Đại sứ Phạm Sanh Châu: Bạn bè quốc tế đánh giá Việt Nam quản lý đất nước hiệu quả
Bạn bè quốc tế đánh giá cao Việt Nam về mô hình chống dịch, quản lý đất nước hiệu quả, duy trì được tăng trưởng kinh tế dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.
Về nước tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã có những chia sẻ với phóng viên VOV về những thành tựu trong công tác đối ngoại nhiệm kỳ Đại hội XII và những kỳ vọng ở nhiệm kỳ Đại hội XIII sắp tới. Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng đánh giá: Năm 2020 là một năm “đầy bất trắc” trong 3 thập kỷ trở lại đây song Việt Nam đã vượt qua thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo thế và lực mới cho đất nước.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Phạm Sanh Châu.
Ngoại giao Việt Nam đã thực sự biến nguy thành cơ
PV: Thưa Đại sứ Phạm Sanh Châu, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đối với thế giới trong năm qua. Theo quan sát của ông, ngành ngoại giao Việt Nam đã “xoay sở” thế nào trong bối cảnh đó, nhất là khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Không một ai có thể lường và lường hết được về đại dịch COVID-19. Đại dịch quy mô toàn cầu này đã đưa đến nhiều cuộc khủng hoảng dây chuyền, tạo ra suy thoái kinh tế ở nhiều nơi và bất ổn chính trị ở nhiều nước, đồng thời, làm thay đổi tư duy và thúc đẩy thay đổi trong chính sách của nhiều nước lớn với hệ lụy sâu rộng đối với nền chính trị và kinh tế quốc tế.
Bối cảnh mới đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác đối ngoại nói chung, trong đó trực tiếp có việc Việt Nam đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Không gặp gỡ trực tiếp thì sao làm ngoại giao. Không tiếp xúc thì sao có thể vận động. Khó khăn là vậy nhưng ngoại giao Việt Nam chủ động, tích cực, đặc biệt linh hoạt, sáng tạo, nhờ đó đã vượt qua thách thức một cách thành công, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo thế và lực mới cho đất nước và góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo tôi nghĩ, chúng ta đã đạt được những thành công lớn sau:
Một là, uy tín và vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế được củng cố rõ rệt. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực hạn hẹp, ta đã tăng cường đoàn kết, hợp tác, chia sẻ với các nước về tình hình và kinh nghiệm chống dịch. Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế ứng phó với đại dịch COVID-19. Bạn bè quốc tế đánh giá cao Việt Nam về mô hình chống dịch, quản lý đất nước hiệu quả, duy trì được tăng trưởng kinh tế dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.
Hai là, công tác ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, thu hút thêm nhiều nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Ta đã thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP)… Ngoại giao đã thực sự biến nguy thành cơ và chuyển cơ hội thành lợi thế thực sự cho đất nước.
Ba là, hòa bình, ổn định được giữ vững trong khi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của ta ở Biển Đông được bảo vệ. Ta chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển, nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 là cơ sở xác định các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và là khuôn khổ điều chỉnh các hoạt động trên biển. Các nước lớn, trong đó có Ấn Độ, thể hiện quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề Biển Đông, khẳng định ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ, kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng UNCLOS, đồng thời giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Bốn là, đối ngoại đa phương có bước chuyển biến quan trọng, nâng tầm cả về chính sách và triển khai thực tiễn, từ tích cực tham gia sang chủ động tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương quan trọng. Chúng ta đã đảm nhiệm rất thành công vai trò kép, Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với nhiều sáng kiến được ghi nhận và đưa vào triển khai thực hiện trong bối cảnh thế giới quay cuồng với đại dịch COVID-19. Ta đã dẫn dắt, điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với đại dịch; linh hoạt tổ chức thành công nhiều Hội nghị, nhất là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, 37 và hội nghị cấp cao với các đối tác đối thoại chủ chốt, thông qua hơn 80 văn kiện tại các hội nghị cấp cao và tiếp tục thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế và đã để lại những dấu ấn riêng, trong đó, lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy Nghị quyết của Đại hội đồng lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy kết nối ASEAN – Liên Hợp Quốc.
Điểm sáng nổi bật thứ năm là quan hệ đối ngoại với các nước tiếp tục được củng cố. Năm qua, ta đã nâng cấp quan hệ với New Zealand lên cấp Đối tác chiến lược, đưa tổng số đối tác chiến lược của nước ta lên 17 quốc gia, đối tác toàn diện 13 quốc gia.
