Đài không lưu mất điện, hàng loạt chuyến bay không thể cất/hạ cánh
Nhiều chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM trưa nay (20/11) đã không thể khai thác và phải chuyển hướng hạ cánh vì đài chỉ huy không lưu tại đây bị mất điện.
Theo các hãng hàng không, nhiều chuyến bay đến và đi từ TPHCM nhận được thông báo “Mất điện ở Trung tâm điều hành”.
Sự việc xảy ra trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, từ lúc 11h11 đến 12h25. Theo đó, tất cả các chuyến bay từ các sân khác đến sân bay Tân Sơn Nhất và từ Tân Sơn Nhất đi đã nhận được lệnh hoãn giờ bay cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Đài kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất bị mất điện trưa nay (20/11)
Riêng các chuyến bay đang đến Tân Sơn Nhất và các chuyến bay đi qua vùng trách nhiệm thông báo bay của Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất đã được chuyển sang điều hành theo phương án khẩn nguy là chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay gần nhất, nhiều chuyến bay đã phải quay trở lại sân bay xuất phát.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình hình nói trên là do trục trặc hệ thống điện của cơ quan quản lý bay tại Tân Sơn Nhất. Đến 12h25, sự cố đã được khắc phục xong và công tác điều hành bay hoạt động trở lại.
Video đang HOT
Trong thời gian xảy ra sự cố, tín hiệu radar bị mất hoàn toàn nên Tân Sơn Nhất không thể tiếp thu máy bay. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam xác nhận trong thời gian này, hoạt động không lưu vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Nhiều chuyến bay tại Tân Sơn Nhất không thể cất hạ cánh vì đài chỉ huy không lưu mất điện
Vietnam Airlines cho biết có khoảng 8 chuyến bay có hành trình xuất phát từ Tân Sơn Nhất phải đổi giờ bay. Nhiều chuyến bay của VietJet Air đến TPHCM đã bị ảnh hưởng dây chuyền bởi sự cố này, trong khi đó một số chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột, hoặc chuyến bay từ Hà Nội đi Cần Thơ đã phải quay trở lại nơi xuất phát. Hãng hàng không Jetstar Pacific chưa thông tin về ảnh hưởng từ sự cố vừa diễn ra.
Được biết, hiện mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất tiếp thu gần 300 lượt máy bay cất/hạ cánh trong khi năng lực điều hành của đài không được đầu tư đáp ứng sự phát triển hết công suất của sân bay theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ là khoảng 1.000 chuyến/ngày.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Máy bay Vietnam Airlines suýt đụng trực thăng khi vừa cất cánh
Chiếc Airbus 321 của Vietnam Airlines và một máy bay trực thăng của quân sự đã suýt đụng nhau trên bầu trời Tân Sơn Nhất - TPHCM. Sự việc xảy ra khi đài chỉ huy quân sự và dân dụng đều cấp huấn lệnh cho máy bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất.
Sự cố xảy ra lúc 11h43 (giờ UTC - giờ quốc tế)hôm 29/10/2014. Khi đó, trên vùng trời Tân Sơn Nhất có 4 máy bay trực thăng bay huấn luyện quân sự, trong đó: Máy bay UH1/912 đang treo tại bãi 1, Mi8/850 từ không vực 4 về cạnh 3 phía Bắc để hạ cánh xuống đường lăn W11, Mi8/850 đang bay về từ phía Đông Nam để hạ cánh đường lăn W11 và chiếc Mi172/423 cất cánh trên đường lăn W11.
Hoạt động bay dân dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc này xác nhận chuyến bay VN1376 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đang chuẩn bị nhận huấn lệnh cất cánh đi Huế.
Gần đây nhiều nguy cơ mất an toàn bay xảy ra do hiệp đồng quân sự và dân dụng chưa tốt
Diễn biến sự cố cụ thể như sau: Lúc 11h41'24", chuyến bay VN1376 đang ở vị trí điểm chờ đường cất hạ cánh 25L (CHC) nhận được huấn lệnh cắt qua đường CHC 25L lên đường CHC 25R. Tổ lái báo nhận. Đến 11h42'27", VN1376 đến gần điểm chờ CHC 25R và kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho tổ lái VN1376 được phép cất cánh trên đường CHC 25R với yêu cầu sau khi cất cánh giữ hướng đường CHC.
Tuy nhiên, chỉ 9 giây sau khi VN1376 cất cánh, lúc 11h42'36", đài chỉ huy quân sự cấp huấn lệnh cho máy bay trực thăng Mi172/423 cất cánh. Do đã nhận được lệnh nên chuyến bay VN1376 tiếp tục chạy đà cất cánh, cùng với đó đài chỉ huy quân sự cũng tiếp tục cấp huấn lệnh cho Mi172/423 bay vòng phải.
Chuyến bay VN1376 rời khỏi mặt đất lúc 11h43'30". Đến 11h43'46", chuyến bay VN1376 đạt độ cao 488ft, tỷ tốc 448 ft/phút, góc 4.570o, kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho VN1376 chuyển sóng liên lạc với tiếp cận trên tần số 125.5 MHz. Cùng lúc, tổ lái VN1376 thống báo về đài kiểm soát không lưu về việc có 1 máy bay trực thăng cắt qua phía trên.
Theo nhận định của cơ trưởng chuyến bay VN1376 thì khi phát hiện có máy bay trực thăng cắt ngang khoảng cách của 2 máy bay là gần 200feet.
Đánh giá về sự cố này, ông Đinh Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam - cho biết: "Thời điểm chỉ huy quân sự cho Mi172/423 cất cánh thì vị trí của chuyến bay VN1376 ở điểm chờ đường CHC 25R và đã nhận được huấn lệnh cất cánh. Chỉ huy quân sự đã thiếu quan sát hoạt động bay của hàng không dân dụng trên màn hình ra đa hoặc bằng mắt, không hiệp đồng với kiểm soát không lưu tại Tân Sơn Nhất".
"Tình huống trên xảy ra khiến tổ lái VN1376 phải giảm tỷ tốc và góc bay lên khi máy bay đạt độ cao 476 ft, tuy nhiên tín hiệu ra đa sơ cấp không hiển thị độ cao, do đó không xác định được độ cao chênh lệch giữa 2 máy bay" - ông Đinh Việt Thắng thông tin.
Người đứng đầu cơ quan không lưu cho hay, thời gian gần đây xảy ra một số sự cố liên quan đến công tác phối hợp hiệp đồng giữa bay quân sự và hàng không dân dụng gây ảnh hưởng đến an toàn bay.
Để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bay, ông Đinh Việt Thắng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tổ chức bình giải, rút kinh nghiệm về công tác phối hợp hiệp đồng giữa hàng không và quân sự.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Vụ máy bay mất liên lạc gần 4 phút: Tước giấy phép kiểm soát không lưu Cục Hàng không Việt Nam vừa có kết luận chính thức vụ việc Đài chỉ huy không lưu tại sân bay Vinh để mất liên lạc 3 phút 50 giây đối với máy bay của Jetstar Pacific hôm 23/7. Kiểm soát viên trực tiếp điều hành bay đã bị tước giấy phép và phạt tiền. Kết quả điều tra sự cố cho thấy,...