“Đãi ngộ” phái nữ để cân bằng giới tính
Trước tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, cơ quan chức năng vừa đưa ra đề xuất các chính sách nhằm hạn chế lựa chọn sinh con trai.
“Bùng nổ” bé trai
Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), tỷ số trẻ trai/trẻ gái ở mức bình thường là 105-107/100. Tại VN tỷ số này bắt đầu dao động từ năm 1999 – 2000 theo hướng mất cân bằng (tăng trẻ nam) và ngày càng gia tăng nhanh chóng. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh đã lên đến 112,67.
Sẽ quy định “nạo phá thai có điều kiện” thay vì dễ dàng như hiện nay – Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, theo điều tra trong năm qua, 80-90% phụ nữ biết giới tính của con mình trước khi sinh. Tại thành phố lớn, tỷ lệ này gần như 100%. Ông Trọng cho rằng, tiến bộ về kỹ thuật và việc nạo phá thai không bị cản trở đã trở thành công cụ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi. Phó tổng cục trưởng Trần Văn Chiến phân tích thêm, cố gắng sinh con trai tương quan chặt chẽ với số lần sinh. Số trẻ trai tăng cao ở những lần sinh sau. Ở lần sinh thứ ba đã lên đến 115 trẻ trai/100 trẻ gái. Đặc biệt, những gia đình mới có hai con gái thì ở lần sinh thứ 3, tỷ lệ này lên đến 133 trẻ trai/100 trẻ gái. Thậm chí tâm lý “ăn chắc” khiến số trẻ trai/trẻ gái cũng cao hơn bình thường ngay trong lần sinh đầu tiên (110,2/100).
“Điều hành” giảm sinh con trai
Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, cần có chính sách “điều hành” giảm sinh con trai như chúng ta đã làm với một số vấn đề khác. Ngoài biện pháp tích cực tuyên truyền vận động để thay đổi tâm lý trọng nam khinh nữ, sẽ đề xuất áp dụng chính sách ưu tiên cho trẻ gái. “Có thể khi đi học, con trai nộp học phí, con gái thì không. Kỳ thi đại học con gái được cộng điểm ưu tiên. Các giải pháp này đã tham khảo ý kiến chuyên gia nước ngoài và đang xem xét”, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ thông tin.
Tâm lý thích con trai tồn tại nặng nề ở phía bắc, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Hồng có tỷ số giới tính cao nhất trong cả nước (113,6/100), tập trung tại một số tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Tại Hải Dương, mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng, hiện đã lên đến 122 trẻ trai/100 trẻ gái.
Video đang HOT
“Đãi ngộ” phái yếu
Để giảm sinh con trai, Tổng cục DS-KHHGĐ đang nghiên cứu và đề xuất các chính sách ưu tiên cho bé gái. Nếu đề xuất được thực hiện thì sẽ là giải pháp tình thế trong giai đoạn nhất định để hỗ trợ giảm lựa chọn sinh bé trai.
“Chúng ta mất 50 năm để thay đổi được mong muốn từ sinh nhiều con (5-6 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ) xuống mức sinh thấp như hiện nay với trung bình 2 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ. Vì vậy, thay đổi tâm lý thích con trai chắc chắn phải qua một quá trình bền bỉ, nhiều năm”, ông Trọng nhận định.
Trước mắt, để giảm sinh bé trai, sẽ tập trung thay đổi ngay những quy định nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng kỹ thuật y học để chẩn đoán và lựa chọn giới tính thai nhi, trong đó: sửa đổi quy định theo hướng “phá thai có điều kiện” nhằm hạn chế phá thai. “Cần kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ y tế liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi: lọc tinh trùng, thụ tinh trong ống nghiệm, sàng lọc phôi thai trước cấy ghép, siêu âm, xét nghiệm chẩn đoán, sàng lọc giới tính chẩn đoán tế bào theo dõi sự phát triển của trứng ban hành các danh mục thuốc, sinh phẩm hóa chất bị hạn chế hoặc cấm lưu hành, sử dụng vì mục đích lựa chọn giới tính…”, ông Trần Văn Chiến nhấn mạnh.
Theo TNO
Phụ nữ Việt sẽ bị "giành giật"
Nhiều người vợ khốn khổ vì chồng và gia đình gây áp lực phải sinh bằng được "cháu đích tôn nói dõi tông đường".
"Em chỉ cần ở nhà sinh con"
Tâm lý phải có con trai dường như chưa lúc nào nguội trong suy nghĩ của nhiều đàn ông có gia đình, dù là trí thức hay nông dân. Cũng vì áp lực phải sinh con trai mà biết bao phụ nữ điêu đứng.
Chị Hằng Nga (phó phòng marketing một công ty xây dựng trên đường Trần Thái Tông) khốn khổ chỉ vì không sinh được con trai cho gia đình chồng. Chồng chị là con một nên cả gia đình chồng đều mong có cháu đích tôn nối dõi tông đường. Cả hai lần sinh đầu của chị đều là con gái, dù chị không muốn nhưng gia đình chồng gây áp lực buộc chị phải sinh con thứ ba.
Chị bảo mới được thăng chức phó phòng, nếu sinh con thứ 3 thì khả năng mất vị trí là rất cao. Nhưng chồng nhất quyết phải sinh thêm đứa nữa và nói chắc như đinh đóng cột "kinh tế cứ để anh lo, em chỉ cần ở nhà sinh con".
Tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề ở nhiều gia đình Việt.
"Dù gái hay trai thì mình cũng chỉ muốn sinh hai con thôi. Nhưng nhà chồng nhất quyết phải có cháu đích tôn, vợ chồng căng thẳng, cãi vã cũng chỉ vì chuyện này", chị Nga thở dài.
Cũng vì "chỉ thị" phải sinh con trai mà chị Vân Anh (Khu tập thể Thành Công) phải chịu sự ám ảnh vì "làm chuyện thất đức".
Chị đã có một bé gái đầu lòng 3 tuổi, muốn sinh đứa thứ hai là con trai nên anh chị không ngại vung tiền đi siêu âm giới tính thai nhi. Hai lần mang thai, biết cái thai là gái đều bỏ. Chuyện phá thai thường xuyên không chỉ khiến chị hao mòn sức lực mà còn khiến chị cắt rứt lương tâm vì bỏ đi đứa con ruột thịt của mình.
"Mình luôn tự trách bản thân vì đã làm chuyện thất đức, bỏ đi đứa con ruột thịt của mình. Nhưng không thể không có con trai, mà sinh con thứ ba thì chồng bị giáng chức. Bố mẹ chồng thì luôn miệng bảo khi nào nhìn thấy cháu đích tôn thì nhắm mắt mới yên lòng được", chị Vân Anh chia sẻ.
Tâm lý "nhất nam viết hữu" vẫn còn nặng nề
Tâm lý ưa thích con trai, trọng nam khinh nữ vẫn còn rất nặng nền trong nhiều gia đình Việt. Truyền thống "thâm căn cố đế": chỉ có người con trai là được thừa hưởng tài sản, là người phụng dưỡng cha mẹ khi về già, lo việc ma chay cúng giỗ, nối dõi tông đường... Con gái không được tham gia vào những việc trọng đại của gia đình, dòng họ, lấy chồng thì theo chồng và ở bên nhà chồng đang tạo áp lực buộc người phụ nữ phải đẻ cho bằng được con trai.
Ngoài những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính cao như muốn có con trai để trông cậy lúc về già, nối dõi nghề truyền thống thì việc lạm dụng khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ trong việc chẩn đoán và lựa chọn giới tính thai nhi cũng góp phần đẩy tỉ lệ chênh lệch lên ngày càng cao. Đặc biệt ở những lần sinh cuối cùng, tỉ số giới tính khi sinh cao.
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, do các chính sách giảm sinh và kiểm soát sinh đẻ khiến quy mô gia đình ngày càng nhỏ thì nhu cầu mong muốn có con trai càng mạnh mẽ. Nhiều người đã lợi dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, và sẽ loại bỏ nếu biết đó là thai nhi gái. Điều đáng nói ở đây là dù ở ViệtNam việc chẩn đoán giới tính thai nhi bị nghiêm cấm nhưng trên 90% số phụ nữ mang thai biết được giới tính của con mình trước khi sinh.
"Nhiều người làm dịch vụ sẵn sàng lách luật như việc dùng từ lóng: "Thai nhi này giống mẹ", "mạnh mẽ", "dịu dàng" để thông báo về giới tính của thai nhi", bà Khá nói.
Vì áp lực sinh con trai theo mong muốn của chồng và gia đình chồng mà nhiều phụ nữ khi sinh con gái đầu lòng đều cảm hoang mang và tìm cách sinh cho được con trai vào những lần sinh sau. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam tăng đáng báo động.
"Tình trạng này dẫn đến hậu quả là việc gia tăng quy mô các hoạt động bắt cóc và buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái. Phụ nữ sẽ bị "giành giật" và sẽ phải kết hôn sớm hơn"- ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế chia sẻ tại hội nghị quốc gia đánh giá về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tăng cường truyền thông để thay đổi nhận thức
Ông Christophe Guilmoto, chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc đề xuất: "Việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần sự chung tay của cả cộng đồng. Thực tế, việc xử lý các cá nhân vi phạm việc tiết lộ hoặc lựa chọn giới tính thai nhi là rất khó. Trên thế giới, tại các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc cũng rất khó để xử lý tình trạng này. Do đó, trong các giải pháp giảm thiểu tình trạng này thì hoạt động truyền thông luôn giữ vị trí quan trọng số một...".
Còn theo bà Hồ Xuân, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Ninh: "Về lâu dài, để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em gái và gia đình có con một bề là gái. Cần phối hợp nhiều bộ, ban, ngành để xây dựng những quỹ giành riêng cho trẻ em gái. Hỗ trợ học phí cho trẻ em gái. Những người cao tuổi ở gia đình sinh con một bề là gái cần được hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Cần có chính sách hỗ trợ việc làm cho các em gái sau khi ra trường...".
Theo La Hoàn
Vietnamnet
Từ vô sinh đến 'phát điên' vì áp lực sinh con trai Áp lực sinh con trai khiến nhiều phụ nữ "phát điên", sức khỏe tinh thần suy sụp... Điều này không chỉ phá hủy cuộc sống của họ mà còn khiến gia đình lục đục. Có con trai là nỗi khao khát của nhiều gia đình hiện nay (ảnh minh họa). Từ tâm thần đến vô sinh Chị Hà Thị Hải, đường Hàn Thuyên...