Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: ‘Tổng sản phẩm địa bàn TP.HCM sụt giảm kỷ lục’
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 12 sáng 6-10, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân thông tin về tình hình kinh tế – xã hội của TP.HCM và định hướng hỗ trợ, gói an sinh.
Theo đó, dịch bệnh khiến tổng sản phẩm địa bàn TP (GRDP) sụt giảm kỷ luc.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân thông tin nhiều mặt về kinh tế, xã hội, phòng chống dịch bệnh của TP.HCM đến cử tri quận 12
Hầu hết các cử tri đều bày tỏ sự lo lắng về nhiều mặt đời sống, kinh tế – xã hội từ hậu quả dịch bệnh, và kiến nghị với đại biểu Quốc hội về các chính sách hỗ trợ, an sinh cho người dân, hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp.
Cử tri kiến nghị Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn để miễn giảm học phí, miễn giảm tiền điện, nước, giảm lãi suất và giãn tiến độ trả lãi ngân hàng, hoãn nộp thuế…
Thay mặt cho Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã thông tin đến cử tri về tình hình phòng chống dịch bệnh của TP.HCM và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội của TP.HCM.
Theo ông Ngân, dịch bệnh kéo dài đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể, đặc biệt là hộ kinh doanh cá thể… Tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) trong quý 3-2021 sụt giảm hơn 24,39%, còn tính chung 9 tháng năm 2021 thì sụt giảm 4,98%.
“Chưa bao giờ kinh tế TP sụt giảm đến mức như thế, là kỷ lục chưa từng có. TP.HCM đóng góp khoảng 22% GDP cả nước, đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước. TP khó khăn thì cả nước cũng khó khăn” – ông Ngân nhận định.
Bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh, TP cùng cả nước đang triển khai từng bước phù hợp để phục hồi sản xuất, kinh tế. Khó khăn kinh tế từ dịch bệnh đã đặt ra rất nhiều thách thức cho TP cũng như Chính phủ, khi rất nhiều khoản chi đầu tư, chi hỗ trợ, chi gói an sinh… song hành với việc chống lạm phát.
“Muốn tăng cường hỗ trợ, tăng cường gói an sinh xã hội thì phải có tiền. Tuy nhiên dịch bệnh làm cho kinh tế suy giảm, nguồn thu không có, thuế thì ngưng lại, chậm nộp… Việc này đặt ra yêu cầu cho Chính phủ phải thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, nhưng chặt chẽ để vừa bảo đảm hỗ trợ, an sinh xã hội nhưng vừa phải kiểm soát được lạm phát vì nếu xảy ra lạm phát thì chính sách hỗ trợ, an sinh cho người dân sẽ không có nhiều ý nghĩa” – ông Ngân phân tích.
Một vấn đề cử tri cũng rất quan tâm là chăm lo cho người lao động, bảo đảm giãn cách. Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định chính quyền TP cũng rất quan tâm và đã có kế hoạch về tổ chức, lo nhà ở cho người lao động nhằm bảo đảm giãn cách, an toàn dịch bệnh trong lao động, sản xuất ở điều kiện, hoàn cảnh mới….
“Tổ đại biểu Quốc hội hứa tiếp thu tất cả ý kiến cử tri để chuyển tải đến nghị trường Quốc hội tại kỳ họp sắp tới cũng như các cơ quan chức năng liên quan, nhất là chính sách hỗ trợ, an sinh …”, ông Ngân nói.
Cần hỗ trợ người dân ở lại TP.HCM để phục hồi kinh tế
Ngày 5.10, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) số 6 thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM gồm ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM và ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, tiếp xúc cử tri Q.Bình Tân trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh NGUYÊN VŨ
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, Q.Bình Tân là một trong những địa bàn phức tạp nhất TP với số ca mắc và số ca tử vong cao nên đa số ý kiến cử tri tập trung vào vấn đề phòng chống dịch cũng như quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động.
Nhiều cử tri đề nghị TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ người dân ở lại để khôi phục nền kinh tế và tạo đà phát triển thời gian tới. Trong trường hợp người dân vẫn quyết tâm về quê thì các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn thống nhất để người dân về theo từng đợt, an toàn, trật tự và phù hợp với năng lực tiếp nhận của địa phương.
Bản tin Covid-19 ngày 5.10: Dịch vụ ở TP.HCM "rón rén" mở cửa | Các địa phương tiếp tục hỗ trợ dòng người về quê
Thay mặt tổ đại biểu trả lời cử tri, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho biết về vấn đề phục hồi kinh tế, nhiều nước trên thế giới dành khoảng 10% GDP để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cao hơn nhiều lần so với mức 2% của VN. Hiện T.Ư, Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp để ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế thời gian tới.
Về công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nhân cho biết TP.HCM sẽ tổng kết 4 tháng phòng chống dịch nhằm đúc rút kinh nghiệm và biểu dương những đóng góp của các lực lượng tham gia. Hiện TP đã bước vào cuộc sống bình thường mới. Nhìn nhận tỷ lệ bao phủ vắc xin giữ vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định, ông Nhân thông tin TP đã đề nghị T.Ư sớm phân bổ thêm vắc xin để bao phủ mũi 2 cho người dân.
Cùng ngày, Tổ ĐBQH TP.HCM số 4 và Tổ ĐB HĐND TP.HCM số 11 cũng tổ chức tiếp xúc cử tri Q.10. Nhiều ý kiến cử tri xoay quanh vấn đề quy hoạch chung cư cũ, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với một số khu chung cư, nhà đất thuộc quản lý của cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí...
Khó quản lý giá kit xét nghiệm nếu không đưa vào luật Theo chuyên gia, để quản lý tình trạng loạn giá như hiện nay cần thiết có văn bản pháp lý điều chỉnh. Nếu chưa thể ban hành luật thì áp dụng kinh nghiệm như một số nước. Trong khi nhu cầu xét nghiệm Covid-19 ở nhiều tỉnh, thành đang rất lớn để chuẩn bị cho lộ trình nới lỏng bước vào trạng thái...