Dải nước màu đỏ ở biển Hà Tĩnh do hiện tượng tảo nở hoa
Sau khi xuất hiện các vệt nước màu đỏ ở vùng biển cảng Vũng Áng và bên trong đê chắn sóng cảng Sơn Dương của Công ty Formosa, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đã lấy các mẫu nước kiểm tra. Kết quả phân tích cho thấy hiện tượng màu đỏ trên là do một loài tảo.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, ngày 18/02/2017, hiện tượng nước màu đỏ lại xuất hiện tại khu vực bờ biển thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (khu vực Cảng Vũng Áng, nằm liền kề với vùng biển xuất hiện nước màu đỏ vào ngày 19/01/2017) và bên trong đê chắn sóng Cảng Sơn Dương của công ty Formosa Hà Tĩnh.
Vệt nước màu đỏ xuất hiện bên trong đê chắn sóng Cảng Sơn Dương của công ty Formosa Hà Tĩnh.
Ngay sau khi nhận được các thông tin trên, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tổ giám sát của Bộ và Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước biển để phân tích.
Kết quả 4 mẫu nước biển (02 mẫu cách bờ khoảng 10m nơi tập trung các vệt nước màu đỏ hồng kết thành mảng và nhiều bọt biển xuất hiện; 01 mẫu cách bờ khoảng 600m nơi nước biển có xuất hiện các vệt nước màu đỏ hồng nhưng nhạt hơn trong bờ và 01 mẫu cách bờ khoảng 650m tại khu vực nước biển không có vệt màu đỏ) cho thấy: thông số Amoni vượt từ 4,52 đến 91,5 lần; 01 mẫu nước biển màu đỏ lấy gần bờ có Mn vượt 1,66 lần, Fe vượt 2,8 lần và Phenol vượt 10,3 lần; các thông số khác và mẫu còn lại đều đạt quy chuẩn cho phép.
Kết quả phân tích 06 mẫu nước biển tại Cảng Vũng Áng vị trí xa bờ 1.000 m và ở tầng đáy đạt quy chuẩn cho phép, mẫu nước sát bờ và cách bờ 500 m ở tầng mặt có Amonia vượt từ 1,34-1,78 lần; Tại Cảng Sơn Dương có Amonia vượt 31,2 lần. Các thông số ô nhiễm khác đều đạt quy chuẩn cho phép.
Kết quả phân tích thực vật phù du trong 03 mẫu nước tại Cảng Vũng Áng (điểm sát bờ, cách bờ 500m và 1000m) và 01 mẫu tại Cảng Sơn Dương nhận thấy có sự xuất hiện mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (còn được gọi với tên khác là Noctiluca miliaris), càng gần bờ và tại vị trí nước có màu đỏ thì mật độ tảo càng cao: vệt nước màu hồng tại Cảng Vũng Áng mật độ đạt khoảng 46 tế bào/1ml (tương ứng khoảng 46.000 tế bào/1 lít nước biển) và vệt nước màu đỏ tại Cảng Sơn Dương mật độ đạt khoảng 135.000 tế bào/1 lít nước biển.
Video đang HOT
Trong thời gian vừa qua có hiện tượng bùng phát mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (bloom – tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ) tại khu vực sát bờ của Cảng Sơn Dương và Cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Qua khảo sát các mẫu thu ngày 18/02/2017 thấy rằng, tảo này đã bắt đầu tàn lụi.
Theo các tài liệu nghiên cứu đã có trên thế giới, loài tảo Noctiluca scintillans sau khi tàn lụi thường giải phóng ra Amonia ở nồng độ cao trong môi trường nước. Hiện tượng này rất phù hợp với kết quả phân tích chất lượng nước biển khu vực.
Văn Dũng
Theo Dantri
Sở TN&MT: Dải nước biển màu đỏ là do tảo nở hoa
Chiều 28/2, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có báo cáo chính thức gửi Bộ TN&MT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả quan trắc chất lượng nước và xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng xuất hiện các vệt nước màu đỏ tại vùng biển Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, sau khi có hiện tượng xuất hiện dải nước màu đỏ tại vùng biển huyện Phú Lộc Thừa Thiên Huế từ sáng ngày 22 đến ngày 23/2 tại các khu vực gồm: biển Lăng Cô, cảng biển nước sâu Chân Mây và bờ biển Cảnh Dương, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã khảo sát, lấy các mẫu nước biển tại vùng biển Lăng Cô, vùng biển Cảnh Dương, lấy mẫu nước tại tâm dải nước màu đỏ ven biển Lăng Cô và tại dải nước màu đỏ ven bờ biển Cảnh Dương. Ngoài ra, Sở cũng tiến hành lấy một mẫu nước biển tại khu vực biển Thuận An ở huyện Phú Vang (nước biển tự nhiên) để đối chứng các thông số về môi trường.
Nhiều dải nước đỏ ở khu vực biển Lăng Cô đoạn đèo Hải Vân
Dải nước đỏ ở khu vực cảng Chân Mây - Cảnh Dương
Cán bộ Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế lấy mẫu nước đỏ về quan trắc (ảnh: L. Hạnh)
Sau khi phân tích chất lượng mẫu nước biển, Sở TN&MT thông báo kết quả đo đạc, phân tích chất lượng nước biển. Kết quả quan trắc tảo tại các điểm quan trắc ngày 23/2 như sau: Bước đầu có thể thấy, nguyên nhân gây ra hiện tượng dải nước đỏ trên biển ở khu vực biển Lăng Cô - Chân Mây là do sự xuất hiện với số lượng lớn của loài tảo mang tên Noctiluca scintillans.
Loài tảo Noctiluca scintillans được xác định không sản sinh độc tố. Tuy nhiên, khi tảo nở hoa, nước biển chuyển màu tạo cảm giác sợ (tạo vệt xanh, đỏ máu, vàng nâu). Hiện tượng tảo nở hoa thường sẽ biến mất sau 3 - 5 ngày, tùy theo môi trường và địa hình thủy vực.
Loài tảo Noctiluca scintillans là loài tảo gây đổi màu nước
Kết quả xác định loài và số lượng tảo này tại vùng biển Chân Mây - Lăng Cô (vùng xuất hiện dải đỏ) và vùng biển Thuận An (vùng không xuất hiện dải đỏ) có sự khác biệt lớn: tại dải đỏ vùng biển Cảnh Dương có 561.000 tế bào/lít, tại vùng biển Lăng Cô có 350.000 tế bào/lít, trong khi ở khu vực không có dải nước màu đỏ là vùng biển Thuận An chỉ xuất hiện 60 tế bào/lít.
Tảo Noctiluca scintillans là loài tảo dị dưỡng, có dạng hình cầu (giống bong bóng khi thổi căng) hoặc hình thận tròn, kích thước lớn với đường kính từ 200 - 2000 m. Đây là loài tảo gặp phổ biến ở ven biển Việt nam và nhiều nước trên thế giới. Thức ăn của loài này là các loài tảo nhỏ, động vật nguyên sinh, chất hữu cơ lơ lửng và thường phát triển mạnh gây đổi màu nước trong giai đoạn chuyển mùa Xuân - Hè, khi gặp môi trường nước phù hợp, giàu dinh dưỡng và dồi dào thức ăn.
Màu nước biển khi tảo nở hoa có thể là màu xanh đậm, màu vàng nâu hay màu đỏ máu. Do kích thước lớn nên có thể nhận biết rõ sự đổi màu nước, ngay cả ở mật độ không quá cao như hiện tượng dải nước đỏ ở các vùng biển huyện Phú Lộc trên.
Cận cảnh loài tảo Noctiluca scintillans. Loài tảo này được xác định không sản sinh độc tố (ảnh: Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp)
Đoàn cũng quan trắc chất lượng nước biển ở vùng biển Chân Mây - Lăng Cô. Tại thời điểm quan trắc của ngày, các thông số đều đảm bảo giới hạn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (mục chất lượng nước biển vùng biển ven bờ - giá trị giới hạn vùng bãi tắm và thể thao dưới nước).
Kết quả chất lượng các mẫu nước biển của huyện Phú Lộc trên và vùng biển Thuận An (vùng không xuất hiện dải đỏ) gần như có chất lượng như nhau nên không có gì đáng lo ngại.
Như Dân trí đưa tin, từ ngày 22-23/2 tại một số vùng biển ở huyện Phú Lộc như Lăng Cô, Chân Mây - Cảnh Dương đã xuất hiện nhiều dòng nước đỏ lạ. Một số lãnh đạo huyện Phú Lộc cho biết trước sự cố môi trường biển 2016 thì những dòng nước này khoảng 2-3 năm thì có kèm theo nguồn lợi kinh tế biển như nhiều hải sản xuất hiện ở nơi dòng nước đỏ sau đó.
Đại Dương
Theo Dantri
Thủy triều đỏ khiến cá chết hàng loạt ở Khánh Hòa Hơn 10 tấn thủy sản chết bất thường ở biển Khánh Hòa được cơ quan chức năng xác định do hiện tượng tảo nở hoa - còn gọi là thủy triều đỏ. Tôm hùm, cá bớp, cá mè... tại các lồng bè xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) hôm 24/11 quẫy nước mạnh, chết rất nhanh với số lượng lớn. Ngoài...