Đại sứ quán Nga ở Ukraine bị ném bom khói giữa lúc căng thẳng
Một số thành phần quá khích ở Ukraine đã ném bom khói và pháo sáng vào khu vực Đại sứ quán Nga tại Kiev sau vụ việc Moscow bắt giữ tàu hải quân Ukraine xâm phạm lãnh hải của Nga gần bán đảo Crimea.
Những phần tử quá khích ném bom khói và pháo sáng vào Đại sứ quán Nga ở Ukraine (Ảnh: Sputnik)
Kênh truyền hình 112 của Ukraine đưa tin, các phần tử quá khích ở Ukraine tối ngày 25/11 đã ném lốp xe, tàu giấy vào lối ra vào Đại sứ quán Nga ở Kiev. Những người này sau đó đã ném bom khói và pháo sáng vào đại sứ quán Nga. Lực lượng hành pháp và cảnh sát trưởng Sở cảnh sát Kiev Andriy Kryschenko đã tới hiện trường để kiểm soát và xử lý tình hình.
Báo Ukrayinska Pravda của Ukraine đăng tải đoạn video được cho là một chiếc xe ngoại giao của Nga đã bị đốt cháy. Vụ việc xảy ra ở Yaroslav Khomov, cách đại sứ quán Nga gần 1km.
Người Ukraine ném lốp xe và tàu thuyền gấp bằng giấy vào cửa Đại sứ quán Nga ở Kiev (Ảnh: Twitter)
Theo Sputnik, sự việc xảy ra sau khi các tàu tuần tra của Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine eo biển Kerch, gần bán đảo Crimea vào lúc 7h sáng ngày 25/11 (giờ địa phương). Nga cho biết, họ buộc phải làm như vậy vì các tàu Ukraine gồm 2 tàu trang bị pháo và một tàu kéo xâm phạm lãnh hải Crimea và dường như nhiều lần phớt lờ cảnh báo của phía Nga.
Ukraine đã bác bỏ cáo buộc của Nga, đề nghị Nga bồi thường và trao trả ngay lập tức các tàu hải quân và thủy thủ. Quân đội Ukraine được cho là đã được đặt trong tình trạng báo động tác chiến toàn diện sau vụ việc trên.
Video đang HOT
Quan hệ Nga-Ukraine leo thang căng thẳng từ tháng 3/2014 sau khi bán đảo Crimea tuyên bố ly khai Kiev và tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập với Nga. Trong khi Kiev nhiều lần cáo buộc Nga “chiếm đóng” bán đảo thì Moscow khẳng định tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý với luật lệ quốc tế và khẳng định sẽ không bao giờ trả lại Crimea cho Ukraine.
Sau 4 năm, Nga đã xây dựng một cây cầu lớn bắc qua eo biển Kerch nối liền Nga và Crimea. Việc Nga kiểm soát Crimea và cây cầu đồng nghĩa với việc Nga có thể kiểm soát hoạt động lưu thông của tàu thuyền qua khu vực này.
Đức Hoàng
Theo Dantri/Sputnik
Nga bắt 3 tàu Ukraine gần Crimea: Nguy cơ gia tăng rủi ro và đối đầu
Theo giới quan sát, vụ việc Nga bắt giữ 3 tàu chiến của Ukraine gần Crimea có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nguy hiểm mới giữa hai nước.
Theo giới quan sát, vụ việc Nga bắt giữ 3 tàu chiến của Ukraine gần Crimea có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nguy hiểm mới giữa hai nước. Ảnh: Reuters
Reuters đưa tin, Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine ở khu vực ngoài khơi bờ biển Crimea sau khi khai hỏa, khiến một số thủy thủ trên các tàu này bị thương. Động thái này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nguy hiểm mới giữa hai nước.
"Vũ khí đã được sử dụng với mục đích buộc phải ngăn chặn các tàu chiến Ukraine. Kết quả là cả ba tàu hải quân của Ukraine bị bắt giữ ở vùng lãnh hải của Liên bang Nga ở Biển Đen", FSB trong một tuyên bố gửi cho truyền thông Nga nêu rõ.
Theo FSB, 3 thủy thủ người Ukraine bị thương trong vụ việc và đang được chăm sóc y tế. Những người này không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Giới quan sát cho rằng, với những căng thẳng vẫn còn nguyên vẹn sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Ukraine cho đến nay vẫn đổ lỗi cho Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine, những rủi ro xảy ra có thể khiến hai nước phải đối mặt với một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Phía Ukraine phủ nhận việc các tàu của nước này có thể làm bất kỳ điều gì sai trái, cáo buộc Nga có hành động gây hấn quân sự và kêu gọi cộng đồng Quốc tế có biện pháp trừng phạt Moscow.
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành thảo luận về những diễn biến căng thẳng mới nhất giữa Nga và Ukraine trên Biển Đen theo yêu cầu từ phía Nga.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức an ninh và quân sự hàng đầu để thảo luận việc áp dụng thiết quân luật sau sự việc nói trên. Tuy vậy, ông Poroshenko cho biết, việc áp dụng thiết quân luật không có nghĩa là sẽ triển khai binh sĩ ngay lập tức.
Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và sau đó xây dựng một cây cầu khổng lồ nối bán đảo này với khu vực miền Nam nước Nga qua eo biển Kerch - một vùng nước hẹp nối biển Đen với biển Azov, nơi có hai cảng biển quan trọng nhất của Ukraine.
Việc Nga nắm quyền kiểm soát đối với Crimea - nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen cộng với việc hoàn thành xây dựng cầu Kerch được cho là giúp Nga có thể kiểm soát các tuyến đường vận chuyển hàng hải qua khu vực này.
Được biết, vụ va chạm mới nhất ngày 25/11 nói trên khởi nguồn từ việc Nga chặn 3 tàu của Ukraine đi vào biển Azov bằng cách đặt một tàu chở hàng bên dưới cây cầu.
Một nhân chứng nói với Reuters cho biết, Nga đã điều ít nhất hai máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25 để hỗ trợ cho hoạt động trên biển. Truyền hình nhà nước Nga cũng đưa tin về việc máy bay trực thăng chiến đấu được triển khai trong khu vực.
Hải quân Ukraine cho biết trên phương tiện truyền thông xã hội rằng 6 thủy thủ của họ bị thương trong vụ việc sau khi bị các tàu của Nga chủ động đâm va và rằng, tàu Nga tấn công sau khi các tàu của Ukraine rút lui, quay trở lại Odessa - nơi các con tàu này bắt đầu hành trình.
"Sau khi tàu của chúng tôi rời khỏi khu vực 12 hải lý, tàu của Cơ quan an ninh quốc gia Nga đã nổ súng nhằm vào đội tàu nhỏ thuộc... các lực lượng vũ trang của Ukraine", Hải quân Ukraine trong một tuyên bố nêu rõ.
Liên minh châu Âu cũng ra tuyên bố bày tỏ hy vọng Nga sẽ khôi phục lại tự do đi lại qua eo biển Kerch và thúc giục cả hai bên cần có hành động hết sức kiềm chế để giảm căng thẳng.
Rủi ro tiềm ẩn
Một hiệp ước song phương cho phép Nga và Ukraine quyền sử dụng biển Azov - vùng biển nằm giữa hai quốc gia nối với biển Đen qua eo Kerch. Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea, căng thẳng nổi lên với việc cả hai bên phàn nàn về sự cản trở giao thông và quấy rối lẫn nhau.
Trong ngày 25/11, cơ quan bảo vệ biên giới Nga cáo buộc phía Ukraine không thông báo trước về hành trình của 3 chiếc tàu nói trên. Mặc dù vậy, Kiev đã phủ nhận cáo buộc này trong khi Moscow cho rằng các tàu của Ukraine có hành động nguy hiểm, bỏ qua các chỉ dẫn với mục đích khuấy động căng thẳng.
Nhiều quan chức Nga lên án Ukraine khi cho rằng, vụ việc dường như một "nước cờ chính trị" được Tổng thống Poroshenko tính toán kỹ nhằm mục đích củng cố tên tuổi của ông trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới.
Trong một diễn biến khác có liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine, hãng thông tấn Nga RIA đêm 25/11 đăng tải thông tin cho rằng các lực lượng quân sự Ukraine đã tiến hành bắn phá các khu dân cư ở miền Đông Ukraine do những người ly khai kiểm soát.
Reuters không thể xác nhận thông tin này trong khi hãng tin Interfax dẫn các nguồn tin địa phương phủ nhận có bất kỳ diễn biến leo thang quân sự bất thường nào trong khu vực./.
Theo Hùng Cường
VOV.VN
Căng thẳng leo thang, xe ngoại giao Nga bị đốt cháy ở Ukraine Sự cố xảy ra gần đại sứ quán Nga tại thủ đô Kiev sau vụ Moskva bắt ba tàu hải quân Ukraine ở gần eo biển Kerch. Một chiếc xe bị đốt đêm 25/11 tại hẻm Yaroslav Khomov ở thủ đô Kiev, Ukraine, cách đại sứ quán Nga khoảng một km, Ukrainskaya Pravda đưa tin. Các nhân viên cứu hỏa đã tới hiện...