Đăk Hà mùa cao su thay lá
Đi giữa những hàng cây thẳng tắp, cành lá đan xen vào nhau, tôi ngẩn ngơ trước khung cảnh ngập sắc cam nên thơ của vùng đất Tây Nguyên.
Một ngày nắng, tôi quyết định ghé thăm cô bạn thân đang thực tập tại huyện Đăk Hà. Chuyến đi chợt đến như chính sự bất ngờ của chúng tôi ngày nhận quyết định thực tập ở vùng đất hoàn toàn xa lạ. Trên chiếc xe giường nằm, tôi mường tượng Đăk Hà như bao vùng đất của Tây Nguyên đại ngàn, đầy nắng gió và ngọt đắng vị cà phê. Xe đi qua TP Kon Tum về phía bắc 20 km, tôi xuống xe lúc tờ mờ sáng. Đăk Hà chào đón tôi bằng cái ôm mát lạnh, cái lạnh đặc trưng của vùng cao nguyên những ngày cuối năm. Cô bạn thân đón tôi bằng cái ôm ấm áp, sự ấm áp của tình bạn thân thương.
Bạn tôi nhanh chóng kéo tôi đi dạo quanh Đăk Hà với tất cả niềm vui, giống như chủ nhà hào hứng muốn giới thiệu từng không gian đẹp xinh trong căn nhà mới xây của mình cho khách đến mừng tân gia. Đăk Hà cuối đông đầu xuân có hoa cà phê nở trắng tinh khôi, đan xen là màu hồng dịu dàng của những ngọn hoa lau. Loài hoa bình dị ấy mềm mại nghiêng mình trong gió, nô đùa cùng nắng giữa bầu trời biếc xanh.
Rừng cao su ven đường vào độ thay lá, khung cảnh Đăk Hà ngập trong sắc cam lãng mạn. Ảnh: Hằng Võ
Vẫn đang choáng ngợp bởi những đồi cà phê trắng muốt hòa lẫn trong hương thơm dịu ngọt, tôi như đi xuyên không gian, thời gian, lạc vào khu vườn cổ tích. Thời điểm này cũng chính là mùa thay lá của rừng cây cao su Đăk Hà. Đi giữa những hàng cây thẳng tắp, cành lá đan xen vào nhau, tôi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp nên thơ của vùng đất này. Mỗi khi có cơn gió thoảng qua, những chiếc lá rời cành tựa như một đàn bươm bướm tung bay. Mặt đất được trải một tấm thảm bươm bướm ánh cam rực rỡ.
Chúng tôi đi qua rừng cao su, đến thăm một ngôi làng nhỏ. Cô bạn chu đáo chuẩn bị cho tôi một bộ trang phục của người dân địa phương. Các cụ già và những em nhỏ nhìn chúng tôi với đôi mắt tò mò xen lẫn sự mến khách trong ánh nhìn, nụ cười của họ.
Một cụ già mời chúng tôi đến thăm nhà rông của làng. Nhà rông nằm ở trung tâm, là nơi tụ họp, trao đổi, thảo luận của dân làng. Tôi bước chân trần dạo quanh nhà rông, cảm nhận từng thớ vải màu sắc chạm nhẹ vào người, nghe câu chuyện của làng và như thấy mình đang sống trong nền văn hóa đặc sắc nơi đây. Bên cạnh làng có một con suối nhỏ róc rách chảy, vài chú cá tung tăng bơi trong làn nước trong xanh, mát lành. Tất cả tạo thành một bức tranh quá đỗi bình yên của núi rừng.
Chúng tôi mặc trang phục của người dân bản địa chụp ảnh trong rừng cao su. Ảnh: Hằng Võ
Điểm cao 601 tại xã Đăk La là một di tích lịch sử nổi tiếng ở huyện Đăk Hà, in đậm những chiến tích của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là chiến thắng tháng 4/1972 trong chiến dịch giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh.
Nghe cô bạn kể, nhiều trận giao tranh quyết liệt đã diễn ra tại vị trí chiến lược quan trọng này, nên người dân địa phương còn gọi nơi đây là “Dốc đầu lâu”. Tôi lặng người với lòng biết ơn vô ngần khi ngước nhìn Điểm cao 601. Trong tôi dấy lên niềm tự hào và lời nhắc nhở thế hệ chúng tôi hãy sống xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của cha anh.
Chúng tôi còn ghé thăm một trong những công trình Phật giáo lớn nhất Tây Nguyên là chùa tháp Kỳ Quang, tọa lạc tại xã Đăk Ma. Dạo quanh chùa, tôi cảm nhận sâu sắc không gian tâm linh với vẻ trầm mặc, sâu lắng của những điện đài đồ sộ, uy nghi. Chùa như một điểm sáng, góp thêm vào sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa, tôn giáo tại vùng đất cao nguyên xinh đẹp.
Video đang HOT
Hồ thủy điện Plei Krông ở gần Đăk Hà có nước trong lành, bao quanh là đồi núi, khung cảnh yên bình mang lại cảm giác thư thái, nhẹ nhàng cho du khách. Ảnh: Hằng Võ
Đêm cuối trước khi trở về, huyện nhỏ Đăk Hà như thức cùng chúng tôi, lắng nghe câu chuyện cuộc sống của những cô sinh viên thực tập xa nhà. Đối với tôi, đây không những là chuyến du lịch ý nghĩa mà còn là hành trình của tình bạn. Tôi được thăm thú, trải nghiệm vùng đất này cùng cô bạn thân kiêm hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình.
Đăk Hà mang trong mình những vẻ đẹp của vùng Tây nguyên nắng gió mà vẫn toát lên vẻ rực rỡ của riêng mình. Hành trình đầy bất ngờ năm ấy cùng nét đẹp hùng vĩ nhưng vô cùng nên thơ, bình yên của Đăk Hà sẽ mãi là kỷ niệm đẹp trong thanh xuân của tôi.
Có một Bà Rịa-Vũng Tàu đẹp mơ màng mùa cao su thay lá
Hàng năm, vào độ cuối tháng 12 cho đến đầu tháng 3 năm sau, miền Đông Nam Bộ bước vào mùa cây cao su thay lá.
Vào mùa này, những khu vực trồng cao su như được "thay da đổi thịt", thay bằng chiếc áo mộng mơ và lãng mạn.
Rừng cao su Đông Nam Bộ mùa thay lá.
Cao su là loại cây thân gỗ, ban đầu chỉ mọc tại khu vực rừng mưa Amazon. Từ rất xa xưa, những thổ dân Mainas sinh sống ở đây đã biết lấy nhựa của thân cây này dùng để tẩm vào quần áo chống ẩm ướt, hay tạo ra những quả bóng vui chơi trong dịp hội hè. Thổ ngữ Mainas gọi chất nhựa này là caouchouk, có nghĩa là "nước mắt của cây".
Do lợi ích kinh tế cao, cây cao su đã được người Pháp đưa vào trồng tại nước ta lần đầu tiên năm 1878 nhưng không thành công. Sau nhiều lần thử nghiệm, đến năm 1897, cây cao su chính thức hiện diện tại Việt Nam. Hiện tại, vùng Đông Nam Bộ là khu vực có diện tích trồng cao su lớn nhất nước, bao gồm TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước.
Những ngày đầu năm, trên Quốc lộ 51 từ huyện Long Thành, Đồng Nai rẽ vào con đường nhỏ chạy về hướng xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khi đến địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, người lữ khách đi ngang qua chợt ngẩn ngơ với vẻ đẹp của những cánh rừng cao su đang vào đúng mùa thay lá ở hai bên đường.
Không ngờ rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu lại đẹp mơ màng và lãng mạn vì mùa cao su thay lá đến vậy.
Con đường đến xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chợt trở nên quyến rũ, hút mắt bởi sắc vàng của những cây cao su đang thay lá.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, cây cao su được trồng nhiều ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức,...
Khi rừng cây cao su dần chuyển đổi sắc màu, thay lá mới cũng là dấu hiệu của mùa khô đã bắt đầu.
Từ màu xanh, lá cây dần đổi sang vàng, cam, đỏ, nâu, rồi rụng dần...
Con đường vô tình như bị chia ra làm hai bởi hai mảng rừng cao su: một đang thay lá và một đã thay xong.
Đối với người dân địa phương, cây cao su thay lá vốn là chuyện bình thường. Nhưng đối với du khách phương xa thì khung cảnh rừng cao su thay lá có sức thu hút khó cưỡng.
Nếu như các nước châu Âu có mùa thu vàng, thì miền Đông Nam Bộ Việt Nam cũng có một mùa vàng của cao su thay lá.
Đứng dưới những tán lá xanh, vàng, cam,... xen lẫn, người lữ khách mộng mơ chợt liên tưởng tới những câu chuyện cổ tích lãng mạn.
Ngày xưa "cao su đi dễ khó về" vì công việc nặng nhọc của những công nhân đồn điền cao su, nhưng ngày nay, với du khách thì "cao su đi dễ khó về" bởi một mùa cao su thay lá tuyệt đẹp.
Khi những chiếc lá đã rụng hết, mùa đông cũng sắp qua. Sang xuân, từ những cành cây khẳng khiu trơ trọi, mầm lá mới xanh um nhú ra, bắt đầu một vòng đời mới.
Những cung bậc sắc màu của lá cao su khi rụng xuống...
Không ai có thể cưỡng lại vẻ đẹp mơ màng này khi tình cờ đi ngang qua.
Một góc rừng vắng với chén mủ cao su gần đầy.
Khoảnh rừng mộng mơ đầy sắc màu lấp lánh trong nắng.
Một thoáng Sủng Là Dọc theo Quốc lộ 4C, qua xã Phố Cáo, lên hết dốc 9 khoanh đến ngã ba đường vào thị trấn Phố Bảng, phóng tầm mắt ra xa, thung lũng Sủng Là (Đồng Văn) hiện ra với vẻ đẹp bình dị, nên thơ. Những nếp nhà trình tường lợp mái âm dương bên bờ rào đá, hòa cùng thảm hoa Tam giác mạch...