Đâm chết người môi giới việc làm ngay giữa phố
Một thanh niên thất nghiệp Trung Quốc sau khi phát hiện ra mình bị lừa tiền liền rút dao giết kẻ môi giới ngay giữa phố.
Hiện trường vụ án mạng hôm 12/2. Ảnh: China Buzz
China Buzz đưa tin hôm 14/2, tại thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, một nam thanh niên 21 tuổi đang tìm việc làm đã đâm chết người môi giới của mình, là một thanh niên cùng tuổi họ Shu, vì phát hiện ra người này lừa 300 tệ (tương đương hơn 900 nghìn đồng).
Shu có một gian phòng nhỏ bên đường tại thành phố Đông Quan để môi giới việc làm. Wu, đến từ tỉnh Hồ Nam, thấy vậy liền ghé qua với hy vọng có thể tìm được việc. Sau khi trao đổi, Wu đã tin tưởng dùng toàn bộ số tiền mình có là 370 tệ để trả phí dịch vụ cũng như phí kiểm tra sức khỏe như Shu yêu cầu. Nhưng không lâu sau thì Wu nhận ra mình bị lừa. Lúc đến gặp Shu, Wu yêu cầu phải được hoàn trả toàn bộ số tiền. Nhưng Shu chỉ đưa cho 70 tệ rồi bỏ đi. Quá tức giận, Wu đã đâm chết kẻ lừa tiền ngay giữa phố.
Theo lời các nhân chứng, Wu dùng chiếc dao gọt hoa quả và đâm vào họng của Shu. Quá bất ngờ Shu đã nhặt đá ném trả rồi chạy trốn. Vì mất máu nên Shu bị ngã giữa đường, đúng lúc ấy thì Wu đuổi kịp. Y dùng dao cắt cổ nạn nhân đến chết.
Lúc cảnh sát tới hiện trường vụ án mạng, Wu trong tư thế ngồi xổm bên xác kẻ môi giới, mặt mày hốt hoảng. Lợi dụng lúc gã thanh niên đang không tự vệ, cảnh sát tóm gọn.
Theo VNExpress
Video đang HOT
Bát nháo dịch vụ lừa
Địa điểm mở dịch vụ chỉ là một "văn phòng" nhỏ, có khi chỉ cần khoảng chục m2, kê được chiếc bàn với vài chiếc ghế cho khách. Nhiều người mở ngay tại nhà, cũng chẳng cần ở vị trí thuận tiện, có thể trên các tầng cao hoăc trong các ngõ nghách. Tóm lại, bất cứ nơi nào cũng có thể mở dịch vụ.
Ảnh minh họa
Nhiều như nấm sau mưa
Cơ chế thị trường thúc đẩy nền sản xuất, kinh doanh. Theo đó, nhiều dịch vụ được mở ra phục vụ đời sống con người âu cũng là điều kiện tự nhiên, hợp quy luật. Những dịch vụ như: cầm đồ, giải trí, thư giãn, môi giới mua bán các loại hàng hóa, tổ chức các trường dạy ngoại ngữ, dạy nghề, gia sư... sẽ vô hại, thậm chí cũng cần cho nhiều người nếu người làm dịch vụ tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật. Nhưng có một số loại dịch vụ hiện đang nở rộ như nấm sau mưa, rất khó quản lý, vì phần lớn đều mở ra tự phát, không cần bất cứ giấy tờ nào mang tính pháp lý. Người làm dịch vụ không cần xin phép ai, cũng không nhất thiết phải liên kết thành tập thể. Địa điểm mở dịch vụ chỉ là một "văn phòng" nhỏ, có khi chỉ cần chục m2, kê được chiếc bàn với vài chiếc ghế cho khách. Nhiều người mở ngay tại nhà, cũng chẳng cần ở vị trí thuận tiện, có thể trên các tầng cao hoặc trong các ngõ nghách. Tóm lại, bất cứ nơi nào cũng có thể mở dịch vụ.
Cho thuê nhà: chỉ cần lấy tiền dẫn khách
Sau khi tốt nghiệp đại học, đã có công việc với thu nhập tạm vừa ý, tôi quyết định thuê nhà ở riêng, "nâng cấp" hơn những năm sinh viên vài ba người ở một phòng chật như hũ nút. Không muốn mất tiền cho các trung tâm môi giới, tôi cố ý tìm chủ nhà đích thực. Tìm ở đâu? Chỉ có thể có hai nguồn: Một là đọc báo, hai là đọc những tờ "rơi" phát tán. Nhưng rất ít có cơ may vì hiện nay, trong chuyện thuê nhà thì cung luôn hơn cầu nên có ai cho thuê là lập tức có thể có rất nhiều "ứng viên" lao "đơn" ngay.
Tôi đành tìm đến các dịch vụ môi giới với ý nghĩ: Nếu tìm được nhà ưng ý, ở được ít nhất 3 năm thì mất 1 khoản tiền gọi là "phí" cũng chấp nhận. Sau khi đưa ra các yêu cầu về diện tích, khu vực, dân trí và mọi điều liên quan, người môi giới đưa ra một danh sách khá hấp dẫn. Tất nhiên là họ không thể cho tôi nhìn danh sách vì sợ khách chộp được những địa chỉ, sẽ qua mặt họ mà liên hệ trực tiếp với người có nhà. Người này yêu cầu phải đặt trươc 200.000 đồng (là tiền công chi cho nhân viên dẫn đi xem nhà, sau đó nếu việc thuê thành thì khách phải trả một nửa số tiền thuê 1 tháng). Họ còn nói thêm: "Nếu khách đồng ý thuê, hợp đồng làm xong, sẽ được trừ khoản tiền này". Dĩ nhiên nếu việc thuê không thành sẽ không đươc lấy lại . Tôi "OK". Họ tỏ ra chiều khách: "Chị có thể để xe máy ở đây, nhân viên chúng tôi chở đi cho tiện, hoặc đi xe máy rồi sau đó về luôn cũng được, tùy chị". Điều đáng phàn nàn là giới thiệu một đằng, nhà lại một nẻo. Trong danh sách nhà họ trưng ra lúc tôi mới đến có rất nhiều địa chỉ đúng ý tôi (về diện tích, địa lý, giá cả... ) nhưng qua 3 - 4 nơi đều không đúng như vậy. Tôi yêu cầu căn hộ khép kín thì mấy hộ ở chung một công trình phụ. Quảng cáo là lối vào thuận tiện thì ngõ ngách lằng nhằng... Cuối cùng tôi hỏi: "Chỉ có mấy chỗ này thôi à?". Người dẫn trả lời: "Còn, nhưng độ vài ngày nữa, chị trở lại". Tôi hỏi lại "Thế có phải nộp 200.000 đồng nữa không?". Trả lời: "Không cần nữa, nếu chỉ cách nhau vài ngày". Hai ngày sau, tôi trở lại. Họ vẫn niềm nở và sẵn sàng chở đi nhưng nói: "Có thêm mấy chỗ mới nhưng ở hơi sâu một chút"; "Cách phố chính bao xa?"; "Vào ngõ rồi vào ngách chừng hơn 50m"; "Còn chỗ khác?"; "Có chỗ nhà tập thể chỉ 1 triệu 800 nghìn đồng/tháng, 12m2 nhưng tầng 5 và chung công trình phụ". Tôi đành bỏ về vì không đúng yêu cầu. Thế là tôi mất 200.000 đồng cho việc người nhân viên dẫn tôi đi trong khoảng nửa giờ lần trước.
