Đại dịch Covid-19 “hồi sinh” nhiều bệnh nguy hiểm khác
Giới chuyên gia cảnh báo, dịch Covid-19 đang làm hồi sinh những bệnh dịch nguy hiểm, do tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh thời gian qua.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang không ngừng lây lan với các tác động kinh tế, y tế nghiêm trọng, giới chuyên gia cảnh báo, dịch Covid-19 đang làm hồi sinh những bệnh dịch nguy hiểm, do tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh thời gian qua.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh và An toàn vaccine Datalink cho thấy, số trẻ em được tiêm phòng sởi trong quý 1 năm 2020 giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. Tình trạng này diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới khi các nước áp dụng lệnh phong tỏa, với các mức độ khác nhau do dịch Covid-19.
Bệnh sởi được cho là đang diễn biến nghiêm trọng nhất. Trước đại dịch, các ca mắc sởi toàn cầu đã tăng mạnh, ước tính khoảng 10 triệu ca vào năm 2018 với 140.000 ca tử vong- tăng 58% so với 2 năm trước. Mặc dù bệnh sởi đã bị loại trừ tại Mỹ vào năm 2000 nhưng các trường hợp tăng mạnh vào năm 2019, cao nhất trong gần 3 thập kỷ qua do tỷ lệ trẻ em đi tiêm phòng sởi giảm. Theo đánh giá của các chuyên gia, virus sởi có khả năng lây truyền gấp 10 lần so với coronavirus và thường gây tử vong. Tiêm chủng là biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Ngoài bệnh sởi, nhiều căn bệnh nguy hiểm khác đang ẩn nấp và chờ đợi hồi sinh. Bệnh bại liệt, bạch hầu- một trong những căn bệnh chết người đầu thế kỷ 20 cũng là mối lo ngại y tế hàng đầu tại một số quốc gia như Venezuela, Bangladesh, Yemen…
Khi dịch Covid-19 hoành hành và chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn cầu không hoàn thành mục tiêu, nhiều loại bệnh được cho là có thể phòng ngừa bằng vaccine ở trẻ em sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Giảm các trường hợp tử vong ở các căn bệnh có thể ngăn ngừa bằng vaccine là rất quan trọng đối với mỗi quốc gia. Để làm như vậy, chính phủ các nước nên thiết lập hệ thống tiêm chủng như một dịch vụ thiết yếu để ngăn chặn các bệnh tái phát, đặc biệt là trong nhóm có nguy cơ cao. Trong khi các quốc gia phải đối phó với dịch Covid-19 cũng không nên bỏ lỡ các mục tiêu về tiêm chủng. Ngoài ra, chính phủ các nước cần thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả của vaccine, xóa tan những lo ngại về việc tiêm chủng và khuyến khích người dân đưa trẻ đi tiêm phòng./.
Những bệnh chết người trỗi dậy khắp thế giới
Năm 2019 đánh dấu sự trở lại của bệnh bại liệt, dịch hạch... ở nhiều quốc gia, sau hàng chục năm WHO tuyên bố gần như xóa sổ chúng.
Những căn bệnh đã được phòng ngừa hiệu quả toàn cầu nhờ vắcxin, song virus có nguy cơ kháng thuốc và tái bùng phát mạnh mẽ. Làn sóng bài xích vắcxin và các biến chủng virus là những nguyên nhân chính khiến bệnh dịch quay trở lại.
Video đang HOT
Bệnh bại liệt
Chiến dịch loại trừ bệnh bại liệt toàn cầu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai vào năm 1998. Từ đó đến nay, các ca bệnh giảm hơn 99%. Năm 2018, WHO ước tính số trường hợp bại liệt giảm chỉ còn 33 ca.
Tuy nhiên, căn bệnh vẫn tồn tại ở các quốc gia nhỏ. Mới đây, bại liệt trở lại Pakistan và Malaysia do sự xuất hiện của các chủng virus bại liệt mới.
Chỉ trong vòng ba tháng kể từ ngày 14/9, Philipines ghi nhận 8 trường hợp bại liệt. Nước này đã có 19 năm loại trừ virus bại liệt. Chưa đầy một tháng sau, ngày 8/12, một em bé sơ sinh tại Malaysia được xác định mắc bệnh bại liệt. Đây là bệnh nhân bại liệt đầu tiên ở Malaysia sau gần 30 năm tiêu diệt hoàn toàn căn bệnh này.
Noor Hisham, quan chức Bộ Y tế Malaysia nhận định, việc các bậc cha mẹ chủ quan đối với một căn bệnh tưởng chừng đã biến mất và không đưa con cái đi tiêm vắcxin trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, các quan điểm đạo đức của cộng đồng Hồi giáo liên quan đến vấn đề tiêm chủng cũng cản trở công tác ngăn ngừa dịch bệnh.
Bệnh dịch hạch
Bệnh dịch hạch lây truyền cho người chủ yếu từ các loài gặm nhấm. Ảnh: Shuttersock.
Dịch hạch từng là nỗi ám ảnh của châu Âu vào thế kỷ 14. Được biết đến với tên gọi "cái chết đen", căn bệnh đã "quét sạch" 30-60% dân số châu lục này vào thời ấy. Giai đoạn 1346-1350, bệnh dịch hạch lây lan với tốc độ chóng mặt.
Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn trong cơ thể động vật gặm nhấm gây ra. Ở người, bệnh bao gồm thể hạch, nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và màng não. Trong đó thường gặp nhất là thể phổi.
Các nhà khoa học đã tìm được vắcxin phòng chống căn bệnh nguy hiểm này và chặn được lây lan, còn diệt trừ được virus. Tuy nhiên, sau hàng chục năm biến mất tại một số quốc gia trên thế giới, dịch hạch đang có xu hướng quay trở lại.
Trong nửa tháng kể từ ngày 12/11, Trung Quốc ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, hầu hết là ở khu vực Nội Mông. Trước đó, căn bệnh gần như bị xóa sổ khỏi nước này.
Mỹ cũng cảnh báo nguy cơ dịch hạch bùng phát sau hàng chục năm biến mất. Vào năm 2017, Mỹ phát hiện giống bọ chét mang trực khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch. Sở Y tế Navajo đã khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với động vật mang bọ chét và không thả rông thú cưng.
Bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu từng là cơn ác mộng đầu thế kỷ 20, gây nhiều đợt dịch chết hàng nghìn người, nhất là trẻ em. Hơn 15.000 người Mỹ đã chết vào năm 1921 do bạch hầu.
Sau khi vắcxin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào tiêm chủng từ năm 1923, căn bệnh không còn là mối đe dọa toàn cầu. Ở Việt Nam, khi chưa có vắcxin, bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở các tỉnh, tỷ lệ cứ 100.000 dân thì có 3,95 người bệnh bạch hầu, theo số liệu năm 1985 của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Về sau, khi thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng trong đó có vắcxin bạch hầu, tỷ lệ này đã giảm chỉ còn 0,14 người bệnh trong 100.000 người.
Trên thế giới, quan điểm không tiêm văcxin cùng những biến động xã hội ở các nước Đông Âu những năm 80 khiến tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bệnh bạch hầu đã bùng phát trở lại gây những đại dịch ở Nga, Ukraina những năm 90. Hơn 39.000 người Nga mắc bạch hầu năm 1994 trong đó 1.100 người chết, 3.000 người Ukraina nhiễm bệnh...
Gần đây bệnh bạch hầu xuất hiện ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Năm 2017, 6 người tị nạn tại Bangladesh đã chết sau khi mắc bệnh bạch hầu, Yemen cũng ghi nhận 30 trường hợp tử vong. Nước ta hai năm qua ghi nhận một số ổ dịch bạch hầu tại vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum...
Người bệnh có các biểu hiện ban đầu như mệt mỏi, đau họng và sưng hạch bạch huyết. Vi khuẩn nhiễm vào máu có thể gây suy tim và tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Vắcxin bạch hầu cần được tiêm phòng nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Bệnh sởi
Dịch sởi bùng phát trở lại chủ yếu do làn sóng "tẩy chay vắcxin". Ảnh: Pediatric of Florence.
Năm 2016, hơn 50 năm kể từ khi liều vắcxin đầu tiên được sử dụng, WHO tuyên bố bệnh sởi bị xóa sổ khỏi châu Mỹ. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, WHO ghi nhận số ca bệnh tăng lên 167%. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết có 1.200 ca mắc sởi, con số cao nhất kể từ năm 1992.
Năm ngoái, toàn thế giới có gần 10 triệu người mắc bệnh sởi, 140.000 trường hợp tử vong, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm vắcxin. Tính đến tháng 11 năm nay, số ca sởi tăng gấp ba lần so với cùng kỳ 2018, theo dữ liệu của WHO.
Các nước bị ảnh hưởng mạnh nhất trong thời gian qua là Liberia, Ukraine, Cộng hòa Dân chủ Congo, Madagascar và Somalia.
Dịch sởi bùng phát trở lại chủ yếu do làn sóng "tẩy chay vắcxin" của một số phụ huynh. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh sởi chững lại trong gần một thập kỷ. Tedros Adhanom Ghebreysus, Tổng giám đốc WHO phát biểu: "Việc để trẻ em tử vong vì một căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin như sởi là thực tế đáng phẫn nộ, là sự thất bại trong công tác bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất".
Thục Linh
Theo CNN, New York Times, Huffington Post/VNE
Duy trì tiêm chủng thường xuyên để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh Sau thời gian tạm hoãn để phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 23-4, việc tiêm chủng thường xuyên được tổ chức trở lại. Các tỉnh, thành phố bám sát diễn biến dịch Covid-19, triển khai tiêm chủng giúp trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ và không để xảy ra các bệnh dễ gây ra dịch. Nhiều địa phương đã triển...