Đại sứ Lào: Đập vỡ không phải do lỗi con người
Đại sứ Lào tại Hàn Quốc Khamsouay Keodalavo cho biết sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy vào đêm 23/7 nên được nhìn nhận như một thiên tai chứ không phải do lỗi của con người.
Người dân đứng trên mái nhà sau khi nước nhấn chìm nhiều làng mạc sau sự cố vỡ đập (Ảnh: ABC Laos)
“Đất ở khu vực xây đập đã bị sạt lở do 2 tháng mưa liên tục”, Đại sứ Lào tại Hàn Quốc Khamsouay Keodalavo nói với Korea Times ngày 25/7.
Theo báo Hàn Quốc, Đại sứ Keodalavo muốn nhấn mạnh rằng sự cố vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy gây thương vong không phải do lỗi của con người, mà nên được nhìn nhận như một thảm họa tự nhiên.
“Chúng tôi không muốn phạt SK hay bất kỳ công ty nào trong 4 công ty liên doanh (chịu trách nhiệm xây đập)”, ông Keodalavo nói, đề cập tới công ty SK Engineering & Construction (SK E&C) của Hàn Quốc tham gia vào dự án xây dựng đập Xe Pian Xe Namnoy cùng các công ty của Thái Lan và Lào.
Đại sứ Keodalavo cho biết quan điểm của ông cũng tương tự quan điểm của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Trước đó, ông Sisoulith từng nói trong cuộc họp báo rằng đây là thiên tai tồi tệ nhất ở Lào trong nhiều thập niên qua.
Đại sứ Keodalavo cũng gửi lời cảm ơn tới cộng đồng quốc tế, bao gồm Hàn Quốc, vì đã giúp đỡ Lào sau sự cố đập Xe Pian Xe Namnoy.
Video đang HOT
Đập bị vỡ là một trong 5 đập đang được thi công để dẫn nước xung quanh đập chính của dự án thủy điện Xe Pian Xe Namnoy. Đập bị vỡ đã trút 0,5 tỷ m3 khối nước xuống khu vực hạ lưu và nhấn chìm nhiều ngôi làng tại huyện Sanamxay trong biển nước. Theo thông tin từ truyền thông, 26 người có thể đã thiệt mạng và hơn 130 người mất tích sau sự cố này.
Cục Quy hoạch và Chính sách Năng lượng Lào là đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo các quy chuẩn an toàn cho dự án đập Xe Pian Xe Namnoy. Lãnh đạo của cơ quan này, ông Daovong Phonkeo, cho biết sẽ mở một cuộc điều tra để xem xét liệu các công ty tư nhân tham gia vào quá trình xây đập có tuân thủ các quy định về an toàn hay không.
Đại sứ Lào tại Hàn Quốc Khamsouay Keodalavo (Ảnh: Korea Times)
Báo Nikkei (Nhật Bản) ngày 25/7 dẫn một nguồn tin từ Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết, mực nước dâng cao do mưa lớn không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Xe Pian Xe Namnoy, một công trình đập thủy điện đã hoàn thiện 90%, bị vỡ. Theo đó, một cuộc điều tra về nguyên nhân dẫn tới vụ việc dự kiến sẽ sớm được bắt đầu. Các công ty của Hàn Quốc, Thái Lan và Lào đã cử các chuyên gia và các đơn vị liên quan tới hiện trường vụ vỡ đập để tìm hiểu nguyên nhân.
SK E&C, công ty đóng góp cổ phần nhiều nhất vào dự án đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy, cho biết nhiệm vụ trước mắt của họ là khắc phục thiệt hại về người và tài sản sau sự cố.
“Chúng tôi tin rằng chính phủ Lào và các bên liên quan sẽ tìm hiểu tận gốc vấn đề. Đập được xây dựng nghiêm ngặt theo quy chuẩn quốc tế về đập trên nền đất. Nó đã được kết luận là an toàn thông qua quá trình đánh giá kỹ lưỡng”, đại diện của SK E&C cho biết.
