Đại gia đình “người rừng” ở tạm lều 10m2
Có một doanh nghiệp đồng ý tài trợ toàn bộ tiền xây nhà nên gia đình “ người rừng” lại chờ một thời gian để làm thủ tục. Tuy nhiên, nhà cũ đã dỡ nên hiện họ phải sống trong lều tạm dựng bằng tre, nứa, bạt ni lông.
Trong khi chờ hoàn tất thủ tục để làm nhà theo yêu cầu của doanh nghiệp tài trợ, cha con người rừng Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (sinh 1969), cùng 5 người trong gia đình đứa con út là ông Hồ Văn Tri, ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà phải sống tạm trong căn lều dựng sát lưng nhà hàng xóm.
Nơi ở hiện tại của 7 người trong gia đình cha con ông Thanh
Chiều 9/9, cơn mưa kéo dài dai dẳng đã làm cho mái của chiếc lều tạm được phủ bằng bạt ni lông mỏng bị thấm và nước bắt đầu nhỏ xuống sàn. Vì vậy, người rừng Lang cùng vợ chồng em trai của mình phải hối hả khuân số đồ đạc sát vào phía bên trong cho khỏi ướt.
Ông Tri cho biết: Sau khi đại diện tỉnh và huyện cho biết sẽ hỗ trợ khoảng 70 triệu đồng làm nhà rồi đại diện Công ty TNHH Phú Điền (TP.Quảng Ngãi) chở gạch lên tài trợ, sợ mùa mưa đang đến sẽ làm không kịp nên ngày 25.8 vừa qua, bà con trong thôn đã đến giúp gia đình “người rừng” tháo dỡ căn nhà cũ để xây mới.
Tuy nhiên sau đó ông Tri được lãnh đạo UBND xã Trà Phong cho biết, có một doanh nghiệp ở phía bắc đã đồng ý tài trợ toàn bộ tiền xây nhà. Vì vậy, gia đình lại chờ một thời gian để làm thủ tục. Trong hoàn cảnh nhà cũ thì đã dỡ nhưng nhà mới thì chưa xây, vì vậy để có nơi ở, ông Tri đã phải mua tre, nứa, bạt ni lông… để làm lều tạm.
Theo đó, trên khuôn viên đất của ngôi nhà hàng xóm, ông Tri dựng túp lều có diện tích gần 10m2 làm nơi trú ngụ cho cả 7 người, gồm: Cha là ông Thanh, anh trai là Lang cùng vợ và 3 con mình.
“Bây giờ đã bước vào mùa mưa rồi, nhưng chưa biết bao giờ mới xây và có nhà để ở nên hiện cuộc sống của mấy cha con khá vất vả” – ông Tri bày tỏ.
Trao đổi với Dân Việt chiều 9/9, ông Trương Ngọc Đông – Chủ tịch UBND xã Trà Phong cho biết: Qua thông tin đăng tải trên báo, đài, Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành – Tập đoàn Xuân Thành đã vào tìm hiểu và đồng ý tài trợ toàn bộ tiền xây nhà cho gia đình người rừng, với trị giá gần 130 triệu đồng. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp tài trợ yêu cầu địa phương phải làm các thủ tục, thiết kế… nên việc triển khai xây dựng nhà cho cha con ông Thanh hơi chậm.
Ngôi nhà cũ đã dỡ chỉ còn nền đất để chuẩn bị xây mới.
Đến thời điểm này, mọi việc đã hoàn tất và có thể tiến hành xây dựng trong nay mai. Theo đó, ngôi nhà mới có diện tích khoảng 50m2 (dài 5m, rộng 10m).
Video đang HOT
Riêng số tiền mà UBMTTQ Việt Nam hứa hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng để giúp cho cha con ông Thanh xây nhà trước đó, hiện vẫn chưa chuyển về đến xã. Ngoài số tiền hỗ trợ từ Hội Cựu chiến binh (5 triệu đồng) và BCH Quân sự tỉnh (5 triệu đồng) UBND xã vẫn còn giữ, ông Tri đã nhận trực tiếp số tiền của các cấp, tổ chức và cá nhân giúp đỡ gần 20 triệu đồng.
Nói về số tiền trên, ông Tri cho biết: Đã sử dụng lo cơm nước cho bà con đến giúp dỡ nhà, sang nền trước đó; mua quần áo, thức ăn và vật dụng cá nhân cho cha và anh trai… nên hiện cũng đã tiêu hết.
Thiết nghĩ, các cấp ngành của huyện Tây Trà cần khẩn trương phối hợp với phía doanh nghiệp tài trợ để sớm xây nhà, giúp cho cha con ông Thanh có chỗ ở ổn định trong mùa mưa bão năm nay.
Theo Công Xuân (Dân Việt)
Theo vết "người rừng"
Hệ thống nhà của cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh - Hồ Văn Lang trong vùng núi Apon là những ngôi nhà có treo thức ăn, thuốc lá, vỏ quế, cung tên và nhiều đồ vật mang tính tâm linh. Chúng được tổ chức, bố trí rất chặt chẽ đến mức người lạ sểnh chân là dính chông xuyên bụng.
Tiếng hú
Sáng 16/8, đoàn phóng viên lên đường. Con đường dẫn vào Apon còn lảng bảng sương núi. Rừng hiện ra trước mặt với tiếng ầm ầm của suối, tiếng con hoẵng kêu te te khi thấy bóng người. Vượt qua những con dốc đầu tiên, mọi người chỉ còn nghe tiếng thở dốc của chính mình. Thỉnh thoảng lại có những cú trượt chân ngã sóng xoài.
Ở Quảng Ngãi, trưởng công xã vùng sâu được trang bị súng và súng trở thành vật bất ly thân mỗi khi vào rừng. Ông Hồ Văn Tính, Trưởng công an xã Trà Phong với khẩu súng kè hông, luôn tiếp sức bằng tiếng la hét "đi nhanh, đi nhanh". Còn chị Hồ Thị Diện, Chủ tịch Hội phụ nữ xã thì khuấy động bằng chiếc điện thoại mở những ca khúc mạnh mẽ.
Một cụ già ngồi cạnh đám rẫy chỉ tay vào lối đi đen ngòm trước mặt. Ông lão kể lại câu chuyện người rừng bằng hình ảnh, đó là cha con "người rừng" khi đi thì khom người, 2 tay co trước ngực và lúc lắc theo nhịp bước. Nhìn ông già này, tôi nhớ lại ông Hồ Văn Phương, đồng đội và là hàng xóm của ông Hồ Văn Thanh: "U...u! Nó chạy nhanh như con khỉ, mình theo không kịp. Thấy nó đó, thoáng một cái là nó đu cây, luồn vô suối biến mất. Mình vô lần nào nó cũng không cho gặp mặt đâu. Thằng Tri con trai nó vô kêu về nhưng nó cũng không nhận, không nói, cứ trốn là trốn thôi".
Nhà của cha con "người rừng" (ảnh lớn); "Người rừng" cha ngày ngày buồn bã ngóng về rừng sâu (ảnh nhỏ)
Trước năm 1975, "người rừng" Hồ Văn Thanh có tham gia đi bộ đội và biên chế vào một đơn vị của tỉnh Quảng Ngãi. Ông Phương là anh em hàng xóm và cùng chiến đấu nên thương cảm bạn, năm nào ông cũng mang một gói quần áo và muối tìm đến thăm ông bạn "người rừng".
Nhưng thấy ông Phương, cha con ông Thanh chạy biến. Món quà ông Phương gởi tặng được treo trên cành cây với câu nhắn nhủ "Tao gởi cho mày, mày về với bà con đi". Vài tháng sau ông Phương trở lại, món quà đó vẫn còn y nguyên kể cả muối. Giờ nói chuyện trở lại thăm nhà của "người rừng", ông Phương cười khà khà, ngồi bệt xuống đất, giơ bàn chân lên và nói: "Xa lắm, chân mình bây giờ không đi nổi nữa rồi".
Hú....hú! Anh em trong đoàn công tác bắt liên lạc với nhau. 5 cán bộ xã Trà Phong huyện Tây Trà hỗ trợ dẫn đường cho anh em phóng viên. Vượt qua chặng đường ngắn, đoàn đã bị xé thành 3 nhóm vì sức trèo núi của mỗi người một khác. Chị cán bộ phụ nữ căn dặn: "Cây bẻ ngang đường là đừng đi, phải rẽ qua hướng khác, chỗ đó có bẫy. Đủ thứ bẫy, bẫy lao để săn heo rừng, mũi tên to như cái đòn, nó phóng một cái là lủng ruột".
Ngắm cơ ngơi của "người rừng"
Nhìn cách bố trí bẫy chông của "người rừng" con, một cán bộ đi trong đoàn cho biết, đó là thế bẫy chông nghẹt và rất khó tránh. Nếu không kịp rút chân ra và vấp ngã, cả người sẽ bị chông găm lút từ bụng xuyên qua lưng.
Đã vào đầu thu, rừng báo hiệu giao mùa bằng con đường lá. Một đoạn đường rừng phủ đầy lá vả, mỗi chiếc lá to như quạt mo, có đoạn phủ đầy lá lồ ô xanh mượt. Trên những chiếc lá đó là bầy vắt khát máu.
Suốt 4 tiếng đồng hồ, vượt qua nhiều con suối, cuối cùng, cơ ngơi của cha con "người rừng" cũng hiện ra bên một vách núi. Ngôi nhà đầu tiên có bề ngoài đen nhẻm như gian bếp ám khói. Nhà được treo trên cây, cách mặt đất vài mét, giống như tổ của con chim đại bàng khổng lồ. Hệ thống cây chi chít đội ngôi nhà trụ vững trên thân cây và trụ vững mỗi khi có lũ quét. Cạnh ngôi nhà có cây dâu rừng đã chín đỏ với những chùm quả mọng nước. Có lẽ, mấy chục năm "người rừng" đã ngồi trên chiếc võng là sợi dây rừng to như cổ tay bên cạnh nhà và đánh chén loại trái cây này?
Nhà của con trai "người rừng"
Trước nhà treo một tấm lục giác. Gió thổi, tấm lục giác đủng đỉnh xoay - lắc - ẩn hiện dưới tán lá. Nhìn thứ đồ vật hơi ma quái này, trong tai tôi bất chợt vang lên tiếng leng keng với âm thanh mơ hồ từ chiếc chuông đồng (gờ ru) của "người rừng" mà hôm trước một người già trong làng đã lắc cho tôi nghe. Chiếc chuông được treo trên một chuỗi tràng hạt láng bóng đã nhắn thín và tỏa ra mùi vị hăng hắc như thịt trâu. Chiếc chuông này để gọi thần linh và cầu hồn người chết.
Trong hệ thống "dinh thự" của người rừng, ngôi nhà đen xỉn này giữ một vị trí quan trọng, vì có treo các biểu tượng tín ngưỡng, tâm linh. Cách đó khoảng hơn 100 mét là một ngôi nhà khác treo trên ngọn cây, với chiều cao tương đương ngôi nhà 3 tầng. Bước vào ngôi nhà tổ chim này, người ta dễ dàng nhận ra đây là ngôi nhà của một người trẻ tuổi, có sức khỏe. Trong nhà có treo tấm lục giác kia thì chỉ treo thuốc lá, thức ăn và vỏ quế trên tấm phên. Còn trong "dinh thự" ngọn cây này thì được trang trí vỏ cây vằn vện rất lạ mắt, trông giống như một miếng da hổ dát vào tường. Trên sàn bếp dắt một chiếc cung tên với dây kéo khá dẻo.
Bếp đã nguội lửa, tàn tro lả tả bay xuống bờ suối. Suốt 40 năm, cha con người rừng đã di chuyển khoảng 7 vị trí, ngày càng lùi sâu vào núi để lánh mặt con người.
"Dừng lại, có bẫy chông...!" - một dân quân xã hét lớn. Xung quanh nhà của người rừng toàn là những dàn bẫy, chông tua tủa, nhọn hoắt ẩn trong đám lá rừng. Mũi chông có sơn một thứ nước hôi hám và nâu bóng, giống thuốc độc truyền đời của đồng bào dân tộc miền núi. Đối mặt với con dốc cao ngất, anh em còn phải vòng vèo né tránh cạm bẫy thiên la địa võng, cái giăng trên cây, cái nhét dưới đất, bên hòn đá, cái trong bụi rậm.
Bẫy trẻ, bẫy già
"Người rừng" cha ngày ngày buồn bã ngóng về rừng sâu
Tại khu "dinh thự" của "người rừng", xung quanh nhà của "người rừng" cha cắm 2 cây tre bẻ cong. Đó là dấu hiệu không được đi quá, có bẫy thú nguy hiểm chết người. Cạm bẫy xung quanh ngôi nhà của "người rừng" cha Hồ Văn Thanh ẩn trong bụi rậm. Còn nhà của "người rừng" con Hồ Văn Lang, cạm bẫy được căng khắp nơi, từ bẫy ẩn đến bẫy lộ thiên. Cách giăng bẫy của "người rừng" cha thể hiện sự mưu mẹo và luôn trong tư thế rình mồi của lão "người rừng" đã già nua và kiệt sức sau gần 40 năm lưu lạc giữa rừng sâu. Còn cạm bẫy ở ngôi nhà "người rừng" con thể hiện sự sung mãn, say mồi, sẵn sàng rượt đuổi tận cùng từ mãnh thú 4 chân hùng mạnh cho đến con chim chèo bẻo lắc lẻo trên ngọn cây sộp.
Vật dụng mưu sinh của "người rừng"
Soạt...! Một chiếc bẫy với cành tre căng cong như cánh cung khổng lồ bật tung lên trời. Sợi dây rút tuôn thật nhanh và thắt chặt lại như thòng lọng đang siết cổ con mồi. Nghe âm thanh của bẫy, đàn chim trên trời bay nháo nhác. Mới thử ném cành cây vào một chiếc bẫy, cả không gian nhỏ dường như đã bị khuấy động. Còn nếu cả đống bẫy quanh nhà "người rừng" cha và "người rừng" con cùng đồng loạt xả lẫy thì khu vực này như một cỗ máy khởi động. "Loại bẫy này nhỏ hơn nhưng anh mà sơ ý là nó kẹp chân như con dán" - anh Hồ Văn Chuẩn, dân quân địa phương chỉ tay vào một chiếc bẫy dưới gốc cây. Hòn đá được nâng lên và kéo căng bởi một đoạn dây rừng. Nếu băng ngang và móc chân vào dây thì bẫy sập xuống.
Nhưng có lẽ, kinh hãi hơn là cụm chông tre nứa nhọn hoắt. Cả một bó chông được bố trí ẩn dưới một hòn đá, phía trên là rặng cây lúp xúp che phủ. Thời chống Pháp và đánh Mỹ, dân tộc các huyện miền tây của tỉnh Quảng Ngãi bố trí loại chông này rất khéo. Chông được cắm ngay trên những khúc cua, hoặc dưới chân hòn đá, nơi mà người đi rừng không quan sát được. Khi vừa thả chân qua một khúc cây, hoặc một hòn đá nằm ngang đường, người đi rừng sẽ trở thành nạn nhân của bẫy chông dài hơn nửa mét, xuyên thấu tới tận đầu gối.
Ông Hồ Văn Tính, trưởng Công an xã Trà Phong cho biết, trong lần tổ chức lên đưa cha con ông Thanh trở về vào đầu tháng 8 vừa qua, chính quyền địa phương đã bố trí 30 cán bộ. Khi lên tới nơi thì tổ chức rà, tháo bẫy, nhổ chông, sau đó bí mật bao vây vòng ngoài. Nhờ cẩn thận hết mức nên anh em trong đoàn không ai bị thương.
Rời khỏi ngôi nhà chim treo trên thân cây giữa rừng già, tôi ngoái lại nhìn thật lâu, bởi rất có thể chỉ trong thời gian ngắn nữa không có hơi người nó sẽ rã rời, đổ sập...
Vật lộn trong rừng Cạm bẫy của "người rừng" không đả thương được anh em trong đoàn, nhưng họ lại bị tấn công bởi lòng tham của con cháu "người rừng" vốn được học rất nhiều từ thế giới hiện đại.
Tại con suối cạn, cách nhà người rừng khoảng 300 mét, một tình huống bất ngờ xảy ra. Ông Hồ Minh Lâm, cháu ruột của "người rừng" xuất hiện dí mũi dao rựa về phía phóng viên, hét lớn: "Ai cho tụi bay lên đây. Mày phải tính tiền cho tao. Tao phải giết mấy thằng này!".
Phóng viên (áo pull) tước hung khí của ông Lâm Cánh tay trái của ông Lâm cầm con dao rựa chưa kịp vung lên thì đã bị một phóng viên lướt nhanh tới, áp sát. Cuộc vật lộn diễn ra dưới suối. Ông Lâm gào thét khi bị tước vũ khí. Bị tước mất dao, đối tượng tiếp tục dùng cây, đá để tấn công. Đến lúc này, anh em công an địa phương đi trước 100 mét mới đến hỗ trợ kịp thời.
Ông Hồ Minh Lâm là người ra giá với các nhà báo muốn vào thăm nhà "người rừng": từ 1,5 triệu lên 3 triệu, rồi 4 triệu đồng/chuyến đi.
Tại Trung tâm y tế huyện Tây Trà, ông Lâm thường ngồi gác cửa với mục đích thu tiền của các phóng viên khi đến hỏi thăm, chụp ảnh cha con ông Thanh. T.TR
Theo Thanh Trung (Tiền Phong)
Hòa nhập tức thì "người rừng" sẽ sốc "Xét về góc độ tâm lý, khi người ta sống quá lâu trong môi trường hoang dã, ngôn ngữ không có, tư duy sẽ khác hẳn, thậm chí không hình thành trên não bộ...", PGS.TS Trương Thị Khánh Hà nhấn mạnh. Nên để họ sống trong môi trường cũ Việc cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang...