Đại dịch COVID-19 ngày 9/6: Tình hình toàn cầu xấu đi, 700.000 ca nhiễm ở Brazil
Cập nhật đại dịch COVID-19 ngày 9/6: Số ca mắc COVID-19 tại Brazil đã vượt 700.000, trong khi đó WHO cảnh báo tình hình đại dịch toàn cầu đang xấu đi.
Số ca nhiễm tại Brazil vượt 700.000
Brazil, quốc gia bị ảnh hưởng COVID-19 nặng nề nhất Nam Mỹ hiện có 707.412ca mắc bệnh và 37.134 người chết. Số ca bệnh của nước này đã gia tăng liên tục sau khi đạt mốc 500.000 hôm 1/6.
Theo truyền thông Brazil, Bộ Y tế nước này đã cắt giảm dữ liệu về số ca chết người được báo cáo hôm 7/6, do Tổng thống Jair Bolsonaro muốn có ít hơn 1.000 người chết mỗi ngày. Một Thượng nghị sĩ Brazil sau đó kêu gọi điều tra các dữ liệu mâu thuẫn này.
Số ca nhiễm virus corona tại Brazil tiếp tục tăng cao. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Mexico báo cáo 2.999 ca chết người mới hôm 8/6. Số ca bệnh của nước này đang ở mức 120.102, trong đó 14.053 người chết.
WHO cảnh báo đại dịch toàn cầu đang xấu đi
Thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong ngày cao nhất hôm 8/6, với 136.000 ca. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO cho biết: “Sau hơn 6 tháng xảy ra đại dịch, đây không phải là lúc để bất kỳ quốc gia nào lơ là.”
Ông này cho biết, mặc dù tình hình dịch ở châu Âu đang được cải thiện, nhưng trên toàn cầu dịch bệnh đang xấu đi. Gần 75% trong số 136.000 ca nhiễm mới được báo cáo từ 10 quốc gia, chủ yếu ở châu Mỹ và Nam Á.
Video: WHO cho biết, phun khử trùng không phòng được COVID-19
Bác sĩ Mike Ryan, chuyên gia cấp cứu của WHO cho rằng việc tìm hiểu cách ứng phó với dịch bệnh từ những ngày đầu có thể tạm gác sang một bên. “ Hiện tại chúng ta cần tập trung vào những gì cần làm để ngăn chặn làn sóng thứ hai.”
Ryan cũng cho biết số ca bệnh ở các quốc gia Trung Mỹ bao gồm Guatemala vẫn đang gia tăng và tình hình dịch bệnh tại đây rất phức tạp. “ Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm rất đáng quan tâm“, ông kêu gọi sự lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ và hỗ trợ quốc tế cho khu vực.
Bà Maria van Kerkhove, người đứng đầu về virus của WHO nói rằng cách tiếp cận toàn diện là rất cần thiết ở Nam Mỹ.
Nhiều bang ở Mỹ có số ca mắc COVID-19 tăng
Trong khi các bang trên toàn nước Mỹ tiếp tục dỡ bỏ các hạn chế, có gần một nửa số bang tại nước này đang ghi nhận số ca bệnh tăng lên.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, hơn 1,9 triệu người Mỹ đã bị nhiễm virus corona gây COVID-19 và hơn 110.000 người đã chết chỉ sau hơn 4 tháng.
Trên toàn quốc, khoảng 22 tiểu bang có số ca bệnh tăng, 20 tiểu bang có số ca giảm trong những ngày gần đây và 8 tiểu bang đang có số ca ổn định. Một trong những tiểu bang có số ca tăng đột biến số ca bệnh mới là Florida.
Kinh tế Ấn Độ suy giảm sâu vì Covid-19
Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giảm xuống còn 4,2% trong năm tài chính 2019-2020 và tiếp tục thu hẹp còn 3,2% trong năm tài chính 2020-2021.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/6 dự báo, kinh tế Ấn Độ sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 3,2% trong năm tài chính hiện tại. Nguyên nhân được chỉ ra là do những hậu quả của đại dịch Covid-19 và những đợt phong tỏa toàn quốc nhằm chống dịch kéo dài suốt 3 tháng qua lên nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. WB trở thành tổ chức quốc tế đưa ra các nhận định kém tích cực về triển vọng kinh tế Ấn Độ trong năm tài chính 2020- 2021.
Một cửa hiệu trang sức tại thành phố Mumbai hôm 8/6, trong ngày Ấn Độ bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế (ANI).
Trong ấn bản mới nhất của Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, WB hạ cấp dự báo về tăng trưởng của Ấn Độ với mức âm 9%. Thể chế tài chính toàn cầu này cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giảm xuống còn 4,2% trong năm tài chính 2019-2020 (kết thúc vào tháng 3/2020), và tiếp tục thu hẹp còn 3,2% trong năm tài chính 2020-2021 (bắt đầu từ ngày 1/4/2020), thời điểm mà các tác động của đại dịch Covid-19 có thể nhìn thấy rõ ràng tại quốc gia này.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021. Trước đó, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế khác như Moody's Investors Service, Fitch Rating và S&P Global Ratings đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ thu hẹp từ 4-5% trong năm tài khóa này.
Hãng phân tích thị trường Crisil của Ấn Độ còn cho rằng, nước này đang trải qua cuộc suy thoái kinh tế thứ 4 kể từ khi giành được độc lập, lần đầu tiên kể từ khi nền kinh tế nước này được tự do hóa và có thể là cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ trước tới nay. Còn theo dữ liệu của Đại học John Hopkins, Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn thứ 5 vì đại dịch Covid-19, sau Mỹ, Brazil, Nga, và Anh.
Cũng theo báo cáo, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã và đang mua vào trái phiếu chính phủ để hạ nhiệt tình hình tài chính. Chính phủ Ấn Độ đồng thời tăng cường chi tiêu công trong lĩnh vực y tế để ngăn chặn Covid-19, hỗ trợ trả lương cho người lao động, trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, hoãn các khoản thuế cũng như cho vay và hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp và các thể chế tài chính.
Tăng trưởng GDP của Ấn Độ liên tục suy giảm những năm qua. Từ 7% năm tài khóa 2017, xuống còn 6.1% trong năm tài khóa 2018, và hiện tại là 4,2% trong năm tài khóa 2020.
Tại khu vực Nam Á, Pakistan và Afghanistan cũng được dự báo sẽ phải trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn.Các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 được cho là sẽ gây áp lực rất lớn lên tiêu dùng cá nhân, khiến hai nền kinh tế này thu hẹp lần lượt là -2,6% và -5,5% tăng trưởng.
Bên cạnh đó, ngành dệt may- ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực của hai nước này sẽ còn tiếp tục sụt giảm nặng nề và phục hồi rất chậm. Đại dịch Covid-19 dẫn tới sự đóng băng của ngành du lịch cũng ảnh hưởng tới một loạt quốc gia khu vực này như Nepal, Bhutan, Sri Lanka, và Maldives.
Mỹ không mời tham gia G7 mở rộng: Trung Quốc nói gì? Tổng thống Mỹ đưa ra ý tưởng mời Nga, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và có thể cả Brazil tham dự G7 mở rộng nhưng lại "phớt lờ" Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đưa ra ý tưởng mời Nga, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và có thể cả Brazil tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước phát...