Đại dịch Covid-19: Thú cưng giúp gì khi chúng ta cách ly xã hội?
Trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 do virus Corona mới gây ra, thú cưng là bạn đồng hành của loài người. Chúng có thể giúp sức khỏe tinh thần của mọi người tốt hơn trong khi bị cách ly xã hội đột ngột.
Thú cưng tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần để ta hoàn thành cách ly xã hội trong đại dịch Covid-19 mà vẫn giữ được thân khỏe tâm an – Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo lời khuyên của các cơ quan y tế, nhiều người đã cách ly xã hội, phải hạn chế đi lại và làm việc ở nhà vì virus Corona chủng mới ( SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19. Nhưng ta phải nhận thức được sự cách ly đột ngột có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Nhà tâm lý học lâm sàng và phát triển Romy Kunitz tại Sydney (Úc) khẳng định con người cần phải tiếp xúc với nhau ngay từ khi sinh ra. Kunitz lo ngại cách ly xã hội “đi ngược lại tất cả những gì chúng ta từng biết, tất cả những gì an toàn với chúng ta”, theo Stuff.
Nhà trị liệu động vật hỗ trợ Samantha King tại Psychology and Animal Assisted Wellbeing (PAAW) của Úc cho rằng: “Nếu phải tự cách ly, tình yêu và sự hỗ trợ từ thú cưng có thể giúp ta vượt qua thời gian khó khăn”.
Thú cưng tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần để ta hoàn thành cách ly xã hội đại dịch Covid-19 mà vẫn giữ được thân khỏe tâm an, cụ thể:
1. Cùng ta rèn luyện thân thể
Có thú cưng, bạn sẽ khó mà dậy sai giờ vì chúng không để vậy. Chó đòi đi vệ sinh, mèo đòi ăn… đến hẹn lại lên, trăm ngày như một. Thú cưng cũng sẽ vận động để nâng cao sức khỏe thể lý cùng bạn thông qua việc đi dạo (lúc này là trong nhà), chơi với chúng. Ngay cả khi quy định làm việc ở nhà hay cách xa người khác 2 mét và đeo khẩu trang có hiệu lực thì bạn cũng không cần bỏ thói quen tốt ấy vì không bị ảnh hưởng.
“Không có nghi vấn nào về việc động vật mang đến sự thoải mái và đồng hành đáng kinh ngạc, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng… vì vậy chúng tôi khuyến khích mọi người nhận nuôi hoặc tạm thời nuôi động vật cần giúp đỡ”, Matt Bershadker, chủ tịch và giám đốc điều hành Hiệp hội phòng chống hành vi tàn ác đối với động vật Mỹ (ASPCA) email cho The Washiongton Post.
2. Khỏa lấp cô đơn, giảm căng thẳng
Thú cưng đem lại niềm vui cho thành viên trong gia đình. Các hoạt động với chúng làm ta xao nhãng khỏi thông tin tiêu cực dồn dập hay những lo âu về tình hình dịch bệnh Covid-19.
“Thú cưng đóng một vai trò tâm lý quan trọng đối với chủ của chúng, đặc biệt là bây giờ, khi mọi người cảm thấy quá cô lập và cô đơn.”, bác sĩ John Williams, Bệnh viện Nhi Pittsburgh (Mỹ), nói.
“Đây là lúc để ôm thú cưng của bạn chứ không phải là người thân yêu đâu. Hãy giữ khoảng cách với người khác, và nếu cần ôm, hãy ôm chó hoặc mèo”, tiến sĩ William Schaffner, Đại học Y khoa Vanderbilt (Mỹ), chia sẻ quan điểm về việc thể hiện tình yêu thương và gắn kết thời cách ly xã hội vì Covid-19, theo CNN.
Tất nhiên, bạn cũng phải rửa tay với xà phòng ngay sau đó, và tốt nhất cũng không nên tiếp xúc quá gần với thú cưng của bạn.
3. Dạy về trách nhiệm, đồng cảm
Việc chăm sóc thú cưng giúp chủ thấm nhuần tinh thần trách nhiệm khi phải cho ăn, làm sạch đồ chơi của chúng hay vệ sinh bể cá… “Tôi thường nói chuyện với bệnh nhân về việc hãy nuôi thú cưng. Đối với trẻ, nó dạy các em cách chăm sóc thứ gì đó”, nhà tâm lý Romy Kunitz (Úc) cho hay.
Chăm vật nuôi còn khiến trẻ thường xuyên dành thời gian cho hoạt động lành mạnh trong thời gian nghỉ học ở nhà và ít được ra ngoài như hiện nay.
“Trẻ em có thể học được rất nhiều từ mối quan hệ của chúng với động vật – sự kiên nhẫn, tôn trọng và đồng cảm. Mối liên kết mà một đứa trẻ hình thành với thú cưng trong gia đình mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển xã hội, cảm xúc và nhận thức của trẻ”, Sarah Hitchings, phát ngôn viên Hiệp hội phòng chống tàn ác đối với động vật Hoàng gia New Zealand (SPCA), chia sẻ trên Stuff.
Tạ Ban
Cách ly xã hội: Làm sao để giảm căng thẳng cho trẻ khi phải ở nhà?
Chơi tự do hỗ trợ sức khỏe cảm xúc trẻ em, giảm bớt áp lực cho cha mẹ, cải thiện sức khỏe tinh thần của cả gia đình trong những ngày cách ly xã hội, đối phó với virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
Mọi đứa trẻ đều cần có thời gian vui chơi - Ảnh minh họa: Shutterstock
Helen Dodd, Giáo sư Tâm lý học Trẻ em, Đại học Reading và Tim Gill, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Khoa học Tâm lý và Ngôn ngữ lâm sàng, Đại học Reading (Anh) đã có bài viết trên The Conversation, bàn về cách giảm thiểu căng thẳng cho gia đình có con nhỏ khi trường học đóng cửa, cha mẹ làm việc tại nhà, con cái học tại gia.
Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch Covid-19 khiến chúng ta phải đối mặt với sự không chắc chắn/bất định. Nghiên cứu chỉ ra, sự không chắc chắn làm tăng lo lắng ở cả trẻ em và người lớn. Hai chuyên gia này khẳng định, bằng chứng cho thấy vào thời điểm không chắc chắn này, việc ủng hộ trẻ em chơi đùa là quan trọng, vì sức khỏe tinh thần của chính các em và vì sự an lành của cả gia đình, theo The Conversation.
Nhiều nơi bối rối trong ngày đầu cách ly xã hội
Trong trường hợp bình thường, giáo dục tại gia là một lựa chọn có ý thức, lâu dài được thực hiện bởi các bậc cha mẹ chọn chịu trách nhiệm về việc giáo dục con cái của họ. Nếu trẻ ở nhà vì trường học của chúng đóng cửa do đại dịch thì không phải là giáo dục tại nhà.
Phụ huynh giáo dục tại gia không thường làm việc tại nhà, hiếm khi dành cả ngày ở nhà trong quá trình dạy con cái. Tình hình hiện tại lại hoàn toàn khác. Việc cố gắng cho con học tại nhà gây áp lực lên cha mẹ khi ta đang ở thời điểm lo âu cao. Điều này không hữu ích cho họ hay con cái của họ.
Các chuyên gia khuyên, thay vì stress như thế, hãy cho trẻ chơi tự do ( Free play: một hình thức chơi không bị kiểm soát hoặc chỉ đạo bởi trưởng nhóm, giáo viên hoặc nhà trị liệu trò chơi), dù cách ly xã hội khiến nhiều trò chơi trẻ em bị hạn chế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em tuổi tiểu học. Trong thời gian chơi tự do, trẻ quyết định những gì chúng muốn làm, cách chúng muốn làm và khi nào chúng muốn bắt đầu và dừng lại, theo The Conversation.
Vai trò của người lớn là cung cấp không gian về thể chất, tâm lý và các tài nguyên hỗ trợ cho trẻ chơi. Họ chỉ nên tham gia hoặc can thiệp vào trò chơi nếu trẻ yêu cầu họ làm vậy. Chơi tự do cho phép trẻ làm theo sở thích của mình, mang lại cảm giác kiểm soát và độc lập - điều đặc biệt quan trọng tại thời điểm này. Hoàn toàn ổn khi để trẻ tiếp tục với mọi thứ nếu chúng an toàn và thấy vui vẻ.
Ví dụ về các hoạt động chơi tự do: dựng lều, bột nặn, thay trang phục hoặc chơi lộn xộn (messy play). Cha mẹ có thể giúp bằng cách giữ lại các hộp, chai, giấy báo... để trẻ thực hiện những gì chúng muốn. Hãy sẵn sàng để cho trẻ chán. Sự nhàm chán kích thích sự sáng tạo.
Chơi tự do hỗ trợ sức khỏe cảm xúc của trẻ, giảm bớt áp lực cho phụ huynh khi buộc phải trở thành giáo viên thay thế, cải thiện sức khỏe tinh thần của cả gia đình. Tất cả trẻ em cần thời gian và không gian để chơi tự do mỗi ngày và bây giờ, điều đó cần hơn bao giờ hết, theo The Conversation.
Tạ Ban
Ngăn chặn tâm lý tiêu cực trong thời gian cách ly Cách ly xã hội, hạn chế giao tiếp trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp là việc nhất định phải làm để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Người Ý giúp nhau vượt qua khủng hoảng bằng cách ra ban công chơi nhạc mỗi tối - Reuters Tuy nhiên, không ít người trong chúng ta bị ảnh...