Đại tướng Lê Đức Anh và bức thư gỡ “nút thắt” cho du học sinh
Đại tướng từng nói mình là “người bảo thủ” nhưng trên phương diện giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.
Trong công cuộc đổi mới, Đại tướng khẳng định người Việt Nam ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng đang có sứ mệnh bảo vệ, xây dựng tổ quốc từ xa.
Đại tá Khuất Biên Hoà, trợ lý nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho biết, Đại tướng Lê Đức Anh rất quan tâm đến những tâm tư, nguyện vọng và có niềm tin vào thế hệ trí thức trẻ của đất nước.
Đại tá Khuất Biên Hòa, Trợ lý của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Trợ lý Khuất Biên Hoà đã dẫn ra ví dụ như là hai dấu ấn cho thấy sự quan tâm và niềm tin của Đại tướng với thế hệ trẻ nước nhà.
Đại tá Khuất Biên Hoà kể, ông không bao giờ quên Tết đầu năm 2006, khi anh Ngô Quang Xuân, đại sứ Việt Nam ở Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sỹ) về thăm. Ông Xuân bày tỏ sự khen ngợi khi du học sinh Việt Nam tại Mỹ và các nước Tây Âu giỏi, thông minh. Tuy nhiên, du học sinh đang đối mặt với việc “ở lại – về nước”.
Những ngành Việt Nam có thì du học sinh trở về phục vụ tổ quốc nhưng lúc đó, kinh tế, khoa học mình chưa phát triển. Có những ngành, nhất là khoa học kỹ thuật thì về nước sẽ không có đất dụng võ. Nhưng đi du học rồi ở lại bị quy như phản quốc khiến nhiều du học sinh mặc cảm.
Nghe được phản ánh đó, bác Lê Đức Anh nói trợ lý Khuất Biên Hoà thảo một lá thư gửi cho du học sinh.
“Nội dung thư tôi có một câu cốt tử là Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định: các cháu hãy ý thức rằng hiện nay các cháu đang học tập, lao động, làm việc ở các nước và Việt Nam bây giờ đổi mới. Việt Nam là đối tác tin cậy, là bạn của tất cả các quốc gia, dân tộc nên các cháu đang là những người bảo vệ, xây dựng đất nước từ xa”, Đại tá Khuất Biên Hoà kể lại.
Khi báo đăng bức thư đặc biệt đó, hàng nghìn Việt kiều phấn khởi. Chưa bao giờ có bức thư ngắn vừa phát đi đã có nhiều Việt kiều ủng hộ, hoan nghênh. Bức thư như gỡ “nút thắt”.
Tinh thần của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là dù ở đâu trên thế giới này, hãy làm trọn nhiệm vụ của mình. Hãy tranh thủ tiếp thu kiến thức của nước sở tại để sau này nếu có điều kiện thì về phục vụ tổ quốc, chưa có điều kiện thì cứ phục vụ từ xa.
Video đang HOT
Một dấu ấn khác của đại tướng Lê Đức Anh cũng khó quên trong lòng những trí thức trẻ đất Việt.
Trước Đại hội Đảng lần thứ 12 (2.2016), ông Phạm Đức Trung Kiên trước đây là Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ (VEF) gặp thư ký của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại một quán cà phê ngay trung tâm Quận 1, TPHCM.
Trong lúc đàm đạo, ông Kiên không quên nhắc lại sự kiện ông Bill Clinton – Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhiều nội dung quan trọng được hai bên đưa ra bàn thảo. Điều ông Kiên không quên chính là việc Tổng thống Bill Clinton đề xuất:
Theo thông lệ quốc tế, các ngài đã giải phóng miền Nam, thay thế Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà của ông Nguyễn Văn Thiệu thì các ngài phải trả khoản nợ của Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đối với Chính phủ Hoa Kỳ. Khoản nợ ấy rất lớn.
Khi kết thúc chiến tranh, các ngài không đặt vấn đề bồi thường. Vì vậy, chúng tôi cũng thiện chí trở lại là tiền đó các ngài không phải trả thay ông Chính quyền Việt Nam Cộng hoà của Nguyễn Văn Thiệu nữa.
Chính phủ Mỹ dành nguyên khoản tiền đó thành một quỹ để đầu tư, phát triển giáo dục cho Việt Nam. Từ đó, Quỹ giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ (VEF) ra đời. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Quỹ VEF, ông Bill Clinton hết nhiệm kỳ và bàn giao cho đời Tổng thống kế nhiệm là George W.Bush triển khai.
