Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu thông điệp từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam cho thấy Mỹ coi trọng vị trí của Việt Nam trong quan hệ song phương, cũng như vị trí của Việt Nam trong khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (Ảnh: Getty).
Trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ đến Việt Nam vào hôm nay, 24/8, sau khi kết thúc chuyến thăm tại Singapore.
Chuyến đi của Phó Tổng thống Harris tới Đông Nam Á là chuyến công du nước ngoài thứ hai và là chuyến công du đầu tiên ngoài châu Mỹ của bà Harris kể từ sau khi nhậm chức hồi tháng 1. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một phó tổng thống Mỹ tới Việt Nam.
Bà Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm khu vực kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm nay. Chuyến công du của bà Harris diễn ra ngay sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines vào tháng trước.
Cam kết của Mỹ với khu vực
Trao đổi với Dân trí , nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng việc 2 quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden liên tiếp tới Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên của họ tới Đông Nam Á cho thấy, Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi trọng vị trí của Việt Nam trong quan hệ song phương với Mỹ, cũng như vị trí của Việt Nam tại khu vực, trong cục diện chung ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris là chuyến công du đầu tiên của nhân vật cấp cao số 2 trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ đầu nhiệm kỳ đến nay, do vậy, dù là đến Việt Nam hay Singapore, bà Harris đều mang thông điệp về quan hệ song phương lẫn thông điệp về khu vực.
Thông cáo của Nhà Trắng cho biết Việt Nam và Singapore là 2 đối tác rất quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ muốn thúc đẩy mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực với Việt Nam và Singapore, từ kinh tế – thương mại cho tới các vấn đề quan tâm của khu vực, trong đó có vấn đề an ninh và trật tự tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và ưu tiên luật lệ. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác ứng phó dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh (Ảnh: Đức Anh).
Video đang HOT
Cựu đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá chuyến thăm của 2 quan chức cấp cao Mỹ gần đây là động thái đặc biệt của chính quyền Tổng thống Biden đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong tổng thể khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dù chính quyền của Tổng thống Biden mới lên nắm quyền 7 tháng, nhưng các quan chức Mỹ đã có chuyến công du cấp cao đầu tiên tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều này cho thấy Mỹ rất coi trọng Đông Nam Á, coi trọng ASEAN trong khuôn khổ chung của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước đây, sau khi lên nắm quyền, các quan chức Mỹ thường công du các nước đồng minh tại Đông Bắc Á trước.
Hai chuyến thăm tới khu vực, dù ở 2 cấp khác nhau nhưng đến gần như cùng một thời điểm, thể hiện rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden muốn khẳng định chính sách cam kết lâu dài, coi trọng hợp tác gắn kết với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sau một thời gian Mỹ tập trung vào các vấn đề nội bộ, định hình các chiến lược, và nhất là sau chuyến công du châu Âu của Tổng thống Biden, đây là cánh châu Á mà Mỹ rất coi trọng. Mỹ muốn bảo đảm lòng tin và sự tin cậy của các nước đối với Mỹ và khi đến khu vực này, cả 2 quan chức Mỹ đều đưa ra những thông điệp của mình bằng những sáng kiến cụ thể.
Ở tầm khu vực, 2 chuyến thăm liên tiếp cho thấy nước Mỹ thực sự thể hiện cam kết ở cấp cao nhất đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, coi trọng Đông Nam Á và ASEAN. Nước Mỹ có khoảng thời gian được cho là xao lãng khu vực Đông Nam Á. Do vậy, 2 chuyến thăm này cũng là một cách thể hiện việc Mỹ thực sự tái cam kết với khu vực. Thông điệp lớn nhất của 2 chuyến thăm là cam kết cấp cao đối với Đông Nam Á trong tổng thể ưu tiên của Mỹ về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Hợp tác trên mọi lĩnh vực
Theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, chương trình nghị sự trong chuyến thăm Việt Nam và Singapore của Phó Tổng thống Harris sẽ có những nội dung thực chất, bao gồm vấn đề an ninh khu vực, trật tự dựa trên luật lệ, kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, chuỗi cung ứng kết nối thương mại đang bị gián đoạn, vắc xin và phòng chống dịch bệnh.
