Đại gia bất động sản đang làm gì trong mùa dịch Covid-19?
Tìm “cơ trong nguy”, nhiều doanh nghiệp BĐS đã tranh thủ tình trạng giảm sút giao dịch kinh doanh trong mùa dịch Covid-19 thành cơ hội để rút về hoàn thiện bộ máy làm việc, tăng cường kết nối nội bộ và đẩy mạnh thương hiệu.
Con người là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển
Theo ghi nhận, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp BĐS trong quý đầu năm thường trầm lắng hơn so với các quý khác nhưng trong năm 2020, tình hình càng giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, đường dài mới biết sức ngựa, các tập đoàn, công ty lớn không vì vậy mà nao núng.
Đa phần những công ty này đều kịp thời thích ứng với diễn biến thị trường và thay đổi mục tiêu, chiến lược trong năm. Thậm chí, nhiều nơi sẵn sàng hạ thấp chỉ tiêu kinh doanh và xác định 2020 là thời điểm tập trung phát triển thương hiệu và hoàn thiện bộ máy vững vàng hơn.
Đại diện Thắng Lợi Group cho biết, công ty cam kết không cắt giảm biên chế, đảm bảo lương thưởng bằng tối thiểu năm trước, lộ trình tăng lương đúng hạn. Nhân viên phải cách ly vì virus Covid-19 sẽ được công ty sẽ bố trí nhà tại các dự án làm nơi cách ly và đảm bảo phục vụ các nhu yếu phẩm cần thiết.
Cũng đảm bảo chế độ, phúc lợi và các chế độ cho nhân viên, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Vietnam chia sẻ: Nghiêm túc thực hiện khuyến cáo chống dịch của Nhà nước, công ty đã triển khai hình thức làm việc phù hợp cho nhân viên, đảm bảo hoạt động của hệ thống vẫn thông suốt. Bên cạnh đó, DKRA Vietnam tập trung tăng cường kết nối nội bộ, để mọi nhân viên đều cảm thấy công ty là gia đình thứ hai và an tâm cống hiến.
Nhờ vậy, tất cả nhân viên DKRA Vietnam đều nắm vững thông tin và giữ tinh thần lạc quan, không hoang mang trong mùa dịch. Mới đây, các bạn còn rủ nhau nhảy theo vũ điệu “Ghen cô Vy” để góp phần lan truyền thông điệp tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Clip khi đăng tải trên những kênh truyền thông chính thức của hệ thống đã được đón nhận rất nhiệt tình với nội dung thú vị và dễ thương.
Đại diện Công ty Địa ốc Phú Long cũng cho biết, dù dịch Covid-19 đến một cách đầy bất ngờ và gây ra những tác động không nhỏ, nhưng đây cũng là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tăng cường đào tạo nội bộ, tính toán, điều chỉnh sản phẩm và chiến lược để tăng khả năng thích ứng với một thế giới nhiều biến động.
Video đang HOT
Phú Long đang thực hiện đồng thời nhiều giải pháp ứng phó trong và cả cho giai đoạn sau dịch. “Covid-19 cũng là khoảng lặng cần thiết để các doanh nghiệp địa ốc nói chung, Phú Long nói riêng nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, con người, từ đó cho ra đời các dự án tốt, chất lượng, bởi chúng tôi tin rằng, khách hàng ngày càng thông thái và chỉ những sản phẩm tốt mới có thể chinh phục được thượng đế”, đại diện công ty nhấn mạnh.
Như vậy, với các doanh nghiệp BĐS trong lúc khó khăn thì vấn đề nhân sự chính là chìa khóa nội tại để phục hồi và phát triển sau dịch.
Phải t hay đổi để thích nghi
Trước sự trầm lắng của thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS Tp.HCM đã khuyến nghị một số giải pháp, nhằm vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và thách thức hiện nay.
Triệt để tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ dẫn của ngành y tế về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi hoạt động của doanh nghiệp; Tăng cường các biện pháp phòng dịch nhằm đảm bảo cao nhất an toàn cho cán bộ, nhân viên và khách hàng, bảo vệ bản thân, gia đình và có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, nhất trong trường hợp phải thực hiện cách ly.
Các doanh nghiệp không tổ chức các sự kiện đông người (như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành, lễ bàn giao nhà,… ), hạn chế các cuộc họp không cần thiết, chuyển sang sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến (online), để phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Điều chỉnh lại sản xuất kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên đủ điều kiện được làm việc từ xa, tại nhà, không phải đến cơ quan, như lĩnh vực môi giới, tiếp thị, pháp chế, công nghệ thông tin,… Thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian; Xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu…
“Trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để các Tập đoàn và doanh nghiệp BĐS có quỹ thời gian để rà soát và thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả”, đại diện Hiệp hội BĐS nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng, nhất là đối tượng cán bộ công chức viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư, cũng như tham gia các chương trình xây dựng lại các chung cư cũ, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, đề án phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông thành phố.
Theo đa số các doanh nghiệp, trong lúc khó khăn thì điều cần thiết nhất là bình tĩnh, điều chỉnh kế hoạch và lên các phương án ứng phó phù hợp với tình hình diễn biến của dịch và của mỗi doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hiện tại vẫn cố gắng để duy trì hoạt động, trong đó một số đã cơ cấu lại hoạt động, cắt giảm các chi phí không cần thiết, duy trì làm việc online, động viên tinh thần nhân viên. Trong đó một số doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn vốn để duy trì hoạt động trong vòng 2-3 tháng tới khi không có doanh thu, hầu hết ở trong tinh thần quyết tâm để vượt qua dịch.
Hạ Vy
Doanh nghiệp bất động sản tự 'giải cứu' trước đại dịch Covid-19 thế nào?
Cắt giảm chi phí, cơ cấu lại sản phẩm, thị trường...là những bước đi mà nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thực hiện để ứng phó dịch Covid-19.
Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến hoạt động mua bán, giao dịch trên thị trường bất động sản gặp không ít khó khăn. Nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa, thị trường đang đóng băng gần như toàn bộ, kế hoạch bán hàng trước đó của các chủ đầu tư cũng phải tạm hoãn để nghe ngóng tình hình.
Thống kê sơ bộ của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính từ đầu năm 2020 đến nay, chưa có một dự án nào được mở bán và trên 50% số sàn giao dịch bất động sản trên cả nước trong số 1.000 sàn đóng cửa. Con số này cho thấy, hầu hết ở tất cả các phân khúc bất động sản đều sụt giảm, kinh doanh kém hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp chuyển sang bán nhà online, thay vì gặp trực tiếp khách hàng.
Để có thể "sống sót" qua mùa dịch, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lên kế hoạch phát triển theo hướng tập trung, khai thác những thị trường tiềm năng và đặc biệt là ứng dụng công nghệ để thay đổi phương thức bán hàng.
Trong khi nhiều dự án lùi thời gian mở bán do lo ngại dịch bệnh, tránh tập trung đông người thì nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định bung hàng thời điểm này. Tuy nhiên, thay vì gặp gỡ trực tiếp khách hàng, thì doanh nghiệp đẩy mạnh công nghệ, thực hiện bán hàng qua App.
Điển hình như, các khách hàng quan tâm dự án của Sunshine Group có thể tìm hiểu dự án, chốt giao dịch, chốt căn, chuyển tiền, tham gia bốc thăm trúng thưởng qua App mà không cần phải gặp mặt chủ đầu tư, nhân viên kinh doanh hay bên môi giới. Thậm chí, các lễ mở bán truyền thống diễn ra trên thị trường cả chục năm nay cũng được tập đoàn này tổ chức qua ứng dụng.
Trong khi đó, để đối phó với Covid-19, Hải Phát Land quyết định những chiến lược dịch chuyển thị trường, đó là tập trung vào các thành phố lớn - nơi có nhu cầu ở thực. Điều này giúp số lượng giao dịch đất nền và căn hộ có giảm nhưng không bị sụt hẳn.
Doanh nghiệp này cũng không tổ chức sự kiện, hạn chế tiếp xúc khách hàng, nhân viên sale chuyển sang tư vấn bán hàng online.
Trong khi đó, Đất Xanh miền Bắc ứng phó Covid-19 bằng cách cơ cấu lại quy mô hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết, giảm số lượng chi nhánh.
" Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã cắt giảm nhiều chi phí không cần thiết. Tỷ lệ cắt giảm lên tới 70%. Ví dụ, chúng tôi cắt giảm các chi phí marketing và quảng cáo dự án. Công ty cũng trả lại một số điểm không quan trọng, rút về một số địa điểm chính", Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh miền Bắc nói.
Đại Phúc Land cũng thực hiện thay đổi chiến lược đầu tư, quyết định tập trung đầu tư vào các dự án bất động sản xanh.
Theo đại diện doanh nghiệp này, khách hàng ngày càng có nhu cầu về không gian xanh, gần gũi với môi trường, tiết kiệm năng lượng, nên đây sẽ là dòng sản phẩm được khách hàng ưa chuộng.
Tung khuyến mãi hấp dẫn cũng là cách để nhiều doanh nghiệp bất động sản áp dụng để kích cầu. Điển hình như mới đây, "ông lớn" Vinhomes tung chương trình khuyến mãi "Nhà sang, xe xịn - Đẳng cấp tinh hoa" với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản trước đại dịch, Chính phủ cũng có nhiều hỗ trợ tích cực. Mới đây nhất, ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký văn bản báo cáo Thủ tướng về việc bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền lên đến 180.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có hoạt động kinh doanh bất động sản.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) trước đó cũng có công văn gửi Thủ tướng đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhằm "giải cứu" các doanh nghiệp nhà đất.
Gia Bảo
Bất động sản, nỗi lo 'ngủ đông' và hiệu ứng dây chuyền Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất gia hạn nộp thuế nhằm 'giải cứu' các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn trước bởi đại dịch Covid-19. Động thái này của Hiệp hội nhằm giúp các doanh nghiệp BĐS vượt qua cơn bão Covid-19 bởi phía sau những dự án và doanh...