“Đại gia” ngày xách vữa, tối ngủ biệt thự “triệu đô”
Ít ai biết rằng, căn biệt thự triệu đô ấy lại là nơi tá túc của bốn cặp vợ chồng đều làm nghề xây dựng. Vì không có tiền, họ đành chấp nhận việc sống “bầy đàn”, nhiều khi, hai vợ chồng muốn riêng tư một chút cũng không được.
Chỉ trong vòng mấy năm, “cơn bão đóng băng” đã nhấn chìm hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản, khiến nhiều chủ đầu tư “ngã ngựa” giữa chừng và hàng ngàn kẻ đầu cơ tích trữ nhà đất “vỡ nợ”, vướng vào vòng lao lý.
Khi các nhà đầu tư đang quằn quại vì vốn “chết” thì những “đứa con tinh thần” là các khu chung cư, biệt thự… một thời nổi đình nổi đám bỗng biến thành con rơi, con vãi, chẳng ai thèm ngó ngàng tới.
Oái oăn là, nhiều chủ đầu tư đang tỏ ra chán nản thì không ít người cảm thấy vui mừng vì bất động sản “chết đứng”. Đó là những người vô gia cư, con nghiện, các nhóm đạo chích…
Đã từ lâu, những căn biệt thự siêu sang bỗng nhiên trở thành “đại bản doanh” của họ. Bên trong những căn biệt thự triệu USD này là cả một “ thế giới ngầm” mà không phải ai cũng biết.
Đến khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội), bất cứ ai cũng cảm thấy choáng vì hàng trăm căn biệt thự bỏ hoang, cỏ mọc quá đầu người. Tuy nhiên, đằng sau cái đám cỏ rậm rạp, bẩn thỉu đó chính là “thiên đường” của những người vô gia cư.
Người thiếu chỗ ở, kẻ mong muốn gỡ gạc lại chút tiền, họ thương lượng với nhau và kinh doanh trên những căn nhà siêu tiền tỷ.
Dinh thự “ma” và “tỷ phú”… vô gia cư
Một lần ra chợ lao động ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) thuê người sửa lại ngôi nhà, tôi vô tình gặp chị Nguyễn Thị D. (32 tuổi, quê Thanh Thuỷ, Phú Thọ).
Sau khi nhanh chóng thống nhất được giá cả, chị N. đã bốc máy điện thoại gọi cho một nữ đồng nghiệp khác đến làm cùng. Thấy tôi có vẻ sốt ruột, người đàn bà này trấn an: “Chúng tôi ở trọ ở khu đô thị Văn Khê, từ đó ra đây nhanh thôi. Anh chịu khó đợi chút”.
Nghe người đàn bà này nói vậy, tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ. Chẳng ai tin được người làm nghề xách hồ, lại ở trọ trong khu đô thị ngàn tỷ. Chính vì thế sau này, khi đã xong việc, tôi đã xin địa chỉ tìm đến tận chỗ trọ của người phụ nữ này.
Chị N. đang chuẩn bị bữa cơm chiều.
Tôi đến khu đô thị Văn Khê vào một ngày trời nắng gắt. Không giống những khu đô thị khác, việc qua cổng nơi đây rất đơn giản vì không có bảo vệ kiểm tra.
Men theo con đường bê tông bụi mù, tôi đến được những căn biệt thự rộng cả trăm mét vuông nhưng cỏ, cây dại mọc um tùm, tường mốc xanh đỏ vì đã nhiều năm bỏ hoang. Xen kẽ những ngôi nhà đã có người ở được quét sơn bóng loáng là căn biệt thự “ổ chuột”. Đây chính là những “đại bản doanh” của người dân vô gia cư.
Không khó để tôi tìm được đến “hang ổ” của chị N.. Đó là một căn biệt thự hoành tráng nằm giữa trung tâm khu đô thị. Ngôi nhà này được che chắn bằng những chiếc ván gỗ chắp vá đã mục nát. Bên ngoài, những chiếc quần áo lao động được chăng kín mít lối ra vào. Sau khi thấy tôi đến, chị N. chạy ra mời PV vào… biệt thự uống nước.
Bên trong căn biệt thự bỏ hoang này được kê bôn chiếc giường, bàn ghế, bếp gas, cả ti vi và vô số cuốc, xẻng, đồ nghề xây dựng. Theo lời chị N., đây là nơi tá túc của bốn cặp vợ chồng đều làm nghề xây dựng.
