Đắk Lắk: Vườn sầu riêng, tiêu bị kẻ xấu chặt phá, thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Công an địa phương đang xác minh, truy tìm thủ phạm lén lút chặt phá hàng chục cây sầu riêng và trụ tiêu của người dân ở H.Krông Năng (Đắk Lắk).
Ngày 12.9, một lãnh đạo UBND xã Cư Klông (H.Krông Năng, Đắk Lắk) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc kẻ gian chặt phá vườn sầu riêng, cắt gốc tiêu của người dân, gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Cư Klông, hiện lực lượng công an xã đang xác minh, truy tìm thủ phạm gây ra vụ việc để xử lý theo quy định.
Một trong số cây sầu riêng bị kẻ xấu chặt nham nhở vào gốc trong rẫy của anh Tuân. Ảnh HOÀNG BÌNH
Trước đó, theo phản ánh của anh Vũ Văn Tuân (38 tuổi, trú xã Cư Klông) đến cơ quan chức năng, vào ngày 3.9, anh ra thăm vườn thì phát hiện 22 cây sầu riêng (8 năm tuổi) bị kẻ gian dùng dao chặt nham nhở quanh gốc. Ngoài ra, 40 trụ tiêu trồng xen đang trong thời kỳ cho thu hoạch của gia đình anh cũng bị cắt gốc.
Ngay sau đó, anh Tuân trình báo đến chính quyền địa phương và Công an xã Cư Klông để nhờ lực lượng chức năng làm rõ vụ việc. Theo anh Tuân, ước tính số trụ tiêu và cây sầu riêng bị kẻ gian chặt phá gây thiệt hại khoảng 240 triệu đồng.
Video đang HOT
Nhiều trụ tiêu bị cắt gốc. Ảnh HOÀNG BÌNH
Anh Tuân cho biết thêm, trong cuộc sống anh không mâu thuẫn với ai. Tuy nhiên, qua rà soát các mối quan hệ hiện tại, anh nghi ngờ một người từng rất thân quen với mình gây ra vụ việc trên. Hiện tại, các trụ tiêu bị cắt đã rụng lá, rụng trái. Đối với các cây sầu riêng bị chặt nham nhở quanh gốc, anh Tuân đã bôi thuốc với hy vọng sẽ cứu được cây.
Anh Tuân trao đổi: “Tôi đã báo với công an về đối tượng nghi ngờ. Thật sự tôi rất bức xúc vì bao nhiêu công sức, vốn liếng chăm vườn cây bao nhiêu năm qua bị phá hoại. Mong sao công an sớm tìm ra thủ phạm để xử lý, lấy lại công bằng cho tôi cũng như đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”.
Lãnh đạo Công an xã Cư Klông xác nhận đơn vị đã báo cáo Công an H.Krông Năng về vụ việc chặt phá vườn sầu riêng, tiêu trên địa bàn và đang xác minh, làm rõ thủ phạm.
Có 51 mã vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc
Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, văn phòng vừa nhận được thông báo về kết quả kiểm tra bằng video của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam sang Trung Quốc.
Người dân gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho cây sầu riêng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Theo đó, có 51 mã số vườn trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư và được chấp thuận để sản phẩm sầu riêng từ các cơ sở này xuất khẩu sang nước họ.
Trong 51 mã số vùng trồng, Đắk Lắk có 23 mã số, Đồng Nai 7, Bình Phước 5, Tiền Giang 3, Bến Tre 2, Long An 2, Bình Thuận 2, Khánh Hòa 2, Kon Tum 2, Đồng Tháp 1, Lâm Đồng 1 và Tây Ninh 1 mã số.
Với các cơ sở đóng gói: Tiền Giang có 10 mã số, Đắk Lắk 4, Bến Tre 3, Đồng Nai 3, Lâm Đồng 2, Đồng Tháp 1, Khánh Hòa 1, Hải Dương 1 mã số.
Theo quy định của Nghị định thư do Trung Quốc và Việt Nam ký kết, trước khi bắt đầu giao thương, phía Trung Quốc sẽ tiến hành rà soát việc tuân thủ Nghị định thư đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc.
Để đảm bảo an ninh thương mại và đẩy nhanh quá trình đăng ký của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của nước bạn sang Trung Quốc, kết hợp với các tài liệu xác minh liên quan do bạn cung cấp, kể từ ngày 15/7 - 4/9, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiến hành đánh giá kiểm định các video qua hình thực trực tuyến về vườn trồng và cơ sở đóng gói.
Danh sách các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được Hải quan Trung Quốc công bố là kết quả của việc đánh giá toàn diện bởi các chuyên gia Trung Quốc, kết hợp kiểm tra video, xem xét tài liệu trong tổng số 126 mã số vùng trồng và 44 mã số cơ sở đóng gói do cơ quan chức năng Việt Nam đề xuất.
Sau khi xem xét, đánh giá, phía Trung Quốc cho rằng, các vườn sầu riêng và cơ sở đóng gói của Việt Nam về cơ bản có thể tiến hành trồng, sản xuất, chế biến theo đúng yêu cầu của Nghị định thư, việc kiểm dịch, giám sát đã được thực hiện tốt.
Đối với 50 vườn trồng và 11 cơ sở đóng gói chưa đáp ứng yêu cầu, phía Trung Quốc đề nghị Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp tài liệu xác minh sau khi hoàn thành việc rà soát, khắc phục để xem xét đánh giá thêm.
Đồng thời, phía Trung Quốc đã phát hiện các vấn đề sau trong quá trình kiểm tra. Điển hình như một số vườn trồng còn lẫn các loại cây khác ngoài sầu riêng như ngô, cà phê, ổi... và không có biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm chéo sâu bệnh giữa các loài khác nhau. Một số vườn cây ăn quả không thực hiện theo dõi dịch hại, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của quy trình.
Nếu nhiều vườn không theo dõi ruồi đục quả, hoặc chỉ treo bảng vàng hoặc bẫy, hoặc sử dụng bẫy không đúng cách, hay chỉ sử dụng đèn bẫy thì khả năng xác định dịch hại của người quản lý vườn vẫn cần được tăng cường...
Bên cạnh đó, trình độ quản lý của các cơ sở đóng gói còn có sự chênh lệch lớn. Một số nhà xưởng đã cũ, mặt bằng không đủ cứng, vệ sinh môi trường tổng thể kém, khu vực nhà máy gần với khu sinh hoạt, không có cách ly về mặt vật lý. Một số nhà máy đóng gói không vệ sinh bụi và sinh vật gây hại khi cọ rửa bề mặt sầu riêng, nhận dạng, có thể gây ô nhiễm thứ cấp và việc giám sát dịch hại không được thực hiện.
Về các biện pháp phòng chống COVID-19, phía Trung Quốc cũng chỉ ra ở một số nhà máy và vườn cây ăn quả không có phương tiện rửa tay, chỉ khử trùng.
Trung Quốc cũng đã công bố danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đáp ứng yêu cầu trên trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc: http://dzs.customs.gov.cn/dzs/2747042/3995819/sg38/3974291/index.html.
100.000 người Việt bị rao bán thông tin tài khoản ngân hàng trên mạng Nếu những thông tin này bị kẻ xấu lợi dụng thì khách hàng sẽ gặp nhiều phiền phức, thậm chí còn bị lừa đảo. Mới đây, trên diễn đàn dành cho hacker mang tên Br*.to đã có một thành viên tên ARES_BF_ACCOUNT đăng bài bán cơ sở dữ liệu của người dùng Việt. Dữ liệu gồm 100.000 bản ghi với các thông tin...