Đại gia Xuân Trường nói “mời cũng chẳng làm” siêu dự án ở chùa Hương
Ông Nguyễn Văn Trường – GĐ doanh nghiệp Xuân Trường – bất ngờ khẳng định rằng ông “chỉ gợi ý” cho Hà Nội về siêu dự án tâm linh 15.000 tỷ đồng tại Chùa Hương, còn cá nhân ông đang rất bận, “có khi mời cũng chẳng làm”.
Liên quan đến các ồn ào về đề xuất xây dựng siêu dự án tâm linh quy mô 15.000 tỷ đồng tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), mới đây, đại gia Nguyễn Văn Trường đã đồng ý chia sẻ quan điểm riêng với PV Báo Lao Động.
Ông Trường cho hay, đây chỉ là “gợi ý” của đơn vị đối với UBND TP.Hà Nội để có một cảnh quan xứng tầm, chứ chưa phải quyết định cuối cùng.
Trước các ý kiến phản đối từ báo chí và dư luận, ông Trường lộ rõ sự không hài lòng. Ông nói: “Tôi không quan tâm vì tôi chỉ gợi ý.
Ông Nguyễn Văn Trường, ông chủ của DN Xuân Trường. Đồ họa: LN.
Đã doanh nghiệp nào của đất nước này làm được di sản chưa mà lại bảo tôi phá di tích, đã chuyên gia nào làm được chưa?.
Hơn nữa, tôi còn đang tập trung chuẩn bị cho Đại lễ Vesak 2019, có khi mời tôi cũng chẳng làm. Tôi chỉ gợi ý cho tất cả các doanh nghiệp. Tôi chỉ làm chủ trương thôi. Làm gì có doanh nghiệp nào đi làm chùa?”.
Về các văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng liên quan trong thời gian vừa qua, đại gia quê Ninh Bình khẳng định đó chỉ là văn bản mang tính khuyến cáo, không có nghĩa là đề xuất xin dự án.
“Tỉnh nào tôi chẳng khuyến cáo. Chúng tôi chỉ nói rằng phải giữ gìn lấy di sản. Đừng nghe mấy ông lợi ích nhóm nói chúng tôi là phá môi trường thế nọ thế kia”.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Trường cũng cho biết, liên quan đến siêu dự án kể trên, ông đã đưa khuyến cáo với UBND TP.Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng cố gắng tu sửa chùa. Cá nhân ông sẵn lòng tiến cúng để ngôi chùa khang trang lên, sau đó làm hồ sơ thành di sản…
“Hơn nữa, chúng ta thấy tại sao thế giới làm được những con đường hành hương hàng nghìn km? Đây ở nước ta cứ mỗi chỗ một ít, không kết nối được. Tôi muốn kết nối Hà Nội, Phú Thọ với Ninh Bình mà chưa làm dư luận đã không hiểu”, ông Trường cho biết thêm.
Trước đó, như Lao Động đã phản ánh, nhiều chuyên gia và các nhà văn hoá đã bày tỏ lo ngại siêu dự án 15.000 tỉ này có thể phá vỡ nguyên trạng di sản, ảnh hưởng đến văn hoá và hệ sinh thái khu vực chùa Hương.
Mặc dù ông Nguyễn Văn Trường nhiều lần khẳng định “không quan tâm” nhưng qua các văn bản DN Xuân Trường gửi UBND TP.Hà Nội trước đây, lại thể hiện những đề xuất khá cụ thể.
Cụ thể, ngay tại văn bản đầu tiên số 212/CV-DNXT gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP.Hà Nội ngày 25.7.2018, do ông Nguyễn Văn Trường ký đã có đoạn: “Doanh nghiệp khẳng định rằng nếu TP.Hà Nội đồng ý, chúng tôi sẽ đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng bao gồm các hạng mục chính”.
Còn tại công văn số 5630/KH&ĐT-NNS ngày 4.9.2018 của Sở KHĐT gửi UBND TP.Hà Nội thì lại cho biết tại cuộc họp liên ngành ngày 14.8.2018 để nghe ý kiến về dự án, thành phần tham dự có cả DN Xuân Trường.
Đặc biệt mới đây nhất, ngày 7.11.2018, tại công văn số 315/CV-DNXT gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP.Hà Nội kèm bản tóm tắt dự án, cũng do ông Nguyễn Văn Trường ký thì ngoài 4 phần việc như đã đề xuất lần trước, ông Trường còn bổ sung các hạng mục “khủng” khác.
Ngoài ra ông Trường cũng đề xuất hình thành tuyến đường du lịch tâm linh nối Thủ đô Hà Nội với cố đô Hoa Lư, Ninh Bình đi qua các Khu du lịch do DN Xuân Trường xây dựng…
Theo Long Nguyễn – Đình Trường (Lao động)
Hàng trăm ngàn tàu thuyền nhỏ trốn đăng kiểm
Theo quy định của Luật Giao thông Đường thủy nội địa (ĐTNĐ), các phương tiện thủy loại nhỏ phải đăng ký, đăng kiểm mới được tham gia giao thông...
Phương tiện thủy loại nhỏ hoạt động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Thế nhưng, sau 17 năm triển khai luật, đa phần các phương tiện loại này chưa chấp hành đăng kiểm hoặc không quay lại đăng kiểm định kỳ...
Từ lách luật đến... trốn tránh
Khu danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương, xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) hiện có hơn 3.600 phương tiện thủy (đò) chèo tay chở khách du lịch trên suối Yến. Trong khoảng 3 tháng lễ hội đầu năm, hầu như tất cả các phương tiện đều được đưa vào chở khách. Thời gian còn lại do không có khách nên chỉ một số phương tiện luân phiên hoạt động.
Những chiếc đò trên làm bằng vỏ tôn, khung sắt, được chính quyền địa phương, Ban tổ chức lễ hội quy định chỉ chở tối đa 12 người. Đây cũng là mức phương tiện thô sơ không phải đăng kiểm kỹ thuật mà chỉ cần quản lý bằng đăng ký. Quy định là vậy nhưng thực tế nhiều đò được thiết kế và chở 20-30 khách. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, thực tế có 4 loại đò: Chở đến 6 người, 10-12 người, chở 20-25 người và đến 40 người.
Theo quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ có hiệu lực từ năm 2005, các phương tiện không có động cơ, sức chở trên 12 người đều thuộc diện phải đăng kiểm. Dẫu vậy, nhiều năm qua, chưa đò nào tại chùa Hương có chứng nhận đăng kiểm. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, nguyên nhân vì các phương tiện đều do người dân tự đóng, không có hồ sơ nguồn gốc, thiết kế kỹ thuật nên không đủ điều kiện đăng kiểm.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nhằm giải quyết vướng mắc trên, nhiều năm trước, Cục Đăng kiểm VN đã tổ chức thực nghiệm đánh giá thực tế phương tiện để làm cơ sở cấp chứng nhận kiểm định, nhưng cũng đành... bó tay. Bởi, theo lãnh đạo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN, kết quả thử nghiệm là phương tiện không đảm bảo tính ổn định khi hoạt động, chưa kể kết cấu khung phương tiện không đảm bảo vững chắc, độ dày vỏ phương tiện không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Từ đó đến nay, nhiều phương tiện ở khu vực trên vẫn chở quá 12 người dù không có chứng nhận đăng kiểm nhưng không bị xử phạt, đình chỉ hoạt động.
Theo Cục Đăng kiểm VN, không chỉ chùa Hương, tại nhiều địa phương trên toàn quốc cũng đang phổ biến tình trạng phương tiện thủy loại nhỏ không chấp hành quy định đăng kiểm. Lãnh đạo một số đơn vị đăng kiểm thủy phía Nam cho biết, hầu hết phương tiện chở hoa quả, hàng hóa nông sản, ghe máy phục vụ đi lại hàng ngày của người dân chưa có chứng nhận đăng kiểm hoặc đã hết hạn đăng kiểm nhưng không quay lại kiểm định.