Sáu là, công tác bảo hộ công dân và vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai kịp thời trong bối cảnh dịch COVID-19. Trong năm 2020, các cơ quan hữu quan đã tổ chức 260 chuyến bay chở 73.000 công dân từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Đó là một đại chiến dịch chưa từng có trong lịch sử, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo quốc gia, nỗ lực vượt bậc và phối hợp chặt chẽ của ngành ngoại giao với các cơ quan chuyên trách khác.
Hiện thực hóa lợi ích quốc gia – dân tộc
PV: Ngành Ngoại giao có những giải pháp gì để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, đặc biệt, là hướng tới những mục tiêu được nêu trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Nhìn lịch sử nền ngoại giao Việt Nam, nhất là nền ngoại giao hiện đại, chúng ta có thể thấy nhiều bài học quý giá về vai trò và ý nghĩa của sự tiên phong của nền ngoại giao. Ngoại giao đã giúp cách mạng Việt Nam vượt qua những tình huống hiểm nghèo, trở thành mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong đường lối cách mạng. Đến thời kỳ sau chiến tranh, ngoại giao cũng là lực lượng chủ công trong đấu tranh đưa nước ta thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước.
Tôi cho rằng, để tiếp tục kế thừa và phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của nền ngoại giao Việt Nam, chúng ta cần thực hiện được bốn điều cơ bản sau:
Video đang HOT
Một là, luôn thấm nhuần quan điểm chỉ đạo, tìm mọi cách để hiện thực hóa lợi ích quốc gia – dân tộc. Trong ba lợi ích an ninh, phát triển và vị thế, ta cần đặt ưu tiên vào lợi ích phát triển, tận dụng mọi cơ hội để xây dựng đất nước giàu mạnh.
Dự thảo văn kiện Đại hội XIII đặt ra mục tiêu cho từng mốc thời gian, tôi cho là rất hợp lý. Cụ thể đến năm 2025, nước ta phấn đầu trở thành là nước phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức trung bình thấp; vào năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trên cơ sở tầm nhìn đó, các bộ ngành, trong đó có ngành ngoại giao, sẽ xây dựng các chiến lược và định hướng chính sách cụ thể để đạt được các mốc mục tiêu đó.
Hai là, các hoạt động đối ngoại cần được quản lý thống nhất để nâng cao hiệu quả, tập trung hơn vào các nhiệm vụ chủ chốt. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vừa là mệnh lệnh, vừa là yêu cầu của thực tế. Theo tôi, cần sớm phát triển một chiến lược đối ngoại để có thể huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, vừa đảm bảo hòa bình, ổn định, vừa thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển kinh tế, đảm bảo uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.
Ba là, linh hoạt, sáng tạo theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” để luôn thích ứng và phát triển với tình hình thế giới luôn biến động nhanh chóng. Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất trắc, ta càng cần có sự nhanh nhạy, nhìn xa, trông rộng để phát hiện những cơ hội, chủ động hóa giải các khó khăn, thách thức của đất nước theo chủ trương “bảo vệ Tổ quốc từ xa”, “giữ nước từ khi nước còn chưa nguy”. Ngoại giao có thể được coi là “người chèo lái” con thuyền của đất nước trong tiến trình hội nhập, nên luôn phải có tầm nhìn xa, kiên định về nguyên tắc, nhưng đủ can đảm và khéo léo để đưa con thuyền vượt qua sóng gió. Không xa khơi thì sao bắt được cá lớn.
Bốn là, phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Nhà ngoại giao giỏi là gốc của nền ngoại giao hiện đại. Theo đó, xây dựng một đội ngũ cán bộ ngoại giao thực sự chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, nhạy bén về tư duy, có năng lực nghiên cứu tốt, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén và sáng tạo trong xử lý các tình huống.
Tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới: Những trải nghiệm đặc biệt
PV: Trong năm 2020, Ấn Độ cũng trải qua những giai đoạn ứng phó căng thẳng của dịch COVID-19, xin Đại sứ cho biết, những giai đoạn khó khăn đó, ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ có những hỗ trợ và bảo hộ công dân như thế nào?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tôi nghĩ ai cũng thấy và thấm thía tác động của đại dịch COVID-19. Sống và làm việc tại một trong những điểm nóng của tâm dịch lớn thứ hai thế giới, ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ có những trải nghiệm đặc biệt hơn rất nhiều. Một nhiệm vụ lớn, đột xuất chưa từng có của ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ cũng như nhiều cơ quan đại diện ngoại giao khác của Việt Nam trên thế giới trong năm vừa qua là nắm vững tình hình công dân và tổ chức các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt về nước.
