Đắk Lắk: Bệnh tay chân miệng tăng đột biến
Theo thống kê của Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, hiện đã có 143 trẻ em bị bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị. Con số này tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.
Khoa Nhi rất đông trẻ em mắc TCM điều trị, trái ngược hẳn với cùng thời điểm năm 2011
Theo BS. Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trường Khoa Nhi, trung bình mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận 3 – 4 ca, cao điểm là 10 ca tay chân miệng. Trong đó, gần một nửa là ở tình trạng nặng. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái, hoàn toàn không có ca bệnh tay chân miệng nào.
Có mặt tại Khoa Nhi sáng ngày 27/2, hàng chục phụ huynh khuôn mặt ủ rũ, lo lắng xếp hàng dài chờ đợi con em mình đến lượt khám. Anh Nguyễn Thanh Viên (27 tuổi, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) đưa con trai 1 tuổi lên khám lo lắng bày tỏ: “Cháu bị phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và ở miệng gần 3 ngày nay. Vợ chồng tôi tất tả vượt hàng chục cây số mang cháu từ Krông Búk về đây và được bác sĩ cho biết bị bệnh tay chân miệng”.
“Cháu nó bị sốt cao, ho liên tục, mấy ngày nay biếng ăn. Đến đây khám mới biết cháu bị bệnh tay chân miệng”, chị Nguyễn Thị Nhung (33 tuổi, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) cho hay.
Video đang HOT
Các bậc cha mẹ tỏ ra khá lo lắng với tình hình bệnh tật của con
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn cho biết hiện chưa ghi nhận trường hợp nào trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên Bác sĩ Tuấn khuyến cáo các ông bố bà mẹ khi phát hiện con trẻ có dấu hiệu chán ăn, loét lở trong miệng, xuất hiện nốt phỏng nước ở bàn tay, chân (có thể ở mông, đầu gối) trẻ có thể sốt hoặc chán ăn cần giữ vệ sinh, tăng dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, cách ly trẻ trong vòng 10 ngày. Khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục, giật mình, run chi, khó thở cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Viết Hảo
Theo Dân trí
9 trẻ tử vong, bệnh tay chân miệng lại "nóng"
Chỉ trong 6 tuần đầu năm nay, cả nước đã ghi nhận hơn 6.000 trường hợp mắc tay chân miệng trên hầu hết các địa phương, trong đó có 9 trường hợp tử vong và đều do vi-rút cực độc EV71 gây ra.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tay chân miệng diễn ra chiều 20/2 tại Hà Nội, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam với hơn 60% trường hợp mắc bệnh và 8 ca tử vong còn lại là miền Bắc (khoảng 30%) và miền Trung. Đặc biệt, 100% trường hợp tử vong vì tay chân miệng này đều có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút EV 71.
"Bệnh không chỉ xảy ra nhiều ở miền Nam mà miền Bắc cũng có những dấu hiệu gia tăng bất thường. Vì thế, các tỉnh, thành phố cần tăng cường biện pháp giám sát, giáo dục, truyền thông. Cục Y tế dự phòng thành lập ngay các đoàn công tác tại các tỉnh trọng điểm để xuống dưới địa phương triển khai chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch", Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nói.
Các chuyên gia nhận định dịch tay chân miệng 2012 vẫn rất phức tạp.
TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, đánh giá: "Đuôi dịch từ năm ngoái đến nay vẫn còn, báo hiệu một năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, lưu hành nhiều chủng vi-rút gây bệnh. Năm nay, ngay từ đầu mùa dịch cũng đã ghi nhận 9 ca tử vong, trong khi dù được đánh giá là phức tạp nhưng năm ngoái, số trường hợp tử vong chỉ ghi nhận từ giữa năm trở đi và tăng dần", TS Hiển nói.
Các chuyên gia dự báo năm nay, dịch tay chân miệng sẽ có những diễn biến phức tạp trên diện rộng, nguy cơ mắc tăng cao nhất vào các tháng 9, 10, 11. Nguyên nhân là bệnh tay chân miệng do vi-rút đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, không có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Có nhiều tuýp vi rút gây bệnh, tỷ lệ vi rút EV 71 lưu hành cao, đối tượng cảm nhiễm lớn, chưa đánh giá được miễn dịch của cộng đồng. Tỷ lệ người lành mang trùng cao tới 71% trong các ổ dịch, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần. Trong khi đó, tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Một số nơi chưa được sự quan tâm đúng mức của chính quyền, ban ngành đoàn thể công tác phòng chống dịch chưa triệt để công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng chưa sâu rộng.
Bộ Y tế chỉ đạo Cục Y tế Dự phòng phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ và các chuyên gia tiến hành dự thảo sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng.
Hồng Hải
Theo dân trí
Bệnh tay chân miệng tăng mạnh đầu năm Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP. Đà Nẵng, tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã ghi nhận 61 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 1 ca duy nhất. Bệnh tay chân miệng tăng mạnh đầu năm 61 ca bệnh tập trung chủ yếu ở quận Hải Châu...