Đài Loan xua đuổi hàng nghìn tàu nạo hút cát Trung Quốc đại lục
Đài Loan xua đuổi gần 4.000 tàu nạo hút cát từ Trung Quốc đại lục trong năm 2020, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng áp lực lên hòn đảo.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan hôm nay cho biết đã ghi nhận lượng lớn tàu hút cát Trung Quốc tại vùng biển quanh hòn đảo trong năm 2020. Tính đến tháng 11/2020, Đài Loan đã xua đuổi 3.969 tàu, gấp nhiều lần con số 600 tàu năm 2019 và 71 tàu năm 2018.
Tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ Đài Loan. Ảnh: Lực lượng phòng vệ Đài Loan.
Trung Quốc từ lâu đã sử dụng tàu dân sự được hải cảnh hậu thuẫn để thực thi những yêu sách chủ quyền vô lý trong khu vực, cũng như quấy rối tàu của các nước láng giềng theo chiến thuật được giới phân tích gọi là “vùng xám”. Tàu đánh cá và nạo hút cát cũng được Bắc Kinh sử dụng trong hoạt động cải tạo trái phép các thực tế tại Biển Đông.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất. Bắc Kinh không ngừng tăng sức ép về kinh tế và ngoại giao lên Đài Bắc kể từ khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người phản đối nguyên tắc “một Trung Quốc”, nhậm chức năm 2016.
Bắc Kinh đã liên tiếp triển khai oanh tạc cơ và tiêm kích áp sát đảo Đài Loan trong ngày 24 và 25/1 sau khi người đứng đầu Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại Mỹ được mời tham gia lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden.
Chính quyền Biden cảnh báo “những nỗ lực đe dọa” của Bắc Kinh sẽ không làm suy giảm quan hệ đồng minh giữa Washington và Đài Bắc. Mỹ cũng điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông để thực hiện “các hoạt động thường kỳ”, trong đó có chiến dịch di chuyển bảo đảm tự do hàng hải.
Đài Loan thay đổi quy tắc giao chiến
Cơ quan phòng vệ Đài Loan xác định lại quy tắc giao chiến, cho phép binh sĩ "tấn công trước" để tự vệ, nhưng không leo thang với Bắc Kinh.
"Khi phải đối mặt với các đợt quấy rối tần suất cao cùng mối đe dọa từ chiến hạm và máy bay quân sự của đối phương, lực lượng phòng vệ đã xác định lại một cách rõ ràng các quy định ứng phó tình huống khẩn cấp, xác định tấn công trước là quyền tự vệ và phản công", cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết trong thông cáo ngày 21/9.
Thông cáo cho biết lực lượng phòng vệ trên biển và trên không của đảo Đài Loan phải tuân theo các hướng dẫn gồm "không làm leo thang xung đột, không gây ra sự cố, không khiêu khích và không sợ hãi đối phương" cũng như nguyên tắc "đối phương tiếp cận càng gần hòn đảo, lực lượng phòng vệ càng phải tích cực đối phó hơn".
Cơ quan phòng vệ Đài Loan không cho biết chi tiết cách binh sĩ của hòn đảo triển khai "quyền tấn công trước".
Tuy nhiên, tờ Liberty Times tại Đài Bắc dẫn nguồn tin trong cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết với việc định nghĩa hành động "tấn công trước" là "quyền tự vệ và phản công", lực lượng phòng vệ Đài Loan trên tiền tuyến nhiều khả năng sẽ được khai hỏa nếu họ xác định rằng đối phương có ý định tấn công.
Tiêm kích F-16 của Đài Loan tham gia diễn tập ném bom ngoài khơi phía đông hòn đảo, ngày 1/7. Ảnh: CNA.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cũng bác tin các cuộc diễn tập gần đây cho thấy hòn đảo không đủ nguồn cung tên lửa. "Lực lượng phòng vệ thường xuyên bổ sung tên lửa chính xác và phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu. Kho dự trữ tên lửa chính xác của lực lượng đủ cho nhu cầu phòng thủ ở giai đoạn hiện tại", thông cáo cho biết.
Trước đó, truyền thông đưa tin giai đoạn mô phỏng tác chiến trên máy tính của diễn tập Hán Quang diễn ra ngày 14-18/9 cho thấy Đài Loan không đủ tên lửa chính xác để phòng thủ hiệu quả khi đối mặt với "đòn tấn công dồn dập". Đây là chiến thuật giúp một bên giành lợi thế bằng cách dồn hỏa lực áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương.
Tuy nhiên, cơ quan phòng vệ Đài Loan cảnh báo hòn đảo có thể không đủ tên lửa để ngăn các cuộc tấn công trong tương lai, khi PLA tiếp tục nâng cao năng lực tác chiến.
Động thái thay đổi quy tắc giao chiến của lực lượng phòng vệ Đài Loan diễn ra trong bối cảnh quân đội Trung Quốc (PLA) cuối tuần trước tổ chức diễn tập quy mô lớn gần đảo Đài Loan, sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach tới hòn đảo ngày 17/9, bắt đầu chuyến thăm kéo dài ba ngày. Bắc Kinh coi chuyến thăm của Thứ trưởng Krach vi phạm chính sách "Một Trung Quốc".
Chuyến thăm của thứ trưởng Mỹ 'đốt nóng' eo biển Đài Loan. Video: Global TImes.
Trong cuộc diễn tập, 37 máy bay của PLA áp sát đảo Đài Loan trong hai ngày 18-19/9, phần lớn băng qua "đường trung tuyến" chạy qua chính giữa eo biển. Lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan điều tiêm kích tiếp cận, phát cảnh báo qua sóng vô tuyến, thông báo phi công PLA "xâm phạm đường trung tuyến" và yêu cầu họ rời đi. Phi công PLA đáp rằng "không tồn tại đường trung tuyến nào hết".
Cả Trung Quốc đại lục lẫn Đài Loan hồi tháng 8 đều tuyên bố không nổ súng trước trong các vụ chạm mặt như trên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 21/9 tuyên bố Đài Loan "là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc" và "không tồn tại cái gọi là đường trung tuyến của eo biển Đài Loan".
Đảo Đài Loan và khu vực bờ biển phía đông Trung Quốc đại lục. Đồ họa: Google.
Một nguồn tin thuộc lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết tuyên bố về thay đổi quy tắc giao chiến không đồng nghĩa họ cho phép lực lượng của mình tấn công phủ đầu phi cơ quân sự hay chiến hạm của PLA băng qua "đường trung tuyến" trên eo biển Đài Loan.
"Ngoài tuân thủ tất cả hướng dẫn và quy tắc đó, lực lượng của chúng tôi cần được cấp trên phê duyệt trước khi tiến hành bất cứ hành động nào", nguồn tin cho biết. "Sự cho phép từ cấp trên là phần quan trọng nhất trong quy tắc giao chiến, nhằm tránh sự cố dẫn đến xung đột".
Nguồn tin này cho biết lực lượng phòng vệ Đài Loan gần đây tổ chức loạt cuộc họp giao ban để phổ biến quy trình xử lý "các mối đe dọa của đối phương" cho lực lượng phi công tiền tuyến.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực với Đài Bắc khi nhiều lần tổ chức diễn tập quy mô lớn quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế.
Đài Loan "cầu cứu" quốc tế vì lo sợ "nguy cơ chiến tranh" Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của đảo Đài Loan kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ, chống lại những đe dọa quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc đại lục với mối lo chiến tranh xảy ra. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach. Ảnh: EPA Theo Guardian, tuyên bố của ông Joseph Wu, người đứng đầu cơ...