Đại sứ Nga bị bắn: Giống vụ ám sát khơi mào Thế chiến 1?
Trong bối cảnh khu vực Trung Đông vốn đã căng thẳng, vụ ám sát đại sứ Nga ngày 19.12 ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều người nhớ lại sự kiện khơi màoThế chiến 1, cách đây hơn một thế kỷ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp “phá băng” với người đồng cấp Thổ Nhĩ kỳ hồi tháng 8.2016.
Tạp chí National Interest (Mỹ) mới đây đăng tải bài phân tích của cựu đại tá Mỹ Daniel L. Davis, nhận định về vụ ám sát đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 2 ngày.
Mùa hè năm 1914, thanh niên Gavrilo Princip (19 tuổi), người Serbia đã ám sát thái tử Áo-Hung Archduke Franz Ferdinand. Vụ việc thổi bùng căng thẳng ở châu Âu. Giới quân phiệt Đức, Áo chớp lấy cơ hội để gây chiến tranh.
Thế Chiến 1 nổ ra sau đó hai tháng, dần dần hình thành nên phe Liên minh (Đức-Áo-Hung-Ý) đối đầu với phe Hiệp ước bao gồm Anh-Pháp-Nga.
Ngày 19.12, một thanh niên cực đoan khác, Mevlut Mert Altintas (22 tuổi) đã nổ súng ám sát đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, Andrei Karlov. Trong bối cảnh châu Âu và Trung Đông vốn không bình yên trong nhiều năm qua, thế giới cần phải hết sức chú ý đến những diễn biến trong vài tuần tiếp theo, ông Davis nhận định.
Những phản ứng gần đây của các nhà lãnh đạo thế giới đối với các sự kiện lớn, đều nhằm bác bỏ lo ngại rằng, vụ việc có thể châm ngòi cho các khủng hoảng lớn hơn. Ông Davis cho rằng, môi trường quan hệ quốc tế ngày nay không yên bình như nhiều người lầm tưởng.
Vụ ám sát đại sứ Nga có thể khiến căng thẳng leo thang dù cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng giảm thiểu, loại bỏ mối nguy hiểm. Dưới đây là những nhận định của cựu đại tá quân đội Mỹ Daniel L. Davis, lý giải vì sao mối nguy hiểm cần phải được nhìn nhận theo cách hết sức cẩn thận.
Video đang HOT
Đầu tiên, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trừng phạt hàng chục ngàn người sau cuộc đảo chính thất bại mùa hè năm ngoái, dẫn đến mối lo ngại rằng ông Erdogan sẽ lại mạnh tay một lần nữa.
Phác họa cảnh Gavrilo Princip nổ súng ám sát thái tử Áo-Hung Archduke Franz Ferdinand.
Có thông tin cho rằng, ông Erdogan lợi dụng cuộc đảo chính để loại bỏ các đối thủ chính trị. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hết sức cẩn thận để kiềm chế, tránh gây căng thẳng một lần nữa, ông Davis nói.
Vụ ám sát quan chức ngoại giao của quốc gia khác tại nước sở tại là một vấn đề lớn. Ông Erdogan có lý do để hành động nhanh, đảm bảo an ninh cho đất nước. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều phải cảnh giác trước những phản ứng quá mức. Khu vực Trung Đông vốn đã không còn yên bình.
Phản ứng đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã được tính toán và khá phù hợp. Ông Putin nói: “Vụ giết người này rõ ràng là một hành động khiêu khích, phá hoại tiến trình cải thiện và bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ”.
Câu trả lời khẳng định Nga sẽ chỉ “mở rộng cuộc chiến chống khủng bố”. Ông Putin cũng gửi lời cảnh báo sắc lạnh: “Những kẻ giết người sẽ cảm nhận thấy điều này”.
Một số quan chức Nga ở Moscow lại không tỏ ra bình tĩnh như vậy. Họ tin rằng cuộc điều tra sẽ hé lộ, nguồn gốc của kế hoạch giết người này không phải ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà có liên quan đến phương Tây.
Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga, Igor Korotchenko cáo buộc, thế lực phương Tây đứng sau vụ tấn công. Ông Korotchenko cảnh báo: “Khi đại sứ bị sát hại, cảm nhận về chiến tranh xuất hiện khắp nơi”.
Nghi phạm sát hại đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19.12.
Thượng nghị sĩ Frantz Klintsevich, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nga, đổ thêm dầu vào lửa, cho rằng hành động mưu sát ông Karlov đã được lên kế hoạch trước, có sự tham gia của mật vụ NATO.
Mục đích tuyên bố của ông Klintsevich không rõ ràng, nhưng Tổng thống Nga đã nhanh chóng làm rõ ràng: “Moscow cần phải xác ai là kẻ chủ mưu, ai ra lệnh ám sát đại sứ Nga”.
Những tuyên bố khiêu khích của Điện Kremlin ít nhất sẽ nhận được sử dụng hộ ở Nga. Tỷ lệ người Nga ủng hộ ông Putin đạt mức cao nhất trong khi người dân Mỹ hoài nghi về Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Nhiều người Nga vẫn ghi nhớ những giai đoạn NATO mở rộng về phía đông, sau khi Liên Xô tan rã. Việc Mỹ và NATO tố cáo Nga vi phạm tội ác chiến tranh ở Aleppo càng khiến căng thẳng có thể thổi bùng lên bất kỳ lúc nào.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng trỗi dậy ở phương Tây. Làn sóng chống Nga và chống nhập cư ở Ba Lan và Hungary lan rộng. Anh rời Liên minh châu ÂU (EU), ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, cuộc trưng cầu dân ý đậm màu sắc dân tộc ở Italy gần đây đã khắc họa rõ tình hình phương Tây.
Đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc ở Pháp, Đức và Hà Lan đang giành phần lớn sự ủng hộ. Ba quốc gia này sẽ bước vào cuộc bầu cử năm 2017. Nhiều người dân ở châu Âu ngày nay vẫn cảm thấy lo ngại Nga, chỉ trích Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hay bành trướng tới khu vực Baltic.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ sau vụ đại sứ bị ám sát. Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh như vậy, Nga tăng cường đề phòng NATO còn phương Tây liên tục chỉ trích Moscow, bất kỳ căng thẳng nào tạo ra “tia lửa” sẽ thổi bùng xung đột, kéo theo tất cả các quốc gia liên quan.
Cách đây hơn 100 năm, khi Gavrilo Princip ám sát thái tử Áo-Hung, quan điểm về chiến tranh nổ ra ở châu Âu luôn được đánh giá là “điều không thể”. Không phe nào hưởng lợi từ chiến tranh, trái lại tất cả đều chịu thiệt hại.
Ngày nay, tư tưởng truyền thống thường lập luận rằng, chiến tranh giữa các cường quốc đã là quá khứ. Hậu quả chiến tranh hết sức tàn khốc mà không một nhà lãnh đạo nào dám nghĩ đến.
Điều này đúng với logic nhưng nếu làm ngơ trước những “tia lửa” gây căng thẳng, khả năng Nga và phương Tây bị kéo vào chiến tranh lại càng trở nên thực tế hơn, ông Davis phân tích.
Cựu đại tá Mỹ cảnh báo, các quốc gia trong khu vực cần phải tích cực làm giảm căng thẳng ở mọi thời điểm có thể, tăng cường sử dụng giải pháp ngoại giao, giảm thiếu đến mức thấp nhất việc cần tới phương tiện quân sự trừ khi thực sự cần thiết và khi mọi giải pháp khác trở nên vô ích.
Thất bại trong việc áp dụng những hành động này có thể khiến xung đột trở nên tàn khốc hơn và hủy diệt hơn Thế chiến 1, ông Davis kết luận.
Theo Đăng Nguyễn – NI (Dân Việt)