Ông Phạm Đức Trung Kiên là người đầu tiên được tín nhiệm làm Giám đốc điều hành Quỹ.
Trong cuộc trò chuyện với Đại tá Khuất Biên Hoà, trợ lý nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ông Kiên không giấu được niềm vui khi VEF đã đào tạo hơn 600 tiến sĩ của các ngành cho Việt Nam. Trong số đó, có hơn 200 du học sinh về nước làm việc.
Nhớ lại cách nay đúng tròn 10 năm ngày nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi lá thư xuân đặc biệt đến du học sinh, Đại tá Khuất Biên Hoà đề nghị ông Kiên tập hợp 10 người đại diện 3 miền trong số hơn 200 em đã về nước làm việc ra Hà Nội chúc thọ Đại tướng.
Đúng lúc đại hội Đảng lần thứ 12 khai mạc thì đoàn tiến sĩ đã được đào tạo bằng Quỹ VEF đến chào, chúc thọ và báo cáo thành tích với bác Lê Đức Anh.
Đại tướng không giấu được niềm vui và tự hào khi nghe những con người từng thụ hưởng chương trình giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ báo cáo thành tích đạt được.
Trong số đó, có người bây giờ làm trợ lý cho Bộ trưởng Bộ Y tế. Đó là người góp phần làm thay đổi quan điểm đầu tư ngành không chỉ có trang thiết bị, bác sĩ mà cần đặc biệt ưu tiên con người, thiết bị cho bệnh viện cấp huyện, cấp tỉnh để giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Sau thời gian ngắn sự thay đổi này, ngành y tế có những chuyển biến rất cơ bản khắp cả nước.
Một tiến sĩ ngành hoá học về nước, lập phòng thí nghiệm và thành công trong việc xử lý bùn đỏ của bô-xít Tây Nguyên. Công trình nghiên cứu này có thể chiết từ bùn đỏ ra được axit, bazo, sắt và còn lại thì làm thành gạch không nung.
“Nghe em đó báo cáo mà bác Lê Đức Anh rất phấn khởi. Nếu sắp tới đây, nhà nước đầu tư xây nhà máy thì ta sẽ giải quyết rất cơ bản về bùn đỏ”, Đại tá Khuất Biên Hoà kể lại.
Đại tướng Lê Đức Anh chụp chung với các cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ năm 2006. Ảnh: Vietnamnet
Một báo cáo khác cũng gây ấn tượng trong buổi gặp chúc thọ Đại tướng là của một nữ bác sĩ đang công tác tại trường Đại học Y Hà Nội.
Từ trước đến nay, những người thay giác mạc phải chờ người hiến giác mạc, tuy nhiên, chờ người sắp chết thì mới hiến nên rất hiếm. Bao nhiêu người chết có mấy người đồng ý cho khoét mắt mình để hiến giác mạc. Vì thế, vấn đề thay giác mạc rất nan giải thì nữ bác sĩ này đã tìm ra phương pháp mới từ khi học ở Mỹ về là lấy tế bào gốc cấy là ra giác mạc mới.
“Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cho đến khi về hưu, ngoài vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia, Đại tướng Lê Đức Anh rất quan tâm, tin tưởng ở lớp trẻ…”, trợ lý Khuất Biên Hoà nhấn mạnh.
Theo Công Quang- Nguyễn Quang (Dân Trí)
Đồng chí Lê Đức Anh - nhà quân sự tài ba, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng
Tôi có thời gian cùng công tác và là cấp dưới của đồng chí Lê Đức Anh từ giữa năm 1976 đến tháng 5-1978. Thời kỳ đó, đồng chí Lê Đức Anh là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 9, tôi là Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị quân khu.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2017). Ảnh: MINH TRƯỜNG
Với tôi, Đại tướng Lê Đức Anh thuộc thế hệ đàn anh. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937, được kết nạp Đảng năm 1938 (khi tròn 18 tuổi) và từ năm 1945 tham gia Việt Nam Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Hơn 45 năm liên tục phục vụ trong quân đội, đồng chí trải qua hầu hết các chức vụ, từ cán bộ trung đội đến Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng thể hiện rõ tài năng, trí tuệ, là người chỉ huy, vị tướng có tài cầm quân. Đồng chí từng được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng và là một trong 3 sĩ quan cao cấp của Quân đội ta (cùng các đồng chí Phùng Thế Tài và Đào Văn Trường), khi mang quân hàm đại tá được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
Đồng chí Lê Đức Anh có mặt ở hầu hết các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí vào miền Nam trên tuyến đường của Đoàn tàu không số, từng được giao làm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Miền. Nhiều chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí đều tham gia và trực tiếp chỉ huy. Cuối năm 1974, đồng chí Lê Đức Anh được điều động trở lại làm Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam và được thăng quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng. Năm 1975, đồng chí là Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam-một trong 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhưng ngay sau đó, bè lũ phản động Pol Pot-Ieng Sary liên tiếp gây ra các vụ tấn công vào lãnh thổ nước ta trên tuyến biên giới Tây Nam, tàn sát dã man đồng bào ta. Tháng 7-1978, Quân ủy Trung ương ra Quyết định số 69/QĐ-QUTW về tổ chức Tiền phương Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ chỉ huy, thống nhất mọi hoạt động tác chiến của các quân khu, quân đoàn, lực lượng của các quân chủng, binh chủng ở phía Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Thời gian này, Trung tướng Lê Đức Anh đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân khu 7 kiêm Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam (Chiến trường K).