Ông Lê Văn Biếu, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Tiền Giang cho biết, lực lượng đăng kiểm đến trực tiếp huyện, xã để đăng kiểm phương tiện tại chỗ cho người dân, nhưng đa phần chủ phương tiện không đưa phương tiện đến đăng kiểm. "Nhiều chủ phương tiện là người nghèo, đi chở thuê, chở mướn trái cây nên cũng chẳng muốn mất tiền để đăng kiểm phương tiện", ông Biếu nói.
Ông Dương Văn Chú, nguyên lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy tại Bắc Kạn cũng cho biết, trên địa bàn chủ yếu có phương tiện thủy loại nhỏ, trung bình chở nông sản, khách trên hồ Ba Bể nhưng việc tuyên truyền, vận động chủ phương tiện chở hàng thực hiện kiểm định rất khó khăn.
Theo Cục Đăng kiểm VN, trong điều kiện hiện nay, cần xem xét sửa đổi Luật Giao thông ĐTNĐ theo hướng không bắt buộc đăng kiểm đối với phương tiện thủy loại có trọng tải toàn phần 5-15 tấn, công suất máy 5-15 CV để quản lý phù hợp với thực tế.
Đề xuất không bắt buộc kiểm định
Từ năm 2005, Luật Giao thông ĐTNĐ quy định tại Khoản 2, Điều 24, phương tiện thủy không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5-15 tấn, có động cơ tổng công suất máy chính từ 5-15CV phải đăng ký, đăng kiểm mới được tham gia giao thông. Quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ nhất đối với loại phương tiện cỡ nhỏ này, góp phần hạn chế TNGT.
Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm VN, sau hơn 17 năm triển khai, còn số lượng lớn phương tiện chưa thực hiện đăng kiểm lần đầu hoặc không quay lại đăng kiểm. Cụ thể, theo kết quả tổng điều tra năm 2007, toàn quốc có khoảng 235.000 phương tiện thủy nhóm trên, nhưng đến nay mới có 150.000 chiếc đã chấp hành đăng kiểm. Tuy nhiên, trong số các phương tiện đã đăng kiểm, có tới 70% (105.000 chiếc) không quay lại đăng kiểm định kỳ. Như vậy, thực tế có khoảng 190.000/235.000 phương tiện loại trên không thực hiện đăng kiểm theo quy định của luật.
Theo ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, những năm qua giao thông đường bộ phát triển nên phương tiện nhóm trên không còn nhiều như số liệu thống kê cách đây hơn 17 năm. Song thực tế là số lượng lớn phương tiện chưa thực hiện quy định về đăng kiểm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó liên quan đến điều kiện kinh tế, nhận thức của chủ phương tiện.
"Phương tiện loại này chủ yếu hoạt động trong phạm vi hẹp, trong khi chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được rộng khắp và quyết liệt trong xử lý vi phạm về đăng kiểm phương tiện. Mặt khác, phương tiện nhỏ chủ yếu của người dân nghèo, kinh tế khó khăn và nhận thức hạn chế về pháp luật giao thông đường thủy nên cũng là nguyên nhân khiến đăng kiểm đạt tỷ lệ thấp", ông Trần Kỳ Hình nói và cho rằng, cần đánh giá, xem xét lại quy định về đăng kiểm đối với phương tiện nhóm trên cho phù hợp thực tế.
Hồng Xiêm
Theo atgt
Đôi chân kỳ diệu của cô bé "chim cánh cụt" Sinh ra với khiếm khuyết đôi tay và khoèo chân, thiếu ngón nhưng cô bé khuyết tật này vẫn có thể làm mọi việc bằng đôi chân bé nhỏ của mình khiến ai cũng phải yêu mến và nể phục nghị lực phi thường của cô. Trong cô bé ấy có một tinh thần sống mãnh liệt truyền cảm hứng tới mọi người...