Tổ chức phi chính phủ International Rivers có trụ sở tại Mỹ, đơn vị từng lên tiếng phản đối việc xây đập tại Lào từ năm 2013, cho biết sự cố vừa xảy ra đã cho thấy nhu cầu cấp bách của việc giám sát chặt chẽ hơn nữa quá trình xây dựng đập.
“Nhiều đập đang hoạt động hoặc đang nằm trong kế hoạch xây dựng không được thiết kế để có khả năng ứng phó với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các cộng đồng dân cư không được báo trước để đảm bảo an toàn cho họ và gia đình của họ. Sự cố xảy ra đã đặt ra nhiều câu hỏi về tiêu chuẩn và an toàn của đập tại Lào, bao gồm khả năng của chúng trong việc ứng phó với các điều kiện và nguy cơ về thời tiết”, đại diện của International Rivers cho biết.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Nhóm giải cứu đội bóng Thái Lan đến Lào hỗ trợ
Nhóm từng tham gia giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan đã lên đường tới Lào để hỗ trợ cứu hộ sau sự cố vỡ đập. Chính phủ Thái Lan cũng chỉ đạo quân đội sẵn sàng tham gia ứng cứu.
Các nhân viên cứu hộ ở tỉnh Nakhon Ratchasima từng tham gia giải cứu đội bóng Thái Lan lên đường tới Lào. (Ảnh: Bangkok Post)
Bangkok Post đưa tin, đêm 24/7, tại tỉnh Nakhon Ratchasima của Thái Lan, một nhóm gồm 30 nhân viên cứu hộ, bác sĩ và thợ lặn địa phương đã lên đường tới tỉnh Attapeu của Lào. Họ mang theo các thiết bị cứu hộ, trong đó bao gồm cả xuồng và mô tô nước.
Đây là nhóm trước đó từng tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Lợn Rừng mắc kẹt trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai. Họ mong muốn hỗ trợ giải cứu các nạn nhân ở vùng lũ Attapeu sau sự cố vỡ đập thủy điện.
Trong một diễn biến liên quan khác, Bangkok Post dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantrawanit cho biết, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan đã chỉ đạo quân đội theo dõi sát tình hình lũ lụt liên quan đến vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pain Xe-Namnoy ở tỉnh Attapeu của Lào. Điều này là bởi quân đội Thái Lan sẵn sàng tham gia vào chiến dịch cứu hộ khi được chính phủ Lào đề nghị giúp đỡ.
"Các tùy viên quân sự tiếp tục liên hệ với nhau, Bộ Ngoại giao cũng phối hợp với chúng tôi đánh giá tình hình để có thể tham gia ứng cứu nhanh chóng khi chính phủ Lào đề nghị giúp đỡ", ông Kongcheep nói.
Ngoài ra, Không quân Thái Lan cũng đặt phi đội số 21 ở tỉnh Ubon Ratchathani trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ cho sân bay Pakse của Lào.
Quân đội Thái Lan cuối ngày 25/7 cho biết đã sẵn sàng gửi hàng cứu trợ và nhân lực tới Attapeu để hỗ trợ các nạn nhân vùng lũ ở Lào.
Đập thủy điện Xe-Pain Xe-Namnoy của Lào vỡ vào tối 23/7 sau khi xuất hiện các vết nứt do mưa lớn kéo dài. Sự cố vỡ đập khiến 0,5 tỷ m3 nước ồ ạt chảy xuống, gây ngập lụt 7 làng ở hạ lưu tại tỉnh Attapeu, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng, 131 người mất tích và hàng nghìn người vẫn đang chờ cứu trợ.
Minh Phương
Theo Dantri
Sau thảm hoạ vỡ đập ở Lào, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nói gì về an toàn hồ đập ở Việt Nam? Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thừa nhận vấn đề đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa nhỏ đang là thách thức lớn, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ có đập là đập đất và hiện giao cho các địa phương ở các thôn, bản quản lý. Chiều 25/7, thông tin về việc vỡ đập...