Đại biểu Quốc hội: Việc chặt hạ cây xanh của Hà Nội có vấn đề!
ĐBQH Bùi Thị An thẳng thắn cho rằng, chủ trương chung là thay thế và bổ sung cây xanh chứ không phải là đốn hạ hàng loạt như cách mà TP Hà Nội đang làm. Rõ ràng phải xem lại quan điểm và cách tổ chức thực hiện của UBND TP Hà Nội có bị lệch mục tiêu không?
Vừa qua, Hà Nội đã bắt đầu tiến hành chặt và thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố ở 10 quận nội thành gây xôn xao dư luận. Ngày 20/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chính thức chỉ đạo dừng việc chặt hạ cây xanh trên một số tuyến phố để rà soát, phân loại, đưa ra các tiêu chí cụ thể.
Nhiều người đi đường trên vỉa hè này tới đây không còn một bóng mát.
Trao đổi với PV, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng: “Tôi hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu UBND TP Hà Nội. Nếu như các đồng chí ấy lắng nghe dân, rà soát, kiểm tra một cách cẩn thận thì vấn đề thay thế cây xanh sẽ hiệu quả hơn nhiều”.
ĐBQH Bùi Thị An cho rằng cách tổ chức thực hiện đốn hạ 6.700 cây xanh của UBND TP.Hà Nội có vấn đề.
ĐBQH Bùi Thị An cũng nói rõ: “Chủ trương là thay thế cây xanh và bổ sung chứ không phải là chặt đốn hàng loạt như vậy. Cũng phải nói thêm rằng, tới đây khi TP Hà Nội được công nhận là “Thành phố Hòa Bình” thì yếu tố cây xanh là vấn đề rất quan trọng. Do vậy, không thể thực hiện một cách vội vàng được”.
“Thay thế cây sâu, mọt là cần thiết nhưng phải nghiên cứu rất kỹ cây nào cần thay vì để cây có bóng mát là rất lâu, không dễ tí nào. Có những tuyến phố có nhiều cây xà cừ đứng hàng bao năm nay nay. Phải biết rõ trong một tuyến phố cụ thể hiện giờ có bao nhiêu cây, gồm loại cây nào, cây nào đang sống khỏe, cây nào có hiện tượng sâu mọt, cây nào rễ đang lung lay? Do đó phải có khảo sát, trên cơ sở đó mới thay thế. Nếu làm đồng loạt mà không hiệu quả sẽ rất khó khăn”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Cũng theo lời bà An, Thủ đô Hà Nội là của cả nước chứ không riêng người Hà Nội vì vậy phải lắng nghe ý kiến người dân.
“Phải truy trách nhiệm các cơ quan quá vội vàng trong việc này. Nếu UBND TP.Hà Nội giao cho Sở Xây dựng thì Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm. Tôi nói rõ là truy trách nhiệm rõ ràng chứ không thể đổ lỗi tại nhà tài trợ nôn nóng chặt cây được”, bà An nói.
Cùng bàn về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, người đã tham gia thẩm tra Luật Thủ đô trước khi trình Quốc hội ban hành cho biết: Việc UBND TP Hà Nội cho phép chặt hạ ồ ạt cây xanh trong thời gian qua là có biểu hiện vi phạm quy định của Luật Thủ đô.
Video đang HOT
Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, việc Hà Nội cho phép chặt hạ ồ ạt cây xanh có biểu hiện vi phạm quy định của Luật Thủ đô.
Theo ông Cương, Điều 14 Luật Thủ đô đã quy định rất rõ việc quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
Đặc biệt tại khoản 2 Điều này quy định: “Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng, sai chức năng, mục đích”.
“Quy định là như vậy nhưng Hà Nội lại cho lập dự án chặt hàng loạt cây xanh. Phải chăng đó là hành vi vi phạm pháp luật?”- ông Cương đặt vấn đề.
Hơn nữa, tại Điều 10 Luật Thủ đô quy định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị đã nêu rõ: “UBND TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị phù hợp với điều kiện thực tế để lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Nhưng cho đến nay, đã gần 2 năm kể từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực (01/7/2013) Hà Nội vẫn chưa thực hiện quy định này (?!).
“Cần phải nói rõ việc chặt hạ cây xanh hoàn toàn khác với việc chặt, tỉa cây xanh trước mùa giông bão mà từ xưa đến nay vẫn làm. Việc chặt bỏ, thay thế một số lượng lớn cây xanh phải được hiểu trong nội hàm “tái thiết đô thị” tại các quận trung tâm Hà Nội mà Hà Nội phải trình Thủ tướng xem xét, quyết định chứ không được tự ý làm” – ông Cương phân tích.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần có ý kiến về việc này.
“Nếu việc chặt hạ hàng loạt cây xanh được xác định là vi phạm quy định của Luật Thủ đô thì cần kiểm điểm trách nhiệm và xử lý các cá nhân có liên quan của Hà Nội” – ông Cương nói thêm.
Theo PetroTimes
Lá phổi của thành phố tổn thương
Đường Nguyễn Chí Thanh đẹp nhất Thủ đô nay trống trải... Phố Quang Trung nhiều bóng mát cũng trở nên trơ trọi, các cây sao mới chỉ có cành trơn được trồng thế chỗ cây lâu năm...
Kế hoạch chặt, thay thế 6700 cây xanh của UBND TP Hà Nội mới triển khai đã phải tạm dừng. Nhiều tuyến phố trót chặt cả những cây tươi tốt nay vẫn còn ngổn ngang, diện mạo đã bị thay đổi nhiều.
Đường Nguyễn Chí Thanh đẹp nhất Thủ đô nay trống trải. Phố Quang Trung nhiều bóng mát cũng trở nên trơ trọi, các cây sao mới chỉ có cành trơn đang được trồng thế chỗ cây lâu năm...
Chỉ trong vài ngày, hàng trăm cây xanh biến mất, bóng mát không còn, lá phổi của thành phố tổn thương. Người dân tiếc cho một Hà Nội thân thuộc gắn liền với màu xanh cây cỏ đã in đậm trong tâm trí và thơ ca, mà phải nhiều năm nữa bóng mát mới có thể xanh trở lại.
Trên phố Quang Trung các cây sao mới đang được công nhân trồng lại, thay thế cho những cây phượng, muồng, xà cừ vừa chặt bỏ.
Một đoạn phố với những cây trồng mới chỉ có thân cành làm trơ lộ bê - tông của những ngôi nhà.
Ở vị trí của cây sao mới được trồng trên phố Quang Trung, trước là một cây muồng tươi tốt với tán rộng sum suê che nắng hàng ngày cho trường trông trẻ nhỏ, rất nhiều người dân quanh khu vực đã vô cùng tiếc nuối khi cây đột ngột bị chặt.
Ông Tạ Văn Hùng sinh ra và lớn lên ở phố Quang Trung đang chăm chút một cây nhỏ mới được trồng. Ở vị trí này trước là một cây bàng khoảng 20 năm tuổi có tán rộng và rất mát vừa bị chặt bỏ.
Ông Hùng cho biết, ông và người dân ở phố Quang Trung rất ngạc nhiên trước việc nhiều cây lâu năm đang tươi tốt và cho bóng mát suốt cả phố bỗng nhiên bị chặt và thay thế, ai cũng cảm thấy tiếc.
Hàng cây được cho là cây vàng tâm mới được trồng thay thế hàng cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh. Hiện nay có ý kiến của một số chuyên gia cho rằng không phải cây vàng tâm mà thực ra là cây gỗ mỡ, không có giá trị và không phù hợp là cây đô thị.
Diện mạo mới một đoạn phố Nguyễn Chí Thanh sau khi được trồng loạt cây mới.
Sẽ phải còn rất lâu nữa con đường này mới có thể xanh mát trở lại sau kế hoạnh chặt, thay mới cây này.
Những rễ cây bị chặt vẫn còn ngổn ngang trên đường.
Những hố trồng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh đang chờ trồng cây mới.
Có rất nhiều công trình nằm dưới lòng đất chạy suốt tuyến đường Nguyễn Chí Thanh sát những hố trồng cây.
Theo Dân Trí
Những câu hỏi chưa trả lời tại họp báo về chặt cây xanh Ngày 20-3, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo về vụ chặt hàng ngàn cây xanh. Hơn 20 câu hỏi được đặt ra nhưng đều không được người chủ trì họp báo phản hồi. Chặt hạ cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) - Ảnh: V.Dũng Chiều 20-3, ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội...