Đại học ở Mỹ bị phát hiện lén theo dõi sinh viên
17 sinh viên ở Trường Y Geisel (Mỹ) bị nhà trường kết luận gian lận thi cử sau khi theo dõi hệ thống quản lý học tập của mỗi người. Vụ việc gây nhiều tranh cãi về tính khách quan.
Sirey Zhang, sinh viên năm nhất tại Trường Y Geisel thuộc Đại học Dartmouth (Mỹ), đang trong kỳ nghỉ xuân vào tháng 3 thì nhận được email từ nhà trường, cáo buộc anh gian lận trong bài kiểm tra, theo New York Times.
Nhà trường cho hay đã xem xét hoạt động trực tuyến của Zhang trên Canvas, một hệ thống quản lý học tập. Dữ liệu chỉ ra rằng Zhang đã tra cứu tài liệu cho câu hỏi trong bài thi, vi phạm nội quy và có thể bị đuổi học.
Các sinh viên tại Trường Y Geisel biểu tình bên ngoài văn phòng của hiệu trưởng sau khi 17 bạn cùng lớp của họ bị cáo buộc gian lận trong các kỳ thi trực tuyến. Ảnh: NY Times.
Ngoài Zhang, 16 sinh viên khác cũng nhận cáo buộc tương tự. Vụ việc khiến những người bất bình, chỉ trích ban giám hiệu đối xử bất công, thiếu tôn trọng sinh viên.
Trọng tâm của sự chỉ trích là việc nhà trường lén theo dõi hoạt động của sinh viên trong các kỳ thi trực tuyến mà họ không hề hay biết và các lý lẽ luận tội đưa ra còn quá chủ quan.
Cáo buộc gian lận thi cử
“Tôi không hề quay cóp. Những gì nhà trường đối xử với tôi gần đây là trải nghiệm đáng sợ và cô lập nhất tôi từng trải qua”, Zhang nói.
Nhưng khi văn phòng nhà trường đề nghị nam sinh viên sẽ được hưởng mức kỷ luật nhẹ hơn nếu chịu nhận tội, Zhang thấy mình không còn lựa chọn nào khác. Khả năng cho thôi học và bị ghi vi phạm vào hồ sơ học tập sẽ ảnh hưởng xấu đến giấc mơ hành nghề y của anh.
Cuộc điều tra gian lận thi cử của Trường Y Geisel bắt đầu từ tháng 1, sau khi văn phòng nhà trường nhận thấy sự bất thường trong dữ liệu, cho thấy các sinh viên truy cập vào hệ thống quản lý học tập trong khi làm bài thi, nơi có thể tra cứu tài liệu.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ độc lập, việc kết luận gian lận từ những dữ liệu này chưa đủ thuyết phục, dễ dẫn đến cáo buộc sai lầm.
Trong khi các trường đại học ở Mỹ từ lâu đã sử dụng phần mềm chống đạo văn và các ứng dụng chống gian lận khác, đại dịch Covid-19 đã đẩy hàng trăm trường học chuyển sang hình thức học từ xa, dẫn đến những biện pháp kiểm soát cực đoan hơn.
Trường Y Geisel được thành lập năm 1797, là một trong những trường y lâu đời nhất tại Mỹ. Ảnh: Getty.
Năm ngoái, nhiều trường yêu cầu sinh viên tải xuống phần mềm có thể chiếm quyền điều khiển máy tính của họ khi thi trực tuyến, hay sử dụng webcam theo dõi chuyển động mắt của họ để tìm hành vi đáng ngờ. Các cách làm này bị chỉ trích là xâm hại quyền riêng tư, không an toàn và khó chính xác.
Các sinh viên ở Geisel cho biết họ thường mở hàng chục trang khóa học trên Canvas mà hiếm khi đăng xuất. Theo phân tích của phóng viên công nghệ New York Times , các trang này tự động tạo ra dữ liệu hoạt động ngay cả khi không có người sử dụng.
“Nếu các trường khác tuân theo tiền lệ mà Đại học Dartmouth đang đặt ra ở đây, thì bất kỳ học sinh nào cũng có thể bị buộc tội dựa trên những bằng chứng kỹ thuật mỏng manh nhất”, Cooper Quintin, nhân viên công nghệ cấp cao tại Electronic Frontier Foundation, một tổ chức quyền kỹ thuật số, cho hay.
Biểu tình phản đối
Những người bất bình với cách ban giám hiệu xử lý vụ việc đã tổ chức một cuộc biểu tình trong khuôn viên trường. Một số người trong nhóm sinh viên cho hay họ được khuyên nên thừa nhận cáo buộc từ nhà trường để nhận hình phạt nhẹ hơn.
Đến tháng 3, 17 sinh viên bị buộc tội phải tham gia các buổi điều trần với Ủy ban về hành vi sinh viên của nhà trường. 7 người đã bác bỏ những cáo buộc chống lại họ.
Hồi giữa tháng 4, 10 người còn lại được thông báo về các phương án kỷ luật được đề xuất. Đến giờ, 3 người đã bị đuổi học.
Những lập luận, bằng chứng do nhà trường đưa ra bị chỉ trích là còn nhiều lỗ hổng, chưa đủ căn cứ kết luận. Ảnh: NY Times.