ĐSQ đã nhận được hàng nghìn cuộc điện thoại qua số máy bảo hộ công dân, qua đó phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn bà con về các vấn đề quan tâm, cung cấp thông tin, hỗ trợ bà con thực hiện các thủ tục tham gia các chuyến bay về nước. Chúng tôi mạnh dạn áp dụng các phương thức thông tin khác nhau, khuyến khích bà con phát huy các công cụ kết nối online, thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ lẫn nhau về tình hình sức khỏe, phổ biến kinh nghiệm cuộc sống trong dịch và phòng chống dịch, thông tin tới nhau về các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.
Đồng thời, cùng với các bộ ngành, cơ quan trong nước, ĐSQ nỗ lực tổ chức các chuyến bay giải cứu bà con. Đây là một nỗ lực không dễ dàng và đối mặt với nhiều bất trắc, khó lường bởi Ấn Độ áp dụng chính sách phong tỏa, giới nghiêm, hạn chế đi lại rất nghiêm ngặt, khiến cho mọi hoạt động giao lưu, giao thương bị gián đoạn. Sự chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các hãng hàng không, cơ quan y tế, cơ sở cách ly, các ban ngành sở tại… chưa bao giờ lại quan trọng đến thế. Thiếu một giấy phép, một ý kiến là toàn bộ chiến dịch có thể rơi vào bế tắc.
Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 04 chiến dịch với 06 chuyến bay như thế. Khó mà có thể kể hết được những gì chúng tôi đã làm.
Tôi chỉ xin nói đôi chút về chuyến bay mà chúng tôi đã thực hiện vào ngày 19/5 mang tên là Chiến dịch Hoa Kim Tước. Tôi đã nhận được các cuộc gọi, tin nhắn… xin trợ giúp từ các công dân mắc kẹt tại khắp các địa phương ở Ấn Độ bất kể ngày, đêm. Tôi trực tiếp gọi cho từng bà con, họ là tăng ni sinh, Phật tử, là du học sinh, là công nhân lao động hết hạn hợp đồng, là thủy thủ, là chuyên gia kỹ thuật, là nhà đầu tư…
Để tổ chức chuyến bay này, chúng tôi đã có hơn 6.500 cuộc điện thoại, hơn 200 văn bản gửi về nước và chính quyền các cấp của Ấn Độ. Rồi lựa chọn danh sách người được về trong chuyến bay đầu tiên thế nào khi có trường hợp không thuộc diện đủ điều kiện nhưng lại “đủ lý đủ tình” để được xếp “ngoại lệ”. Muôn vàn khó khăn đến khi chuyến bay được chấp thuận thì thách thức lớn nhất là làm thế nào để bà con di chuyển được từ 17 bang trên toàn lãnh thổ rộng lớn của Ấn Độ đến New Delhi trong khi mọi phương tiện công cộng và đường hàng không đều đóng. Một số người lại không thể thuê ô tô do các giấy phép vẫn chưa được cấp, một số bị “đuổi” khỏi khách sạn, hoặc khi đến được nơi tập hợp thì đã đói mềm… Chúng tôi sát cánh cùng bà con, động viên, tìm phương án di chuyển, hỗ trợ gia hạn visa, cứu trợ lương thực, thực phẩm khi có yêu cầu…
Có rất nhiều điều mà tôi chưa thể chia sẻ hết. Nhưng chúng tôi hạnh phúc về những điều mình đã làm cho bà con.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ! ./.
Nâng tầm vị thế Việt Nam
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đối ngoại đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp lớn vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Phạm Sanh Châu, đại biểu dự Đại hội đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam về những thành tựu trong công tác đối ngoại nhiệm kỳ Đại hội XII và những kỳ vọng ở nhiệm kỳ Đại hội XIII sắp tới.
Đại sứ Phạm Sanh Châu trả lời phỏng vấn của TTXVN. Ảnh: Huy Lê/Pv TTXVN tại Ấn Độ
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2016-2020, ngành Ngoại giao đã chủ động triển khai các nhiệm vụ đối ngoại và đạt được những kết quả nổi bật. Đại sứ đánh giá thế nào về quá trình này?
Trong 5 năm qua, đối ngoại đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, giúp củng cố an ninh quốc gia, tạo điệu kiện thuận lợi để kinh tế phát triển và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Đại hội XII của Đảng tháng 1/2016 đã xác định ba nhiệm vụ chính của nền ngoại giao đất nước. Một là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Hai là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Ba là nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, đồng thời góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành Ngoại giao cùng các bộ, ngành liên quan luôn chủ động, quyết liệt và sáng tạo trong triển khai các nhiệm vụ lớn để tạo ra nhiều đột phá, là một trong những điểm sáng trong toàn bộ các thành tựu chung của đất nước. Nhìn lại kết quả 5 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XXVII của Đảng bộ Bộ Ngoại giao, tôi thấy ngành Ngoại giao đã làm được 8 việc lớn sau:
Một là, ứng phó tốt với những biến động của thế giới, tạo ra thế và lực mới để giữ vững chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, xử lý ổn thỏa các vấn đề phát sinh. Trên thực tế, ngành đã đảm nhận tốt vai trò chủ công, là tuyến đầu của công tác đối ngoại góp phần bảo vệ Tổ quốc từ xa và giữ nước từ khi nước còn chưa nguy.
Hai là, quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu, thực chất, tạo dựng được khuôn khổ quan hệ ổn định, bền vững. Rà soát lại quan hệ của Việt Nam với các đối tác chủ chốt, có thể thấy chưa bao giờ ta có nhiều bạn, nhiều đối tác tin cậy như ngày hôm nay. Sự kết nối của nước ta về kinh tế, chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội với khu vực và thế giới ngày càng được củng cố, tạo ra cầu nối quan trọng để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Ba là, đối ngoại đa phương có bước chuyển biến quan trọng, nâng tầm cả về chính sách và triển khai thực tiễn, từ tích cực tham gia sang chủ động tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương quan trọng. Việt Nam đã chủ trì, thúc đẩy nhiều chuỗi sự kiện đối ngoại quan trọng với tiếng vang lớn như: Chủ tịch APEC Việt Nam năm 2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 năm 2019.
Năm 2020, chúng ta đã đảm nhiệm rất thành công vai trò kép, Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với nhiều sáng kiến được ghi nhận và đưa vào triển khai thực hiện trong bối cảnh thế giới quay cuồng với đại dịch COVID-19. Năm 2019, Việt Nam trúng cử Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu cao kỷ lục 292 phiếu ủng hộ trong tổng số 293 quốc gia bỏ phiếu. Điều đó cho thấy, sự ủng hộ, niềm tin của quốc tế đối với Việt Nam nói chung và nền ngoại giao của chúng ta nói riêng.
Bốn là, hội nhập quốc tế và công tác ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, thu hút thêm nhiều nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Điểm sáng quan trọng trong 5 năm qua là Việt Nam đã thúc đẩy kết thúc đàm phán, ký kết và và triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy đàm phán và chủ trì vận động chính trị - ngoại giao để ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA).
Năm 2020, dưới vai trò Chủ tịch Việt Nam, các nước châu Á-Thái Bình Dương đã kết thúc đàm phán và ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP). Ngoại giao đã thực sự biến nguy thành cơ và chuyển cơ hội thành lợi thế thực sự cho đất nước.
Năm là, công tác bảo hộ công dân và vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai kịp thời, hiệu quả. Đây là công tác ta đã làm tốt trong nhiều năm, và làm đặc biệt tốt trong năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho người Việt Nam trên toàn cầu.
Sáu là, chủ động, kiên quyết đấu tranh trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, đồng thời chủ động, tích cực đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp bất đồng, vượt qua khác biệt. Ngày càng ít tiếng nói phê phán và nhiều thêm các quan điểm hiểu biết, ủng hộ với vai trò lãnh đạo của Đảng và mô hình quản trị, phát triển của đất nước.
Bảy là, đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức trong công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, nâng cao hiệu quả, hiệu ứng quảng bá, tuyên truyền về đất nước, con người, hình ảnh Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, Việt Nam ngày càng được quốc tế chú ý, nghiên cứu và đề cao. Mặc dù Việt Nam là trường hợp hiếm hoi vừa chống dịch thành công, vừa duy trì được đà phát triển kinh tế, nhưng tiếng lành đồn xa không chỉ nhờ "hữu xạ tự nhiên hương" mà cả cách thức xây dựng và truyền thông về hình ảnh, con người và mô hình quản lý đất nước.
