Đại hội cổ đông ngân hàng năm 2020: Vẫn ‘nóng’ chuyện tăng vốn
Năm 2019, đại hội cổ đông của nhiều ngân hàng lớn “ nóng” chuyện tăng vốn. Năm nay, sức nóng của câu chuyện này vẫn được lan truyền khi một số ngân hàng lớn mặc dù đã bán vốn thành công trong năm 2019 vẫn có ý định chào bán tiếp trong thời gian tới, trong khi một số ngân hàng khác lại rục rịch tăng vốn theo những cách khác nhau.
Đại hội cổ đông ngân hàng năm 2020: Vẫn ‘nóng’ chuyện tăng vốn
Đầu tiên phải kể đến trường hợp của BIDV. Ngay trong tuần đầu tháng 3, BIDV sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên tiến hành sự kiện thường kỳ quan trọng bậc nhất đối với giới đầu tư này.
Hiện tại, tài liệu đại hội đã được công bố, hé lộ một số kế hoạch đáng chú ý như: mục tiêu lợi nhuận 2020 tăng 15% dù tín dụng kế hoạch hiện tại chỉ tăng 9%; phương án tăng vốn điều lệ, trong đó chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% và dự tính bán thêm 6% vốn…
Một trong những điểm đáng lưu tâm tại đại hội là kế hoạch bán vốn. Sau nhiều năm thai nghén, đàm phán, ký kết thỏa thuận…, năm 2019, BIDV đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi với việc bán cho KEB Hana Bank 15% vốn với mức giá được cho là khá cao ở thời điểm đó, khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu đã điều chỉnh cổ tức (KEB Hana Bank từ chối nhận cổ tức tiền mặt năm 2017 và năm 2018), thu về trên 20.000 tỷ đồng.
Thương vụ này rục rịch từ hồi cổ phiếu BID của BIDV còn có giá 2x, sau đó bất chấp “cú sốc” vỡ mốc 1.200 điểm khiến hàng loạt cổ phiếu “đổ đèo” và giữ ở mức giá thấp trong thời gian dài, cổ phiếu BID mặc dù cũng giảm mạnh nhưng nhanh chóng tăng điểm liên tục ngay trước thời gian “cao điểm” chốt thương vụ bán vốn.
Sau giao dịch bán vốn, cổ phiếu BID tiếp tục tăng, có lúc vượt 55.000 đồng/cổ phiếu. Hiện đang giao dịch ở mức giá khoảng 45.000 đồng/cổ phiếu.
BIDV đang có kế hoạch bán tiếp khoảng 6% vốn điều lệ (sau phát hành) nhưng sự thành công của thương vụ này phụ thuộc lớn vào diễn biến giá cổ phiếu. Với mức giá như hiện tại (tăng 43% trong một năm qua), lãnh đạo BIDV liệu có tự tin bán vốn thành công? Nên nhớ, BIDV là ngân hàng quốc doanh, vì vậy không cho phép bán vốn với giá thấp hơn mức giá đang giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Một điểm khác cũng cần lưu tâm trong đại hội tới là chia sẻ về thời hạn tất toàn toàn bộ nợ xấu tại VAMC của BIDV. Điều này được dự báo là trong tầm tay. Dữ liệu cho thấy nếu gộp cả nợ xấu nội bảng và nợ chưa dự phòng tại VAMC thì tỷ lệ nợ xấu của BIDV cuối năm 2019 vẫn khá thấp, dưới 2%.
Với mức nợ xấu như trên, BIDV hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1,6% như đã đề ra cho năm 2020, đồng thời vẫn tất toán được toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC.
Nhiều khả năng chính áp lực trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu giảm đi trong năm 2020 là nguyên nhân khiến BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 15% dù kịch bản này được xây dựng trên kế hoạch tăng trưởng tín dụng chỉ 9% (theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao).
Video đang HOT
Năm 2019, để đạt được tăng trưởng lợi nhuận 15%, dư nợ tín dụng của BIDV đã tăng 12,2% (theo số liệu cung cấp từ ban lãnh đạo BIDV). Hồi đầu năm, BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12%, dựa trên hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.
Có phần trái ngược với BIDV là trường hợp của ngân hàng MB.
MB cũng vừa bán xong vốn. Tuy nhiên, có hai điểm đáng chú ý cần làm rõ ở đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Một là vì sao MB đến nay mới chỉ bán được 1/3 lượng vốn dự tính bán theo kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 thông qua. Hai là mức giá 27.000 đồng cho mỗi cổ phiếu phát hành riêng lẻ liệu đã “công bằng” cho một ngân hàng top đầu, an toàn và tăng trưởng lợi nhuận thuộc hàng mạnh mẽ nhất trong hệ thống ngân hàng?
