Đại biểu yêu cầu tìm nguyên nhân năng suất lao động Việt quá thấp
Nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ cần mổ xẻ vì sao năng suất lao động của Việt Nam đứng cuối bảng trong khu vực, từ đó tìm giải pháp để có được năng suất cao nhất.
Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) gần đây cho thấy, năng suất lao động của người Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á – Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, đó vẫn là một khoảng cách lớn.
Nhắc lại thông tin này tại buổi thảo luận tổ ngày 21/10, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng “cần giải mã điều này, để năng suất như thế không ổn”. Chính phủ cần giải trình vì sao năng suất lao động lại thấp và tăng chậm. “Các nước tiến lên còn mình thụt lại. Đây là dẫn chứng cho thấy giữa báo cáo và thực tiễn là khoảng cách lớn. Các báo cáo chỉ nêu &’năng suất lao động thấp và có xu hướng tăng chậm’ mà không có sự so sánh, lý giải”, đại biểu Tâm nhấn mạnh.
Đề cập việc Việt Nam đứng ở cuối bảng về năng suất lao động, đại biểu Lê Minh Thông cho rằng, Chính phủ phải tìm rõ vì sao năng suất lao động lại thấp. Đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế mà năng suất lao động không có thì lãng phí. “Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận năng suất lao động một cách nghiêm túc là yếu ở khâu nào, từ đó tìm ra cách tổ chức sản xuất như thế nào để có thể cải thiện. Không phân tích, mổ xẻ kỹ thì khó tìm giải pháp thực tế”, đại biểu Minh Thông nói.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: N.Phương.
Thừa nhận thực trạng năng suất lao động của người Việt thấp, tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân, chuyên gia về kinh tế, lại có cái nhìn khá lạc quan. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ngày 22/10, ông Ngân chia sẻ: “Năng suất lao động của mình thấp hơn các nước cũng đừng lấy làm bức xúc vì đó là tính bình quân. Có người làm nhiều, có người làm ít, còn người Việt Nam mình rất trí tuệ”.
Lý giải cho quan điểm của mình, đại biểu này cho biết, năng suất lao động được tính bằng cách lấy GDP chia cho lực lượng lao động. GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.191 đôla, trong khi Phillippines vào khoảng 2.500, Indonesia 3.600, Thái Lan khoảng 5.800…
Lực lượng lao động của Việt Nam là 54 triệu người, một nửa là lao động nông nghiệp, số có ký hợp đồng chính thức rất thấp. Với lao động nông nghiệp, một người có khi một ngày làm một giờ, gặp mùa mưa không đi làm, có khi nghỉ chơi Tết cả tháng. Vì thế nói năng suất lao động của người Việt rất khó.
“Nếu đi thi, sẽ thấy chúng ta được huy chương vàng, năng suất lao động rất tốt, nhưng tính bình quân thì lại rất thấp, tức là thống kê có vấn đề. Có người không lao động, nội trợ nhưng vẫn thống kê là lao động, lao động một giờ vẫn thống kê là lao động cả một ngày. Lao động phi chính thức ở nước ta rất nhiều, do đó chỉ số thất nghiệp rất thấp vì ai cũng lao động”, đại biểu Hoàng Ngân phân tích.
Video đang HOT
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: “Tăng lương để tăng năng suất lao động”. Ảnh:Thanh Thanh.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, kiến nghị cần tăng lương để tăng năng suất. Trong tình hình năng suất lao động thấp như hiện nay thì Chính phủ cần ưu tiên chi cho tăng lương.
“Đây không chỉ là mong muốn của riêng tôi mà của nhiều đại biểu. Tái cơ cấu nền kinh tế mà không tái cơ cấu nhân lực, không bù đắp đủ chi phí cho con người, không làm cho con người có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động thì không có điều kiện tăng năng suất”, Phó chủ nhiệm Lợi nhấn mạnh.
Chia sẻ với VnExpress trước đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ ra 4 nguyên nhân của thực trạng năng suất lao động thấp. Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp của Việt Nam chưa đến 20% trong khi của Singapore là gần 80%.
Thứ hai, công nghệ chủ yếu ở trình độ thấp, công nghệ cơ khí và sử dụng nhiều lao động. Lấy ví dụ cùng sản xuất một mặt hàng nhưng nhà máy của Trung Quốc sản xuất trên dây chuyền cơ giới hóa, tự động hóa thì chỉ cần ít lao động.