Video đang HOT
Đã tám tháng nay, chị là người đứng ra thương lượng với chủ nhà để thuê lại căn biệt thự này. Cứ đến thời điểm cuối tháng, chủ nhà lại đến thu tiền một lần.
Nói chuyện với tôi, chị N. kể: “Trước đây, vợ chồng tôi thuê nhà trọ ở phố Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội). Chỗ đó đi ra chợ lao động rất tiện. Tuy nhiên, năm nay kinh tế khó khăn, có khi cả tuần đứng đường mà chẳng ai thuê đi làm.
Tiền công cả tháng của hai vợ chồng có khi không đủ tiền ăn, thuê nhà. Mới đây, chủ nhà trọ lại tăng tiền phòng, tiền nước. Không chịu được “nhiệt” nên vợ chồng tôi đã chuyển xuống khu Hà Đông thuê nhà.
Mấy lần, tôi được người ta mướn xách hồ ở khu đô thị Văn Khê nên biết nơi này còn nhiều căn biệt thự bỏ hoang. Nghĩ, nhà sẽ còn lâu mới có người ở nên vợ chồng tôi quyết định chuyển đồ xuống đó tá túc được ngày nào hay ngày đó”.
Theo chị N., trước đây, vợ chồng chị sống chui trong các căn biệt thự. Họ phải chọn những căn nào rêu mốc, cỏ mọc kín lối đi để ở, nhằm tránh bị người ta phát hiện.
Lân la, họ kết thân được những người cùng cảnh ngộ, cũng sống chui ở các căn biệt thự gần đó để mua lại điện, nước. Ban ngày đi xách hồ, ban đêm họ lại về căn biệt thự triệu USD ăn uống, tắm giặt và ngủ nghỉ.
Chị N. cho biết, ở đây có khoảng mấy chục cặp vợ chồng sống nhờ những căn nhà bỏ hoang. Họ lấy gỗ làm thành cửa, trước khi đi làm khóa trái lại như chủ nhà.
Nhếch nhác những căn biệt thự trong các khu đô thị ngàn tỷ biến thành nhà trọ.
Cuộc ngã giá của đại gia
Khi nhiều dân vô gia cư đến đây sống chui thì các chủ nhà bắt đầu xuất hiện. Họ đến “bắt tận tay” những vị khách “ăn bám” trong những ngôi biệt thự siêu sang của mình.
“Ban đầu, chủ nhà đến, tôi tưởng họ sẽ kéo chúng tôi ra ban quản lý khu đô thị lập biên bản rồi phạt tiền. Tuy nhiên, những người này nói rằng muốn cho chúng tôi thuê lại căn biệt thự với giá rẻ.
Bởi họ cũng muốn có người ở trong nhà sẽ tránh được việc bọn nghiện, kẻ trộm vào đây trú ngụ. Từ lúc bị phát hiện ở nhờ, những người lao động chúng tôi bàn bạc rồi quyết định sống cùng nhau để tiết kiệm tiền. Sau nhiều lần thương lượng, chủ nhà cho chúng tôi thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng”, chị N. cho biết.
Được biết, chị N. sống cùng ba cặp vợ chồng nữa trong căn biệt thự này. Để “nâng cao” cuộc sống, họ cũng chung tiền mua tivi về xem. Hàng ngày, những người này phân công thời gian đi làm để luôn có người ở nhà trông đồ đạc.
Mỗi người một tỉnh nhưng cùng làm nghề tự do, đã hơn tám tháng qua, tám con người ăn chung mâm, ngủ chung trong ngôi biệt thự cả chục tỷ đồng đó. “Vẫn biết rằng quá nhiều người ở với nhau sẽ rất phức tạp nhưng không có tiền đành chịu thế vậy.
Khi bà con cùng quê đến chơi, tôi cũng cảm thấy ngại vì việc sống “bầy đàn” nhưng chẳng biết làm thế nào. Nhiều khi, hai vợ chồng muốn riêng tư một chút cũng không được”, chị N. chia sẻ.
Theo lời chị N., việc biệt thự chưa hoàn thiện, nhà vệ sinh, buồng tắm không dùng được nên họ phải tự thiết kế. Tuy nhiên, cũng có những người vẫn đang ở chui, vì không phải chịu trách nhiệm với chủ nhà nên xả rác, phóng uế một cách bừa bãi.