Một tuần sau, tôi tìm đến 1 trung tâm khác, có mấy bạn sinh viên vừa ra trường, chưa có việc làm, tạm thời giúp việc cho người chủ dịch vụ. Tôi nghĩ cùng cảnh sinh viên nghèo, chắc họ cảm thông và tận tình. Nhưng tình hình cũng chẳng có gì khá hơn. Vẫn những "chiêu" y như lần trước: Đặt cọc 200.000 đồng, dẫn khách đi lòng vòng đến những chỗ chỉ nhìn, khách đã ngán (ngõ hẹp, hai xe máy ngược chiều không nổi hoặc nhà cửa xập xệ, ẩm thấp, xung quanh toàn dân nghiện hút... ). Đang lang thang không biết xoay xỏa cách nào, thì tôi nhìn thấy một đứa bạn học cùng hồi cấp 2 phóng xe máy từ ngoài đường vào một căn phòng đề biển "thông tin nhà đất". Biết cô bạn làm ở đây, tôi rất mừng, bèn nhờ luôn việc tìm nhà trọ cho mình. Không ngờ cô bạn kéo tôi ra vỉa hè nói nhỏ: "Chỗ bạn học cũ với nhau, tớ nói thật: Cậu đừng đến những chỗ này làm gì, không bao giờ được việc đâu". Rồi Thanh - tên cô bạn - kể tôi nghe mánh lới "làm ăn", kiếm tiền của những "trung tâm" kiểu này. Đại để là chẳng có nhà nào hết, có chăng chỉ dăm bảy cái vớ vẩn, không người lương thiện nào dám thuê. Các "trung tâm" chỉ cần "xơi" mỗi khách 200.000 đồng. Một ngày họ gặp độ mươi người, như vậy là đủ sống. Tôi hỏi Thanh:
- Như vậy là lừa bịp 100%?
- Gần như vậy. Hãn hữu cũng có, nhưng ít lắm.
- Thế người ta không được việc lại để yên cho các cậu sao?
- Nói vào đâu được. Sự thực thì bọn tớ cũng mất công dẫn họ đi. Không thuê là do họ chứ.
Tạm biệt nhau, cô bạn Thanh còn dặn lại là nhớ đừng kể với ai để họ còn "làm ăn".
Môi giới việc làm: rất ít cơ hội
Không hiểu có phải bắt chước nhau hay không mà nghề môi giới việc làm cũng áp dụng chiêu y như lĩnh vực cho thuê nhà. Ai cần việc đến đăng ký, khai vào tờ khai rồi nộp 200.000 đồng gọi là lệ phí ban đầu. Xong về chờ, bao giờ có việc trung tâm sẽ gọi. Nếu đồng ý làm, sẽ nộp tiền phí là nửa tháng lương đầu tiên, cũng được trừ khoản 200.000 đồng (đã nộp). Nhưng có đến 99% là nằm ở nhà để... hãy đợi đấy. Gọi điện hoặc dẫn xác đến hỏi dăm lần bảy lượt, họ đưa ra toàn công việc không phù hợp (ví dụ đương sự khai biết tiếng Anh, thì họ nói có việc cần tiếng Pháp hoặc Trung, ngành học của đương sự thế này thì họ giới thiệu việc của ngành khác). Dần dần, đương sự sẽ nản rồi "buông". Thế là họ được 200.000 đồng. Mỗi ngày phải tới vài ba chục người thất nghiệp đến tìm việc và sẵn sàng nộp phí ban đầu như thế. Thử hỏi họ sẽ kiếm được bao nhiêu?
Thắng - sinh viên tốt nghiệp khoa Kinh tế trường Đại học Quốc gia, sau 2 năm thất nghiệp đã tìm đến cả chục trung tâm như trên, mỗi nơi đều mất tong 200.00 đồng, cuối cùng cũng tìm được một việc làm ở một công ty với mức lương 2 triệu 500 nghìn đồng/tháng. Ngay sau đó, anh nộp tiếp cho trung tâm trên 1 triệu 250 nghìn đồng ( lương 1 tháng theo thỏa thuận ban đầu), nhưng chỉ làm được 2 tháng, công ty nọ không ký tiếp hợp đồng vì nói rằng cả tiếng Anh và vi tính, Thắng đều không đáp ứng được yêu cầu (nhưng lúc đến làm thì không thấy kiểm tra khả năng 2 thứ này).
Còn Hương thì "thảm hại" hơn. Cô tốt nghiệp Đại học Văn hóa nhưng đã hơn một năm nằm dài ở nhà trọ. Trung tâm giới thiệu cho cô vào làm công việc thu ngân ở một nhà hàng chuyên tiếp khách nước ngoài với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Cô phải nộp cho trung tâm 1 triệu 500 nghìn đồng theo thỏa thuận. Làm được 2 tuần, nhà hàng cắt việc cô, nói là tạm nghỉ một thời gian, khi nào cần sẽ gọi sau. Cô chỉ được lĩnh 1,5 triệu. Thế là vừa! Không thể quay lại trách trung tâm, cũng không thể nói nhà hàng vì không có gì ràng buộc! Sau đó Hương biết giữa trung tâm kia và chủ nhà hàng nọ là chỗ họ hàng, đã tạo điều kiện cho nhau để lừa người lương thiện.
Ai xử lý?
Chuyện lừa đảo như những trường hợp trên đã rõ mười mươi và cũng từng bị dư luận lên tiếng. Song do nhu cầu nhà ở và việc làm của sinh viên ngày càng gia tăng mà "cung" không thể đáp ứng "cầu" nên các dịch vụ lừa vẫn cứ tiệp tục tăng cường hoạt động, bất chấp dư luận. Những cơ quan chức năng xem ra chưa mấy quan tâm đến việc này, vì có lẽ cho rằng vấn đề không lớn chăng? Tôi có hỏi một người quen làm việc tại UBND một quận ở Hà Nội: sự lừa đảo trắng trợn như vậy chính quyền có biết không? Được trả lời: "Không phải là không biết nhưng không dễ xử lý, vì phần lớn dịch vụ kiểu này hoạt động không có giấy phép, cũng không mở công ty gì, chỉ là nhỏ lẻ. Người bị hại lại không kiện cáo, vả lại nếu có kiện thì cũng không có bằng chứng gì về sự lừa đảo, bởi giữa khách và những người làm dịch vụ có sự thỏa thuận ban đầu. Chỉ có cách tốt nhất là khách hãy mách bảo nhau, cần tránh xa những dịch vụ kiểu đó. Không có ai đến, tự khắc họ sẽ phải thất nghiệp thôi".
Không vơ đũa cả nắm vì cũng có những công ty tư vấn, kinh doanh bất động sản hoặc làm dịch vụ môi giới việc làm đã có giấy phép hoạt động đàng hoàng, và họ làm ăn minh bạch, giữ đúng sự cam kết ban đầu với khách. Nhưng không nhiều. Phần đông hơn là những dịch vụ nhỏ lẻ, sống bằng sự lừa bịp kể trên. Lừa đảo là một tội danh được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự của nước ta. Dù lớn hay nhỏ, núp dưới bất cứ hình thức nào cũng cần được xử lý triệt để, tận gốc, nhất là nạn nhân phần lớn lại là sinh viên - đối tượng rất đáng được bảo vệ.
Không lẽ một hiện tượng lừa đảo trắng trợn, lộ liễu như trên đã diễn ra từ rất nhiều năm lại không được các cơ quan chức năng để tâm?
Theo Petrotimes
Chiêu lừa đảo ngoạn mục của một kẻ thất nghiệp Không tìm được việc làm, Kiên nảy ý định mở văn phòng rồi thực hiện mưu đồ lừa đảo kiếm tiền của những người nhẹ dạ cả tin. Ngày 22/10, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an huyện Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa phát hiện 2 văn phòng môi giới việc làm hoạt động lừa đảo trên...