Đài Loan sắp sản xuất vũ khí hủy diệt sân bay Trung Quốc
Đài Loan dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt bom lượn Vạn Kiếm để oanh tạc căn cứ không quân, hải quân, kho tàng Quân đội Trung Quốc.
Tờ Đài Hải dẫn lời nhà lập pháp Lâm Úc Phương, bom lượn có điều khiển Vạn Kiếm do Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Sơn nghiên cứu sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 2015. Dự kiến, lô “hệ thống vũ khí tấn công từ xa Vạn Kiếm” đầu tiên sẽ được bàn giao cho quân đội nước này sử dụng vào năm 2016.
Hệ thống vũ khí tấn công từ xa Vạn Kiếm tương tự bom lượn AGM-154 JSOW của Mỹ, có thể phóng từ ngoài tầm bắn của tên lửa phòng không đối phương. Mục đích chủ yếu là phá hủy đường băng sân bay đối phương, ngăn máy bay đối phương cất cánh.
Bom lượn có điều khiển Vạn Kiếm treo trên cánh tiêm kích đa năng F-CK-1.
Theo ông Lâm Úc Phương, “kế hoạch Vạn Kiếm” sớm đã được thông qua đánh giá tác chiến ban đầu vào năm 2010. Nhưng do các đơn vị liên quan thiếu sự phối hợp trước khiến kế hoạch ban đầu của Bộ quốc phòng Đài Loan phải đến năm 2013, thậm chí năm 2014 mới bắt đầu thực hiện việc tích hợp Vạn Kiếm vào tiêm kích F-CK-1. Và phải đợi sau khi hoàn thành việc tích hợp mới bắt đầu sản xuất hàng loạt.
Để tránh tình trạng máy bay chiến đấu F-CK-1 không thể mang bom, tháng 10/2010 tại viện lập pháp, ông Lâm Úc Phương đã yêu cầu cơ quan quốc phòng nước này cần phải sửa đổi kế hoạch liên quan, thúc đẩy việc thực hiện hợp nhất từ năm 2011. Qua đó, hệ thống vũ khí Vạn Kiếm bắt đầu sản xuất loạt vào năm 2015, tiết kiệm được khoản ngân sách trị giá khoảng 66,8 triệu USD để tích hợp hệ thống.
Video đang HOT
Theo ông Lâm, hệ thống vũ khí Vạn Kiếm mang hàng trăm đầu đạn con, có khả năng tấn công từ khoảng cách xa. Ngoài việc dùng để phá hủy, làm tê liệt đường băng sân bay ở phía biển Đông Nam của Trung Quốc ra, còn có thể gây sát thương lớn đối với khu vực tập kết quân, khu cảng, trận địa tên lửa và trạm radar. Đồng thời sẽ nâng cao đáng kể khả năng thực hiện “tác chiến gây sức ép từ xa” và “áp chế phòng không” các mục tiêu quân sự ở bờ biển phía Đông Nam của Trung Quốc. Do đó trong tương lai, máy bay chiến đấu của Đài Loan có thể phát động tấn công trên không tại eo biển Đài Loan mà không phải chịu rủi ro lớn nào từ Trung Quốc.
Bom lượn Vạn Kiếm có thể đạt tầm bay tới 200km.
“Các máy bay chiến đấu của Đài Loan có thể tấn công các mục tiêu quân sự dọc theo bờ biển phía Đông Nam Trung Quốc bằng Vạn Kiếm từ khoảng cách xa để tránh nguy cơ nằm sâu trong mạng lưới phòng không của Trung Quốc”, ông Lâm Úc Phương nói.
Ông này cũng cho biết thêm, căn cứ vào báo cáo của Bộ quốc phòng nước này, chỉ tính riêng trong tháng 10/2013 không quân nước này đã có 40 máy bay chiến đấu F-CK-1 hoàn thành nâng cấp, có khả năng phóng Vạn Kiếm. Dự kiến đến cuối năm 2017, toàn bộ 127 máy bay chiến đấu F-CK-1 đều sẽ có khả năng bắn Vạn Kiếm.
Ngoài ra, trong năm 2015 Đài Loan cũng thực hiện nhiều kế hoạch mua sắm vũ khí mới, bao gồm tên lửa phòng không Thiên Cung 3, máy bay không người lái Hồng Tước, xe tấn công đổ bộ AAV-7.
Theo Kiến Thức
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm tàu sân bay Trung Quốc
Trung Quốc sẽ khoe tàu sân bay Liêu Ninh với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vào hôm nay 7/4, cho phép ông được tận mắt chứng kiến con tàu được xem là biểu tượng của sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Ông Hagel sẽ bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày với chuyến thăm tàu sân bay Liêu Ninh tại căn cứ hải quân Yuchi ở Thanh Đảo. Giới chức cho hay ông Hagel là quan chức nước ngoài đầu tiên được mời lên thăm hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc.
Theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, chuyến thăm tàu sân bay có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Washington cố gắng thúc đẩy một cuộc đối thoại với giới chức cấp cao Trung Quốc nhằm giảm bớt các căng thẳng và hối thúc Bắc Kinh cởi mở hơn nữa về quân đội.
"Chúng tôi đã đề nghị chuyến thăm này và họ đồng ý", quan chức giấu tên trên cho biết.
Tàu sân bay, Liêu Ninh, "là biểu tượng cho tham vọng của hải quân Trung Quốc nhằm đẩy mạnh sức mạnh hải quân", quan chức trên nói.
Liêu Ninh từng là một tàu chiến do Liên Xô chế tạo tại Ukraine và được Trung Quốc mua về để tân trang. Công tác sửa chữa được hoàn thiện vào tháng 9/2012 trong một bước ngoặt biểu tượng cho sự mở rộng quân sự của Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng được cho là đã bắt đầu đóng tàu sân bay thứ 2 trong số 4 chiếc được lên kế hoạch và dự kiến sẽ bắt đầu vận hành một phi đội gồm khoảng 30 máy bay trên tàu sân bay Liêu Ninh vào đầu năm tới.
Không giống các tàu sân bay của Mỹ, Liêu Ninh không phải là một tàu sân bay hạt nhân và có tầm xa ngắn hơn và cũng không có hệ thống phóng máy bay hiện đại.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Liêu Ninh đã giúp củng cố hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc quân sự với tầm với toàn cầu. Hàng không mẫu hạm này cũng có thể được sử dụng trong các cuộc đối đầu với các quốc gia nhỏ hơn vốn có các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Cùng với Liêu Ninh, Trung Quốc cũng dành các khoản đầu tư lớn cho tàu ngầm, tên lửa chống hạm và các khí tài khác được thiết kế nhằm tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc trong một khu vực vốn bị hạm đội của Mỹ thống trị.
Theo Dantri