Đài Loan tập trận mô phỏng “chiến tranh” giữa lúc căng thẳng
Đài Loan đã tổ chức tập trận mô phỏng “kịch bản chiến tranh” giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc đại lục leo thang.
Phi công Đài Loan tập trận cùng máy bay chiến đấu F-16V (Ảnh: EPA).
Truyền thông Đài Loan đưa tin, các phi công quân sự đã lao về phía máy bay chiến đấu F-16 khi âm thanh báo động vang lên ở Gia Nghĩa, phía nam Đài Loan hôm 5/1. Đây là một phần trong cuộc tập trận kéo dài 3 ngày nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phòng vệ Đài Loan trước dịp Tết nguyên đán vào cuối tháng này.
Các máy bay chiến đấu tham gia tập trận cũng là những máy bay được Đài Loan sử dụng để chặn máy bay Trung Quốc áp sát hòn đảo trước đây.
“Các phi công trong phi đội của chúng tôi rất giàu kinh nghiệm và đã đối phó hầu hết các loại máy bay Trung Quốc”, một trong số các sĩ quan nói với các phóng viên.
Cuộc tập trận mô phỏng kịch bản chiến tranh của Đài Loan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại eo biển gần đây. Quân đội Trung Quốc trong những tháng qua cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận, đưa máy bay chiến đấu tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
“Với tần suất máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào ADIZ của chúng tôi rất cao, các phi công thuộc phi đội của chúng tôi rất giàu kinh nghiệm và đã đối phó hầu hết các loại máy bay của họ”, Thiếu tá Yen Hsiang-sheng nói, nhắc lại việc ông từng được điều động để chặn máy bay chiến đấu J-16 của quân đội Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Video đang HOT
Đài Loan gọi các hoạt động quân sự của Trung Quốc gần đây là chiến thuật “vùng xám”, được thiết kế nhằm làm hao mòn lực lượng phòng vệ của Đài Loan bằng cách khiến họ liên tục phải ứng phó, đồng thời thăm dò phản ứng của hòn đảo.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời, sẵn sàng sáp nhập bằng mọi cách, kể cả sử dụng vũ lực. Trong bài phát biểu năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng người dân ở cả hai bờ eo biển Đài Loan đều mong muốn “thống nhất hoàn toàn với đất mẹ”.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã cảnh báo Bắc Kinh không đánh giá sai tình hình và nhắc nhở đại lục ngăn chặn quá trình truyền bá “tư tưởng phiêu lưu quân sự”. Bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh “quân sự chắc chắn không phải là phương án để giải quyết các bất đồng giữa hai bờ eo biển”.
Tuyên bố của bà Thái Anh Văn đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Bắc Kinh. Một quan chức hàng đầu của Trung Quốc cảnh báo “nếu các lực lượng ly khai đòi độc lập cho Đài Loan tiếp tục khiêu khích và cưỡng ép, hoặc thậm chí vượt qua bất kỳ ranh giới đỏ nào, chúng tôi sẽ phải thực hiện các biện pháp quyết liệt”. Quan chức Trung Quốc tuyên bố Đài Loan sẽ đối mặt “thảm họa nghiêm trọng” nếu kiên trì theo đuổi độc lập.
Trong báo cáo mới được công bố, Mỹ dự tính mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu vào mùa hè năm nay với tư cách quan sát viên. Tuy nhiên, Đài Loan được cho là sẽ không cử lực lượng tham gia tập trận vì Mỹ đã chính thức thừa nhận nguyên tắc Một Trung Quốc.
Mỹ đưa tàu qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc cảnh báo "đừng đùa với lửa"
Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan giữa lúc căng thẳng leo thang trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: AP).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 23/11 tuyên bố tàu chiến của Mỹ đã nhiều lần "phô diễn sức mạnh và khiêu khích" ở eo biển Đài Loan với danh nghĩa "tự do hàng hải".
"Phía Mỹ nên ngay lập tức sửa chữa những sai lầm của mình, ngừng thực hiện các hành động khiêu khích, thách thức giới hạn và đùa với lửa, đồng thời đóng vai trò mang tính xây dựng hơn đối với hòa bình và ổn định khu vực", ông Triệu Lập Kiên cảnh báo.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Hạm đội 7 của Mỹ ngày 22/11 thông báo, lực lượng này đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Milius đi qua eo biển Đài Loan. Mỹ cho biết đây là hoạt động thường kỳ của tàu Mỹ đi qua các vùng biển quốc tế và phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Việc tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", thông cáo của Hạm đội 7 cho biết, đồng thời nhấn mạnh quân đội Mỹ có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Bộ Tư lệnh Chiến khu phía đông của quân đội Trung Quốc đã triển khai lực lượng hải quân và không quân để theo dõi và giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu chiến Mỹ tại eo biển Đài Loan. Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh cho biết hành động của Mỹ "gây ra rủi ro an ninh và phá hoại sự ổn định của khu vực".
Các tàu chiến của Mỹ thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Tháng trước, quân đội Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Dewey đi qua khu vực này.
Trung Quốc đưa máy ném bom áp sát Đài Loan
Trung Quốc gần đây cũng tăng cường các hoạt động gần Đài Loan nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới hòn đảo. Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, 9 máy bay Trung Quốc, trong đó có 2 máy bay ném bom H-6, đã bay đến khu vực phía nam của hòn đảo hôm 21/11. Các máy bay này đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Phía Đài Loan đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không để giám sát hoạt động của các máy bay Trung Quốc. Đài Loan cũng phát cảnh báo qua vô tuyến khi phát hiện máy bay Trung Quốc hoạt động gần hòn đảo.
Trước đó, ngày 6/11, 16 máy bay chiến đấu Trung Quốc, gồm 10 máy bay J-16 và 6 máy bay J-10, đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không ở phía tây nam của hòn đảo. Một ngày sau đó, Đài Loan cho biết 4 máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc tiếp tục tiến vào khu vực này.
Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời, cần được thống nhất bằng mọi giá kể cả dùng vũ lực.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước thông báo, Mỹ và Đài Loan tổ chức "Đối thoại Kinh tế Thịnh vượng Mỹ - Đài Loan" vào ngày 22/11 nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế. Thông báo cho biết quan hệ đối tác Mỹ - Đài Loan được xây dựng dựa trên thương mại và đầu tư hai chiều.
Cuộc đối thoại diễn ra chỉ vài ngày sau hội nghị trực tuyến Mỹ - Trung giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó Đài Loan là vấn đề trọng tâm.
Liu Pengyu, phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, đã chỉ trích cuộc đối thoại Mỹ - Đài Loan sắp tới là hành động vi phạm cam kết của Mỹ với Trung Quốc.
"Tổng thống Biden đã nói trong cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng chính phủ Mỹ cam kết với nguyên tắc Một Trung Quốc và không ủng hộ Đài Loan độc lập", ông Liu nói.
Ông Liu kêu gọi chính phủ Mỹ "ngừng mọi hình thức trao đổi và tiếp xúc chính thức với Đài Loan để tránh gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ Trung - Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".
10 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát Đài Loan Trung Quốc điều 8 tiêm kích, 2 trinh sát cơ tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, sau khi hòn đảo muốn tăng chi tiêu quân sự. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết biên đội máy bay quân sự Trung Quốc gồm 6 tiêm kích J-16, hai tiêm kích J-11, một máy bay tuần thám săn ngầm Y-8...