Đại lễ Phật đản, những điều có thể bạn chưa biết
Những ngày này, Đại lễ Phật đản 2014 đang được tổ chức long trọng, thành kính tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) thu hút hàng chục ngàn lượt người tu hành, Phật tử khắp nơi.
Hoạt động mừng Đại lễ Phật đản hàng năm
Nhân dịp này, chúng tôi trích dịch một số kinh sách, tài liệu cổ, phục vụ bạn đọc đôi nét hiểu biết về Đại lễ cũng như ý nghĩa cao đẹp của ngày Đản sinh đức Phật.
Truyền thuyết về ngày đức Phật hiển thế
Phật tử vẫn có câu: “Tháng tư ngày tám” để chỉ ngày đức Phật hiển thế. Vậy tại sao ngày nay lại lấy ngày 15/4 Âm lịch hàng năm là ngày đức Phật đản sinh? Thực chất, sự khác biệt này không có gì là mâu thuẫn, chỉ bắt nguồn từ ý chí của những người tu theo đạo Phật. Để hiểu rõ điều này, cần ngược dòng lịch sử, tìm về thời điểm ngài được hạ sinh với thân phận là một hoàng tử con vua.
Về tích hiển thế của đức Phật, kinh sách Phật giáo đều thống nhất ở điểm ngài là Thái tử con vua, được hạ sinh trong vườn Lâm Tỳ Ni, dưới gốc cây vô ưu. Tuy nhiên, sau thời điểm đức Phật hiển thế, có hai truyền thuyết chính. Thuyết thứ nhất chép rằng, sắp đến ngày vượt cạn, thân mẫu ngài một vị Hoàng hậu, vì thế phải trở về vương quốc của cha mẹ đẻ để sinh con theo đúng phong tục. Đến vườn Lâm Tỳ Ni nơi có nhiều cây vô ưu, Hoàng hậu dừng chân nghỉ. Đúng lúc này, bà chuyển dạ. Người hầu cận không còn cách nào khác đành quây một bức màn xung quanh, ngay dưới gốc cây vô ưu, Thái tử được hạ sinh. Bỗng nhiên trên trời xuất hiện 4 vị thiên thần cầm chiếc lưới bằng vàng quấn quanh hoàng tử, cùng lúc hai trận mưa dội xuống tắm mát cho hai mẹ con.
Khác hẳn về lực lượng thần thánh đón sau khi đức Phật hiển thế, thuyết thứ hai chép rằng, Hoàng hậu nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà biến thành đạo hào quang soi vào bụng mình. Đến ngày lâm bồn, bà đến vườn Lâm Tỳ Ni hạ sinh dưới gốc vô ưu. Khi Thái tử ra đời, một bông sen bỗng mọc lên đỡ lấy, rồi từ trên trời, xuất hiện 9 con rồng phun hai dòng nước lạnh và nóng để tắm cho hoàng tử. Đức Phật vừa sinh ra đã bước 7 bước, mỗi bước đều có một bông sen đỡ dưới bàn chân.
Xét như vậy, các kinh sách ghi chép đều chú trọng hoàn cảnh ra đời, sự xuất hiện của các thế lực thần thánh chứ không ghi chính xác đức Phật được sinh ra vào ngày nào. Tựu trung, kinh sách đều cho rằng ngài hạ sinh vào ngày trăng tròn của tháng Vesaka. Theo lịch cổ, đây là ngày chuyển giao của trời đất, mùa mưa bắt đầu, cỏ cây hồi sinh, các loài động vật cũng sinh sôi nảy nở. Chiếu theo lịch mặt trăng thì đó là tháng tư âm lịch. Theo lịch Ấn cổ, ngày trăng tròn chính là ngày mùng 8. Như vậy, ngày 8/4 theo lịch Ấn Độ cổ cũng chính là ngày 15/4 theo lịch mặt trăng, hay Âm lịch như chúng ta vẫn gọi.
Không chỉ ngày sinh, mà năm sinh thật của đức Phật cũng là yếu tố chưa rõ ràng. Thuyết ghi đức Phật sinh năm 624 trước Công nguyên là phổ biến nhất. Việc tính Phật lịch cũng liên quan đến năm sinh của đức Phật. Vào năm 1952, tại Đại hội Phật giáo Thế giới tổ chức ở Nhật Bản, các đại biểu đã thống nhất lấy năm Phật nhập Niết Bàn làm năm thứ nhất của Phật lịch. Đức Thích Ca thọ 80 tuổi, vì vậy Phật lịch bắt đầu từ năm 544 trước Công nguyên. Như vậy, năm 2014 này sẽ là năm 2.558 Phật lịch và kỷ niệm 2.638 năm ngày Đức Phật ra đời.
Kinh sách chép, vào năm 624 trước Công nguyên, đức Phật được sinh ra trong một hoàng tộc tại miền Bắc Ấn Độ. Hoàng tử này trưởng thành trong giàu sang xa xỉ, nhưng sớm nhận ra tiện nghi vật chất và sự an toàn trên thế gian không đem lại hạnh phúc thật sự. Ngài động lòng trắc ẩn sâu xa trước hoàn cảnh khổ đau quanh ngài, chính vì vậy mà ngài nhất định tìm cho ra chìa khóa đưa đến hạnh phúc cho nhân loại. Vào năm 29 tuổi, ngài rời bỏ vợ đẹp con ngoan và cung vàng điện ngọc để cất bước lên đường học đạo với những bậc thầy nổi tiếng đương thời. Những vị thầy này dạy ngài rất nhiều nhưng không vị nào thật sự hiểu biết nguồn cội của khổ đau phiền não của nhân loại và làm cách nào để vượt thoát khỏi những thứ đó.
Cuối cùng sau sáu năm tu học và hành thiền, ngài liễu ngộ và kinh qua kinh nghiệm tận diệt vô minh và thành đạt giác ngộ. Từ ngày đó người ta gọi ngài là Phật, bậc chính Đẳng chính Giác. Trong 45 năm sau đó, ngài chu du khắp miền nơi để dạy chúng sinh những gì mà ngài đã chứng ngộ. Lòng từ bi và hạnh nhẫn nhục của ngài đã khiến hàng vạn người giác ngộ, trở thành tín đồ Phật giáo. Đến năm ngài 80 tuổi, dù xác thân già yếu, lúc nào ngài cũng hạnh phúc và an vui. Ngài nhập Niết Bàn vào năm 80 tuổi. Lìa bỏ gia đình không phải là chuyện dễ dàng cho Đức Phật. Sau một thời gian dài đắn đo suy nghĩ ngài đã quyết định lìa bỏ gia đình. Có hai sự lựa chọn, một là hiến thân ngài cho gia đình, hai là cho toàn thể thế gian. Sau cùng, lòng từ bi vô lượng của ngài đã khiến ngài tự cống hiến đời mình cho thế gian. Và mãi cho đến nay cả thế giới vẫn còn thọ hưởng những lợi ích từ sự hy sinh của ngài. Đây có lẽ là sự hy sinh có nhiều ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Tuy hiện nay vẫn còn nhiều bàn cãi nhưng có một thực tế, các sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời đức Phật đều diễn ra vào đêm trăng tròn tháng tư, đó là ngày ngài đản sinh, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn, bởi vì đó là ý muốn của ngài. Các Phật tử dù là xuất gia hay tại gia đều làm lễ cúng dường đức Phật vào ngày màu nhiệm này. Trước thực tế đó, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc trong phiên họp thứ 54 vào năm 1999 đã ra quyết nghị công nhận ngày Tam hợp Đức Phật (đản sinh, thành đạo, nhập Niết bàn) vào rằm tháng tư lịch mặt trăng (tháng Vesaka theo lịch Ấn) là ngày tổ chức lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới, tên đầy đủ là Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc.
Video đang HOT
Riêng tại Việt Nam, trước năm 1964 các chùa và Hội Phật giáo đều tổ chức Lễ Phật đản vào ngày 8/4 Âm lịch. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời vào năm 1964, thống nhất Lễ Phật đản vào ngày 15/4 Âm lịch theo quyết định chung của Đại hội Liên hữu Phật giáo thế giới lần thứ nhất năm 1950 họp tại Tích Lan và lần thứ 3 năm 1952 họp tại Nhật. Từ đó đến nay, Phật giáo Việt Nam đều lấy ngày 15/4 Âm lịch làm Đại lễ Phật đản. Cách đây 6 năm, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2008, và Vesak 2014 là lần thứ hai, đại lễ này được tổ chức ở Việt Nam.
Con người khéo tu đều có thể thấy Phật
Đức Phật xuất hiện trên thế gian này vì một mục đích duy nhất: giải trừ tất cả những khổ đau, phiền não, vô minh của chúng sinh, đưa chúng sinh đến miền đất an lành, hạnh phúc. Đức Phật không sinh diệt là Phật chân thật, nhưng không ai thấy, không ai biết. Tuy nhiên, nhờ Phật mang thân xác người trên cuộc đời mà chúng sinh hình dung ra Phật. Phật xuất hiện với tư cách của con người toàn thiện, không khổ đau. Dù khởi đầu, ngài là Thái tử nhưng cuộc sống của Ngài thể hiện rõ nét tất cả những gì đáng quý nhất. Trong con người Phật, từ cấu trúc cơ thể khỏe mạnh, thông minh, tướng hảo trọn lành, cho đến sự hiểu biết tuyệt đỉnh, tâm lượng đại từ bi, vị tha vô cùng, việc làm lợi ích vô tận
Đức Phật là biểu tượng của sự hiểu biết chính xác cao tột để chúng ta nương theo, mới nhận ra được Phật chân thật vĩnh hằng. Kinh sách Phật giáo đều nhắc đến hình tượng “vị liên cố hoa”, nghĩa là Phật ví như gương sen bên trong, Phật hiện trên cuộc đời ví như hoa sen bên ngoài. Hoa sen từ bùn sanh ra, tỏa hương thơm tinh khiết mà các loài hoa khác không có được. Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời tiêu biểu cho sự trong sạch hoàn toàn như hoa sen mà không một bậc Thánh nhân nào có thể sánh bằng. Đức Phật tinh khiết như gương sen nhờ cốt lõi tâm trọn lành của Phật thật. Từ Phật gốc toàn thiện, toàn mỹ, toàn bích như vậy mới thể hiện lời nói và việc làm thánh thiện của Phật bằng xương thịt hiện hữu trên thế gian. Nhờ tâm Phật đặt vào thân xác người, nên đã biến đổi thân một vị Thái tử tột đỉnh giàu sang thành thân Phật.
Đức Phật là người duy nhất thấy rõ nguồn gốc khổ đau của tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng. Đức Phật cũng là người duy nhất biết được con đường dẫn chúng sinh thoát khỏi biển khổ trầm luân đến bến bờ an vui giải thoát. Trừ đức Phật ra, không một ai thấu rõ được những chân lý này. Người có trí tuệ lớn nhất, thấu rõ bản chất thật của mọi sự vật hiện tượng trên đời này, là đức Phật, người có phước đức lớn nhất trên đời cũng là đức Phật.
Đức Phật đã vì chúng sinh, vì chúng ta trải qua không biết bao nhiêu thử thách chông gai, vượt không biết bao nhiêu chướng nạn hiểm nguy, chịu không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ. Ân đức ấy trời cao khó sánh, biển rộng khôn lường, chúng ta dù trải qua trăm kiếp ngàn đời cũng không bao giờ đền đáp được trong muôn một.
Sự ra đời của đức Phật là một minh chứng vô cùng sinh động cho lý thuyết rằng, con người hoàn toàn có khả năng đoạn trừ hết mọi khổ đau, đạt được an vui hạnh phúc mãi mãi. Đức Phật vốn là một người bình thường, sinh ra trong bào thai nhờ tinh cha huyết mẹ hợp lại mà thành. Ngài cũng có cha có mẹ, có vợ có con, và cũng từng bị những khổ đau bức bách. Nhưng nhờ không ngừng nỗ lực học hỏi, rèn luyện và tu tập thiền định đạt đến đỉnh điểm của giá trị đạo đức, phát huy công năng trí tuệ tới mức tối đa, tức là nhờ khai mở và phát huy hết tiềm năng to lớn của bản thân, thấu rõ thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi thứ, Đức Phật đã đạt đến an vui và tự tại một cách trọn vẹn.
Ý nghĩa nhân văn cao nhất về giá trị chân thật của con người phải đợi đến khi đức Phật ra đời thì nhân loại mới có cái nhìn thật sự đúng đắn. Với trí tuệ sáng suốt, thấu rõ mọi sự thật, đức Phật chỉ ra, tất cả mọi người đều có đầy đủ đức tướng và trí tuệ của Như Lai, có khả năng phát huy trí tuệ và đạo đức của bản thân đến mức cao nhất, có thể phát huy tiềm năng to lớn của mình, hướng tới cuộc sống tốt đẹp nhất. Tức là đức Phật đã cho chúng ta một niềm tin mạnh mẽ về một tương lai tốt đẹp. Niềm tin này không phải mơ hồ, mà đặt trên nền tảng vững chắc của trí tuệ. Niềm tin và hy vọng là những thứ quan trọng cần có của con người khi đối diện với nghịch cảnh, để tiếp tục sống và vươn lên. Lời xác quyết của đức Phật như tiếp thêm niềm tin và năng lượng giúp chúng ta thiết lập một cuộc sống tốt đẹp.
Dù đức Phật đã nhập diệt, nhưng trên 2.500 năm sau, những giáo thuyết của ngài vẫn còn tế độ rất nhiều người, gương hạnh của ngài vẫn còn là nguồn gợi cảm cho nhiều người, và những lời dạy dỗ của ngài vẫn còn tiếp tục biến đổi nhiều cuộc sống. Chỉ có đức Phật mới có được oai lực hùng mạnh tồn tại sau nhiều thế kỷ như thế ấy. Đức Phật không bao giờ tự xưng rằng ngài là một thần linh, là con của thần linh, hay là sứ giả của thần linh. Ngài chỉ là một con người đã tự cải thiện để trở nên toàn hảo, nếu chúng sinh noi theo gương lành ấy thì cũng có thể trở nên toàn hảo như ngài. Ngài không bao giờ bảo đệ tử thờ phượng mình như một thần linh. Không ban phước cho những ai thờ phụng ngài cũng như không giáng họa cho ai không thờ phụng Ngài. Phật tử chỉ nên kính trọng ngài như một vị thầy. Kính bái tượng Phật là tự nhắc nhở chính mình phải cố gắng tu tập để phát triển lòng yêu thương và sự an lạc với chính mình. Hương của nhang nhắc nhở chúng sinh vượt khỏi những thói hư tật xấu để đạt đến trí huệ. Đèn đốt lên khi lễ bái nhằm nhắc nhở chúng sinh đuốc tuệ để thấy rõ rằng thân này rồi sẽ hoại diệt theo luật vô thường. Khi lễ lạy đức Phật là lễ lạy những giáo pháp cao thượng mà ngài đã ban bố cho chúng ta. Đó là cốt tủy của sự thờ phượng lễ bái trong Phật giáo.
Ý nghĩa Lễ tắm Phật trong ngày Phật đản
Xuất phát từ thuyết ngay khi hạ sinh, Thái tử đã được các thế lực thần tiên tắm mát, tẩy sạch bụi trần bằng hai dòng nước, trong lễ Phật đản, Lễ tắm Phật trở thành nghi thức vô cùng quan trọng. Về sau, các tự viện thường hay để tượng một vị Phật sơ sinh, mỗi ngày tín đồ có thể tới viếng chùa và lấy nước rưới lên mình Phật như là một hành động tẩy trừ sự ô nhiễm nơi thân Phật, cũng như thân mình. Lý do nghi thức tắm Phật được tín đồ Phật giáo tôn trọng và cung kính thực hành hàng năm vì nó là một phương pháp để người tu hành phản tỉnh.
Phương pháp tắm Phật rất giản dị, trước tượng vị Phật sơ sinh đặt giữa một bồn nước, thông thường là nước pha trộn bởi các vị hương thơm như nước thơm chiên đàn hương bạch đàn hương, uất đàn hương, long não, xạ hương, tử chiên đàn, đinh hương… Phật tử quỳ xuống đảnh lễ ba lạy để bày tỏ lòng thành kính và khiêm cung đối với vị Phật sơ sinh. Cũng có thể cúng dường hương hoa, phẩm vật, để bày tỏ lòng kính mộ của mình. Khi tắm Phật, dùng một cái muỗng múc nước hương thơm, từ từ rưới lên thân mình Phật ba lần. Cần hiểu rằng thân Phật cũng ví như là thân tâm của mình vậy. Ba muỗng nước rưới lên thân Phật, sẽ gội rửa ba nghiệp ác do thân, miệng và ý của mình tạo ra, Phật tử tẩy rửa hành động, suy nghĩ và lời nói. Nhưng điều tuyệt diệu là vị Phật sơ sinh trước kia được tắm, vốn là một em bé thanh tịnh vô nhiễm; sau khi tắm xong, bụi trần gội sạch, em bé đó trở về lại với sự vô nhiễm thanh tịnh sẵn có. Cũng vậy, hành động, lời nói và suy nghĩ của kẻ phàm chúng ta trải qua bao kiếp, tích tập vô số thói hư tật xấu, tà kiến ác hạnh, ngu si chấp trước, khiến ta ở trong vòng mê mờ vẩn đục; song bản tánh xưa nay của chúng ta chưa hề bị ô nhiễm, hệt như vị Phật sơ sinh thanh tịnh vô cấu. Nếu dùng Phật Pháp như nước tẩy, tắm gội tam nghiệp, tức là nếu ta sửa đổi thói hư tật xấu, xả trừ chấp trước, minh tâm kiến tánh, thì ta sẽ khôi phục lại được thể tánh thanh tịnh sẵn có xưa nay.
Bởi vậy điều then chốt trong lễ tắm Phật là phải hết sức thành tâm, tụ thần chú ý, tâm niệm sáng suốt. Hiểu rõ như vậy, khi làm lễ tắm Phật, chúng ta chuẩn bị với tất cả lòng thành, với tất cả niềm tin, mới có kết quả tốt. Cùng cầu nguyện, mà người có kết quả tốt, người không được gì và cùng tổ chức đạo tràng giống nhau, nhưng có đạo tràng thanh tịnh, đạo tràng không thanh tịnh là như vậy.
Trong lúc tắm Phật, mỗi Phật tử cần lắng lòng thanh tịnh quán tưởng dòng nước cam lộ tinh sạch này sẽ gội nhuần tâm tư. Những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê của bản thân nhờ công đức này mà được tẩy sạch. Những suy nghĩ, lời nói và việc làm xấu ác cũng được xóa tan. Thân tâm trở nên thanh tịnh, mát mẻ, nhẹ nhàng.
Theo Xahoi
Chùm ảnh: Dân tranh nhau té nước... tắm cho Phật
Sau khi kết thúc nghi lễ tắm cho Phật Thích Ca Mâu Ni, người dân ào lên Đàn tràng, té nước, dội nước lên tượng Phật dẫn đến cảnh hỗn độn, phản cảm.
Lễ tắm Phật, một nghi thức tâm linh truyền thống nhân ngày Phật đản của Phật giáo. Nghi lễ tắm Phật diễn ra trong 5 phút với phần niệm hương, tán Phật, tắm tôn tượng đản sinh của Đức Thế Tôn; kế đó là thả chim bồ câu, bóng bay cầu nguyện hoà bình.
Người dân và các phật tử đến với buổi lễ để cầu bình an, mọi người được hạnh phúc. Tuy nhiên ngay sau buổi lễ kết thúc, người dân lại ào lên sân khấu, chen nhau, thi nhau tắm cho Phật. Người lấy tay té nước lên, người dội.. một số người còn lấy nước hất lên mặt và người với mong muốn lộc của nhà Phật về với mình.
Cảnh chen nhau tắm cho Phật rất phản cảm khiến lực lượng an ninh phải rất vất vả ngăn cản.
Toàn cảnh Đàn tràng chuẩn bị buổi lễ Tắm cho Phật trước sự có mặt của hàng ngàn Phật tử, du khách
Ngay sau khi các Tăng ni tắm cho Phật là đến nghi lễ thả chim, thả bóng bay với mong muốn một thế giới hòa bình, quốc thái dân an
Tuy nhiên ngay sau khi kết thúc buổi lễ, hàng trăm người dân đã kéo nhau lên Đàn Tràng, ai cũng muốn lấy tay tắm cho Phật khiến các sư thấy phải ngăn cản.
Thi nhau lấy chia nước nhựa múc nước đổ lên đầu Phật
Sư thầy đã ngăn cản nhưng dòng người vẫn chen nhau lên Đàn tràng
Mỗi người tắm cho Phật một kiểu
Lấy nước dưới chân Phật xoa lên mặt
Lực lượng an ninh của Đại lễ phải vào can thiệp
Sau khi tắm cho Phật xong họ lấy nước về để hưởng lộc của Phật
Theo Khampha
Ninh Bình sẵn sàng cho Đại lễ Vesak 2014 Vào 8h30 sáng nay, 8-5, Lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 chính thức được diễn ra tại quần thể chùa Bái Đính, Ninh Bình. Dự kiến, từ ngày 7 đến 11-5, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 sẽ đón tiếp khoảng 2.000 đại biểu khách quốc tế cùng 10.000 đồng bào Phật tử và nhân dân Việt Nam....