Thứ ba, trình độ quản lý lao động của Việt Nam kém. Người ở vị trí quản lý không có đủ kỹ năng nhận biết người này giỏi hơn thì thu nhập cao hơn mà tất cả mọi người đều cào bằng ở mức thu nhập như nhau. Như vậy thì người lao động không có động lực làm việc.
“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất ngạc nhiên là tại sao sau bao nhiêu năm một người được tuyển về năng suất lao động không tăng. Ví dụ vừa vào họ may được 20 sản phẩm thì 3 năm sau họ vẫn chỉ may được bằng đấy sản phẩm, không tăng”, bà Hương nói.
Nguyên nhân thứ tư là sự luân chuyển lao động rất cao. Có thời điểm một nhà máy một ngày phải tuyển tới 500 người, cứ tuyển vào, đào tạo rồi công nhân lại đi, lại tuyển mới vào. Như thế, năng suất lao động không thể cao được.
Ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng Kỹ năng nghề, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, ngoài tiến bộ công nghệ, khoa học kỹ thuật thì thể trạng, sức khỏe, độ bền của người lao động cũng ảnh hưởng đến năng suất.
Ông Đại dẫn chứng trong cuộc thi tay nghề khu vực ASEAN, xét về chuyên môn, Việt Nam bao giờ cũng đứng trong top 3, nhưng độ kéo dài, sức bền, làm việc cường độ lớn lại kém. Thiếu kỹ năng mềm cũng là điểm yếu lớn nhất của lao động Việt Nam. Giao tiếp không thành thục, truyền đạt thông tin kém, tuân thủ quy trình lao động không tốt, ngoại ngữ kém… đều dẫn đến giảm năng suất.
Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật Dạy nghề sửa đổi trong kỳ họp này. Dự thảo luật nhấn mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo lao động thông qua các chương trình ưu đãi thuế.
Theo thống kê của ILO, tốc độ tăng của năng suất lao động giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm – mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%.
Nam Phương
Theo VNE
Lãnh đạo TP HCM truy nguyên nhân ngập
"Làm việc tắc trách như thế này là có lỗi với dân lắm các đồng chí ơi", Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín nói khi truy vấn các sở, ngành nguyên nhân xuất hiện nhiều điểm tái ngập mà không đơn vị nào trả lời được.
Cuộc họp bàn về giải pháp chống ngập cấp bách trên địa bàn giữa Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín với các sở, ngành và quận huyện chiều 21/10 "nóng" hẳn vì tình hình ngập nước nghiêm trọng trong những ngày giữa tháng 10 vừa qua.
"Từ đầu nhiệm kỳ, tính toán vùng trung tâm thành phố còn 58 điểm ngập. Năm 2013, sở ngành báo cáo đã xử lý được 47 điểm. Và chúng ta hứa với nhau đến cuối năm nay và năm sau nữa xóa ngập hoàn tất 11 điểm còn lại. Bây giờ qua đợt mưa vừa rồi thì có bao nhiêu điểm tái ngập, có phát sinh điểm mới nào không?", ông Tín đặt câu hỏi ngay đầu cuộc họp.
Trong số 47 điểm ngập ở khu trung tâm TP HCM đã được xóa đã có 14 điểm tái ngập. Ảnh: An Nhơn.
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Hoàng Minh cho biết hiện có 14 điểm tái ngập, song không nắm được bao nhiêu điểm ngập mới. Lập tức ông Tín yêu cầu ông Minh ngồi xuống và đề nghị Trung Tâm chống ngập trả lời. Phó giám đốc Trung tâm chống ngập thành phố Nguyễn Hoàng Anh Dũng nói: "Số điểm phát sinh mới là 2.
"Như vậy là 14 điểm tái ngập, 2 điểm ngập mới cộng với 11 điểm cũ chưa xóa xong nữa tổng cộng là 27 điểm", vị Phó Chủ tịch phụ trách khối giao thông đô thị nói và cho biết thêm rằng ông sẽ đi kiểm tra tính toán con số điểm ngập nói trên.
Theo Trung tâm chống ngập, do việc thi công chặn dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm gây 5 điểm ngập, còn 9 điểm ở quận Bình Thạnh do mưa quá lớn, vượt tần suất (hơn 100 mm). "Trước, chúng ta xử lý ngập ở khu vực này bằng biện pháp cấp bách, căn cứ vào lượng mưa trung bình để xử lý. Bây giờ mưa lớn quá nên bị ngập", ông Dũng nói.