Đến khi chủ biệt thự phát hiện, họ lại dọn đồ đi sang căn khác để ở. Vì hành lý chỉ là chiếc chiếu và mấy bộ quần áo nên những người này di chuyển rất nhanh, gọn. Ở khu đô thị Văn Quán, có khi người ta nhảy mấy căn biệt thự một tháng cũng chẳng ai để ý đến.
Trao đổi với PV, chị Hoan (người mua và sống tại khu đô thị Văn Khê) than thở: “Lao động tỉnh ngoài thuê nhà, sống chui ở đây khá nhiều. Tôi cũng ủng hộ vì cuộc sống của họ khó khăn, không có tiền thuê nhà ở trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, việc họ phóng uế, rác thải bừa bãi cũng khiến gia đình tôi và những hộ khác bị ảnh hưởng. Hơn nữa, việc không kiểm soát được những người ở trọ trong khu đô thị cũng là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự an ninh”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có những người vô gia cư thuê, ở chui trong những căn biệt thự siêu sang này mà nhiều cửa hàng cũng “mọc lên” tại một số căn nhà bỏ hoang.
Đến đây, người ta có thể thấy hàng chục quán hàng mọc lên với các biển hiệu rất nhếch nhác. Tất cả các cửa hàng này đều chọn vị trí gần siêu thị và lối đi vào để kinh doanh. Được biết, giá thuê biệt thự làm cửa hàng ở đây dao động từ 4-7 triệu đồng.
Hàng loạt khu đô thị… chuyển công năng
Qua quá trình khảo sát, PV nhận thấy, Văn Khê không phải là khu đô thị duy nhất diễn ra tình trạng biệt thự biến thành nơi ở trọ, ở chui của người lao động. Tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội), dãy nhà liền kề xây thô đằng sau khu chung cư làng Việt Kiều châu Âu được coi là nơi đắc địa cho những quán cơm, cháo, bún phở, cháo lòng, rửa xe… Hay những căn biệt thự, nhà liền kề xây thô cũng ở khu đô thị Trung Văn (Thanh Xuân, Hà Nội) từ lâu cũng biến thành “thiên đường” của hàng chục người không nhà không cửa.
Theo Người đưa tin
Nỗi đau sau thảm án nghịch tử sát hại bà nội
Chỉ vì không có tiền chơi game, biết bà nội mới có chút tiền nhận từ UBND xã về, Võ Nhật Trường đã ra tay với bà nội của mình để lấy số tiền đó.
Vụ án nghiệt ngã này một lần nữa khiến dư luận phải rùng mình, ớn lạnh trước sự mê muội do các trò game online gây ra. Gia đình nạn nhân thì vẫn còn nguyên nỗi đau không biết đến bao giờ nguôi ngoai?
Kẻ thủ ác tàn nhẫn
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 15h ngày 25/8, ông Võ Bá Hg., ngụ thôn Trung Hậu, xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), đi thả bò gần nhà. Khi về nhà, ông Hg. thấy mẹ (bà Trần Thị V., 83 tuổi, ông Hg. là con trai út) nằm bất tỉnh bên hông nhà, trên đầu bị thương máu chảy nhiều nên hô hoán cho mọi người trong xóm đến đưa mẹ đi cấp cứu.
Nhận tin báo, công huyện Phù Mỹ cùng công an xã Mỹ Chánh Tây đến hiện trường lập biên bản, đồng thời báo vụ việc lên công an tỉnh Bình Định. Qua xác minh tại hiện trường và thương tích nơi vùng đầu bà V., các cơ quan chức năng xác định nạn nhân bị đánh bất ngờ từ phía sau bằng vật cứng.
Ông Hg. chỉ hiện trường xảy ra vụ án.
Mọi nghi vấn cho thấy có nhiều khả năng là Võ Nhật Trường (15 tuổi), cháu nội bà V.. Trường là con thứ của vợ chồng ông Võ Bá H. (51 tuổi, con trai thứ bà V.), và vợ là bà Huỳnh Thị N. (46 tuổi), ở cùng thôn Trung Hậu (xã Mỹ Chánh Tây), nên đã tập trung điều tra. Ngày 26/8, cơ quan công an đã thu thập đủ chứng cứ và ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Trường để đấu tranh làm rõ.
