‘Đại gia’ mua hàng hiệu bằng thẻ tín dụng giả
Do dùng thẻ tín dụng giả mua nhẫn kim cương, túi xách hàng hiệu, iPad, iPhone hoặc rút tiền, nhiều người nước ngoài đã phải nhận những án tù dài đằng đẵng.
Bị cáo Lim Soon Ling thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Ảnh: H. D.
Trong môt bản án tuyên tháng 4, TAND TP HCM xác định bị cáo Lim Soon Ling (55 tuổi, quốc tịch Malaysia) đã sử dụng 50 thẻ tín dụng và 2 hộ chiếu giả để chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng tại nhiêu trung tâm thương mại, khách sạn hạng sang… Ông Ling vừa bị phạt 7 năm tù về tội Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác.
Ông Ling khai được một người có tên là A Tài rủ tham gia sử dụng thẻ tín dụng giả nếu thành công được hưởng 15%. Ông Ling nhận của A Tài 30 thẻ và hộ chiếu giả mang tên Liêu Tong Lai, rôi nhập cảnh Việt Nam. Ngày 20/5/2011, ông ta đến một chi nhánh của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam tại quận 1 (TP HCM) dùng thẻ tín dụng giả rút được 42 triệu đồng và hơn 3.000 USD.
Một tháng sau, Ling tiếp tục nhận thêm 20 thẻ tín dụng giả từ A Tài và hộ chiếu giả mang tên Lim Ker Tong. Ngày 28/6/2011, ông Ling đến trung tâm thương mại Parkson Paragon (quận 7, TP HCM) mua 2 nhẫn kim cương, sau đó tặng lại cho người phiên dịch một chiếc.
Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2011, ông Ling thực hiện thành công 6 giao dịch, chiếm đoạt gần 120 triệu đồng. Khi “siêu lừa” này đến chi nhánh của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam làm thủ tục rút 10.000 USD thì bị phát hiện.
Video đang HOT
Cũng với chiêu thức này, Giam Wei Lun (28 tuổi, quốc tịch Malaysia) bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên tăng mức phạt từ 4 lên 7 năm tù về tội Lưu hành giấy tờ có giá giả khác. Bản án sơ thẩm xác định, tháng 11/2011, Wei Lun tới Hà Nội chơi bài và bị thua. Tại đây, anh ta nhận lời đề nghị của một số người đồng hương về việc dùng thẻ tín dụng giả mua hàng để nhận “hoa hồng”.
Từ tháng 11 đến tháng 12/2011, Wei Lun mua thành công 4 iPhone 4S, 10 iPad, 3 túi xách Gucci. Tổng giá trị số hàng hơn 300 triệu đồng. Ngày 9/12/2011, Wei Lun cùng 2 thanh niên đến một cửa hàng điện tử tại trung tâm Sài Gòn chọn mua nhiều mặt hàng đắt tiền. Trong lúc đợi nhân viên cà thẻ tính tiền, môt tên đã “chuồn” trước cùng với hàng mua được, còn Wei Lun bị bảo vệ bắt giữ.
Bị cáo Wei Lun khai nhận do bị thua bài nên đã nhận lời dùng thẻ tín dụng giả để đi lừa. Ảnh: H. D.
Tương tự, Teoh Kok Chuan (32 tuổi, quốc tịch Malaysia) bị bắt khi đang dùng thẻ tín dụng giả mua 2 túi xách hàng hiệu trị giá 80 triệu đồng tại quận 1 (TP HCM) vào cuối tháng 8/2011. Trước đó, thanh niên này đã nhiều lần mua thành công hàng hóa trị giá hàng chục triệu đồng bằng thẻ giả. Một năm sau khi bị bắt, Chuan bị TAND TP HCM tuyên phạt 5 năm tù về tội Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác.
Cuối năm 2012, Công an Đà Nẵng bắt giữ Ling Seng Koey (23 tuổi) và Chong Kon Hoi (47 tuổi, cùng quốc tịch Malaysia) khi họ dùng thẻ tín dụng giả trang sức vàng trị giá 53 triệu đồng. Có ít nhất 7 cửa hàng khác đã đến công an Đà Nẵng khai báo bị những người nước ngoài này lừa mua hàng bằng thẻ tín dụng với tổng số tiền cả trăm triệu đồng.
Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Phi Long, Phó tòa Hình sự TAND TP HCM cho biết, tội phạm gây án bằng thẻ tín dụng giả ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Nêu dùng thẻ của ngân hàng này không được thì chúng chuyên sang thẻ của ngân hàng khác. Trong trường hợp được thanh toán thì bên bán hàng không phải chịu tổn thất mà ngân hàng phát hành thẻ mới bị thiệt hại. Vì vậy nếu có phát hiện hành vi này, nhiều nơi rất dễ bỏ qua.
“Khó khăn trong việc chống tội phạm dùng thẻ tín dụng giả là phải bắt được quả tang. Để hạn chê thiệt hại, các ngân hàng cân quản lý chặt chẽ hơn”, ông Long nói.
Theo VNE
Hai hacker làm thẻ tín dụng giả mua vé máy bay
Cường và đồng bọn lấy trộm thông tin của các chủ thẻ tín dụng người nước ngoài rồi làm giả thẻ, đến nhiều đại lý của Vietnam Airlines mua vé chặng nội địa.
Ngày 27/2, TAND Hà Nội mở phiên xử Nguyễn Hùng Cường (26 tuổi, tỉnh Hòa Bình) Trương Việt Minh (26 tuổi, tỉnh Bình Phước) về tội Sử dụng mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Hai bị cáo trong phiên sơ thẩm. Ảnh: Việt Dũng.
Theo cơ quan công tố, Cường tự nhận là đại lý bán vé máy bay. Tháng 11/2011, anh Tạ Văn Nam (giám đốc một công ty du lịch) ký hợp đồng mua vé máy bay khứ hồi cho gần 140 khách hàng chặng Hà Nội - Cần Thơ với Cường, giao hơn 550 triệu đồng. Sau đó, anh Nam phát hiện Cường không phải là đại lý và có hành vi lừa đảo nên tố cáo với cơ quan công an.
Trước vành móng ngựa, Cường khai sau khi nhận tiền đã cùng Minh và Nguyễn Gia Thắng (26 tuổi) vạch kế hoạch chiếm đoạt tài sản. 3 thanh niên này lên mạng Internet ăn cắp thông tin của các chủ thẻ tín dụng nước ngoài và tìm hiểu cách làm thẻ giả.
Khi mang thẻ tín dụng giả đến các đại lý của Vietnam Airlines ở TP HCM, Đồng Nai đặt mua vé, hành vi của nhóm này đã lộ tẩy. Cường và Minh bị bắt, riêng Thắng bỏ trốn.
"Bị cáo trước đó từng mua giúp anh Nam một số vé máy bay giá rẻ nên anh ấy tin tưởng", Cường khai.
Tòa xác định, trước khi bị đưa ra xét xử, Cường đã khắc phục được 100 triệu đồng, Minh 10 triệu nên xem xét giảm nhẹ hình phạt. HĐXX phạt Cường 7 năm tù, Minh 5 năm.
Nhà chức trách cho biết, Thắng khi nào bị bắt sẽ xử lý sau.
Theo VNE
Mãn hạn tù vẫn không thể rời trại giam Do còn nợ phần bồi thường dân sự nên nhiều người nước ngoài dù chấp hành xong án phạt vẫn phải là "khách trọ" bất đắc dĩ ở trại giam. Cham Tack Choi, 29 tuổi, người Malaysia, một trong hai thủ phạm vụ mua hàng hiệu bằng thẻ tín dụng giả bị bắt quả tang tại Hà Nội năm 2007. Cham đã hết...