Chính tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái đã nêu kỳ vọng phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với giá “3x, thậm chí 4x”. Tuy nhiên, thực tế mức thực hiện được thậm chí dưới giá 3x.
Nhìn lại, diễn biến giá cổ phiếu MBB có phần không thuận lợi. Như trường hợp của BIDV cũng như nhiều ngân hàng khác, trước thềm bán vốn một thời gian, cổ phiếu sẽ tăng khá mạnh và do đó, ngân hàng có thể bán vốn với giá cao hơn.
Tuy nhiên, với trường hợp của MB, cổ phiếu MBB thường xuyên “lẹt đẹt” ở mức giá quanh 20.000 – 22.000 đồng/cổ phiếu với định giá P/E và P/B khá thấp cho một ngân hàng top đầu. Với mức giá này, lãnh đạo MB khó có thể “mặc cả” giá cao khi bán vốn.
Và nếu thị giá MBB vẫn ở mức như hiện tại, triển vọng bán 2/3 lượng vốn còn lại theo kế hoạch đặt ra ban đầu với giá “3x, thậm chí 4x” sẽ tiếp tục gặp khó. Tình hình còn kém khả quan hơn khi dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ tới thị trường nói chung và giá của các cổ phiếu bluechip nói riêng.
Câu chuyện tăng vốn dự kiến cũng sẽ làm nóng hội trường đại hội cổ đông thường niên của VietinBank.
Đang có những ánh sáng le lói cho triển vọng tăng vốn cho VietinBank ngay trong năm 2020 khi phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu nhiều khả năng sẽ được thông qua. Bên cạnh đó, phát biểu “sẽ bố trí 10.000 tỷ đồng để tăng vốn cho VietinBank và Vietcombank trong quý I/2020″ của lãnh đạo Chính phủ gần đây cũng khiến không ít nhà đầu tư “đặt cược” vào khả năng tăng vốn trong ngắn hạn của VietinBank.
Ở một diễn biến liên quan, cổ phiếu CTG của VietinBank đã tăng tới 23% kể từ đầu năm, một phần nhờ kỳ vọng tăng vốn. Kỳ vọng này cần được làm rõ hơn trong đại hội đồng cổ đông sắp tới với chia sẻ về tình hình cũng như lộ trình tăng vốn từ ban lãnh đạo VietinBank, bởi trên thực tế, việc tăng vốn bằng ngân sách giai đoạn 2016 – 2020 đang bị vướng các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau một năm bán vốn thành công ngoài mong đợi, BIDV tiếp tục lên kế hoạch bán thêm khoảng 6% vốn (sau phát hành)
Tăng vốn cũng là câu chuyện đáng chú ý ở Vietcombank. Nếu tiếp tục giữ được mức tăng lợi nhuận ấn tượng trong các năm tới, mức giá hiện tại có thể vẫn còn hấp dẫn các nhà đầu tư dù đã tăng liên tục trong hai năm qua, triển vọng tăng vốn theo đó cũng sáng sủa hơn.
Theo đó, kế hoạch lợi nhuận từ nay đến hết nhiệm kỳ (năm 2013) và thậm chí là xa hơn nữa sẽ là một dữ liệu quan trọng bậc nhất trong chuỗi dữ liệu để giới đầu tư đánh giá đúng đắn hơn về định giá hiện tại và tương lai của Vietcombank cũng như cổ phiếu VCB, cũng là để đánh giá chính xác hơn về triển vọng tăng vốn của ngân hàng này.
Hiện Vietcombank đang là doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 2 sàn HoSE xét về giá trị vốn hóa, chỉ đứng sau Vingroup.
Câu chuyện tăng vốn dự kiến cũng sẽ “nóng” ở đại hội đồng cổ đông VPBank, nhưng theo cách khác.
Theo tường thuật của Công ty Chứng khoán SSI tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư VPBank diễn ra gần đây, ban lãnh đạo VPBank cho biết đang thảo luận về việc IPO hay chuyển nhượng cổ phần cho đối tác chiến lược của FE Credit. Ban lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết đang chờ phê duyệt và kỳ vọng kế hoạch sẽ thực hiện trong năm nay.
Việc bán vốn tại FE Credit là nguyên nhân hàng đầu giúp cổ phiếu VPB của VPBank tăng rất mạnh từ đầu năm, so với thị giá kết thúc phiên giao dịch gần nhất (28/2) đã tăng tới 36%.