Đáp lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia, ngày 7-1-1979, bộ đội ta phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến hành giải phóng thủ đô Phnom Penh và toàn bộ đất nước Campuchia, giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Để tăng cường giúp bạn Campuchia sau giải phóng, tháng 8-1979, đồng chí Lê Duẩn ký Quyết định số 19 thành lập Ban Phụ trách công tác K (Campuchia), do đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban; đồng chí Lê Đức Anh làm Phó ban thứ nhất. Đồng chí Lê Đức Anh đã nắm chắc và báo cáo chính xác với Trung ương tình hình địch, ta trên chiến trường, âm mưu, thủ đoạn của chúng; đồng thời cùng các đồng chí trong Ban Phụ trách công tác Campuchia bàn các giải pháp giúp bạn bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất. Tháng 2-1980, đồng chí Lê Đức Anh được Bộ Chính trị cử làm Trưởng ban Phụ trách công tác Campuchia.
Tháng 5-1981, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 36 về tổ chức Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và thành lập Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia (Bộ tư lệnh 719), trực thuộc Bộ Quốc phòng, trực tiếp chỉ huy Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp bạn Campuchia. Giai đoạn đó, chúng ta vừa giúp bạn Campuchia, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; đồng thời toàn quân thực hiện cơ chế mới theo Nghị quyết 07 "Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội", tức là bỏ chế độ đảng ủy, bỏ chức vụ chính ủy, chính trị viên, thiết lập cơ chế "một người chỉ huy" và "hội đồng công tác chính trị". Lúc này tôi đang là Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 719.
Sau đó, Bộ Chính trị, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng, tổ chức họp tại TP Hồ Chí Minh và triệu tập đồng chí Lê Đức Anh về dự. Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Đức Anh đã bàn bạc với tôi đề xuất trước hội nghị: Riêng ở chiến trường Campuchia vì bộ đội ta đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, giúp bạn truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng, do vậy đề nghị cho phép Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Campuchia vẫn duy trì chế độ đảng ủy. Sau này, trong hồi ký, Đại tướng Lê Đức Anh cũng nhắc lại quan điểm của chúng tôi vào thời điểm đó: "Chúng ta phải nhất quán rằng, một chủ trương quân sự, một hoạt động quân sự không bao giờ là quân sự đơn thuần, mà hoạt động quân sự là hoạt động chính trị, phục vụ mục đích chính trị. Người chỉ huy quân sự là làm chính trị, phục vụ chính trị, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của tổ chức đảng. Dứt khoát cái đó!".
Và thực tế, đồng chí chủ trì hội nghị Bộ Chính trị hôm đó đã kết luận, đồng ý với ý kiến của đồng chí Lê Đức Anh, bởi đây là một đề xuất đúng đắn, phù hợp với thực tế nhiệm vụ của ta vào thời điểm đó ở Mặt trận 719. Qua đây, thể hiện bản lĩnh, tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân của đồng chí Lê Đức Anh.
Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo rất nhạy bén, nhạy cảm trước tình hình mới, có tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngay sau giải phóng miền Nam, khi đồng chí Lê Đức Anh đảm nhận cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 9, thời gian này, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng có chủ trương giảm biên chế đối với quân đội, giải quyết cho đi lao động xuất khẩu, chuyển ngành, phục viên... số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ. Nhiều đơn vị trong toàn quân, nhất là ở khu vực phía Nam đã thực hiện chủ trương của trên. Riêng đồng chí Lê Đức Anh rất thận trọng, bởi đồng chí nhận thấy tình hình biên giới Campuchia diễn biến phức tạp, căng thẳng. Đồng chí bàn bạc trong Đảng ủy, Bộ tư lệnh và thống nhất tạm thời chưa thực hiện chủ trương của trên, đồng thời quyết định giữ lại nhiều hạ sĩ quan, chiến sĩ đã qua chiến đấu, có tinh thần dũng cảm, gan dạ, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, cùng nhiều cán bộ có năng lực, trình độ, khả năng chỉ huy, đã trải qua chiến đấu. Đặc biệt, đồng chí cho giữ lại những đơn vị có truyền thống đánh giặc, lập công, có nền nếp chính quy tốt và đề nghị thành lập Sư đoàn 330. Và hiệu quả rõ rệt là, khi thực hiện chiến dịch giúp bạn Campuchia đánh đổ lực lượng phản động Pol Pot-Ieng Sari, thì Sư đoàn 330 là một trong những đơn vị chủ lực, thiện chiến, có sức chiến đấu mạnh mẽ, trừng trị thích đáng tội ác của bè lũ phản động Pol Pot, góp phần giúp bạn giải phóng nhiều địa bàn quan trọng. Sau này, cũng từ Sư đoàn 330, nhiều cán bộ đã qua chiến đấu, có kinh nghiệm chiến trường đã được cử đi đào tạo, trở thành những cán bộ cốt cán của địa phương và quân đội; nhiều đồng chí phát triển lên cán bộ cấp tướng, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp của quân đội...
Quá trình công tác, dù ở cương vị nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng rất sâu sát, tận tụy trong công việc. Đồng chí đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong lúc tình hình biên giới phía Bắc vẫn còn xảy ra xung đột, đời sống nhân dân và bộ đội hết sức khó khăn, tư tưởng có những diễn biến phức tạp. Đồng chí đã trực tiếp đến thăm, kiểm tra nhiều đơn vị cơ sở. Thấy đời sống của bộ đội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thậm chí có biểu hiện phát sinh tư tưởng tiêu cực, đồng chí đã chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tập trung mọi nguồn lực chăm lo đời sống bộ đội, trước hết để anh em có sức khỏe, ổn định tư tưởng, xác định quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Cùng với đó, đồng chí dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, động viên bộ đội đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, các vùng biển, đảo... nắm chắc tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, động viên bộ đội vững vàng tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đất nước hòa bình, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh luôn trăn trở về đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhất là các đồng chí từng vào sinh ra tử phục vụ cách mạng, kháng chiến, từng trải qua chiến đấu nhiều hy sinh gian khổ, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, nơi ăn chốn ở không ổn định. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh chủ trương dành một phần đất doanh trại chưa sử dụng, giải quyết nhà ở, đất ở cho cán bộ quân đội, giúp anh em yên tâm công tác, gắn bó, xây dựng đơn vị. Đồng chí cũng trăn trở trước những mất mát, hy sinh to lớn của nhân dân trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những người mẹ có con trai duy nhất, có nhiều con hy sinh vì cách mạng. Khi trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã định hướng cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, phối hợp với Bộ Quốc phòng rà soát, xây dựng kế hoạch, đề xuất chủ trương phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", nhằm tôn vinh, ghi công sự cống hiến của các bà mẹ cho độc lập, tự do của Tổ quốc và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Đồng chí Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, nhà chỉ huy quân sự tài ba. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong hơn 10 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, đồng chí luôn nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, tình hình quân đội, nên giải quyết công việc rất quyết đoán, chắc chắn, có lập trường giai cấp rất vững vàng. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, đồng chí góp phần quan trọng thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa quan hệ quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi, đưa Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ với các nước, nhất là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Anh có nhiều đóng góp, cống hiến cho cách mạng, cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước và mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước. Đồng chí luôn có các quyết định đúng đắn, sáng tạo trong những thời điểm và hoàn cảnh hết sức khó khăn, thể hiện tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước, của quân đội. Đồng chí luôn sống giản dị, thanh bạch, gần gũi với đồng chí, đồng bào. Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, về năng lực tư duy, năng lực hành động... để các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.
Nguyên Tổng bí thư LÊ KHẢ PHIÊU
Theo qdnd.vn
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban Lễ tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh Tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày 3-4/5 do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban Lễ tang. Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng...