Đài Loan đau đầu giải bài toán ‘giảm thầy, tăng thợ’
Chỉ cần có tiền, thanh niên Đài Loan gần như nghiễm nhiên sẽ được cầm trong tay tấm bằng cử nhân của một trường đại học tư, tuy nhiên, điều đó lại không đồng nghĩa với cơ hội kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Học sinh Đài Loan hiện tại không phải chịu nhiều áp lực thi cử như thế hệ trước đây. Ảnh: SCMP
30 năm trước, bước chân vào cánh cổng trường đại học cũng đồng nghĩa với việc Hsu Chung-hsin đã trở thành một phần của thế hệ tinh hoa ở Đài Loan. Nhưng hiện tại, khi cơ hội cầm trong tay tấm bằng cử nhân đã trở nên dễ dàng với tất cả mọi người, thì với ông, đó lại là một sự thật tồi tệ.
Người người vào đại học
“Mọi thứ quá dễ dàng. Chỉ cần đủ sức trả học phí, bạn sẽ trở thành sinh viên. Điều đó thực sự không tốt”, Hsu, người hiện là một nhà lập pháp với tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành luật ở Đại học Cambridge, nói.
“Các trường đại học hàng đầu không bị ảnh hưởng trước thực trạng này. Nó chỉ tác động tới những ngôi trường hạng trung. Chất lượng của các cơ sở đào tạo này tương đối thấp. Việc giảng dạy không được đề cao và sinh viên cũng chẳng cần quá chăm chỉ.”
Tỷ lệ sinh giảm cùng với sự gia tăng đột biến các trường đại học đồng nghĩa với việc, đại đa số học sinh trung học sẽ chọn con đường đi lên bậc học cao hơn.
Video đang HOT
Tính đến cuối tháng 6/2012, Đài Loan đã có tổng cộng 1,35 triệu sinh viên đại học, theo thống kê của cơ quan quản lý giáo dục. Sự bùng nổ này đã và đang tác động nghiêm trọng tới Đài Loan, thông qua một hệ thống phân cực mà ở đó nhiều người nhận được một nền giáo dục không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
Kỳ thi tuyển sinh đại học đang trở thành một hoạt động mang tính hình thức. Năm 2011, 90,4% trong số những người ứng tuyển đều được nhận vào học.
So sánh với năm 1975, khi chỉ khoảng 1/4 dân số đủ khả năng vượt qua những kỳ thi, và sự cạnh tranh luôn vô cùng gay gắt, thì hiện tại, áp lực đó hoàn toàn biến mất và không khí trước các kỳ thi dễ thở hơn rất nhiều.
“Với một số học sinh, những kỳ thi chẳng có gì quan trọng. Chỉ cần bạn muốn vào đại học, rất nhiều ngôi trường đang chào đón bạn”, Abby Yao, 24 tuổi, sinh viên chuyên ngành tâm lý học tại Đại học Fu Jen Catholic, nói.
Kuo Wen-chung, một quản lý cấp cao của Viện Giáo dục Yu Da, một trường học mới nổi, đồng ý rằng, hiện tại, việc cầm trong tay tấm một bằng cử nhân là điều quá đơn giản.
“Chắc chắn học sinh bây giờ thiếu khả năng cạnh tranh hơn nhiều so với những thế hệ trước”, ông nói.
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều thanh niên luôn cố gắng đạt kết quả tốt trong học tập, với mong muốn được theo học ở những ngôi trường hàng đầu, nơi chiếm 1/3 sinh viên của toàn bộ Đài Loan. Tuy nhiên, 2/3 còn lại lại đang góp phần làm cho tình trạng giáo dục tại hòn đảo này thêm phân cực, với những trường đại học quốc lập, chất lượng cao ở một bên, và những trường tư, học phí đắt đỏ, ở một bên khác.
Giảm thầy, tăng thợ
Theo Kenneth Lin, chuyên gia kinh tế tại Đại học Chung Cheng, rất nhiều người đang lao đầu vào các trường đại học trong khi không hề quan tâm tới lợi ích lâu dài của bản thân.
“Các trường đại học tư sẵn sàng nhận những người có điểm đầu vào thấp, bởi nếu không có đủ sinh viên, họ sẽ phá sản”, Lin nói.
“Nhưng các sinh viên sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp khi họ ra trường. Trên thực tế, họ sẽ có được một cuộc sống tốt hơn nếu theo học tại các trường dạy nghề và xin việc ở những nhà máy.”
Theo nhà lập pháp Hsu, một hệ thống giáo dục đại học được chia thành hai cấp riêng biệt chính là những gì Đài Loan cần ngay lúc này. Theo ông, chính quyền Đài Loan cần tạo điều kiện cho nhiều người đi học nghề hơn, giống như những gì họ từng làm những năm trước chiến tranh.
“Mặc dù không có bằng đại học, nhưng họ lại sở hữu tay nghề cao”, ông nói.
“Đó chính là nền tảng của nền kinh tế Đài Loan trong thập kỷ 60, 70. Chiến lược này giúp cung cấp một lực lượng lao động chất lượng cao cho ngành công nghiệp của chúng tôi.”
Hệ thống giáo dục hiện tại không đào tạo những ngành nghề thực sự cần thiết cho nền kinh tế, và cứ với đà này, Đài Loan sẽ rơi vào tình trạng người thất nghiệp gia tăng trong khi nhiều ngành công nghiệp vẫn không tìm đủ nhân lực.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Đài Loan vừa đạt tới mốc 4,31% vào cuối tháng 7 vừa qua, trong khi nguồn nhân lực vẫn chưa đủ để đáp ứng cho nhiều doanh nghiệp ở hòn đảo này.
Theo Hsu, chính quyền Đài Loan cần nhanh chóng hành động để thay đổi thực trạng này. Một trong những nguyên nhân của vấn nạn trên là vì có quá nhiều cơ sở dạy nghề muốn được chuyển đổi thành trường đại học, và ông tin rằng quá trình này cần được đảo ngược. Tuy nhiên, với một xã hội coi trọng bằng cấp như Đài Loan, giải pháp này thực sự rất khó thực hiện.
“Không dễ để thay đổi quan niệm của các phụ huynh. Chúng ta phải thuyết phục họ thôi hy vọng rằng, mọi đứa trẻ đều có thể trở thành luật sư hay bác sĩ”, Hsu nói.
“Thực tế, một thợ cơ khí hay công nhân xây dựng tay nghề cao hoàn toàn có khả năng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Và dù sao, không phải ai trong xã hội này cũng có thể trở thành tổng thống hay thủ tướng. Chỉ có một người được giữ vị trí đó thôi.”
Theo VNE
Tất cả chúng ta đều trượt đề thi vào...lớp 1: Gà có mấy chân?
Đề thi vào lớp 1 của Trường tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội) khó đến mức chúng tôi mang đề thi này test các sinh viên đang ngồi trên ghế đại học, các giảng viên đang đứng lớp giảng bài, nhà tâm lý học và nhiều người lớn tuổi. Kết quả rất khả quan:
20 người được hỏi, cả 20 người đều bị trượt thẳng cẳng y như các bé chưa thuộc mặt chữ!
Trường Tiểu học Nguyễn Siêu đã tổ chức đợt thi tuyển sinh vào lớp 1 trong hai ngày 23 và 24/4. Đề thi yêu cầu đếm số chân các con vật và nối với các chữ số cho sẵn. Nhiều bậc phụ huynh cho biết: con họ đã bị đánh trượt trong chính câu hỏi này.
Phunutoday đã làm một cuộc test ngắn cho 20 đối tượng là sinh viên Đại học, giáo viên dạy tiểu học và trung học để giải bài toán này. Bài toán được phát đi và thu về một đáp án duy nhất: là 2 chân trùng với đáp án của các em học sinh bị đánh trượt. Vậy 20 người trả lời cho bài toán trên đều sai?
Mô tả ảnh.
Trẻ em (trong độ tuổi chuẩn bị vào học lớp 1) chưa được trang bị năng lực biện luận,
chưa biết khu biệt trong các tình huống. (Ảnh minh họa)
Bạn Đinh Thị Ngọc Điệp - sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn sau khi nghe đáp án chính xác của bài toán, bức xúc nói: "Đề thi gì mà oái oăm quá vậy. Người lớn còn bị đánh lừa huống chi là trẻ con còn đang chuẩn bị vào lớp 1."
Bạn Lê Phương - sinh viên năm thứ 4 khoa Toán - tin trường Đại học Bách Khoa cho biết: Nếu đề thi hỏi là "tổng số chân gà trong bức tranh thì tôi sẽ trả lời là 4. Nhưng đề ra kiểu lắt léo như thế này thì ai cũng hiểu có đáp án là 2."
Nghe xong câu hỏi của bài toán "khó", không phải suy nghĩ nhiều, bạn Phạm Thị Hồng Hạnh - sinh viên năm thứ 2 trường Đại học xây dựng cho hay: Đáp án là 2 chân.
Nhưng đến khi Hạnh được biết, đáp án chính xác nhất là 4 chân thì bạn mới ngã ngửa ra, nói rằng: " Thế này thì các bé đã bị đánh trượt oan rồi. Nguyên tắc ra đề là phải rõ ràng trong khi đề thi một đằng, đáp án một nẻo. Tâm lý trẻ con, em nào cũng trả lời là 2 chân chứ không như đáp án của nhà trường."
Bạn Nguyễn Trọng Linh - sinh viên khoa Điện trường Đại học xây dựng bức xúc không kém: " Gà không hai chân thì là mấy chân".
Rất nhiều bạn sinh viên đang học tại một số trường Đại học trên địa bàn Hà Nội sau khi nghe câu hỏi của bài toán đều có đáp án là: 2 chân. Và các bạn đều cho rằng, nhà trường đã đánh đố học sinh khi các em còn chưa học lớp 1.
Liệu đáp án của nhà trường là sai, hay 20 đối tượng là sinh viên và giáo viên đều có câu trả lời không chính xác??
Cô giáo Phạm Thị Thanh, hiện đang là giáo viên dạy môn toán cấp 2 - trường THCS Yên Thọ - Thanh Hóa thẳng thắn nói: "Câu hỏi này chẳng qua thầy cô đánh đố học sinh. Số lượng hồ sơ đăng kí vào trường nhiều, trong khi số lượng tuyển sinh có hạn, nên nhà trường phải ra một bài toán "quá khó" để "phân loại" học sinh giỏi và kém mà thực chất là cái cớ để đánh trượt các em".
Đồng quan điểm với cô giáo Thanh, thầy Hà Duy Thể - giáo viên dạy môn Mĩ thuật trường Tiểu học Quý Lộc - Thanh Hóa cho biết: "Phương pháp giáo dục dùng hình vẽ để kiểm tra tư duy logic, năng lực quan sát của học sinh là rất tốt. Song, đề thi mà Nhà trường đưa ra là quá khó so với nhận thức của lứa tuổi. Trong khi các em còn chưa được học cộng, trừ, nhân, chia một cách chính thống thì liệu các em có trả lời đúng?"
Chị Trần Minh H. (Cầu Giấy, Hà Nội) có con thi vào lớp 1 kể: môn toán con chị được 4 điểm, không đủ điểm đỗ chỉ vì cậu bé 6 tuổi vẫn hồn nhiên: "Con gà có hai chân, cá sấu bốn chân. Con gà có bốn chân thì thành gà quái thai hả mẹ?".
Câu trả lời hồn nhiên của cậu bé cũng đã đặt ra một câu hỏi cho người lớn. Trong tiềm thức của trẻ cá thể Gà có hai chân, và khác với "những con gà" có tổng số chân nhiều hơn 2. Nên khi được hỏi là "gà có mấy chân, các em đều đưa ra câu trả lời là 2.
Trong tình huống này, Nhà tâm lý học Trần Hòa Bình cho biết: Trẻ em (trong độ tuổi chuẩn bị vào học lớp 1) chưa được trang bị năng lực biện luận, nên các cháu sẽ không quan tâm tới danh từ chỉ loài là "cá thể" hay "nhiều cá thể" mà trả lời theo trực cảm và tả thực. Đặc điểm của trẻ trong độ tuổi này là chưa biết khu biệt ( phân biệt sự khác nhau - PV) trong các tình huống. Vì người lớn hỏi đến Gà, thì ngay trong tiềm thức của các bé quan niệm là Gà có hai chân, chứ chưa thể biết đến khả năng tư duy logic, biện luận trong tình huống bức tranh có tới... hai con gà.
Khi hỏi Nhà tâm lý học Trần Hòa Bình về bài toán, anh cũng đã đưa ra đáp án là 2 chân. Nhà tâm lý cho biết thêm: Đây là một trò đánh đố của người lớn dành cho trẻ con. Thực chất những người ra đề không chuẩn, là ngớ ngẩn so với tư duy đúng độ tuổi của trẻ, nên mới xảy ra hiện tượng các bé bị đánh trượt.
Một môi trường giáo dục bình thường là một môi trường có cả học sinh giỏi và học sinh kém đề làm nhiệm vụ đào tạo con người. Khi môi trường đào tạo chỉ tuyển chọn và phân loại học sinh giỏi và kém thì môi trường đó thực chất không bình thường. Việc chọn lọc bằng những kiến thức không đúng tư duy theo độ tuổi của trẻ vô tình đã biến giáo dục thành một thứ hàng hóa, là công cụ của bệnh thành tích.
Theo Phunutoday