Đại biểu Quốc hội tán thành phê chuẩn hai Công ước của LHQ
Tại phiên thảo luận chiều nay 4/11, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành với việc Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Các tình nguyện viên giúp đỡ người khuyết tật sau khi nhận xe lăn mới. Ảnh minh họa. (Ảnh Nguyễn Công Hải/TTXVN)
Công ước Quyền của người khuyết tật là một điều ước quốc tế về nhân quyền. Công ước xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước nhằm bảo vệ và đẩy mạnh các quyền này.
Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay của Nhà nước là rất quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền.
Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Khi phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật, Chính phủ kiến nghị không bảo lưu điều khoản nào của Công ước và kiến nghị nên tuyên bố như sau: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật phù hợp với pháp luật trên tất cả các lĩnh vực bình đẳng như người không có khuyết tật.”
Nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng nhất là việc đưa các quy định của Công ước đi vào cuộc sống. Đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La) đề nghị cần nghiên cứu để đảm bảo quyền tiếp cận của người khuyết tật đối với môi trường vật chất, giao thông, thông tin và truyền thông.
Video đang HOT
Điều này sẽ đòi hỏi phải thúc đẩy việc thực hiện lộ trình cải tạo môi trường vật chất, giao thông, thông tin và truyền thông theo quy định của Luật Người khuyết tật đồng thời nâng cấp các công trình cũ để đáp ứng yêu cầu của Công ước.
Để đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Quyền của người khuyết tật vào thực tiễn, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình công cộng theo quy định tại Luật Người khuyết tật để phù hợp với quy định tại Điều 9 của Công ước.
Tăng cường hơn nữa việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hoà nhập, giáo dục bán hoà nhập người khuyết tật. Xây dựng quy định cụ thể về giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp….
Việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó khẳng định mọi người có quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Điều 20).
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng không những đối với công tác bảo vệ và thực thi quyền con người tại Việt Nam mà còn góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam.
Với việc trở thành thành viên đầy đủ của Công ước chống tra tấn, chúng ta có thêm điều kiện tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế và tham gia hiệu quả hơn vào các thiết chế bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc.
Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn càng có ý nghĩa khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc ghi nhận và đảm bảo thực thi các quy định và chuẩn mực của Liên hợp quốc về nhân quyền đồng thời việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn giúp Việt Nam có điều kiện tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể là quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người cho phù hợp hơn với Công ước và các quy chuẩn chung của pháp luật quốc tế về quyền con người.
Nhiều ý kiến cho rằng việc trở thành thành viên chính thức của Công ước cũng đặt ra yêu cầu về việc nội luật hóa một số quy định của Công ước cũng như tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước trong việc thực thi đầy đủ các quy định của Công ước.
Theo chương trình, sáng mai 5/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề./.
Theo Vietnam
Nhà nước Hồi giáo tra tấn trẻ em ở Kobani
Tổ chức Giám sát Nhân quyền hôm qua cho biết phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã hành hạ, tra tấn một nhóm thiếu niên từ thị trấn Kobani, Syria chúng bắt cóc nửa năm trước.
Trẻ em người Kurd sơ tán cùng gia đình tại một trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo bao vây thị trấn Kobani. Ảnh: AnadoluAgency
Một nhóm gồm 153 học sinh tháng 5 bị Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt làm con tin lúc đang trên đường trở về thị trấn Kobani sau khi đến thành phố Aleppo dự thi, AFP dẫn thông tin từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho hay. IS trả tự do cho 25 con tin vào cuối tháng 10.
Nhóm phiến quân ép lũ trẻ, từ 14 đến 16 tuổi, cầu nguyện 5 lần một ngày và đánh đập những ai tìm cách bỏ trốn hoặc có kết quả kém trong những bài học tôn giáo bắt buộc, HRW cho biết thêm.
4 bé trai được thả và đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ kể về việc bị IS đánh bằng dây cáp, ống nước, buộc phải xem những video nhóm phiến quân trên chiến trường và chặt đầu con tin.
"Những ai không thích ứng được với chương trình đều bị đánh. Chúng đánh bọn cháu bằng ống nước màu xanh lá cây hoặc dây cáp dày có lõi kim loại. Chúng còn đánh vào lòng bàn chân bọn cháu...", một cậu bé nói. "Chúng bắt bọn cháu học những đoạn thơ trong kinh Koran và đánh những ai không học. Chúng sẽ đối xử tệ hơn, trừng phạt toàn bộ bọn cháu và cung cấp ít thức ăn hơn mỗi khi có người tìm cách bỏ trốn".
Trẻ nào có gia đình thân thiết với các tay súng người Kurd đang bảo vệ Kobani bị bọn bắt cóc tách ra khỏi nhóm. Những kẻ bắt cóc gồm thành phần đến từ Syria, Jordan, Libya, Tunisia và Arab Saudi. "Chúng đòi các bạn ấy cung cấp địa chỉ gia đình, anh em họ, chú bác và nói 'khi tới Kobane, bọn tao sẽ bắt rồi chặt đầu chúng'", một cậu bé khác kể lại.
Nhóm 4 cậu bé không giải thích lý do được IS thả ngoài việc đã hoàn thành đợt giáo dục tôn giáo của nhóm phiến quân.
IS hiện chiếm quyền kiểm soát nhiều phần lãnh thổ ở Syria và Iraq, tuyên bố thiết lập thể chế Hồi giáo Caliphate và thực hiện hàng loạt tội ác như chặt đầu, thảm sát, tra tấn và nô dịch phụ nữ cùng trẻ em. Nhóm phiến quân đã bao vây Kobani, thị trấn người Kurd cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài km, làm hơn 200.000 người phải tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.
HRW cho biết hành hạ trẻ em là một "tội ác chiến tranh theo luật nhân đạo quốc tế" và kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng có các biện pháp "ngăn sự dã man này".
Như Tâm
Theo VNE
Vượt qua đòn tra tấn suốt 5 năm nhờ sức mạnh tình yêu Nhiều người đã không hiểu nổi vì sao ông Cờ có thể sống được để về với vợ con, sau 5 năm chịu sự những đòn thù trong tù. Nhưng với riêng bản thân ông Cờ, câu trả lời đó đã có ngay trong trái tim ông, sức mạnh trong ông những ngày khốc liệt nhất ấy chính là... tình yêu của ông...