Đắk Lắk ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc bệnh Whitmore
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhân thêm 1 trường hợp nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” (mắc bệnh Whitmore) tại huyện Krông Pac.
Bệnh nhân là nữ, sinh năm 1982. Theo hồ sơ bệnh án, vào ngày 10/10, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dữ dội nên đi khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân bị Whitmore
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị áp xe lá lách và được phẫu thuật và điều trị. Sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân vẫn tiếp tục có biểu hiện đau bụng, nên ngày 31/10, lại nhập viện tái khám.
Lúc này, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore trên nền đái tháo đường type 2 và hiện đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Sau gần 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, hiện bệnh nhân đang được chỉ định điều trị bằng kháng sinh mạnh.
Đây là trường hợp thứ 3 ở Đắk Lắk mắc bệnh Whitmore trong năm nay. Hai trường hợp trước, được ghi nhận tại huyện Ea Súp và Cư Kuin.
Phát hiện vi khuẩn gây bệnh Whitmore trong mẫu đất và nước tại Mỹ
Ngày 27/7, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra khuyến cáo đối với các cơ sở y tế sau khi lần đầu tiên phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore trong mẫu đất và nước ở Mỹ.
Ảnh hiển vi điện tử có màu của vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Ảnh: Eye of Science
Cụ thể, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (B.pseudomallei) đã được phát hiện trong mẫu đất và vũng nước ở vùng Bờ Vịnh, miền Nam Mississippi, khi giới chức y tế tiến hành điều tra 2 trường hợp mắc bệnh Whitmore tại khu vực này. Hai bệnh nhân này không liên quan đến nhau, sống ở khu vực gần nhau và mắc bệnh cách nhau 2 năm, vào năm 2020 và năm 2022. Điều này khiến giới chức y tế tiến hành kiểm tra các vật dụng trong nhà và môi trường quanh nhà của họ.
Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn B.pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước và xâm nhập cơ thể người chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B.pseudomallei. Bệnh này gây ra những triệu chứng không điển hình như sốt, đau mỏi cơ và đau đầu nhưng cũng có thể gây viêm phổi, áp xe và nhiễm trùng máu. Hầu hết người khỏe mạnh khi tiếp xúc với vi khuẩn B.pseudomallei không phát triển bệnh Whitmore, song tỉ lệ tử vong ở những người mắc bệnh này trên toàn cầu là từ 10-50%.
Mỗi năm, Mỹ ghi nhận trung bình 12 ca mắc bệnh Whitmore, hầu hết là các trường hợp du lịch đến các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi vi khuẩn gây bệnh này được cho là đặc hữu.
CDC khuyến cáo những người sống ở miền Nam Mississippi có các bệnh lý nền như béo phì, thận mãn tính, viêm phổi hay lạm dụng rượu, nên có các biện pháp đề phòng mắc bệnh Whitmore như tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, đi ủng và găng tay, che chắn vết thương hở khi làm vườn.
Báo động: Người mắc 'vi khuẩn ăn thịt người' có nguy cơ tử vong cao Mới đây một căn bệnh có cái tên khiến nhiều người sợ hãi đã xuất hiện tại Việt Nam: "vi khuẩn ăn thịt người". Nhìn những biểu hiện ngoài da của người mắc bệnh, nhiều phụ huynh không khỏi rùng mình sợ hãi trước chủng vi khuẩn này.