượt qua chúng. Lễ cưới sẽ được tổ chức trong nhà thờ trang trí đầy hoa. Cặp uyên ương sẽ đứng dưới một tán dây lụa với ý nghĩa giúp chống lại những điều không tốt. Cô dâu đội một tấm voan lớn và cả hai chờ đợi linh mục ban phước lành.
Khi đôi uyên ương bước ra khỏi nhà thờ, gạo hoặc lúa mỳ sẽ được tung lên. Theo quan niệm của Pháp và một số nước phương Tây, lúa mỳ và gạo tượng trưng cho sự thịnh vượng và khả năng sinh sản. Ở miền Nam nước Pháp, khách sẽ tung tiền xu lên cho trẻ con đang đứng đợi ở cổng nhà thờ. Cô dâu chú rể sẽ đi bộ qua vòm hoa và được rắc lá nguyệt quế dẫn đường.
Theo Đất Việt