Đại sứ do Trump bổ nhiệm ở Liên Hợp Quốc chỉ trích Nga về vấn đề Ukraine
Đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc tuyên bố các lệnh trừng phạt Nga vẫn được duy trì đến khi Moscow trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Ảnh: Politico
“Mỹ tiếp tục lên án và kêu gọi Nga kết thúc ngay lập tức sự chiếm giữ Crimea, một phần của Ukraine. Các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến Crimea vẫn được duy trì cho tới khi Nga trả lại quyền kiểm soát bán đảo này cho Ukraine”, CNN hôm nay dẫn lời Nikki Haley, đại sứ do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm tại Liên Hợp Quốc.
Tuyên bố của Haley được đưa ra tại cuộc họp khẩn của Liên Hợp Quốc về sự bùng phát bạo lực bất ngờ ở miền đông Ukraine hôm 29 và 30/1 giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai – được cho là có sự hậu thuẫn từ Nga.
Giới quan sát cho rằng phát biểu của bà Haley đáng chú ý bởi nó thể hiện sự khác biệt với Trump. Hiện chưa rõ liệu Nhà Trắng có đồng tình với phát biểu này.
Bộ Tài chính Mỹ hôm qua nới lỏng lệnh trừng phạt thời chính quyền Obama áp đặt lên Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB). Một quan chức cấp cao của bộ này nói rằng đây là biện pháp kỹ thuật để tránh “hậu quả không mong muốn”.
Video đang HOT
Trong khi đó, Haley lại “quăng lựu đạn” bằng lời nói vào động thái nêu trên của chính phủ Mỹ.
“Tôi coi đó là việc không may khi dịp xuất hiện đầu tiên của tôi lại là lúc tôi phải lên án các hành động xâm lược của Nga. Chúng tôi rất muốn cải thiện quan hệ với Nga, song tình hình nghiêm trọng ở miền đông Ukraine đòi hỏi sự lên án rõ ràng, mạnh mẽ với Moscow”, Haley nói.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nói với các phóng viên rằng ông nghĩ “có sự thay đổi trong giọng điệu” của chính quyền mới ở Mỹ. Churkin nói thêm rằng ông không ngạc nhiên với bài phát biểu của bà Haley.
Một số nhà phân tích nhận định sự bùng phát bạo lực ở Donbass, Ukraine là phép thử của Nga với sự quyết tâm của Mỹ. Điều này cũng có thể là thông điệp gửi tới Ukraine rằng sau nhiều năm được chính quyền Obama hỗ trợ, chính quyền mới lên của Trump sẽ thân thiện với Moscow hơn Kiev.
Khi còn là ứng viên tranh cử tổng thống, Trump từng ngụ ý ông có thể công nhận việc Nga sát nhập Crimea.
Vài tuần trước khi tuyên thệ nhậm chức, Trump từ chối lên án sự việc được mô tả là tin tặc Nga tấn công mạng máy tính Mỹ trong thời gian bầu cử. Sau đó, Trump còn chỉ trích cộng đồng tình báo Mỹ, khiến nhiều người đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa Trump với Nga.
Trump cho biết ông chỉ muốn có quan hệ tốt hơn với Moscow. Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Theresa May cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ nói còn “quá sớm” để thảo luận các biện pháp trừng phạt.
Phản ứng của Mỹ với vụ việc ở Donbass được coi là hờ hững nhất từ trước tới nay. Tuyên bố hôm 31/1 của Bộ Ngoại giao Mỹ lên án vụ xung đột, song không nhắc đến Nga hoặc có những câu từ ủng hộ Ukraine, điều thường thấy dưới thời Obama.
Văn Việt
Theo VNE
Ukraine tố Nga tiến hành chiến tranh mạng
Tổng thống Ukraine tố các cơ quan an ninh Nga có liên quan đến hàng loạt cuộc tấn công mạng nhằm vào nước này.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: Reuters.
Ukraine trong tháng 12 hứng chịu các vụ tấn công mạng vào Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và Kho bạc Nhà nước. Lưới điện Kiev cũng bị tấn công, khiến một phần thủ đô mất điện.
"Các hành động khủng bố và phá hoại nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn có thể xảy ra", Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết trong cuộc họp với Hội đồng An ninh và Quốc phòng ngày 29/12.
Ông Poroshenko nhấn mạnh "kết quả điều tra một số vụ việc cho thấy có sự liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp từ các cơ quan an ninh Nga đang gây chiến tranh mạng" với Ukraine.
Theo tổng thống Ukraine, Kiev đã bị tấn công mạng 6.500 lần. Vụ tấn công vào Kho bạc Nhà nước khiến các hệ thống tại đây bị tê liệt trong vài ngày, đồng nghĩa công chức nhà nước không thể nhận lương đúng hạn. Hội đồng an ninh Ukraine đã thông qua các biện pháp bảo vệ cơ quan nhà nước nhưng không tiết lộ chi tiết.
Công ty an ninh mạng CrowdStrike tuần trước cho biết một nhóm tin tặc có liên hệ với chính phủ Nga dường như đã dùng phần mềm độc hại cài trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android để theo dõi lực lượng pháo binh Ukraine từ cuối 2014 đến năm 2016.
Nga nhiều lần phủ nhận những cáo buộc tấn công mạng như trên. Quan hệ giữa Moscow và Kiev xấu đi sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Như Tâm
Theo VNE
EU gia hạn trừng phạt Nga Liên minh châu Âu nhất trí gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Liên minh châu Âu gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng. Ảnh minh họa: Tass. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/12 nhất trí gia hạn trừng phạt Nga về quốc phòng, năng lượng và tài chính,...