Trong bản kiến nghị thu thập chữ ký của 160 sinh viên, những người bị buộc tội cho hay họ đang trải qua thời gian khủng hoảng, hoảng loạn và mất ăn, mất ngủ.
“Các sinh viên cảm thấy rằng họ đang đứng giữa hai lựa chọn: Nhận tội hoặc chấp nhận tương lai trở thành bác sĩ sẽ khó khăn hơn”, bản kiến nghị viết.
Về phía nhà trường, Duane A. Compton, hiệu trưởng của Trường Y Geisel, cho biết ban giám hiệu đã điều tra kỹ càng. Các quản trị viên đã kiểm tra cẩn thận và cung cấp cho các sinh viên bị buộc tội tất cả dữ liệu, bằng chứng cần thiết.
Ông Compton cũng phủ nhận thông tin sinh viên được khuyên nên nhận tội dù không gian lận và có thể kháng nghị nếu có bằng chứng cho thấy ủy ban nhà trường sai phạm trong quá trình xử lý.
“Chúng tôi đang làm việc để đảm bảo rằng bất kỳ mối quan tâm liên quan nào sẽ được giải quyết một cách công bằng và kịp thời”, vị hiệu trường cho hay.
Joshua Wong bị kết án tù hơn một năm
Thủ lĩnh phong trào "ô dù" Joshua Wong bị tòa án Hong Kong kết án 13,5 tháng tù vì tham gia các cuộc biểu tình năm ngoái.
Joshua Wong, 24 tuổi, hôm nay bị xét xử cùng Ivan Lam và Agnes Chow vì liên quan đến cuộc biểu tình chống chính quyền diễn ra vào mùa hè năm ngoái bên ngoài trụ sở cảnh sát ở Hong Kong.
"Các bị cáo đã kêu gọi người biểu tình bao vậy trụ sở cảnh sát và hô khẩu hiệu làm ảnh hưởng tới lực lượng cảnh sát", thẩm phán Wong Sze-lai nói khi tuyên án Wong 13,5 tháng tù, Chow 10 tháng tù và Lam 7 tháng. Án tù này có hiệu lực ngay lập tức.
Chow, 23 tuổi, đã bật khóc khi phán quyết được đưa ra. "Những ngày phía trước sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ đứng vững", Wong nói lớn khi bị cảnh sát dẫn đi.
Joshua Wong đến tòa án ở Hong Kong hôm 3/11. Ảnh: Reuters .
Cả ba trước đó đã thừa nhận nhiều tội danh, bao gồm kích động tụ tập bất hợp pháp. Wong, Chow và Lam đã tham gia phong trào biểu tình ở Hong Kong khi còn ở tuổi vị thành niên. Cả ba từng tổ chức các cuộc biểu tình năm 2012 để phản đối chính quyền đưa một môn học bắt buộc về giáo dục quốc gia vào chương trình giảng dạy. Chính quyền đặc khu cuối cùng chấp nhận nguyện vọng này.
Lau Siu-kai, quan chức trong nhóm cố vấn hàng đầu của Bắc Kinh về các vấn đề Hong Kong, cho biết mục tiêu của kế hoạch giáo dục này là khiến giới trẻ Hong Kong tuân thủ luật pháp, sau đó truyền lòng tự hào dân tộc cho họ.
Wong trở thành thủ lĩnh của phong trào biểu tình "ô dù" do sinh viên lãnh đạo vào năm 2014 nhằm phản đối Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào cuộc bầu cử trưởng đặc khu Hong Kong năm 2017. Phong trào được gọi là biểu tình "ô dù" do người tham gia mang theo ô để che mưa, nắng và bảo vệ trước hơi cay.
Từ trái qua phải: Agnes Chow, Ivan Lam và Joshua Wong trả lời báo chí trước phiên tòa hôm 23/11. Ảnh: AFP .
Joshua Wong thành lập đảng Demosisto năm 2016 và cho biết một trong những mục tiêu của đảng này là đòi quyền tự quyết cho đặc khu Hong Kong sau năm 2047. Đây là thời điểm hết hiệu lực của Tuyên bố chung Trung - Anh, trong đó quy định Hong Kong được quyền duy trì hệ thống pháp lý và tiền tệ riêng, độc lập với Trung Quốc đại lục theo mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" trong thời hạn 50 năm kể từ khi đặc khu được trao trả vào năm 1997.
Đầu năm nay, Wong cùng với 11 chính trị gia và nhà hoạt động bị truất quyền tranh cử. Wong cũng rời Demosisto và đảng cũng giải tán hồi cuối tháng 6, vài giờ sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong. Joshua Wong từng bày tỏ lo ngại sẽ bị "nhắm mục tiêu" khi luật an ninh Hong Kong có hiệu lực.
Chuyến bay đầu tiên đón sinh viên quốc tế đến Australia Sau 9 tháng trì hoãn, chuyến bay đầu tiên đón sinh viên quốc tế dự kiến sẽ đến Australia vào sáng 30/11. Các sinh viên trên chuyến bay sẽ phải cách ly y tế tập trung trong 2 tuần sau đó sẽ làm các thủ tục nhập học theo quy định. Khoảng 70 sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc đại lục,...