Nếu bán thành công, Ngân hàng mẹ – VPBank dự kiến sẽ đem về khoản thặng dư không nhỏ, bổ sung lượng vốn đáng kể cho chặng đường phát triển sắp tới.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), việc thoái vốn một phần khỏi FE Credit và vẫn giữ lại quyền kiểm soát (trên 51%) sẽ là một lựa chọn đúng đắn cho cổ đông của VPBank, không chỉ ở mưc độ Ngân hàng mẹ mà quan trọng hơn là ở cả mưc độ hợp nhất, bởi tỷ trọng đóng góp của FE Credit trong lợi nhuận hợp nhất đang ngày càng giảm.
Bên cạnh tăng vốn, nhiều câu chuyện khác dự kiến làm nóng đại hội cổ đông ngân hàng năm 2020 cũng rất đáng chờ đợi, chẳng hạn như tiến trình xử lý nợ xấu của Sacombank, tiến độ sáp nhập PGBank của HDBank, lộ trình triển khai bancassurance độc quyền tại ACB, “cán cân quyền lực” tại Eximbank, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận những năm tới của các “hiện tượng lợi nhuận” VIB và TPBank, hay thời gian lên sàn cụ thể của các ngân hàng chưa lên sàn như VietCapitalBank, MSB, OCB…
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Tăng vốn cho "ông lớn" ngân hàng, đừng quên thoái vốn nhà nước
Việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước theo cách chia cổ tức bằng cổ phiếu được cho là hợp lý và kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, thoái vốn nhà nước là giải pháp cần thiết để các nhà băng này hoạt động hiệu quả theo thị trường.
Cách tăng vốn bền vững và hợp lý tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là thoái vốn nhà nước. Ảnh: Nhã Chi
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.
Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết đã đề xuất giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 70% trong ba năm, qua đó, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng ít nhất 25.900 tỷ đồng.
Nội dung tăng vốn cho các "ông lớn" ngân hàng cũng được nêu rõ tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Theo đó, Chính phủ yêu cầu kịp thời tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn và Ngân hàng Agribank.
Để thực hiện chủ trương này, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan để trình Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2018/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Trong đó bổ sung "ngân hàng thương mại Nhà nước giữ cổ phần chi phối" vào danh mục ngành, lĩnh vực doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Như vậy, nếu nội dung tăng vốn như trên tại Dự thảo Nghị định sửa đổi được ban hành, các ngân hàng cổ phần này có thể tăng vốn điều lệ thông qua sử dụng một phần cổ tức của doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, đây là chủ trương phù hợp với bối cảnh cần vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước hiện nay. "Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất các phương án gỡ khó về vốn bằng cách giữ lại cổ tức, song vẫn vướng một số quy định về pháp lý và khó khăn trong thu ngân sách nhà nước. Giờ đây, việc sửa đổi các quy định pháp lý cho phù hợp để tăng vốn, đồng thời, giải quyết thu ngân sách nhà nước bằng các giải pháp khác là hợp lý", ông Lực nói.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng, việc thực hiện ngay chủ trương này trong quý I/2020 có thể chưa kịp, bởi cần chuẩn bị đủ thời gian cho quy trình pháp lý và thủ tục chia cổ tức và giữ lại cổ tức.
Như vậy, chủ trương tăng vốn này sẽ là bước ngoặt, tạo tiền lệ cho các đợt tăng vốn lần sau. "Thông thường, doanh nghiệp lớn ở các nước khác thường giữ lại 20 - 40% cổ tức hằng năm để đầu tư cho tương lai. Tại Việt Nam, việc các ngân hàng thương mại nhà nước chia cổ tức bằng tiền, sau đó cổ đông nhà nước chuyển tiền này về ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ thu ngân sách nhà nước, song không nên kéo dài mà cần giải quyết bằng các giải pháp khác đề tăng thu ngân sách nhà nước", ông Lực nói.
Trong khi đó, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cách tăng vốn bền vững và hợp lý tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là thoái vốn nhà nước. "Việc đẩy mạnh cổ phần hóa hoặc tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các ngân hàng này là cần thiết để đưa hoạt động của các ngân hàng theo thị trường và chịu sự điều tiết của các chính sách kinh tế chung. Đó mới là cách làm bài bản để các ngân hàng thương mại Việt Nam thực sự lớn mạnh trong giai đoạn hội nhập sắp tới", ông Đức nhấn mạnh.
Xuân Yến
Theo Baodauthau.vn
Phi từ 10.000 lên 60.000 đồng trong chưa đầy 2 tháng, GAB quyết định chào bán cổ phiếu tăng vốn gấp 5 lần Cổ phiếu GAB đã tăng trần 29 phiên tron tổng số 31 phiên giao dịch gần đây. Trong những ngày đầu năm 2019, trong khi loạt cổ phiếu giảm giá do ảnh hưởng tâm lý từ dịch Corona, thì trên thị trường vẫn xuất hiện những cổ phiếu tăng mạnh - thậm chí như GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản...