Đắk Lắk ghi nhận 48 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 48 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Xét nghiệm bạch hầu cho người dân tại Đắk Lắk. Ảnh minh họa
Ngày 10/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 48 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Các ca bệnh được ghi nhận tại các huyện: Krông Bông, Lắk, M’Đrắk, Cư Kuin, CưM’Gar và TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó, 2 địa phương có nhiều ca mắc bệnh nhất là huyện Krông Bông với 17 trường hợp và huyện M’Đrắk với 12 trường hợp.
Ngay sau khi phât hiện những ca mắc bạch hầu, ngành Y tế Đắk Lắk đã thực hiện khoanh vùng, dập dịch, phong tỏa khu vực bệnh nhân sinh sống, triển khai phun thuốc khử trùng, điều tra dịch tễ, cho người dân uống thuốc kháng sinh dự phòng…nhằm phòng chống dịch bệnh tại những địa phương có ổ dịch và khi xuất hiện các ca mắc bệnh bạch hầu mới.
Đối với hai huyện có số ca mắc cao nhất là Krông Bông và M’Đrắk, ngành Y tế địa phương cũng đã triển khai tiêm vaccine Td phòng bệnh bạch hầu cho tất cả người dân trong địa bàn xã có ca bệnh. Ngoài ra, đối với các địa phương khác cũng đang trong quá trình triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho tất cả các đối tượng trong toàn tỉnh theo kế hoạch của Bộ Y tế và UBND tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, ngày 9/10, ông Trịnh Quang Trí – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho báo Thanh niên biết, tính từ đầu tháng 10/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Video đang HOT
Cụ thể, 1 bệnh nhân (10 tuổi) ở xã Đắk Nuê, 1 bệnh nhân (16 tuổi) ở xã Nam Ka (cùng H.Lắk) và 1 bệnh nhân (14 tuổi) ở xã Cư San (H.M’Đrắk). Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, trung tâm y tế các huyện trên đã khẩn trương khoanh vùng, xử lý ổ dịch, lập chốt cách ly khu vực dân cư có ca bệnh. Đồng thời, tiến hành điều tra dịch tễ các ca bệnh, lập danh sách người tiếp xúc gần; phun hóa chất khử khuẩn bề mặt tại gia đình bệnh nhân và khu vực lân cận…
Cách đơn giản mà hiệu quả để tiêu diệt mầm bệnh bạch hầu
Vi khuẩn bạch hầu có thể bị tiêu diệt nhanh chóng dưới ánh nắng mặt trời, ở nơi thông thoáng.
Lấy mẫu xét nghiệm bệnh bạch hầu cho người dân ở vùng có dịch. Ảnh: TTXVN
Dịch bệnh bạch hầu đang có xu hướng gia tăng ca mắc trong thời gian gần đây, với đặc điểm dễ lây lan thành dịch và biến chứng nguy hiểm, người dân cần biết cách phòng tránh, trong đó có những cách rất đơn giản có thể áp dụng thường ngày.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Vi khuẩn bạch hầu có thể sống tới hàng tháng trong chất nhầy dịch hô hấp bám trên đồ dùng, vật dụng, tồn tại lâu trong môi trường nước ẩm ướt, không thông thoáng. Tuy nhiên vi khuẩn bạch hầu lại có thể bị tiêu diệt nhanh chóng dưới ánh nắng mặt trời, ở nơi thông thoáng. Vì vậy với những đồ dùng như: Quần áo, chăn màn, ga gối có mầm bệnh của bệnh nhân và của những người sống trong vùng có dịch nên đem phơi dưới nắng mặt trời; đồ chơi, bát đĩa, thìa cốc cũng nên đem phơi nắng hoặc luộc nước sôi sau khi sử dụng để tiêu diệt mầm bệnh. Chỉ một ngày thực hiện những việc đơn giản trên cũng bằng rất nhiều lần phun xịt khử trùng".
Chuyên gia cũng khuyến cáo, để phòng bệnh bạch hầu, người dân dần thực hiện vệ sinh thông khí tại hộ gia đình và các trường học như: Mở cửa sổ, cửa chính thường xuyên; hạn chế tụ tập đông người trong khu vực có ổ dịch. Bên cạnh đó, tại nhà bệnh nhân và các hộ liền kề xung quanh, các nhà trẻ, lớp học, cơ quan... có liên quan đến bệnh nhân bạch hầu cần được khử trùng bằng cách lau, phun nền nhà, tay nắm cửa, bề mặt các đồ vật trong nhà với dung dịch khử trùng có chứa 0,1% clo hoạt tính.
Đặc biệt, cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh là người dân ở khu vực có dịch và khu vực nguy cơ cần được tiêm vắc xin bạch hầu càng sớm càng tốt.
Cụ thể các mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu hiện nay đang áp dụng như sau:
Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm:
- Vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - viêm gan B (DPT-VGB-Hib); tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.
- Vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván tiêm khi trẻ 16-18 tháng tuổi.
- Vắc vắc xin bạch hầu - uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.
Chương trình vắc xin dịch vụ gồm:
- Vắc xin 6 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - Hib - viêm gan B) hoặc vắc xin 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - bại liệt) được tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16-18 tháng tuổi.
- Vắc xin 4 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt) tiêm khi trẻ 4-6 tuổi.
- Vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván được tiêm cho trẻ trên 4 tuổi và người lớn; mũi tiêm này thường được khuyến cáo tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo người dân cần tiêm đủ 5 mũi phòng bệnh bạch hầu để đảm bảo hiệu quả miễn dịch, thậm chí nhiều quốc gia còn khuyến cáo tiêm 6 mũi, một số quốc gia cứ 10 năm lại tiêm nhắc lại 1 mũi để đảm bảo phòng bệnh. Việc tiêm nhắc lại cho trẻ lớn (giai đoạn 7 tuổi) cũng như tiêm vắc xin cho người lớn là rất quan trọng; cần cho người dân hiểu việc đi tiêm vắc xin là những biện pháp đảm bảo đầy đủ để khống chế được tốt bệnh bạch hầu trong thời gian tới.
Lịch tiêm mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu được khuyến cáo như sau:
- Dưới 1 tuổi tiêm 3 mũi đầu.
- 18-24 tháng nhắc lại mũi thứ 4.
- 7 tuổi nhắc lại mũi thứ 5.
- Mũi thứ 6 khuyến cáo tiêm cho người từ 9-15 tuổi, trước khi bước vào độ tuổi sinh đẻ.
Đắk Lắk: Triển khai khoanh vùng, dập dịch bạch hầu UBND TP Buôn Ma Thuột vừa cho biết, ngay sau khi xuất hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn, UBND thành phố đã phối hợp cùng ngành y tế để triển khai các giải pháp kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Cán bộ y tế kiểm tra dịch tễ, lấy mẫu ngoáy họng...