Trước những bằng chứng thuyết phục, lập luận sắc bén của cơ quan điều tra, Võ Nhật Trường đã thừa nhận mọi hành vi phạm tội của mình. Tại cơ quan điều tra, Trường khai nhận, do hết tiền chơi game và biết bà nội vừa lãnh tiền ở UBND xã Mỹ Chánh Tây (tiền người cao tuổi của bà V. và tiền trợ cấp tàn tật của ông Hg.) nên tìm cách chiếm đoạt.
Chiều 25/8, biết chú ruột (tức ông Hg.) đi thả bò vắng nhà, Trường vào nhà thấy bà nội đang quét rác, nên lén đến gần dùng gạch đánh vào đầu. Bị đánh bất ngờ, bà V. ngất xỉu. Trường đã nhanh chóng lục lấy 700.000 đồng rồi bỏ đi. Số tiền lấy của bà V. vẫn còn nguyên, công an huyện Phù Mỹ đã thu giữ. Về phần nạn nhân Trần Thị V., sau khi được đưa đến trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ cấp cứu vì thương tích khá nặng nên tiếp tục chuyển cụ bà đến bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở ô-xy. Mặc dù được y bác sỹ bệnh viện tích cực cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, sáng ngày 30/8, nạn nhân đã tử vong.
Trước việc đối tượng Trường bị phanh phui là hung thủ giết người tàn độc đã khiến người dân nơi đây hết sức đau lòng bởi người mà hung thủ nhí này ra tay sát hại là chính bà nội của y. Vốn là một vùng quê yên bình, từ xưa đến nay chưa có một vụ trọng án nào xảy ra, nên vụ án kinh hoàng trên đã dấy lên làn sóng phẫn nộ bởi kẻ thủ ác mất hết tính người ra tay không thương tiếc vào cụ bà hiền lành, nhân hậu, hết mực thương con cháu.
Bà Nguyễn Thị B., hàng xóm của bà V. cho biết: "Trước giờ cũng nghe tin nhiều vụ án, nhưng những người dân quê như chúng tôi chưa bao giờ tận mắt chứng kiến vụ án đau lòng đến thế. Không ngờ bà V. sống thượng thọ đến 83 tuổi mà có ngày lại bị chính đứa cháu ruột sát hại. Nhưng có nói gì nhiều cũng chỉ làm đau lòng người ở lại, bởi đều là người thân ruột thịt trong nhà...".
Di ảnh bà V.
Cha mẹ sinh con, trời sinh tính
Vợ chồng ông H., bà N. có hai người con là Võ Nhật Trường, và Võ Thị Q. (21 tuổi), Q. đang là sinh viên một trường đại học ở TP.HCM. Vợ chồng ông quanh năm sống với đồng ruộng và làm thuê mướn mưu sinh, còn phải lo cho hai người con đang tuổi ăn, tuổi học. Cũng như bao bạn bè trang lứa, Trường cắp sách đến trường, học đến lớp 9, cậu ta xếp bút nghiên. Cha mẹ đành bất lực trước quý tử ham chơi biếng học. Suốt ngày, Trường "ngồi đồng" ở quán net, tối vẫn không chịu về với gia đình. Quán internet C. ở trong xã Mỹ Chánh Tây là một trong những quán "ruột" của game thủ này. Những đồng tiền cha mẹ cho ăn sáng, Trường "nướng" hết vào tiệm net, nhiều lần do mải mê chơi, Trường phải thiếu nợ chủ quán.
Nhà Trường chỉ cách nhà bà nội khoảng 100m nên cậu ta hay lui tới, gặp bữa ăn cơm với nội và chú Hg. (anh Hg. bị tật mùâ lòa từ hồi lên 5 tuổi và mắc bệnh động kinh - PV). Thương cháu nội, bà V. thỉnh thoảng cũng dúi cho Trường ít tiền tiêu vặt. Bà đâu biết với vài ngàn đồng ấy, kẻ "nô lệ" internet chỉ một thoáng chốc là bay vèo theo thế giới game ảo. Từ nghiện game, hết tiền, Trường đã ra tay hành động mất hết nhân tính đối với người bà đáng kính của mình.