Trong chuyến thăm lần này, bà Harris cũng có bài phát biểu chính sách mang thông điệp khu vực tại Singapore và bao quát tất cả các mặt, gồm những định hướng, gợi ý về chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cam kết của Mỹ với khu vực này, chính sách của Mỹ trong việc củng cố hệ thống đồng minh, cũng như cách thức của Mỹ trong cạnh tranh nước lớn, hợp tác xây dựng dựa trên luật lệ và ứng xử với các thách thức trong đó có dịch bệnh, biến đổi khí hậu, kinh tế – thương mại, Biển Đông…
Tại Việt Nam, vấn đề hợp tác trong lĩnh vực phòng chống Covid-19 chắc chắn sẽ được đưa vào và là ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Phó Tổng thống Harris. Đây là vấn đề khẩn cấp của Việt Nam ở thời điểm hiện tại và Mỹ cũng rất coi trọng hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này. Báo chí Mỹ đưa tin, nhiều khả năng bà Harris sẽ dự lễ khai trương văn phòng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Hà Nội trở thành văn phòng chính cho khu vực Đông Nam Á. Đây là một tín hiệu tốt cho Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Trong chương trình viện trợ Covid-19, Mỹ đã đặt ưu tiên cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Việt Nam. Cho đến nay, Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 5 triệu liều vắc xin Covid-19 và 20,8 triệu USD để phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam về vật tư y tế như tủ đông để bảo quản vắc xin.
Ngoài kênh viện trợ của chính phủ, Việt Nam cũng kết nối qua kênh thương mại để đạt thỏa thuận cung cấp vắc xin từ các công ty của Mỹ, kết hợp giữa việc mua vắc xin thành phẩm lẫn chuyển giao công nghệ. Vắc xin và thiết bị y tế là những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần và phía Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ vắc xin và sản xuất vắc xin do Việt Nam nghiên cứu.
Quan hệ phát triển tốt đẹp
Theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, từ đầu năm đến nay, quan hệ Việt – Mỹ tiếp tục đà phát triển tốt đẹp, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hai nước vẫn tiếp tục duy trì trao đổi và tiếp xúc ở cấp cao. Từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Joe Biden, 2 nước đã tiến hành các trao đổi ở cấp bộ trưởng, đặc biệt bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng kinh tế, tài chính thương mại.
Quan hệ kinh tế – thương mại của 2 nước vẫn tiếp tục gia tăng dù trong bối cảnh dịch bệnh. Năm ngoái tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt – Mỹ đạt trên 90 tỷ USD và 6 tháng đầu năm nay đã đạt 53 tỷ USD. Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Hai bên đã cùng nhau tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ song phương, trong đó có lĩnh vực kinh tế – thương mại. Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế thao túng tiền tệ.
Ngoài ra, Mỹ đã chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton nhằm giúp nâng cao năng lực cảnh sát biển của Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ khi họp tại các diễn đàn ASEAN đều coi trọng Việt Nam, tham vấn Việt Nam về vấn đề Biển Đông, Mekong, biến đổi khí hậu…
Tháng 4 năm nay, lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden, một hội nghị trực tuyến cấp cao về biến đổi khí hậu với sự tham gia của 40 nước đã diễn ra và Mỹ cũng mời Việt Nam tham dự.
Những tín hiệu trên cho thấy, dù chính quyền mới tại Mỹ lên nắm quyền, dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng các kênh tiếp xúc, kể cả tiếp xúc cấp cao giữa 2 nước vẫn được duy trì. Quan hệ song phương giữa 2 nước vẫn có tiến triển trên tất cả các mặt. Cách 2 nước xử lý những vấn đề còn khúc mắc và 2 chuyến thăm của quan chức cấp cao trong cùng một thời điểm càng thể hiện rõ sự phát triển của quan hệ Việt – Mỹ.
Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định rằng trong những năm tới, dưới thời Tổng thống Joe Biden, quan hệ song phương Việt – Mỹ vẫn sẽ vẫn tiếp tục đà phát triển tốt đẹp.
Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ khẳng định vị thế Việt Nam
Việc bà Harris, phó tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới Hà Nội, cho thấy vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng tầm, theo các chuyên gia.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm nay sẽ tới Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm hai nước Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam 7 tháng sau khi bà nhậm chức. Bà Harris cũng là Phó tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam khi đương nhiệm.
"Chuyến thăm của Phó tổng thống Harris, diễn ra sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi tháng 7, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong chính sách của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm cho thấy Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng như một đối tác kinh tế và an ninh lớn của Mỹ", Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, chia sẻ với VnExpress .
Tiến sĩ Donald K. Emmerson, giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Shorenstein thuộc Đại học Stanford, Mỹ cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đã có những cải thiện rõ rệt và ổn định trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh.
"Chuyến thăm Hà Nội đầu tiên của một phó tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt - Mỹ", ông Emmerson nói. Ông cho rằng tầm quan trọng của mối quan hệ song phương được thể hiện ở vị thế của bà Harris, người có vị trí thứ hai trong chính phủ Mỹ, chỉ sau Tổng thống Joe Biden.
Chuyên gia này dự đoán quan hệ hai nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy bằng các chương trình nghị sự của bà Harris trong chuyến thăm.
"Thông qua các chủ đề hợp tác về kinh tế, xã hội cũng như an ninh, chuyến thăm sẽ thể hiện rõ hơn về quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước", tiến sĩ Emmerson nhận định, cho rằng mối quan hệ này có thể còn tiến triển trong tương lai.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Singapore hôm 22/8. Ảnh: AP.
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, mối quan hệ song phương vẫn tiếp tục phát triển toàn diện và đạt được nhiều thành tựu. Năm 2016, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Tháng 3/2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên đạt 90,8 tỷ USD năm 2020.
Chia sẻ về mục tiêu trong chuyến công du nước ngoài thứ hai của bà Harris, phát ngôn viên Symone Sanders hôm 30/7 cho biết Phó tổng thống sẽ gặp lãnh đạo Việt Nam và Singapore để thảo luận về an ninh khu vực, đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, cũng như "tăng cường mối quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế với hai đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quan trọng của Mỹ".
"Washington có thể muốn xích lại gần hơn với Hà Nội trong các sáng kiến của Mỹ ở khu vực", chuyên gia Pitlo III nhận định về mục tiêu chuyến thăm của bà Harris.
Tờ Nikkei của Nhật đưa tin sau một cuộc gặp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay nước này sẽ mở văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội nhằm hỗ trợ ứng phó với Covid-19.
"Việc đặt văn phòng khu vực của CDC tại Việt Nam nói lên nhiều điều về mối quan hệ song phương đã thay đổi như thế nào. Đây chính là một phiếu tín nhiệm dành cho Hà Nội và có thể thúc đẩy mong muốn phát triển năng lực y học trong nước, bao gồm cả phát triển và sản xuất đại trà vaccine Covid-19 riêng của Việt Nam", ông Pitlo III chia sẻ.
Dựa trên những số liệu thống kê, Việt Nam dường như đã chống Covid-19 hiệu quả hơn hầu hết các nước châu Á, dù vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, theo tiến sĩ Emmerson.
"Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á của Mỹ đặt tại Việt Nam có thể giúp giảm mối đe dọa của các đại dịch trong tương lai, đồng thời giúp tăng cường hệ thống và chính sách trên toàn khu vực", ông nói.
Để ứng phó đại dịch Covid-19, Mỹ đã cung cấp hơn 23 triệu liều vaccine và hơn 158 triệu USD hỗ trợ y tế, nhân đạo khẩn cấp cho các nước thành viên ASEAN. Riêng Việt Nam, Mỹ đã viện trợ hơn 11 triệu USD, gồm hỗ trợ máy thở và nâng cao năng lực hệ thống y tế trong phòng chống Covid-19. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã chia sẻ cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng thông qua những hỗ trợ và các chuyến thăm cấp cao như của Phó tổng thống Harris cho thấy mức độ cam kết của Mỹ trong mối quan hệ với Việt Nam.
Tiến sĩ Emmerson cho biết một trong những nhiệm vụ của Việt Nam trong tương lai là tiếp tục duy trì khả năng phục hồi và tự chủ đã có được sau gần 5 thập kỷ thống nhất đất nước. "Chuyến thăm của bà Harris có thể góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đó", ông nói.
Ngoài ra, các nhà quan sát nhận định vị thế và vai trò của Việt Nam cũng ngày càng được nâng tầm trong khu vực và trên quốc tế. Không chỉ xử lý đại dịch trong nước, Việt Nam cũng tham gia vào nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu, như tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho nhiều nước khác. Chuyên gia Pitlo III nhận định điều này đã giúp Việt Nam giành được nhiều thiện cảm từ cộng đồng quốc tế.
"Đây là một trong số ít nền kinh tế khu vực có thể đạt được tăng trưởng trong khi hầu hết láng giềng ở Đông Nam Á đều suy thoái. Do đó, bất chấp mối đe dọa từ biến chủng Delta, Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn so với các nước trong khu vực", ông nói.
Mỹ 'đặc biệt tập trung' vào công tác sơ tán công dân khỏi Afghanistan Ngày 23/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden "đặc biệt tập trung" vào việc sơ tán công dân Mỹ, các đồng minh Afghanistan và những người Afghanistan và rằng các câu hỏi về cuộc rút quân khỏi Afghanistan sẽ được giải đáp sau khi nhiệm vụ đó hoàn thành. Người dân tập trung gần...