Tám là, ngành Ngoại giao đã làm tốt vai trò chủ trì và điều phối triển khai các hoạt động đối ngoại, đảm bảo sự vận hành cơ bản thống nhất đồng bộ giữa các kênh song phương và đa phương; giữa các loại hình đối ngoại nhà nước, đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân; giữa trụ cột ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; giữa các bộ, ngành, cơ quan và địa phương để thúc đẩy nền ngoại giao toàn diện và hiện đại.
Những thành quả quan trọng này có 6 nguyên nhân chính: Một là đường lối đối ngoại đúng đắn từ sự kết tinh trí tuệ dân tộc. Hai là sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác đối ngoại. Ba là truyền thống tốt đẹp của ngành Ngoại giao được hình thành qua một quá trình lịch sử lâu dài, luôn có sự kế thừa, bổ sung và phát triển.
Bốn là sự chủ động, tích cực và sáng tạo trong quá trình triển khai đối ngoại của các bộ, các ngành và địa phương liên quan. Năm là vai trò điều phối của ngành Ngoại giao để bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã đặt ra, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Sáu là công tác nghiên cứu, tham mưu đã có bước phát triển mới về chất lượng, giúp nhận thức sát hơn về tình hình và có các khuyến nghị đúng và trúng.
Đại sứ đánh giá thế nào về nội dung công tác đối ngoại thời gian tới, được nêu trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng?
Nội dung công tác đối ngoại thể hiện trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục kế thừa trí tuệ của ảng ta qua các kỳ đại hội trước, đồng thời có những bước phát triển phù hợp với thế và lực mới của đất nước, thực tiễn phức tạp và khó lường của tình hình thế giới, khu vực và môi trường đối ngoại của đất nước ta hiện nay.
Tôi thấy, dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII được xây dựng khoa học, công phu, tập hợp được sức mạnh trí tuệ của toàn Đảng và toàn dân qua nhiều vòng lấy ý kiến.
Điểm quan trọng là dự thảo đã nhấn mạnh vai trò nòng cốt và đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước, lần đầu tiên khẳng định"vai trò tiên phong" của đối ngoại đối với ba mục tiêu căn bản: tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Một điểm phát triển quan trọng trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII là "bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc", xác định lợi ích quốc gia - dân tộc là kim chỉ nam trong triển khai hoạt động đối ngoại. Đồng thời, ta cũng xác định rõ lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam không dựa trên chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi, mà trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tôi cho rằng, đây là quan điểm tiến bộ, là chủ trương hợp tình, hợp lý để phát triển một chính sách đối ngoại cân bằng và đảm bảo lợi ích dài hạn của đất nước, không bị sa đà vào việc xử lý tình huống và một chiều.
Dự thảo thảo đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ trương này đã được đề cập trong Đại hội XII và tiếp tục được phát triển trong Đại hội XIII để phản ánh đúng mối quan hệ biện chứng giữa đối ngoại và với vị thế, uy tín của đất nước. Bản thân đối ngoại đa phương không mới mà là một thực tiễn đã được triển khai mạnh trong những năm qua, song trong dự thảo lần này đã được đặt vào một vị trí quan trọng, song hành cùng đối ngoại song phương. Theo đó, dự thảo lần này không chỉ nhấn mạnh Việt Nam "là bạn, là đối tác tin cậy" mà còn "là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
Nếu như Đại hội XII đề ra định hướng "nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII khẳng định thêm bước phát triển mới "triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Bổ sung thêm hai yêu cầu "đồng bộ" và "sáng tạo" để tránh không chồng chéo, cản trở lẫn nhau, đồng thời đề cao tính chủ động thích ứng, linh hoạt xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề nảy sinh.
Đáng chú ý, yếu tố con người trong triển khai công tác đối ngoại cũng rất được coi trọng và được xem là nền tảng quan trọng cho việc triển khai hiệu quả công tác đối ngoại của đất nước. Dự thảo đã làm rõ các yêu cầu đối với đội ngũ làm công tác đối ngoại trong tình hình mới, đó là bản lĩnh, tri thức, năng lực, chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo, chủ động và thích ứng. Tôi tin chúng ta có thể xây dựng được một đội ngũ cán bộ như vậy và đầu tư cho yếu tố con người là đầu tư xây dựng nền móng cho ngoại giao thời kỳ mới - đó là "nền ngoại giao hiện đại, chủ động, sáng tạo và hiệu quả".
Theo Đại sứ, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, ngành Ngoại giao có những giải pháp gì để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước?
Nhìn xuyên suốt lịch sử nền ngoại giao Việt Nam, nhất là nền ngoại giao hiện đại, chúng ta có thể thấy nhiều bài học quý giá về vai trò và ý nghĩa của sự tiên phong của nền ngoại giao. Tôi nhớ khi tôi còn rất nhỏ, theo ba mẹ đi công tác ở nước ngoài. Lúc đó, cuộc chiến chống Mỹ xâm lược đang ở giai đoạn quyết liệt, tôi thường xuyên phải ở nhà một mình để ba mẹ tôi đi vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam. Đó là một trong những hoàn cảnh thực tiễn mà tôi thấm thía từ khi còn rất nhỏ về vai trò của ngoại giao trong việc tạo ra một môi trường hòa bình cho đất nước.
Ngoại giao đã giúp cách mạng Việt Nam vượt qua những tình huống hiểm nghèo, trở thành mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong đường lối cách mạng. Đến thời kỳ sau chiến tranh, ngoại giao cũng đã đi tiên phong trong đấu tranh đưa nước ta thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước.
Tôi nghĩ thời gian tới, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục thảo luận để cụ thể hóa chính sách đối ngoại mà Đại hội đề ra. Từ góc độ của người làm ngoại giao lâu năm, tôi cho rằng để phát huy được vai trò tiên phong của nền ngoại giao Việt Nam, cần thực hiện được bốn điều cơ bản.
Một là, luôn thấm nhuần quan điểm chỉ đạo, tìm mọi cách tối ưu hóa lợi ích quốc gia-dân tộc. Trong ba lợi ích an ninh, phát triển và vị thế, ta cần đặt ưu tiên vào lợi ích phát triển, tận dụng mọi cơ hội để xây dựng đất nước giàu mạnh. Tôi rất mừng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đặt ra mục tiêu cho từng mốc thời gian. Cụ thể đến năm 2025, nước ta sẽ trở thành là nước phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức trung bình thấp, 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trên cơ sở tầm nhìn đó, ngành Ngoại giao sẽ xây dựng các chiến lược và định hướng chính sách cụ thể.
Hai là, cần đảm bảo quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại. Nước ta có nguồn lực hạn chế lại phải đối phó với nhiều thách thức cùng một lúc nên phải đề cao tính hiệu quả và đồng bộ. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vừa là mệnh lệnh, vừa là yêu cầu của thực tế.
Ba là, quán triệt phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình hình thế giới luôn biến động nhanh chóng và bất thường, nên ngành Ngoại giao phải luôn linh hoạt, sáng tạo, chủ động thích ứng để hóa giải các khó khăn, thách thức của đất nước. Ngoại giao có thể được coi là "người chèo lái" con thuyền của đất nước trong tiến trình hội nhập, nên luôn phải có tầm nhìn xa, kiên định về nguyên tắc, nhưng đủ can đảm và khéo léo để đưa con thuyền vượt qua sóng gió. Không ra khơi thì sao bắt được cá lớn.
Bốn là, xây dựng một đội ngũ cán bộ ngoại giao thực sự chuyên nghiệp, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén và sáng tạo. Bác Hồ đã nói "cán bộ là gốc của mọi công việc". Cũng tương tự, nhà ngoại giao giỏi là gốc của nền ngoại giao hiện đại. Xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngoại giao vững vàng về chính trị, nhạy bén về tư duy, sâu sắc về chuyên môn thì chắc chắn ngoại giao nước ta sẽ thực hiện được vai trò tiên phong của mình.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Nguyễn Nam Tiến trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Cộng hòa Kenya Ngày 2/12, tại Phủ Tổng thống Kenya, thủ đô Nairobi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Thống nhất Tanzania kiêm nhiệm Cộng hòa Kenya Nguyễn Nam Tiến đã trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Cộng hòa Kenya Uhuru Muigai Kenyatta. Đại sứ Nguyễn Nam Tiến trình Thư ủy nhiệm lên...