Đại Hội đồng IPU-144 thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong bối cảnh Trái Đất vẫn đang ngày một ấm lên, kéo theo các nguy cơ về biến đổi khí hậu.
Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới ( IPU) lần thứ 144 và các cuộc họp liên quan, do Quốc hội Indonesia đăng cai tổ chức từ ngày 20 – 24/3 sẽ tập trung thảo luận chủ đề “Hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 – Vận động Nghị viện hành động chống biến đổi khí hậu”.
Khói bốc lên từ một nhà máy ở Queensland, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thông cáo trước thềm sự kiện này, IPU cho biết tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi khu vực trên thế giới và tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Những phát hiện mới đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho thấy nếu không tiến hành ngay các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 – 2 độ C vào cuối thế kỷ này sẽ không thể đạt được.
Trong bối cảnh đó, IPU-144 sẽ xem xét các hành động cần thiết của nghị viện nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; tận dụng giai đoạn phục hồi sau COVID-19 để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh; đồng thời đảm bảo giải quyết nhu cầu của các nhóm dân cư có nguy cơ cao như phụ nữ và thanh niên.
IPU-144 sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà hoạt động khí hậu và đại diện các quốc gia đang ở tuyến đầu chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Trong bối cảnh xung đột Ukraine hiện nay, các thành viên IPU dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt về chủ đề “Suy nghĩ lại và tái điều chỉnh cách tiếp cận các tiến trình hòa bình nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài”, trong đó tái khẳng định nguyên tắc đối thoại cốt lõi của IPU nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nhu cầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế cũng sẽ là cơ sở cho các cuộc thảo luận trong suốt kỳ Đại hội đồng lần này.
IPU sẽ ra mắt hai công cụ mới dành cho các nghị sĩ trong Đại Hội đồng, bao gồm Sổ tay Tăng cường khả năng chuẩn bị an ninh y tế và Báo cáo Nghị viện toàn cầu lần thứ ba về sự tham gia của cộng đồng vào các công việc của quốc hội, được soạn thảo với sự hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Được thành lập năm 1889 với trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ, IPU là một trong những tổ chức đa phương lâu đời nhất thế giới. Hiện IPU quy tụ 178 quốc hội thành viên và 14 tổ chức nghị viện khu vực với sứ mệnh thúc đẩy dân chủ và giúp các nghị viện trở nên mạnh mẽ hơn, trẻ hơn, cân bằng giới tính và đa dạng hơn.
Trở ngại Mỹ - Trung tại COP26
Sau khi chứng kiến những thăng trầm của các cuộc đàm phán khí hậu trong thập kỷ qua, Li Shuo đôi khi cảm thấy thất vọng vì có nhiều điều không chắc chắn.
Video đang HOT
Là một nhà vận động vì khí hậu kỳ cựu ở Greenpeace Đông Á, anh đã thấy một "vòng lặp" từ hội nghị tại Copenhagen năm 2009, tới hiệp định Paris mang tính bước ngoặt năm 2015 và hội nghị khí hậu năm nay tại Glassgow.
"Động lực giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tình hình kinh tế trên thế giới và vấn đề chính trị ở các nước chủ chốt. Những biến số này liên tục thay đổi", Li nói.
Thế giới hiện đứng trước bước ngoặt quyết định với Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc (COP26), diễn ra từ ngày 31/10 tới 12/11 tại Glassgow, Anh.
Một báo cáo của LHQ công bố đầu năm nay cảnh báo khả năng nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C trong hai thập kỷ tới là 50%. Báo cáo thêm rằng nếu không cắt giảm khí thải ngay lập tức, thế giới không thể thực hiện được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C hay thậm chí 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này. Nó nhấn mạnh các quốc gia cần có hành động quyết liệt để hạn chế khí thải carbon sau năm 2030.
Các quốc gia phải cũng đã đệ trình cam kết giảm phát thải mới hoặc cập nhật, được gọi là mức đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), trước COP26.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, mức 1,5 độ C chính là điều mà chúng ta cần", David Waskow, giám đốc Sáng kiến Khí hậu Quốc tế tại Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), nói.
Các nhà hoạt động vì môi trường kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu tại Glassgow, Anh hôm 28/10. Ảnh: Reuters.
Theo hiệp định Paris, các nước đã nhất trí giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C và cố gắng đạt mục tiêu 1,5 độ C. Nhưng một số nước phát triển và dễ tổn thương kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đi xa hơn, bằng cách hạn chế nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này và đạt mức phát thải khí bằng không vào năm 2050.
Một báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2019 chỉ ra một số ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể tránh được nếu hạn chế nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C, như giúp cứu sống khoảng 10-30% rạn san hô. Nếu mức tăng nhiệt độ là 2 độ C, hầu như tất cả san hô sẽ không thể tồn tại.
Một báo cáo khác của IPCC vào tháng 8 cảnh báo nóng lên toàn cầu gây ra số lượng đợt hạn hán và lũ lụt kỷ lục trên toàn thế giới và tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu không hành động.
Bất chấp những cảnh báo này, căng thẳng quốc tế và các mối quan tâm chính trị trong nước vẫn là một yếu tố phức tạp ảnh hưởng tới cuộc đàm phán khí hậu năm nay.
Trung Quốc tuần trước đệ trình cam kết giảm phát thải lên LHQ, trong đó nhắc lại cam kết năm ngoái của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060, khiến nhiều nhà quan sát thất vọng.
"6 năm sau Hiệp định Paris, sự lựa chọn của Trung Quốc là điển hình cho việc thiếu quyết tâm đẩy mạnh hành động vì khí hậu của một số nền kinh tế lớn", Li nói. "Nó cũng phản ánh Bắc Kinh hoài nghi về khả năng thực hiện mục tiêu giảm carbon và tài trợ cho khí hậu của Mỹ. Có một nỗi lo lắng thực sự rằng những lời nói sáo rỗng của Washington sẽ làm trầm trọng thêm trật tự khí hậu toàn cầu vốn không công bằng".
Những mối quan tâm trong nước cũng có thể là yếu tố tác động, khi cuộc khủng hoảng điện gần đây ảnh hưởng tới hơn nửa số tỉnh của Trung Quốc và nhấn mạnh những khó khăn của việc từ bỏ các nhiên liệu hóa thạch như than đá. Cuộc khủng hoảng đã khiến chính phủ chuyển sang bảo vệ nguồn cung cấp than và đẩy mạnh sản xuất.
Hồi giữa tháng 10, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu Trung Quốc, cho biết sản lượng than của nước này đã đạt mức cao nhất trong năm nay với 11,6 triệu tấn mỗi ngày. Reuters ước tính tổng sản lượng than Trung Quốc có thể đạt mức cao nhất từ trước tới nay vào tháng này nếu tiếp tục tốc độ sản xuất như hiện tại.
Li cảnh báo Mỹ cũng có thể chỉ nói suông nếu Tổng thống Joe Biden không thể khiến hai cam kết chính của nước này, gồm giảm một nửa phát thải vào năm 2030 và tăng gấp đôi hỗ trợ về khí hậu cho các nước đang phát triển vào năm 2024, được quốc hội thông qua.
"Vấn đề lớn nhất của Mỹ là những hứa hẹn lãnh đạo toàn cầu, nhưng liệu nó có thể đi từ lời nói tới hành động hay không phải phụ thuộc vào quốc hội", Li nói.
Cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể cản trở khả năng bắt tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, theo các nhà quan sát.
"Năm 2015, khi Hiệp định Paris được thông qua, Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn trăng mật, hai nước sẵn sàng đạt đồng thuận và tạo ra những đột phá về vấn đề khí hậu. Nhưng giờ tình hình không còn thuận lợi như vậy nữa", Li nói.
Câu hỏi cơ bản là làm thế nào để đạt được tiến bộ trong cuộc đàm phán về khí hậu. Không giống các nước phát triển khác, Trung Quốc không ủng hộ rõ ràng mục tiêu 1,5 độ C, điều có thể tác động tới phát triển kinh tế và công nghiệp của nước này.
"Chúng tôi không tích cực thúc đẩy mục tiêu này nhưng cũng không phản đối", Wang Mou, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói. "Xem xét giai đoạn phát triển hiện tại và nhu cầu tương lai của Trung Quốc, tôi nghĩ chúng tôi không nhất thiết phải thúc đẩy mục tiêu 1,5 độ C".
Wang thêm rằng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 của Trung Quốc tham vọng hơn mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C.
Hội nghị khí hậu COP26 khai mạc tại Glassgow, Anh hôm 31/10. Ảnh: Reuters.
Zou Ji, chủ tịch Quỹ Năng lượng Trung Quốc, chia sẻ dựa trên phân tích dữ liệu từ năm 2010 tới 2018, viện nghiên cứu của ông cho rằng khả năng cao Trung Quốc sẽ đạt mức đỉnh điểm phát thải khí vào năm 2025.
Nghiên cứu của WRI vào năm ngoái cũng đưa ra kết luận tương tự, khi cho rằng Trung Quốc có thể đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2026 và có thể hưởng lợi về mặt kinh tế trong dài hạn bằng cách tăng cường các chính sách năng lượng, khí hậu từ bây giờ.
"Trung Quốc đã đúng khi nói rằng các nước phải tập trung vào hành động. Điều đó không làm thay đổi thực tế rằng Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, cần phải làm nhiều hơn. Không phải vì phần còn lại của thế giới mà để cứu chính họ", Alexandra Hackbarth, cố vấn chính sách cấp cao của E3G, tổ chức tư vấn quốc tế về biến đổi khí hậu, nói.
Lụt lội nghiêm trọng tiếp tục lan rộng tại Australia Mưa lớn liên tục trong nhiều ngày đang gây ra tình trạng lụt lội nghiêm trọng tại một số vùng phía Đông của Australia. Trong những ngày tới, mưa vẫn tiếp diễn khiến cho diện tích bị lụt lội sẽ tiếp tục lan rộng. Mưa lớn liên tục trong tuần qua tại bang Queensland và New South Wales của Australia đang làm cho...