"Vợ chồng tui sinh con ra nhưng trời sinh tính. Cũng vì nhà nghèo khó, sớm chiều làm lụng nuôi con, đâu ngờ nó lại đang tay đánh chết bà mình. Mẹ tui sống với đứa em bệnh tật mù lòa, tui thấy ân hận vì không quan tâm, dạy bảo con để nó gây nên hậu quả đau lòng", ông H. đau đớn nói trước vong linh mẹ. Bà N. gạt nước mắt thương mẹ chồng vắn số. Bà N. chua chát nói: "Chúng tôi thật sự xin lỗi làng xóm vì đứa con nông nổi gây nên tội ác. Vợ chồng tôi không biết dạy bảo con nên người, nó hư hỏng, mũi dại thì lái chịu đòn. Vẫn biết chẳng có gì để bù đắp mất mát to lớn này, nhưng dù sao thằng Trường cũng là con tui, giờ nó bị bắt vợ chồng tui cũng thương lắm".
Người đàn bà khổ đến lúc chết
Ông Ba T. (53 tuổi, thường gọi là T. "tật") ở cạnh nhà bà V. chia sẻ: "Khi nhận được tin thằng Trường đánh chết bà nội, ai cũng xót xa thương cho cụ bà hiền hậu không bao giờ mếch lòng từ đứa con nít. Hay tin, cả nhà bà N. cùng anh chị em họ hàng như sụp xuống, chạy tới hiện trường vụ án, tất cả mọi người đều chết ngất, đêm ngày lo chạy chữa cho bà cụ, nhưng không qua khỏi. Ngày đưa thi thể bà cụ từ bệnh viện về, tui bị tàn tật đôi chân không đi được nhưng rất đau lòng và bảo vợ con sang bên nhà chia buồn cùng gia đình, thắp nén nhang tiễn đưa...".
Người dân địa phương cho biết, từ ngày chồng qua đời, mấy chục năm nay bà V. lặn lội "thân cò" nuôi 5 người con khôn lớn, rồi dựng vợ gả chồng cho con. Bà V. sống với người con trai bất hạnh bị tật nguyền. Các anh chị ông H. ở gần nhưng đều nghèo khổ, không giúp đỡ gì nhiều cho mẹ, cho em. Hằng ngày, mẹ con bà V. chăm sóc bò và sống dựa vào tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng (tiền cao tuổi cho bà V., tiền bệnh tật cho ông Hg.), gia đình thuộc hộ nghèo ở địa phương.
Ông Hg. cho biết, mẹ ông đến UBND xã Mỹ Chánh Tây nhận tiền của hai tháng được 720.000 đồng. Bà cụ mua thức ăn 20.000 đồng, còn 700.000 đồng dằn túi nhỡ khi ốm đau mà lo thuốc thang. Đâu ngờ, chính số tiền ấy làm mờ mắt đứa cháu nội nghiện game đã can tâm sát hại bà nội.
Trao đổi với PV, đại diện công an xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) cho biết: "Vụ thảm án xảy ra khiến một gia đình trở nên tan nát, mẹ mất, người đàn ông tật nguyền đêm ngày quờ quạng thắp nhang hương khói cho mẹ, xót thương nhớ mẹ nơi cõi vĩnh hằng. Ngôi nhà nhỏ vốn đã hoang vắng nay lại thêm trống trải, lạnh lẽo. Và một gia đình khác cũng nước mắt đầy vơi, lòng đau như cắt khi mẹ mất, con dính vòng tù tội khi mới 15 tuổi đầu".
Đôi mắt mờ lòa ngấn lệ, ông Hg. đau xót cho biết: "Chỉ vì số tiền ít ỏi của hai mẹ con nhận từ xã về, nó (tức Võ Nhật Trường - PV) theo dõi biết mẹ tui bọc tiền nên lại ra tay tàn độc như vậy. Nó là cháu ruột của tui, cháu gọi mẹ tui bằng bằng nội mới nghiệt ngã chứ.
Theo Người đưa tin
"Nữ cao thủ bẻ khóa Hà Nội" và chuyện có hai đứa con với hai sát thủ "Em ở nhà một ngày, ông ấy chửi 10 tiếng... Mà ông ấy còn bắc loa điện để chửi cho to cơ" Ngay từ đầu câu chuyện, Tươi đã có vẻ từng trải đến... lọc lõi: "Em nói thật với các bác là không ai ác như bụi đời, không ai tởm như bụi đời và những người đi bụi đời là những...