Nghe cách giải thích của ông Dũng, ông Tín ngắt lời: "Vì sao không điện lên ông trời mà hỏi trước để tìm giải pháp mà để ổng mưa bất tử vậy rồi sao mà đỡ được? Hỏi ổng năm nay mưa kiểu gì để chuẩn bị. Nay mưa Bình Thạnh, mai mưa Gò Vấp... vấn đề là phải tìm ra nguyên nhân để xử lý chứ nói như thế thì vô phương rồi lại đổ thừa nhau?".
Ông Dũng cho rằng nguyên nhân do trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè chưa hoạt động vì chưa có điện. Lập tức, ông Tín quay sang truy Chủ tịch quận Bình Thạnh thì được trả lời rằng "do vướng một hộ dân chưa giải tỏa được nên chưa thể bàn giao mặt bằng cho điện lực".
"Không lẽ chỉ vì một hộ dân mà làm ngập bao nhiêu tuyến đường rồi ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ khác hay sao?", ông Tín hỏi.
Chủ tịch quận Bình Thạnh cho biết trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ có tác dụng khi mưa kết hợp với triều cường cùng lúc nhưng hôm mưa lớn (ngày 16/9), vũ lượng hơn 100 mm trong một tiếng, các tuyến đường ở quận Bình Thạnh đều ngập nhưng ở các kênh rất thấp, hệ thống cống không thoát kịp nước trên đường.
"Như vậy nguyên nhân không phải do trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ông Dũng nói tôi nghe xem, nguyên nhân là gì?", ông Tín tiếp tục truy Trung tâm chống ngập.
Không trả lời trực tiếp câu hỏi của lãnh đạo thành phố, ông Dũng cho rằng đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) cũng vừa mới xây hệ thống cống xong nhưng cũng bị ngập. Ông Tín truy: "Vậy nguyên nhân vì sao mà vừa đầu tư xong đã ngập?". Tuy nhiên, ông Dũng im lặng.
"Các đồng chí ơi, làm việc như thế này tắc trách lắm, có lỗi với dân lắm. Tiền của nhà nước bỏ ra mà giờ báo cáo mấy ông nói vậy, không ông nào nắm được nguyên nhân vì sao ngập thì làm sao mà đi tìm giải pháp?", ông Tín gay gắt.
Lúc này, lãnh đạo Trung tâm chống ngập tiếp tục cho biết nguyên nhân chính là do hầu hết các tuyến cống tại thành phố đều được thiết kế theo tiêu chuẩn của quy hoạch 752 năm 2001 (khi lượng mưa trên 75-85 mm sẽ không kịp thoát), không còn phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo ông Tín, nếu đặt vấn đề hệ thống cống thoát nước thành phố đầu tư theo tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch 752 không còn phù hợp thì rất nguy hiểm. Đây là việc rất quan trọng bởi hàng trăm km cống đã xây dựng xong, không thể tháo lên hết để làm lại. Vì vậy cần phải có điều tra, thẩm định nghiêm túc không thể vội vàng kết luận như vậy.
Kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín đề nghị Sở GTVT, Trung tâm chống ngập trong vòng 10 ngày tới phải báo cáo với UBND thành phố giải pháp chống ngập cấp bách đối với 14 điểm tái ngập, 2 điểm phát sinh mới và 11 điểm chưa giải quyết. Riêng Sở GTVT cần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia để tìm biện pháp chống ngập.
Ông Tín cũng cho biết, trước mắt thành phố sẽ làm 4 hồ điều tiết gồm hồ Khánh Hội (quận 4), Thủ Thiêm, hồ chứa nước kênh Ba Bò (Thủ Đức) và hồ ở Bình Chánh. Ngoài ra, vị Phó chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chống ngập bổ sung thêm máy bơm túc trực tại các điểm ngập để tăng cường bơm thoát nước. Lộ trình đến năm 2015 phải xử lý dứt điểm 27 điểm ngập này.
Trung Sơn
Theo VNE
Tiếp tục đốc thúc tái cơ cấu Vinalines Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines tiếp tục thực hiện việc thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp. Chỉ đạo về tình hình sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ,...